Trung Quốc Và Chiến Lược đầu Cơ đất Hiếm - Công An Nhân Dân

Trung Quốc bắt đầu "lưu kho" đất hiếm từ lúc nào?

Từ khi đất hiếm được phát hiện lần đầu, năm 1787, nhờ công của sĩ quan quân đội Thụy Điển Carl Axel Arrhenius, mối quan tâm đất hiếm và ứng dụng của chúng ngày càng tăng. Cho đến thập niên 70 của thế kỷ trước, mỏ đất hiếm Mountain Pass tại California vẫn được xem là nơi cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự quan tâm đất hiếm của Mỹ bắt đầu nhường chỗ cho kỹ thuật sinh học vào thập niên 80.

Trong khi đó, Trung Quốc lại đẩy mạnh chiến lược đầu tư đất hiếm, đặc biệt khi gửi du học sinh sang Mỹ nghiên cứu kỹ thuật khai thác đất hiếm, trong khuôn khổ hai chương trình nghiên cứu khoa học với tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về phát kiến kỹ thuật.

Tháng 3/1986, sau khi 3 nhà khoa học trong nước đề xuất một lộ trình đầu tư khoa học kỹ thuật chi tiết và chỉn chu, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt bút phê Chương trình 863, với mục tiêu "đặt chân vào vũ đài thế giới; đạt được những bước đột phá trong các lĩnh vực kỹ thuật then chốt cho đời sống kinh tế và an ninh quốc gia". Bắt đầu từ thời điểm đó, Trung Quốc nhắm vào việc khai thác và tích trữ nguyên liệu đất hiếm.

11 năm sau, tháng 3/1997, Bộ Kỹ thuật - khoa học Trung Quốc tung ra Chương trình 973. Đây là kế hoạch đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay. Các dự án thuộc Chương trình 973 có thể kết thúc trong 5 năm và được tài trợ 10 triệu tệ (khoảng 1,46 triệu USD).

Riêng với các dự án đầu tư và ứng dụng đất hiếm, một trong những người có công hàng đầu tại Trung Quốc là Giáo sư Từ Quang Hiến (Xu Guangxian), người mà hồi năm 2009, khi 89 tuổi, đã được trao giải thưởng Khoa học nhà nước trị giá 5 triệu tệ ("Quốc gia tối cao khoa học kỹ thuật tưởng" - được xem như một Nobel của giới khoa học nước này). Là nhà hóa học thứ hai được trao trong lịch sử giải trên, Giáo sư Từ được xem là cha đẻ của ngành nghiên cứu đất hiếm Trung Quốc.

Học Đại học Columbia (Mỹ) từ năm 1946 đến 1951, ông Từ lấy bằng tiến sĩ rồi trở về Trung Quốc sau khi cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ. Làm giáo sư trợ giảng tại Đại học Bắc Kinh, ông trở thành chuyên gia về hóa kim và hóa phóng xạ. Cách mạng Văn hóa bùng nổ; và năm 1969, ông cùng vợ - Cao Tiểu Hà (Gao Xiaoxia) - bị kết tội làm tình báo cho Quốc dân đảng và bị tù khổ sai cho đến năm 1972.

Trở về Đại học Bắc Kinh, ông bắt đầu đầu tư nghiên cứu khoáng sản đất hiếm. Từ đó đến nay, Giáo sư Từ trở thành nhà hóa học đất hiếm hàng đầu Trung Quốc. Cả hai phòng thí nghiệm cấp quốc gia lớn nhất Trung Quốc đều do ông thành lập: Phòng thí nghiệm ứng dụng nhà nước về hóa nguyên liệu đất hiếm hợp tác với Đại học Bắc Kinh và Phòng thí nghiệm ứng dụng nguồn đất hiếm hợp tác với Viện Hóa ứng dụng Trường Xuân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đặt tại Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm)...

Sau thời điểm 1992, khi Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: "Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm", việc khai thác đất hiếm tại nước này bắt đầu tăng tốc. 7 năm sau, Chủ tịch Giang Trạch Dân tiếp tục đề cập chiến lược nguồn nguyên liệu, khi viết: "(Cần phải) cải thiện sự phát triển và ứng dụng đất hiếm và đưa lợi thế về nguồn thành thế mạnh kinh tế vượt trội". Vậy là công nghiệp khoáng sản Trung Quốc lao vào các dự án khai thác đất hiếm - những nguyên liệu mà khi kỹ thuật cao càng phát triển thì tính ứng dụng của chúng càng nhiều.

Nắm trong tay nguồn đất hiếm, Trung Quốc đang khống chế thị trường đất hiếm toàn cầu.

Đầu thập niên 60, lanthanum bắt đầu được dùng trong công nghiệp kính quang; didymium - thành phần hỗn hợp giữa praseodymium và neodymium - được dùng rộng rãi trong công nghiệp kính màu. Công nghiệp khoáng Trung Quốc cũng chẳng bỏ sót nhiều loại đất hiếm mà thời điểm đó còn chưa biết làm gì: samarium và europium chẳng hạn. Hàng tấn samarium và europium cứ thế được khai thác và chất đống lưu kho. Đến nay, cả hai chất trên đều là nguyên liệu chủ lực trong kỹ thuật cao, đặc biệt samarium với ứng dụng kỹ thuật nam châm. Trung Quốc còn sang tận Mỹ với kế hoạch mua Molycorp (chủ khai thác quặng Mountain Pass - mỏ đất hiếm duy nhất ở Mỹ).

Năm 1951, Molycorp mua Mountain Pass (năm 1978, Molycorp thuộc về Hãng Dầu Unocal - Mỹ). Năm 1982, mỏ Mountain Pass bắt đầu xử lý samarium oxidei; rồi neodymium oxide năm 1989 - cả hai đều là thành phần quan trọng cho nam châm vĩnh cửu. Năm 2005, Tập đoàn dầu nhà nước Trung Quốc CNOOC (Trung Quốc Hải Dương Thạch Du) đưa ra giá 18,5 tỉ USD trong cuộc đấu thầu mua unocal (bỏ giá cao hơn Chevron đến nửa tỉ USD!).

Nếu vụ thâu tóm trên không bị Quốc hội Mỹ chặn đứng, Trung Quốc bây giờ đã là ông chủ quặng đất hiếm Mountain Pass và gần như trở thành nhà độc quyền số một có thể "hô phong hoán vũ" với lá bài đất hiếm trên thị trường thế giới.

Thâu tóm và đầu cơ đất hiếm

Tham vọng thống trị hoàn toàn thị trường đất hiếm của Trung Quốc chưa dừng lại, với những chiến lược mở rộng tầm với toàn cầu. Đầu năm 2009, Tập đoàn Khai thác khoáng sản Australia Lynas Corporation lập kế hoạch xây khu khai thác mỏ đất hiếm lớn tại núi Weld ở tây nam Australia nhưng gặp vấn đề tài chính.

Tháng 5/2009, một công ty Trung Quốc tên China Non-Ferrous Metal Mining Co lập tức nhảy vào với đề nghị hùn 252 triệu USD; đổi lại, họ được quyền giữ 51,6% cổ phần Lynas. Một lần nữa, tương tự Mỹ, Chính phủ Australia lại vào cuộc. Theo luật, dự án liên kết đầu tư với nước ngoài phải được Hội đồng xem xét đầu tư nước ngoài (FIRB) duyệt và tiến trình này thường kéo dài 30 ngày.

Tuy nhiên, FIRB đã trì hoãn bằng cách yêu cầu đối tác Trung Quốc đệ trình một số khoản "bổ sung", đồng thời đề nghị chính phủ nước mình phải cân nhắc cẩn thận. Cuối cùng, tháng 9/2009, Trung Quốc rút lui sau khi FIRB đòi chỉnh sửa một số nội dung dự thảo hợp đồng trong đó có việc "giảm tỉ lệ cổ phần dưới 50%". Dù vậy, trong một số thương vụ khác ở Australia, Trung Quốc đã thành công. Jiangsu Eastern China Non-Ferrous Metals hiện có hơn 25% cổ phần trong Arafura Resources Ltd là một ví dụ.

Thỏa mãn nhu cầu nội địa là lý do chính khi Trung Quốc ban lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Theo Vương Thái Phượng (Wang Caifeng) thuộc Hiệp hội Công nghiệp đất hiếm Trung Quốc, năm 2008, thị trường Trung Quốc sử dụng 70.000 tấn nguyên liệu đất hiếm (so với 130.000 tấn toàn cầu). Đó cũng là năm Trung Quốc xuất khẩu 10.000 tấn nam châm từ nguyên liệu đất hiếm trị giá 400 triệu USD cùng 34.600 tấn sản phẩm khác liên quan đến đất hiếm trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, hạn chế xuất khẩu đất hiếm và dùng đất hiếm như một công cụ cho chiến lược ngoại giao lẫn kinh tế mới thật sự là điều mà Trung Quốc đang tiến hành.

Năm 2009, Bộ Tài nguyên - Đất đai Trung Quốc ("Quốc thổ tư nguyên bộ") bắt đầu siết chặt hạn ngạch xuất khẩu khoáng sản, nhằm "bảo vệ và sử dụng chừng mực nguồn tài nguyên vượt trội của Trung Quốc", đặc biệt "tungsten, antimony và đất hiếm". Theo luật mới, Bộ Tài nguyên - Đất đai Trung Quốc "ngưng xem xét bất kỳ đơn xin khảo sát hoặc khai thác đất hiếm nào trên toàn quốc"...

Cùng lúc, Trung Quốc cũng có kế hoạch kiểm soát và quản lý chặt hơn ngành công nghiệp này. Đất hiếm hiện có tại khắp 22 tỉnh và khu vực Trung Quốc. Theo dự thảo kế hoạch phát triển đất hiếm từ năm 2009 đến 2015, Trung Quốc định chia công nghiệp đất hiếm thành ba khu (Nam, Bắc và Tây) - Nam với các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hà Nam và Quảng Tây; Bắc với khu vực Nội Mông và Sơn Đông; và Tây với Tứ Xuyên.

Việc đầu cơ tích trữ đất hiếm như một lợi thế mang tính chiến lược đã thể hiện ngay trong nhận định của Giáo sư Từ Quang Hiến. Ông Từ nói: "Chúng ta phải thiết lập một hệ thống dự trữ đất hiếm cũng như thorium (dùng trong công nghiệp năng lượng); đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước như Bảo Cương (Baogang), Trung Quốc ngũ quáng tập đoàn (Minmetals) và Giang Tây đồng nghiệp hữu hạn công ty (Jiangxi Copper Co) việc thực hiện chiến lược dự trữ". Theo An Tứ Hổ (An Sihu), trợ lý giám đốc Ủy ban Quản lý khu kỹ thuật cao đất hiếm Trung Quốc, nước này hiện có nhiều kế hoạch vĩ mô để tích trữ đất hiếm như một kho chiến lược, đặc biệt tại các khu quặng mỏ phía bắc lãnh thổ.

Khu công nghiệp đất hiếm tại Bao Đầu.

Nói như tác giả Cindy Hurst thuộc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (IAGS) trong tài liệu nghiên cứu 42 trang về đất hiếm Trung Quốc ấn hành tháng 3/2010, "phần còn lại của thế giới dường như đang ngủ trong khi Trung Quốc đã trưởng thành để trở thành người khổng lồ về công nghiệp đất hiếm. Thế giới đã mất gần 20 năm để đột nhiên tỉnh dậy với thực tế rằng, tương lai nền kỹ thuật cao lại có thể nằm trong tay một nhà phân phối...".

Mặt trái của tấm huy chương

Tuy nhiên, mặt trái của tấm huy chương vàng trong lĩnh vực công nghiệp đất hiếm Trung Quốc là sự tàn phá và hủy diệt môi trường. Theo một tài liệu của Hội Đất hiếm Trung Quốc (Trung Quốc Hi thổ học hội), "mỗi tấn đất hiếm được sản xuất sẽ tạo ra 8,5kg fluorine và 13kg bụi; việc dùng kỹ thuật vôi hóa nhiệt độ cao với axít sulfuric đậm đặc để tạo ra một tấn quặng đất hiếm khô sẽ tạo ra 9.600-12.000m3 khí thải chứa bụi, axit hydrofluoric, sulfur dioxide và axit sulfuric; cùng khoảng 1 tấn chất cặn phóng xạ"!

Theo một khảo sát tại Bao Đầu (Nội Mông), một trong những khu khai thác đất hiếm nhộn nhịp nhất Trung Quốc, "tất cả công ty đất hiếm tại Bao Đầu hiện thải ra 10 triệu tấn nước thải đủ loại mỗi năm"; và hầu hết nước thải "đều bị tống ra môi trường mà không được xử lý hiệu quả khiến không chỉ ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt cho đời sống hàng ngày mà còn làm hỏng đất canh tác". Đó là chưa kể 2.000 tấn phế liệu được sinh ra từ 1 tấn đất hiếm trong quy trình sản xuất - theo bà Vương Thái Phượng (nguyên Phó tổng giám đốc Cơ quan Nguyên vật liệu thuộc Bộ Công nghiệp - thông tin Trung Quốc).

Có thể nêu ra một hình ảnh thường thấy hàng ngày trên bức tranh khai thác đất hiếm có phần nhếch nhác tại nhiều nơi Trung Quốc: thay vì được che chắn cẩn thận, đất quặng được khai thác tại Bayan Obo lại được vận chuyển đến Bao Đầu trên những xe ray không nắp khiến phế phẩm rơi dọc đường và lọt xuống Hoàng Hà (dòng sông chạy ngang mạn Nam của Bao Đầu và uốn lượn gần 2.100km qua các rặng núi cũng như nhiều khu dân cư đông đúc). Năm 2005, Giáo sư Từ Quang Hiến đã phải lên tiếng rằng, thorium là nguồn nhiễm xạ tại Bao Đầu và dòng Hoàng Hà, khiến cá chết hàng loạt...

Dựa vào sản lượng trung bình 150 tấn đất hiếm, chi phí đối với giới sản xuất Trung Quốc cho việc tuân thủ những quy định trong Luật Môi trường sẽ là 1,1 tỉ tệ (161 triệu USD), chưa kể phí bảo vệ môi trường hàng năm khoảng 280 triệu tệ (41 triệu USD). Điều đó có nghĩa, giới sản xuất bị cộng thêm từ 1.000-1.500 tệ (145-220USD) cho việc sản xuất mỗi tấn sản phẩm đất hiếm.

Liệu với mức phí như thế các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc có dễ dàng chấp nhận? Dù biết rằng thậm chí họ có tuân thủ nghiêm ngặt thì cũng "cần ít nhất 10 năm nữa Trung Quốc mới theo kịp chuẩn môi trường" của các nước phương Tây chẳng hạn Australia (như nhận định của Dudley Kingsnorth, chuyên gia đất hiếm tên tuổi người Australia)!

Từ khóa » đất Hiếm Trung Quốc Là Gì