Đạo Diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi Yêu Sự Bồng Bột Của Tuổi Trẻ

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh tạo một cú đột phá bằng Hoa cỏ may - bộ phim truyền hình dài tập đầy lãng mạn về giới trẻ rồi đến Dốc tình và mới đây nhất là Đi về phía mặt trời (29 tập x 45 phút/tập, M&T Pictures và HTV phối hợp sản xuất, đang phát sóng trên HTV9 vào 18 giờ các ngày trong tuần, trừ thứ bảy). Đi về phía mặt trời là bộ phim truyền hình VN đầu tiên do chính người trẻ viết về người trẻ theo đề cương kịch bản do đạo diễn họ Lưu phác ra

. Phóng viên: Ban đầu, tên phim là Coi chừng lũ sói con, rồi đến Coi chừng lũ sói và dừng lại ở Đi về phía mặt trời. Vì sao lại có sự thay đổi này, thưa đạo diễn?

- Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Thật ra, trước Coi chừng lũ sói con, tôi đã nghĩ đến nhiều cái tên khác và trước cái tựa Đi về phía mặt trời là 8X và chiếc cầu ô thước. Tôi thích cái tên Coi chừng lũ sói con bởi nó nói thay những điều tôi cần nói: lớp trẻ bây giờ rất năng động, hiện đại, táo bạo như những chú sói hoang dã, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận thất bại. “Coi chừng” mang ý nghĩa cảnh giác và cả thán phục: Đừng xem thường tuổi trẻ. Hãy xem kìa, họ tài lắm đấy; chẳng mấy chốc họ sẽ qua mặt chúng ta. Nhưng rồi cái tên không được chấp nhận. Tôi đưa ra phương án 8X và chiếc cầu ô thước bởi nhân vật chính trong phim là các cô cậu ra đời vào những năm 80 và cũng bởi biểu tượng của tình yêu, theo tôi, không gì đẹp hơn chiếc cầu ô thước. Số phận cái tên này cũng không may mắn như những tên trước và cuối cùng cái tên Đi về phía mặt trời ra đời nhưng... không phải là của tôi!

. Kịch bản Đi về phía mặt trời do anh đưa ra đề cương và nhóm Sói con thực hiện. Anh có thấy mình hơi liều lĩnh khi cộng tác với một nhóm tác giả kịch bản trẻ măng mới chân ướt chân ráo vào đại học (19 đến 21 tuổi)? Làm việc với những bạn trẻ này có thuận lợi gì?

- Tuổi trẻ đẹp vì những hoài bão, vì khát vọng khẳng định mình và vì cả sự bồng bột, xốc nổi. Tuổi trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi ngày trước. Tôi yêu điều đó và muốn thể hiện nó trên phim. Các bạn trẻ đã cho tôi chất liệu, giúp tôi nắm bắt được tâm tư, tình cảm và ngôn ngữ của các bạn. Làm việc với các bạn tuy khá vất vả vì phần lớn chưa quen việc và vốn sống chưa nhiều nhưng tôi không cảm thấy mình liều. Chưa hài lòng, chúng tôi cùng nhau sửa lại, hỗ trợ nhau làm tốt công việc của mỗi người. Từ bộ phim này, nhóm viết kịch bản Sói con đã ra đời, ban đầu rất đông nhưng hiện giờ, chỉ 3-4 bạn trụ lại được với nghề.

. Có vẻ anh đã bắt nhịp và hòa nhập rất nhanh với môi trường điện ảnh phía Nam?

- Tôi nghĩ đó không phải là sự hòa nhập mà đơn giản chỉ là ở đây, tôi vẫn được làm những điều tôi yêu thích. Dù Bắc hay Nam, mỗi con người đều trải qua đủ mọi hỉ nộ ái ố trong cuộc sống. Có khác chăng là thái độ của từng người đối với cuộc đời. Những điều đó tạo nên cá tính và số phận của mỗi người. Vào miền Nam, tôi vẫn tiếp tục đưa những điều tôi cảm lên phim như đã từng làm trước đó.

. Có người làm phim vì muốn nổi danh, có người làm phim vì sinh kế... Sau mỗi bộ phim, anh thấy mình được gì?

- Làm phim là tôi được làm nghề và ít nhất cũng được... mua vui vài trống canh cho khán giả.

. Phim anh thường xuất hiện những gương mặt mới. Anh đã chọn diễn viên theo tiêu chí nào?

- Hợp vai, bất kể quen hay lạ. Mỗi con người tôi đã gặp trong cuộc sống đều là một cá thể riêng với những nét tính cách riêng. Không có lý do nào cứ bắt khán giả phải gặp lại những nhân vật quen thuộc với những nét diễn cũ mòn, có thể tưởng tượng ra trước khi xem. Tôi yêu sự mộc mạc, tự nhiên trong diễn xuất của những diễn viên mới. Đôi lúc, tôi có cảm giác họ không hề diễn mà đang sống cuộc đời của họ trên phim. Những diễn viên đã được khán giả biết đến khi vào phim tôi cũng sẽ phải làm lại từ đầu. Không có ranh giới giữa người cũ và người mới.

. Rất nhiều nhân vật nữ trong phim anh có cá tính rất mạnh. Có vẻ không phải chỉ nam giới mà nữ giới trong phim anh cũng là phái mạnh?

- Vẻ đẹp của mỗi người, theo tôi, nằm ở cá tính chứ không phải ở ngoại hình. Phụ nữ đẹp cũng nhờ cá tính. Và tôi làm phim như tôi đã nghĩ. Đó là lý do vì sao tôi thường chọn diễn viên theo tiêu chí hợp vai. Ngồi với một người trong 5 phút, tôi có thể biết họ có hợp vai tôi đang cần hay không.

. Vì sao phim anh thường có cái kết không trọn vẹn?

- Những cái kết trong phim tôi thường đẹp nhưng buồn. Trong các bộ phim trước đó, trong phim này và cả những bộ phim sau. Cái kết ấy đau nhưng không thể khác được vì cuộc sống vốn thế.

. Có giai đoạn anh lui về “ở ẩn” khá lâu. Phim phải chăng cũng là nơi để anh trút bỏ những gánh nặng trong cuộc sống? Sau Đi về phía mặt trời sẽ là một phim nhựa?

- Đôi lúc, tôi xem phim là nơi để giải tỏa để rồi lại thấy càng... bi kịch. Nhưng vẫn làm. Vì thói quen, vì trách nhiệm và cả vì lòng yêu nghề. Tôi luôn chờ đợi cơ hội làm phim từ một kịch bản có bối cảnh là Hà Nội mà tôi ấp ủ khá lâu.

Từ khóa » Sự Xốc Nổi Của Tuổi Trẻ