Đào Tấn – Wikipedia Tiếng Việt

Đào Tấn
Đào Tấn
SinhĐào Đăng Tấn3 tháng 4, 1845Tuy Phước, An Nhơn, Bình Định
Mất23 tháng 8, 1907 (62 tuổi)
Nơi an nghỉBình Định
Đài tưởng niệmTên đường ở Hà Nội và Nghệ An.

Đào Tấn (3 tháng 4 năm 1845 – 23 tháng 8 năm 1907), tự là Chỉ Thúc (止叔), hiệu là Tô Giang và Mộng Mai (夢梅), biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng (梅僧), là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An–Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Công Bộ Thượng Thư.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (tức 3 tháng 4 năm 1845), tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Do tránh quốc húy nên bỏ chữ Đăng, nên gọi gọn Đào Tấn.

Ông thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572–1634), một danh nhân thời chúa Nguyễn, vào lập nghiệp ở đất Đàng Trong đầu thế kỷ XVII. Cha là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan.

Thuở nhỏ, ông thọ giáo với cụ Tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân (nay là thôn Nhơn Ân xã Phước Thuận cùng huyện); không những được thầy dạy chữ để đi thi mà còn đào tạo thành một nhà soạn tuồng. Năm 19 tuổi, lúc còn học với thầy, ông soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ ấy.

Năm 23 tuổi, ông đỗ thứ 8 Cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, dưới triều vua Tự Đức. Tuy nhiên, dù văn tài xuất chúng, ông không vượt được kỳ thi hội tiếp theo đó.

Quan nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Mãi đến bốn năm sau, năm Tự Đức thứ 24 (1871), khi vua Tự Đức cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế, được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, tức hội nhà văn của triều đình, lo việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa.

Năm 1874, ông đư­ợc bổ nhiệm tri phủ Quảng Trạch sau thăng chức lên Phủ doãn Thừa Thiên. Làm quan suốt 3 triều, từ Tự Đức đến Thành Thái (1871–1904), ông kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc An–Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904 vì chống đối với đại thần Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn.

Theo lời kể của cụ bà Đào Kim Yến (con gái ông, mất tại Sài Gòn năm 1958) thì ông là thầy dạy vua Thành Thái từ nhỏ và theo sát vua đến lúc bị Nguyễn Thân bức hại cách chức đuổi về quê. Tinh thần yêu nước chống Pháp của vua Thành Thái từ ông mà có nên năm 1907, khi vua Thành Thái bị Pháp ép thoái vị rồi bắt quản thúc, ông buồn rầu phát bệnh và mất vài tuần sau đó.

Đào Tấn là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý[1].

Ông qua đời ngày 23 tháng 8 năm 1907. Hiện có ngôi mộ và đền thờ ông ở Bình Định. Tên của ông được đặt tên đường phố tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.

Sự nghiệp tuồng

[sửa | sửa mã nguồn]
Mộ Đào Tấn ở Tuy Phước, Bình Định

Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng. Suốt thời gian làm quan, ông vừa làm quan vừa soạn tuồng, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, hàng chục vở tuồng, những vở còn diễn đến ngày nay là Tam nữ đồ vương, San Hậu, Đào Phi Phụng... Hàng chục vở tuồng do ông soạn thảo và chỉnh lý có giá trị, sức hấp dẫn trong văn tuồng Đào Tấn ở chỗ:

  • Gắn với những vấn đề mang ý nghĩa thời sự của đất nước, mặt khác lại mở ra hướng tiếp cận cuộc sống hiện thực với những quan niệm gần gũi với nhân dân, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng.
  • Văn tuồng hiện đại, phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản cũng như mang lại tính sinh động cho vở diễn. Tính bi kịch của tuồng cổ được xử lý mềm mại tinh tế, đan xen cả yếu tố hài kịch, nâng lên thành cái hài tư tưởng. Đào Tấn chú trọng xây dựng tính cách nhân vật, thổi hồn vào trong những nhân vật, tạo thành những hình tượng bất hủ.
  • Tính tự sự - trữ tình, chất thơ trong từng kịch bản tuồng.

Vở tuồng đầu tiên Tân Dã đồn (1864) chưa thật sự mang dấu ấn phong cách riêng độc đáo, mà chỉ có giá trị mở đầu cho nghiệp tuồng suốt cuộc đời ông.

Tài năng của Đào Tấn về lĩnh vực tuồng hát bội chỉ thật sự có điều kiện mài giũa, khi ông chính thức được bổ làm chức quan trong ban Hiệu thư, soạn tuồng do nhà vua chỉ định.

Từ 1898–1902, Đào Tấn soạn Cổ thành hội (còn gọi là Quan Công quá quan), Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn. Đây chính là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp tuồng Đào Tấn.

Quan niệm Đào Tấn đã thể hiện qua đôi câu đối ông viết ở "Học bộ đình":

Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân

Tạm dịch:

Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh. Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân.

Câu đối trên đã cho thấy một Đào Tấn ý thức rất rõ vai trò của nghệ thuật hát bội trong mối liên hệ với cuộc sống. Ông muốn thông qua nghệ thuật hát bội để nói lên nỗi niềm trước thời cuộc của chính mình, đồng thời cũng nhận thấy giá trị di dưỡng tinh thần cao quý của bộ môn nghệ thuật này [2]

Có một giai thoại do cụ bà Đào Kim Yến (con gái ông, mất tại Sài gòn năm 1958) kể, hồi nhỏ bà được xem ông dựng vở Tây Du bằng cảnh thật, diễn viên diễn trong rừng núi thật, khán giả mang cơm nắm đi theo để xem diễn.

Vụ án bồi Ba

[sửa | sửa mã nguồn]

Bồi Ba là một tên tay sai khét tiếng của Pháp. Bồi Ba mua bò của một người dân, nhưng không trả tiền còn vu cho chủ bò là dư đảng của Cần Vương rồi bắt giam chủ bò và đánh đập họ tàn nhẫn. Nghe tin, Đào Tấn liền cho điều tra, lập hồ sơ đầy đủ. Khi đã nắm chắc tội trạng của bồi Ba, Đào Tấn sai lính chặn đường bắt Bồi Ba nhưng không đưa về giam trong ngục Phủ mà đưa thẳng ra bờ sông Hương, quãng khúc sông chảy qua kinh thành để trị tội chém đầu. Khâm sứ Pháp hạch hỏi, Đào Tấn trả lời:

Hắn làm việc cho bảo hộ nhưng hắn vẫn là người Việt Nam, sống ở đất Việt Nam, gây tội với dân Việt Nam thì sao quan Việt Nam không xử hắn mà phải hội thương với Bảo hộ?

Câu nói

[sửa | sửa mã nguồn]
Sống ở đời mà thấy chuyện ngang trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng.

Ghi chú

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trích tóm tắt luận văn thạc sĩ "Đào Tấn với Trầm Hương các[liên kết hỏng]" của Trần Hà Nam
  2. ^ Trích Tóm tắt Luận Văn thạc sĩ Đào Tấn với vở tuồng Trầm Hương các[liên kết hỏng] của Trần Hà Nam

Từ khóa » Tiểu Sử ông đào Tấn Bằng