Lớp 6 - Trường THCS Phong Thạnh Tây A

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 6 HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2019-2020.

 

. BƯỚC 1: ĐỌC KỸ TẤT CẢ CÁC PHẦN CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

  • ĐỌC KỸ PHẦN TÁC PHẨM
  • ĐỌC KỸ PHẦN CHÚ THÍCH
  • ĐỌC KỸ PHẦN GHI NHỚ

BƯỚC 2: TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CÓ TRONG SÁCH GIÁO KHOA

  • TRẢ LỜI HỆ THỐNG CÁC CÂU HỎI CÓ TRONG PHẦN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
  • TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CÓ TRONG PHẦN TIẾNG VIỆT
  • TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CÓ TRONG PHẦN TẬP LÀM VĂN

BƯỚC 3: SƯU TẦM KIẾN THỨC KHÁC CÓ TRONG SÁCH THAM KHẢO

 

DƯỚI ĐÂY LÀ NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN NHẤT MÀ CÁC EM CẦN PHẢI NẮM ĐƯỢC :

VĂN BẢN :

1. Bài học đường đời đầu tiên – Tô Hoài

- Kể theo ngôi thứ nhất ( Dế Mèn kể )

- Bài học đầu tiên của Dế Mèn là không nên kiêu căng, xốc nổi

a) Nghệ thuật :

- Phương thức biểu đạt : kể chuyện + miêu tả

  • Xây dựng hình tượng nhân vật Dế Mèn gần gũi với trẻ thơ.

- Sử dụng hiệu quả các phép tu từ : so sánh, nhân hóa, …

- Lời văn : giàu hình ảnh, cảm xúc

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết kiêu căng, xốc nổi nên đã gây ra cái chết của Dế Choắt.Dế Mèn ân hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình : tính kiêu căng của tuổi trẻ có thể làm hại người khác, khiến ta phải ân hận suốt đời.

2. Sông nước Cà Mau – Đoàn Giỏi

a) Nghệ thuật :

- Phương thức biểu đạt : miêu tả + thuyết minh

- Miêu tả từ bao quát đến cụ thể

- Sử dụng hiệu quả các phép tu từ

- Từ ngữ : gợi hình, chính xác

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản miêu tả thiên nhiên vùng sông nước Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, đầy sức sống hoang dã; cuộc sống con người ở chợ Năm Căn tấp nập, trù phú, độc đáo. Văn bản là một đoạn trích độc đáo và hấp dẫn thể hiện sự am hiểu, tấm lòng gắn bó của nhà văn với thiên nhiên và con người vùng đất Cà Mau.

3. Bức tranh của em gái tôi – Tạ Duy Anh

- Nhân vật chính : người anh + Kiều Phương

- Nhân vật trung tâm : người anh

- Kể theo ngôi thứ nhất ( người anh kể )

- Cô em gái trong truyện có tài năng hội họa

- Trong truyện người anh đã đố kị với tài năng của cô em gái nhưng nhờ tình cảm, tấm lòng nhân hậu của người em nên người anh đã nhận ra tính xấu đó.

a) Nghệ thuật :

- Phương thức biểu đạt : kể chuyện + miêu tả

- Kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, chân thật

- Miêu tả chân thật, tinh tế diễn biến tâm lí của nhân vật

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản kể về người anh và cô em gái có tài hội họa. Văn bản cho thấy : tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của cô em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở mình. Vì vậy, tình cảm trong sáng, nhân hậu bao giờ cũng lớn hơn lòng ghen ghét, đố kị.

4. Vượt thác – Võ Quảng

- Nhân vật chính : Dượng Hương Thư

- Phương thức biểu đạt : miêu tả

a) Nghệ thuật :

- Miêu tả : cảnh thiên nhiên + con người

- Sử dụng hiệu quả các phép tu từ : so sánh, nhân hóa

- Các chi tiết miêu tả : đặc sắc, tiêu biểu

- Ngôn ngữ : giàu hình ảnh, biểu cảm, gợi nhiều liên tưởng

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản miêu tả cảnh thiên nhiên trên sông Thu Bồn theo hành trình vượt thác vừa êm đềm vừa uy nghiêm. Nổi bật trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ ấy là hình ảnh dượng Hương Thư mạnh mẽ, hùng dũng khi đang vượt thác. “Vượt thác” là bài ca về thiên nhiên, đất nước quê hương, về lao động; từ đó đã nói lên tình yêu đất nước, dân tộc của nhà văn.

5. Buổi học cuối cùng – An-phông-xơ Đô-đê

- Nhân vật chính : Phrăng + Thầy Ha-men

- Kể theo ngôi thứ nhất ( Phrăng kể )

- Đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng

- Thầy Ha-men là người yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc, yêu nước.

a) Nghệ thuật :

- Kể chuyện theo ngôi thứ nhất

- Xây dựng tình huống truyện độc đáo

- Miêu tả tâm lí nhân vật qua tâm trạng, suy nghĩ, ngoại hình

- Ngôn ngữ : tự nhiên

- Sử dụng câu văn biểu cảm, từ cảm thán, các hình ảnh so sánh

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản kể về một buổi học tiếng Pháp cuối cùng ở một lớp học vùng An-dat bị quân Phổ chiếm đóng. Truyện xây dựng thành công nhân vật thầy Ha-men và cậu bé Phrăng.Qua đó, truyện cho thấy : Tiếng nói là một giá trị văn hóa cao quý của dân tộc, yêu tiếng nói là yêu văn hóa dân tộc. Tình yêu tiếng nói dân tộc là một biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước.Sức mạnh của tiếng nói dân tộc là sức mạnh của văn hóa, không một thế lực nào có thể thủ tiêu. Tự do của một dân tộc gắn liền với việc giữ gìn và phát triển tiếng nói dân tộc mình. Tác giả thật sự là một người yêu nước, yêu độc lập, tự do, am hiểu sâu sắc về tiếng mẹ đẻ.

6. Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ

- Nhân vật trung tâm : Bác Hồ

* Bác Hồ được miêu tả qua cái nhìn của anh chiến sĩ như thế nào ?

a) Nghệ thuật :

- Thể thơ : thơ năm chữ

- Phương thức biểu đạt : tự sự + miêu tả + biểu cảm

- Lời thơ : giản dị, có nhiều hình ảnh thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thành

- Sử dụng từ láy tạo giá trị gợi hình và biểu cảm, khắc họa hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ

b) Ý nghĩa văn bản :

Qua câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường đi chiến dịch, văn bản thể hiện tấm lòng yêu thương bao la của Bác Hồ với bộ đội và nhân dân; tình cảm kính yêu, cảm phục của bộ đội, nhân dân ta với Bác.

  1. Lượm – Tố Hữu

a) Nghệ thuật :

- Thể thơ : thơ bốn chữ

- Phương thức biểu đạt : tự sự + miêu tả + biểu cảm

- Sử dụng nhiều từ láy : gợi hình, giàu âm điệu

- Cách ngắt dòng các câu thơ ( khi tác giả hay tin Lượm hy sinh) : thể hiện sự đau xót, nghẹn ngào

- Kết cấu đầu cuối tương ứng khắc sâu hình ảnh nhân vật, làm nổi bật chủ đề tác phẩm : Lượm sống mãi trong lòng chúng ta.

*Hình ảnh Lượm được thể hiện trong bài thơ ra sao ?

b) Ý nghĩa văn bản :

Bài thơ khắc họa hình ảnh một chú bé hồn nhiên, dũng cảm hy sinh vì nhiệm vụ kháng chiến. Đó là một hình tượng cao đẹp trong thơ Tố Hữu. Đồng thời bài thơ đã thể hiện chân thật tình cảm mến thương và cảm phục của tác giả dành cho Lượm nói riêng và những em bé yêu nước nói chung.

8. Hướng dẫn đọc thêm : MƯA – Trần Đăng Khoa

a) Nghệ thuật :

- Thể thơ : thơ tự do, câu ngắn, nhịp nhanh

- Sử dụng phép nhân hóa - tạo dựng được hình ảnh sống động về cơn mưa

- Khắc họa hình ảnh người cha đi cày về mang ý nghĩa biểu trưng cho tư thế lớn lao, sức mạnh và vẻ đẹp của con người trước thiên nhiên

- Miêu tả thiên nhiên : hồn nhiên, tinh tế, độc đáo

b) Ý nghĩa văn bản :

Bài thơ cho thấy sự phong phú của thiên nhiên và tư thế vững chãi của con người. Từ đó thể hiện tình cảm vui tươi, thân thiện của tác giả với thiên nhiên và làng quê của mình.

9. Cô Tô – Nguyễn Tuân

a) Nghệ thuật :

- Khắc họa hình ảnh : tinh tế, chính xác, độc đáo

- Sử dụng các phép so sánh mới lạ

- Từ ngữ : giàu tính sáng tạo

* Cảnh sinh hoạt ở trên đảo Cô Tô được Nguyễn Tuân miêu tả như thế nào ?

b) Ý nghĩa văn bản :

Bài văn cho thấy vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên trên biển đảo Cô Tô, vẻ đẹp của người lao động trên vùng đảo này. Qua đó, ta thấy tình cảm yêu quý của tác giả đối với mảnh đất quê hương.

10. Cây tre Việt Nam – Thép Mới

a) Nghệ thuật :

- Kết hợp giữa chính luận và trữ tình

- Xây dựng hình ảnh : phong phú, chọn lọc, vừa cụ thể vừa mang tính biểu tượng

- Sử dụng hiệu quả các phép tu từ : so sánh, nhân hóa, điệp ngữ

- Lời văn : giàu nhạc điệu, có tính biểu cảm cao

*Vẻ đẹp và sự gắn bó của cây tre với đời sống dân tộc ta được thể hiện qua những chi tiết nào ?

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản cho thấy vẻ đẹp và sự gắn bó của cây tre với đời sống dân tộc ta.Qua đó, ta thấy tác giả là người có hiểu biết về cây tre, có tình cảm sâu nặng, có niềm tin và tự hào chính đáng về cây tre Việt Nam.

11. Hướng dẫn đọc thêm : LÒNG YÊU NƯỚC – I. Ê-ren-bua

a) Nghệ thuật :

- Kết hợp giữa chính luận và trữ tình

- Phương thức biểu đạt : miêu tả + biểu cảm

- Miêu tả : tinh tế, lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu

- Biểu hiện cảm xúc tha thiết, sôi nổi và suy nghĩ sâu sắc

- Lập luận : lô-gíc và chặt chẽ

b) Ý nghĩa văn bản :

*Lòng yêu nước bắt nguồn từ lòng yêu những gì ?

* Lòng yêu nước trở nên mãnh liệt trong thử thách  nào ?

12. Lao xao – Duy Khán

a) Nghệ thuật :

- Miêu tả : tự nhiên, sinh động, hấp dẫn

- Sử dụng nhiều yếu tố dân gian : đồng dao, thành ngữ

- Sử dụng hiệu quả các phép tu từ : so sánh, nhân hóa, …

- Lời văn : giàu hình ảnh

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản đã cung cấp những thông tin bổ ích và lí thú về đặc điểm một số loài chim ở làng quê nước ta, đồng thời cho thấy mối quan tâm của con người với loài vật trong thiên nhiên. Bài văn đã tác động đến người đọc tình cảm yêu quý các loài vật quanh ta, bồi đắp thêm tình yêu làng quê đất nước,

13. Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử ( Thúy Lan )

a) Nghệ thuật :

- Phương thức biểu đạt : thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm

- Nêu số liệu cụ thể

- Sử dụng phép tu từ : so sánh, nhân hóa, …

b) Ý nghĩa văn bản :

Văn bản đã cho thấy ý nghĩa lịch sử trọng đại của cầu Long Biên : chứng nhân đau thương và anh dũng của dân tộc ta trong chiến tranh và sức mạnh vươn lên của đất nước ta trong sự nghiệp đổi mới. Bài văn là chứng nhân cho tình yêu sâu nặng của tác giả đối với cầu Long Biên cũng như đối với thủ đô Hà Nội.

14. Bức thư của thủ lĩnh da đỏ – Xi-át-tơn

a) Nghệ thuật :

- Phép so sánh, nhân hóa, điệp ngữ và thủ pháp đối lập đã được sử dụng phong phú, đa dạng tạo nên sức hấp dẫn, thuyết phục của bức thư.

- Ngôn ngữ : biểu lộ tình cảm chân thành, tha thiết với mãnh đất quê hương – nguồn sống của con người.

- Khắc họa cuộc sống thiên nhiên đồng hành với cuộc sống của người da đỏ

b) Ý nghĩa văn bản :

* Người da đỏ đối xử với đất như thế nào ?

*Họ đã nói gì với người da trắng ?

Nhận thức về vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thiết thực và lâu dài : Để chăm lo và bảo vệ mạng sống của mình, con người phải biết bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống xung quanh.

15. Động Phong Nha – Trần Hoàng

a) Nghệ thuật :

- Sử dụng ngôn ngữ miêu tả gợi hình, biểu cảm

- Sử dụng các số liệu cụ thể, khoa học

*Miêu tả sinh động, từ xa đến gần theo trình tự không gian, thời gian hành trình du lịch Phong Nha hiện lên như thế nào ?

b) Ý nghĩa văn bản :

Cần phải bảo vệ danh lam thắng cảnh cũng như thiên nhiên, môi trường để phát triển kinh tế du lịch và bảo vệ cuộc sống của con người.

II. TIẾNG VIỆT :

1. Phó từ :

a. Khái niệm phó từ :

- Phó từ là những từ chuyên đi kèm với động từ, tính từ, để bổ sung ý nghĩa cho động từ, tính từ

b. Các loại phó từ: Có 2 loại lớn :

- Phó từ đứng trước động từ, tính từ : Thường bổ sung ý nghĩa về quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến

- Phó từ đứng sau động từ, tính từ : Bổ sung ý nghĩa về mức độ, khả năng, kết quả và hướng

2. So sánh :

a. Khái niệm so sánh :

So sánh là đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

VD: Môi đỏ như son.

2. Cấu tạo của phép so sánh : Mô hình phép so sánh : gồm 4 phần

 

Vế A

(Sự vật được so sánh)

Phương diện so sánh

Từ so sánh

Vế B

(Sự vật dùng để so sánh.)

Môi

đỏ

như

son

 

VD: Da trắng như tuyết.

(1) (2) (3) (4)

c. Các kiểu so sánh : Căn cứ vào các từ so sánh ta có hai kiểu so sánh :

- So sánh ngang bằng

( Từ so sánh : như, giống, tựa, y hệt, y như, như là, …)

- So sánh không ngang bằng

( Từ so sánh : hơn, thua, chẳng bằng, khác hẳn, chưa bằng, …)

d. Tác dụng:

- Giúp sự vật, sự việc được cụ thể, sinh động.

- Giúp thể hiện sâu sắc tư tưởng tình cảm của tác giả.

3. Nhân hóa :

a. Khái niệm nhân hóa :

Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho con vật, cây cối… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.

b. Các kiểu nhân hóa: Có 3 kiểu :

a/ Dùng những từ vốn gọi người à để gọi vật

VD: Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cùng đến nhà Lão Miệng.

b/ Dùng những từ chỉ hoạt động, tính chất của người à để chỉ hoạt động, tính chất của vật

VD: Con mèo nhớ thương con chuột.

c/ Trò chuyện, xưng hô với vật như với người

VD: Trâu ơi. Ta bảo trâu này.

4. Ẩn dụ :

a. Khái niệm ẩn dụ :

- Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

b. Các kiểu ẩn dụ: Có 4 kiểu ẩn dụ thường gặp.

- Ẩn dụ hình thức

- Ẩn dụ cách thức

- Ẩn dụ phẩm chất

- Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

5. Hoán dụ :

a. Khái niệm hoán dụ :

- Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

b. Các kiểu hoán dụ. Có 4 kiểu :

- Lấy bộ phận để gọi toàn thể

- Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng

- Lấy dấu hiệu sự vật để gọi sự vật

- Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng

c. So sánh ẩn dụ và hoán dụ :

* Giống nhau :

- Đều gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác

- Nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt

* Khác nhau :

 

Ẩn dụ

Hoán dụ

  • Dựa vào nét tương đồng về :

+ Hình thức

+ Cách thức

+ Phẩm chất

+ Chuyển đổi cảm giác

  • Dựa vào quan hệ gần gũi :

+ Bộ phận với toàn thể

+ Cụ thể với trừu tượng

+ Dấu hiệu của sự vật với sự vật

+ Vật chứa đựng với vật bị chứa đựng

 

6. Các thành phần chính của câu :

a. Phân biệt TPC với TPP của câu.

- Thành phần chính : là thành phần bắt buộc phải có mặt trong câu để câu có cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt được một ý trọn vẹn. ( CN + VN )

- Thành phần phụ : là thành phần không bắt buộc phải có mặt trong câu ( trạng ngữ, … )

b. Vị ngữ: - Là thành phần chính của câu

- Có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian ở phía trước.

- Trả lời cho các câu hỏi : Làm gì? Là gì?Làm sao?Như thế nào?

- Cấu tạo : động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ, danh từ hoặc cụm danh từ.

- Trong câu có thể có một hoặc nhiều vị ngữ.

c. Chủ ngữ: - Là thành phần chính của câu

- Nêu tên của sự vật, hiện tượng, … được nói đến ở vị ngữ.

- Trả lời cho các câu hỏi : Ai? Cái gì? Con gì?

- Cấu tạo : danh từ hoặc cụm danh từ, động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ.

- Trong câu có thể có một hoặc nhiều chủ ngữ.

7. Câu trần thuật đơn :

* Câu trần thuật đơn :

- Cấu tạo : Là loại câu do một cụm C – V tạo thành ( Câu đơn )

( Lưu ý: câu có 1 CN và nhiều VN hoặc câu có nhiều CN và 1 VN đều được xem là câu đơn )

- Chức năng : Dùng để giới thiệu, tả hoặc kể về một sự việc, sự vật hay để nêu một ý kiến.

8. Câu trần thuật đơn có từ là :

a. Đặc điểm của câu trần thuật đơn có từ “là” :

- Vị ngữ thường do từ “là” kết hợp với danh từ (CDT) tạo thành. Ngoài ra, có thể kết hợp với động từ ( cụm động từ ), tính từ ( cụm tính từ ).

- Khi biểu thị ý phủ định nó kết hợp với các cụm từ “không phải, chưa phải”.

b. Các kiểu câu trần thuật đơn có từ là : Một số kiểu đáng chú ý :

- Câu định nghĩa

- Câu miêu tả

- Câu đánh giá

- Câu giới thiệu

9. Câu trần thuật đơn không có từ là :

a. Đặc điểm của câu trần thuật đơn không có từ “là” :

  • Vị ngữ thường do động từ hoặc cụm động từ, tính từ hoặc cụm tính từ tạo thành.

- Khi biểu thị ý phủ định, vị ngữ kết hợp với các từ không, chưa.

b. Các kiểu câu trần thuật đơn không có từ “là”:

- Câu miêu tả : CN - VN

VD: Con chim / đang bay.

- Câu tồn tại : VN - CN

VD: Trong nhà, có / khách.

10. Chữa lỗi về chủ ngữ và vị ngữ :

a. Câu thiếu chủ ngữ:

Nguyên nhân sai: Lầm trạng ngữ với chủ ngữ.

Sửa:

- Thêm chủ ngữ

- Biến trạng ngữ à chủ ngữ

b. Câu thiếu vị ngữ:

- Nguyên nhân: Lầm định ngữ là vị ngữ.

- Sửa:

+ Thêm vị ngữ:

+ Biến định ngữ à chủ ng

 

- Nguyên nhân: Lầm phần phụ chú là vị ngữ.

- Sửa:

+ Thêm vị ngữ

+ Thay dấu phẩy bằng từ

c. Câu thiếu cả chủ ngữ.

+ Nguyên nhân: chưa phân biệt được trạng ngữ và chủ ngữ, vị ngữ.

² Cách chữa lỗi.

Bổ sung nòng cốt chủ vị.

d. Câu sai về quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần câu

- Nguyên nhân: sắp xếp các thành phần câu không hợp lý.

- Cách chữa lỗi.

Viết lại cho đúng với trật tự ngữ pháp, ngữ nghĩa.

III. TẬP LÀM VĂN :

1. Văn tả cảnh :

- Mở bài : Giới thiệu cảnh định tả

- Thân bài : + Tả khái quát

+ Tả chi tiết : tả theo trình tự thời gian, không gian

Lưu ý: Vận dụng so sánh, liên tưởng, tưởng tượng, nhân hóa, … và dùng tất cả các giác quan để cảm nhận, miêu tả.

- Kết bài : Cảm nghĩ về cảnh được tả

2. Văn tả người :

* Tả chân dung :

- Mở bài : Giới thiệu người định tả

- Thân bài : + Tả ngoại hình : Tuổi? Khuôn mặt?Nụ cười?Giọng nói? Làn da? Mái tóc? Bàn tay? Vóc dáng? ….

+ Tả tính tình : Hiền; sở thích? Thương người, thương yêu động vật, thiên nhiên? Nghiêm khắc? Chăm chỉ? Biết quan tâm giúp đỡ mọi người?

Lưu ý: Tả tính tình qua cử chỉ, lời nói, hành động, việc làm… Vận dụng so sánh, liên tưởng, tưởng tượng, …

- Kết bài : Cảm nghĩ về người được tả + mong ước của em.

* Tả người đang hoạt động, làm việc :

- Mở bài : Giới thiệu người với công việc của họ đang làm mà em sẽ tả

( Ai? Em thấy lúc nào? Họ đang làm gì? Ở đâu? )

- Thân bài :

+ Tả ngoại hình : Tuổi? Khuôn mặt? Nụ cười? Giọng nói? Làn da? Mái tóc? Bàn tay? Vóc dáng? ….

Lưu ý: Cần lựa chọn những chi tiết phù hợp với công việc họ đang làm. Ở trên chỉ là những gợi ý chung chứ không phải riêng từng hành động

+ Tả trình tự việc làm của người đó : Làm gì trước? Làm gì sau? Kết quả việc làm của họ?

( Vận dụng so sánh, liên tưởng, tưởng tượng, … để bài văn hay hơn )

- Kết bài : Cảm nghĩ về người được tả

 

PHẦN BÀI TẬP ĐỂ KHẮC SÂU KIẾN THỨC:

BÀI TẬP 1:

I.Trắc nghiệm : (3.0điểm)  Khoanh tròn vào chữ cái đúng nhất  ( mỗi câu đúng 0.25đ)

Câu 1: Những tác giả nào sau đây chuyên viết truyện cho thiếu nhi ?

A. Minh Huệ                                  B. Tô Hoài                                  C. Đoàn Giỏi                          D. Võ Quảng

Câu 2: Đoạn trích “ Vượt thác” “ Sông nước Cà Mau” có điểm giống nhau là :

A. Tả lại hình ảnh con người trong tư thế bị động                   B. Tả cảnh sông nước biển trời

C. Tả cảnh quan thiên nhiên của Tổ Quốc                               D. Tả sự oai phong mạnh mẽ của con người

Câu 3: Thể kí thường không có yếu tố nào ?

A. Cốt truyện                               B. Sự việc                                    C. Lời kể                             D. Nhân vật người kể chuyện

Câu 4: Trong văn bản “ Đêm nay Bác không ngủ”lí do nào khiến Bác không ngủ được ?

A. Bác có nhiều việc phải suy nghĩ                             B. Trời lạnh quá mà lều tranh xơ xác

C. Bác vốn là người ít ngủ                                          D. Bác thương dân công, chiến sĩ và lo cho chiến dịch ngày mai

Câu 5: Văn bản “ Đêm nay Bác không ngủ” thuộc phương thức biểu đạt :

A. Miêu tả và tự sự         B. Tự sự và biểu cảm          C. Miêu tả và biểu cảm        D. Biểu cảm kết hợp tự sự miêu tả

Câu 6: Từ láy nào sau đây không phải là từ được dùng trực tiếp để tả dáng vẻ Lượm ?

A. Loắt choắt                                B. Xinh xinh                              C. Thoăn thoắt                    D. Nghênh nghênh

Câu 7: Các phó từ : Vẫn, đều, còn, cũng...có ý nghĩa gì ?

A. Chỉ sự cầu khiến            B. Chỉ quan hệ thời gian              C. Chỉ sự tiếp diễn tương tự      D. Chỉ kết quả

Câu 8: Chỉ ra câu có phép so sánh không ngang bằng ?

A. Trẻ em như búp trên cành                                                  B. Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất

C. Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo                                            D. Một mặt người hơn mười mặt của

Câu 9: Nếu viết : “ Cứ mỗi lần nhìn lên, những ngọn tre thay lá, những búp tre non kín đáo, ngây thơ, hứa hẹn sự trưởng thành” thì câu văn mắc phải lỗi nào ?

A. Thiếu chủ ngữ                B. Thiếu vị ngữ                  C. Thiếu cả chủ ngữ và vị ngữ       D. Thiếu thành phần phụ

Câu 10: Khi viết : “Nhìn lên, những ngọn tre thay lá, những búp tre non kín đáo, ngây thơ,...”, tác giả đã dùng biện pháp tu từ gì ?

A. So sánh                                     B. Ẩn dụ                                   C. Nhân hóa                      D. Hoán dụ

Câu 11: Câu nào không phải là câu trần thuật đơn có từ “ là” ?

A. Tôi là một học sinh                                                             B. Mẹ là cô giáo

C. Tre là cánh tay của người nông dân                                    D. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh

Câu 12: Đâu là chủ ngữ trong câu “ Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt”

A. Những cái vuốt          B. Những cái vuốt ở chân          C. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo     D. Cứng dần và nhọn hoắt

II/ Tự luận : ( 7.0 điểm)

Câu 1 :  Xác định chủ ngữ và vị ngữ của câu dưới đây ( gạch dưới và ghi cụ thể : CN, VN ) (1.0điểm )

               Sáng nay, trên sân trường lớp 6a7 đang lao động.

Câu 2 :  Một học sinh chép lại theo trí nhớ khổ thơ sau từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu :

              Cháu cười híp mắt                                         - Thôi chào đồng chí !

              Má đỏ bồ quân                                                 Cháu đi xa dần...

      Em hãy phát hiện lỗi sai trong bản chép của bạn. Vì sao em nhận ra được lỗi ấy ? ( 1.0điểm)

Câu 3 : Em hãy tả lại hình ảnh một người thầy giáo ( cô giáo) cũ đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc nhất. (5.0điểm)

 

BÀI TẬP 2:

Một số đề bài gợi ý:

Đề bài 1: Em hãy tả lại quang cảnh một buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em.

Bài làm gợi ý :

       Thường lệ, cứ mỗi buổi chiều thứ hai , trường em tổ chức lễ chào cờ đầu tuần. Buổi lễ chào cờ diễn ra rất trang trọng.

         Những tia nắng cuối ngày  tuy đã dịu bớt nhưng vẫn còn chói chang. Trước lễ chào cờ, các tổ trực của các lớp đã có thói quen mang ghế ngồi của lớp sắp đặt ngay ngắn. Những chiếc ghế nhựa màu đỏ xếp đặt ngay hàng, thẳng tăm tắp. Bục gỗ đã được lớp trực khiêng ra để dưới tiền sảnh cầu thang từ lúc nào. Hai bên bục gỗ là những chiếc ghế dựa dành cho thầy cô giáo tham dự lễ. Trước mỗi hàng ghế nhựa là bảng tên lớp được sơn nền màu trắng,  chữ đen ghi tên đơn vị lớp.

         Giờ học Ngữ văn vừa kết thúc. Bỗng hai tiếng trống vang lên “ Tùng, tùng”. Học sinh từ các lớp nhanh chóng tập trung trước sân trường. Chẳng mấy chốc, hàng ngũ từng lớp rất chỉnh tề như đội quân trước giờ ra trận. Các thầy giáo trong trang phục  sơ mi, đi giày. Còn các cô giáo mặc những bộ áo dài đủ sắc màu... làm cho buổi lễ thêm phần long trọng. Đứng trước lễ đài là đội nghi thức, đầu đội mũ ca lô trắng, viền xanh, mang những chiếc trống đội xinh xắn. Buổi lễ chào cờ sắp bắt đầu.

         “ Nghiêm ! Chào cờ ! Chào !” Tiếng hô dõng dạc của bạn chi đội trưởng lớp 6a... vang lên. Tất cả thầy và trò đứng trang nghiêm, học sinh vung tay chào cờ. Tiếng trống đội vang lên rộn rã, nhịp nhàng. Hòa trong tiếng trống là tiếng quốc ca hùng tráng “ Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...” Chứng kiến phút giây này, em mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng của lễ chào cờ. Đội hình học sinh như một đoàn quân trước giờ xung trận. Từ trên cao, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như vẫy gọi, thúc giục chúng em vươn lên trong học tập. Quốc ca vừa hết, tất cả chúng em đáp lại khẩu lệnh của bạn chi đội trưởng 6a... “ Sẵn sàng !”

          Sau buổi lễ là phần sinh hoạt dưới cờ. Thầy giáo trực ban của tuần qua lên nhận xét tình hình thi đua giữa các lớp. Bạn đội trưởng cờ đỏ đọc điểm thi đua giữa các chi đội. Rồi với bóng hình quen thuộc, thầy hiệu trưởng nhà trường nói những tồn tại trong tuần qua. Thầy tỏ vẻ không vui khi còn có những học sinh lười học, chưa biết nghe lời thầy cô giáo. Thầy mong chờ, đặt niềm tin, kì vọng vào chúng em rất nhiều. Đặc biệt, thầy động viên, khích lệ các em trong thời gian đến phải nỗ lực thi đua trong học tập... Bản thân em phải tự cố gắng để không phụ lại niềm tin yêu của thầy cô giáo !

           Buổi lễ chào cờ đã xong. Tất cả các bạn đều ra về. Ánh nắng chiều ấm lạ. Phải cố gắng thật nhiều- em tự húa với mình như vậy !

Đề bài 2: Tả hình dáng, tính tình của một bạn học sinh trong lớp em  được nhiều người quý mến.

Đề bài 3:   Tả lại đêm trăng đẹp ở quê em.

Bài làm gợi ý :

1. Mở bài : Giới thiệu cảnh định tả : Đêm trăng ở quê nhà ? Lý do tiếp xúc với đêm trăng ? Ấn tượng chung ?

         Thiên nhiên luôn đem đến cho chúng em nhiều điều kì thú. Sông ngòi, núi đồi, biển cả... là những hình ảnh đẹp. Đặc biệt, vẻ đẹp của đêm trăng  là vẻ đẹp huyền ảo, lung linh nhất.

2. Thân bài :  Tập trung tả cảnh vật theo một thứ tự hợp lý nhất :

a. Tả bao quát :  Trước khi trăng lên :

         Những tia nắng cuối ngày vừa tắt lịm. Cảnh vật cứ mờ dần, mờ dần. Màn đêm như được ai đó thả xuống, bao trùm làng quê yên ả. Làng xóm đã lên đèn. Cuộc sống nhộn nhịp thường ngày nhường lại .Đường xá vắng lặng. Không gian như ngừng trôi, thời gian như lắng đọng. Làng quê như một bức tranh mực tàu nửa thực, nửa mơ... 

b. Tả chi tiết :  

         Từ phía đông, trên đỉnh núi Bình Chương, một mảng sáng mênh mông màu mỡ gà xuất hiện. Ánh sáng ngày sáng tỏ. Ánh trăng từ từ nhô lên, tròn trĩnh, đẹp lạ thường. Bầu trời vừa rộng, vừa cao. Trên cao, lá dừa đung đưa, duyên dáng, e thẹn khi được chị Hằng dát lên một lớp vàng mỏng. Xóm làng rộn rã. Con đường làng rộn lên tiếng nói, tiếng cười, tiếng bước chân người... Vui nhất là những em nhỏ, tụm ba, tụm năm rối rít. Chúng vừa đi, vừa chạy, đùa giỡn.

        Trăng đã lên cao. Trăng tròn vành vạnh. Chú Cuội sớm hôm ở bên chị Hằng chắc đêm nay không ngủ. Từ trên cao, Cuội ngồi bên gốc đa nhìn xuống mà nhớ quê nhà ? ( Bầu trời ..., con đường..., cây cối..., sân nhà...)

        Đêm đã về khuya. Cảnh vật hoàn toàn tĩnh lặng. Ánh trăng treo lơ lửng trên cao. ...

3. Kết bài :  Cảm nghĩ chung về đêm trăng + Bài học cho bản thân.

 

Đề bài 4:  Ở gia đình em( hoặc một gia đình mà em quen biết) có một em bé đang tập nói, tập đi. Em hãy tả hình dáng và tính nết ngây thơ của em bé đó. ( Dựa vào dàn bài chung tả người ở trên, em hãy xây dựng dàn bài chi tiết cho đề này)

 

 

Đề 5: Dạng đề kiểm tra học kì II:

Câu 1. (3,0 điểm)

          Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:

          “Tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì. Và không hiểu vì sao tôi không thể thân với Mèo như trước kia được nữa. Chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tôi gắt um lên.”

                                      (Bức tranh của em gái tôi – Tạ Duy Anh)

          a) Lời kể trong đoạn văn trên là của nhân vật nào trong truyện? Kể về sự việc gì? Vì sao nhân vật “tôi” lại không thể thân với em gái như trước kia được nữa?

          b) Nêu ý nghĩa của truyện “Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh)?

Câu 2. (2,0 điểm)

          a) Hai câu thơ sau sử dụng phép tu từ gì? Nêu tác dụng của phép tu từ đó?

“Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm”

                                                (Minh Huệ)

          b) Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong những câu sau:

          b.1. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng.

                                                        (Tô Hoài)

          b.2. Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập.

                                                (Đoàn Giỏi)

Câu 3. (5,0 điểm)

          Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với em trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,...)

Đề 6: Dạng đề kiểm tra học kì II:

I. PHẦN ĐỌC- HIỂU(5 điểm)

            Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.

        “Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cán chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.”

                                                                                          ( Ngữ Văn 6-  tập 2)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Vì sao em biết ?

Câu 3. Tìm các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh? Đặt một câu có sử dụng phép tu từ so sánh.

Câu 4. Nêu nội dung đoạn trích?

Câu 5. Với tình hình biến đổi khí hậu ngày nay em sẽ làm gì để góp phần vào bảo vệ thiên nhiên, môi trường nơi em đang sinh sống?  

II. PHẦN TẬP LÀM VĂN(5điểm)

Em hãy tả lại quang cảnh một buổi lễ chào cờ đầu tuần ở trường em.

 

 

 

 

Kí duyệt ngày 26, tháng 03năm 2020.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Huỳnh Thanh Cường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa » Sự Xốc Nổi Của Tuổi Trẻ