Đất Hiếm - Vũ Khí Công Nghệ Bí Mật Của Trung Quốc - VnExpress

"Trung Quốc có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền lắp ráp ôtô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài nước này nếu họ ra lệnh cấm vận đất hiếm", AFP dẫn lời James Kennedy, Chủ tịch công ty tư vấn ThREE Consulting.

Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm, từ bóng đèn đến máy ảnh, xe điện và cả vũ khí. Tài nguyên này chỉ có ở một số vùng nhất định và không thể tái tạo. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), năm 2020, Trung Quốc chiếm khoảng 58% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Bốn năm trước, con số này là 90%.

ChinaPower - tổ chức nghiên cứu về ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc - nhận định, khi Mỹ và các cường quốc công nghệ còn chưa nhận ra mình đã tham chiến trong lĩnh vực đất hiếm, Trung Quốc đã độc chiếm thị trường này trong suốt một thập kỷ qua.

Dù chỉ chiếm một lượng nhỏ nhưng các nguyên tố hoá học trong đất hiếm là phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử của smartphone, ôtô cho đến máy bay, vũ khí. Ảnh: Financial Times.

Các nguyên tố hoá học trong đất hiếm là thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử, từ smartphone, ôtô cho đến máy bay, vũ khí. Ảnh: Financial Times.

Ngành công nghệp đất hiếm bắt đầu được chú ý sau sự kiện ngày 20/5/2019 - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một công ty đất hiếm ở Giang Tây. Tháp tùng ông là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu nỗ lực đàm phám thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Huawei bị Nhà Trắng đưa vào danh sách cấm vận. Các nhà phân tích quốc tế bình luận rằng đây có thể là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang xem xét khả năng sử dụng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm như một vũ khí trong cuộc đối đầu với phương Tây.

"Loại khoáng sản thiết yếu này thường bị coi nhẹ. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, thiếu chúng là điều không thể", Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross về tầm quan trọng của đất hiếm.

Việc Trung Quốc độc quyền thị trường đất hiếm không được nhiều người chú ý vì giá trị của nó tương đối nhỏ. Năm 2019, giá trị nhập khẩu đất hiếm toàn cầu chỉ ở mức 1,15 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với thị trường 1 nghìn tỷ USD nhập khẩu dầu thô của thế giới. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu các hàng hóa được làm từ đất hiếm lại rất lớn. Ví dụ, một chiếc iPhone của Apple cần Neodymium để tạo ra những nam châm nhỏ nhưng cực mạnh cho phép loa hoạt động. Một lượng nhỏ Europium được dùng để tạo ra màu đỏ trên màn hình và Xeri được dùng để đánh bóng điện thoại... Trong năm tài chính 2019, Apple đã thu về 142,4 tỷ USD từ việc bán iPhone.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã xuất khẩu 45.552 tấn đất hiếm, trị giá 398,8 triệu USD trong năm 2019. Phần lớn lượng hàng xuất khẩu này sẽ đến các cường quốc công nghệ như Nhật Bản (36%), Mỹ (33,4%), Hà Lan (9,6%), Hàn Quốc (5,4%), Italy (3,5%).

Thống kê về trữ lượng đất hiếm toàn cầu năm 2019. Nguồn: CSIS.

Thống kê về trữ lượng đất hiếm toàn cầu năm 2019. Nguồn: CSIS.

Trong quá khứ, Trung Quốc từng ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản khi hai bên xảy ra mâu thuẫn vào năm 2010, khiến một số kim loại trên thị trường tăng giá gần 9 lần.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Điều này sẽ khiến "bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD - gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) phải ngồi lại để tìm kiếm giải pháp, chống lại thế độc quyền của Trung Quốc. Tuyên bố có thể được thông qua vào ngày 12/3 khi lãnh đạo bốn nước họp trực tuyến.

Trước mắt, QUAD muốn đầu tư phát triển công nghệ chiết tách và xử lý quặng đất hiếm. Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có trữ lượng đất hiếm, nhưng quy trình xử lý thường tạo ra lượng chất phóng xạ lớn, gây gại đến môi trường và sức khoẻ con người. Nhờ những quy định lỏng lẻo về bảo vệ môi trường mà các nhà sản xuất Trung Quốc mới có thể chiếm lĩnh lợi thế trong thời gian dài. Lãnh đạo QUAD hy vọng đảo ngược tình thế bằng cách tập trung phát triển công nghệ xử lý với chi phí thấp, kiểm soát được lượng phóng xạ.

Khương Nha

  • Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc chiến công nghệ chưa hồi kết
  • Nguy cơ bùng phát chiến tranh công nghệ thế giới
  • Thế giới Internet ngày càng cục bộ

Từ khóa » đất Hiếm Trung Quốc Là Gì