Đất Rừng Là 'vàng' Hay Chỉ Là đất?

Việt Nam có bình quân đất rừng cao bậc nhất thế giới?

Ngày 3.11.2020, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khi đó là ông Nguyễn Xuân Cường, cho biết đến nay tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, rừng trồng 4,3 triệu ha. Hệ số che phủ rừng gần 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

“Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống chúng ta. Chính vì thế, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến, năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản. Đây là một cố gắng ở vùng nguyên liệu”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết(1).

Bản đồ vệ tinh khu vực 2.400 km2 tại tỉnh Kon Tum. Nguồn: Google Earth; Đường biên giới chỉ để tham khảo

Nhưng đó mới chỉ là 30% trong tổng số gần 42 tỷ USD xuất khẩu nông sản của Việt Nam 2019(2). Đáng chú ý là không chỉ xuất khẩu lúa gạo mà có nhiều loại nông sản mới có tỷ trọng xuất khẩu cao, như: sắn, ngô, cao su… Đi cùng với nó là xuất hiện mới  nhiều vùng sản xuất quy mô lớn, đã tạo ra thu nhập cao cho các hộ  nông dân tại các vùng trước đây khó khăn như Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, thu hút làn sóng di dân từ các vùng nông nghiệp truyền thống (di dân không chỉ từ nông thôn tới đô thị mà còn từ vùng nông thôn cũ tới các vùng nông thôn mới).

Câu hỏi đặt ra là trong khi đất nông nghiệp truyền thống trồng lúa nước tại đồng bằng đã và đang bị thu hẹp để chuyển đổi thành đô thị, công nghiệp, dịch vụ mà nông sản các loại tăng thì đất nông nghiệp mới ở đâu ra khi bình quân đất rừng cao vậy? Phải chăng thành tích nông nghiệp như ông Cường báo cáo có lợi thế cạnh tranh từ việc phá rừng tự nhiên để mở rộng rừng trồng cây xuất khẩu? Như vậy rừng Việt Nam có thêm các loại "rừng" mới: cà phê, sắn, ngô (bắp), cao su...

Phát triển sản xuất nông sản mới tại các tỉnh có rừng như  Tây Nguyên,  Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung b ... vốn  có rừng, thu hút lao động từ các tỉnh nông nghiệp truyền thống (thuộc đồng bằng sông Hồng). Nguồn: WB

Báo cáo “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: tăng giá trị, giảm đầu vào” cũng của Ngân hàng Thế giới (WB), đã cung cấp những thông tin cho thấy những nông sản mới của Việt Nam được xuất khẩu với khối lượng lớn nhưng với giá thành thấp làm cho giá trị gia tăng nông nghiệp/ lao động nông nghiệp Việt Nam thấp so với các quốc gia lân cận. Nhưng nguy hại lớn hơn là nếu phá rừng tự nhiên quy mô lớn để trồng cây xuất khẩu thì lại đối mặt với những thách thức mới: giá nông sản bấp bênh, thoái hoá đất, khô hạn, nhiễm mặn, ô nhiễm, tàn phá đa dạng sinh học. Và đất rừng vốn là công sản đang được chuyển dần sang sản xuất và tệ hơn là có thể "hô biến" thành đất tư hữu.

Diện tích đất rừng Việt Nam mỗi ngành một số liệu

Ngày 22.7.2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã công bố kết quả kiểm kê diện tích đất đai 2019, riêng đất rừng 15.381.113 ha. Trong khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT công bố trước Quốc hội như đã dẫn ở trên, là 14,6 triệu ha. Chưa bàn đúng sai của các con số mà nên lưu ý rằng việc nhận diện các loại rừng sẽ tạo kết cấu đất đai khác nhau, khả năng chống chịu thảm họa lũ lụt sạt lở, mức độ an toàn cho sản xuất, tính mạng con người khác nhau… Ứng phó nhầm lẫn có thể sẽ dẫn đến thảm họa. Ví dụ, vụ sạt lở đất thủy điện Rào Trăng làm hàng chục người chết và mất tích năm 2020. Còn đợt mưa lũ cuối năm 2021 vừa qua tại các tỉnh Trung bộ và Tây Nguyên đã làm 18 người chết và mất tích(3), 1.492ha lúa, hoa màu bị thiệt hại…

Trong dự thảo Báo cáo Quản trị đất đai tại Việt Nam (dự thảo) thực hiện năm 2013 của WB, cho biết Việt Nam có diện tích đất liền hơn 33 triệu ha, đã đo đạc lập bản đồ địa chính 13,5 triệu ha. Trong đó có 88% là bản đồ đất rừng (11,9 triệu/13,5 triệu ha) do ngành TN&MT thực hiện từ năm 2006 với kinh phí 234 tỷ đồng (khoảng 17 triệu USD).

Kết quả đo vẽ lớn nhưng mới dừng ở mức khoanh vùng tổng thể, chưa phân định chi tiết. Tỷ lệ quá lớn (1/10.000) nên không thể dùng để giao đất. Nhiều lâm trường quốc doanh không có bản  đồ phần đất mình đang quản lý, điều này góp phần dẫn đến tình trạng lấn chiếm/ tranh chấp đất rừng tràn lan. Còn diện tích đất rừng Việt Nam vẫn là con số được đặt dấu hỏi về độ tin cậy bởi có sự chênh lệch giữa cơ quan cung cấp bản đồ (Bộ TN&MT) lẫn cơ quan quản lý khai thác tài nguyên rừng (Bộ NN&PTNT).

Hệ thống thông tin giám sát rừng quốc gia Camphuchia/ Ảnh vùng biên giới ba nước. Các giải pháp dùng ảnh vệ tinh để lập bản đồ bảo vệ rừng Việt Nam do AT.COM thực hiện. (Ảnh trích dẫn minh họa, không thể hiện biên giới quốc gia)

Quản lý lỏng lẻo, lạc hậu sẽ làm 'thất thoát' tài nguyên đất rừng 

Theo Luật Đất đai 1993 thì Cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương (là Bộ TN&MT hiện nay) ban hành quy trình kỹ thuật, quy phạm xây dựng bản đồ địa chính. Bản đồ địa chính gốc được lưu giữ tại cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương (Bộ TN&MT).

Luật đất đai sửa đổi 2003, 2013, hợp nhất 2018 xác lập chi tiết nhiệm vụ, nguồn lực xây dựng bản đồ địa chính cho Bộ TN&MT. Trong khi thông tin hình ảnh đất rừng Việt Nam tìm trên mạng rất dễ thì tư liệu của  Bộ TN&MT lại hiếm hoi. Tư liệu quản lý lỏng lẻo dẫn tới nguy cơ là sẽ tạo cơ hội cho các dự án  phá rừng công sản để phát xuất hay xây dựng  tư hữu quy mô lớn từ núi cao đến ven biển. Tháng 10.2021, lại có đề xuất cấp tỉnh được chuyển đất rừng đặc dụng làm dự án...(4) Rất may là đề xuất này đã được các cơ quan quản lý cấp trên cho rằng thay đổi lớn cần tổng kết đánh giá. Bởi, nếu không có nguyên tắc, tiêu chí, định hướng quản lý đi kèm thì dẫn tới nguy cơ bị "lạm dụng chính sách".

Công ty công nghệ AT.COM giới thiệu giải pháp quản lý rừng tại Việt Nam bằng ảnh vệ tinh chi phí thấp hiệu quả cao thay thế hệ thống bản đồ rừng in trên giấy  đắt đỏ và hạn chế trong quản lý  do Bộ TNMT thực hiện.

Ảnh Google Earth khu vực biên giới ba nước, về mặt cảm quan dễ nhận thấy rừng Campuchia được bảo vệ tốt hơn Việt Nam rất nhiều, đó là kết quả của chính sách bảo vệ rừng hiệu quả, với hệ thống thông tin bản đồ quản lý rừng quốc gia hiện đại, sử dụng công nghệ số với hình ảnh vệ tinh và các công cụ quan sát thời gian thực sinh động/ chính sác/ hiệu quả với chi phí thấp. Những công nghệ này cũng sẵn có tại Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước chủ động. Những hạn chế về kỹ thuật công nghệ lạc hậu và mô hình quản lý còn nhiều bất cập trong công tác quản lý tài nguyên đất rừng Việt Nam phải chăng đã đến lúc phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân.

Ưu tiên hàng đầu là ứng dụng công nghệ để tăng cường năng lực quản lý/ giám sát tài nguyên hiệu quả. Để tăng tốc tiến trình này phải chăng cần tách vai trò cung cấp dịch vụ xây dựng tư liệu quản lý ra khỏi chức năng quản lý của Bộ TN&MT trong nội dung Luật Đất đai sửa đổi 2023: tất cả những chương điều liên quan tới xây dựng quy phạm, nghiệm thu, công bố, giám sát hay điều kiện hành nghề xây dựng tư liệu quản lý tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản... cần tạo điều kiện tối đa cho toàn xã hội tham gia thay vì "đặc quyền" của một ngành như hiện tại. Có như vậy mới hy vọng tài nguyên đất rừng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn cho mục tiêu phát triển bền vững.

Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội  

_________________

(1) https://nhandan.vn/moi-truong/he-so-che-phu-rung-cua-viet-nam-dat-42-cao-hon-muc-binh-quan-cua-the-gioi-623083/

(2) http://vutaichinh.mard.gov.vn/pages/news/3227/Nganh-nong-nghiep-phan-dau-dat-kim-ngach-xuat-khau-42---43-ty-USD-nam-2019.html

(3) https://tuoitre.vn/mua-lu-da-lam-18-nguoi-chet-mat-tich-tu-nay-den-cuoi-nam-trung-bo-kha-nang-it-mua-lon-20211202100358851.htm

(4) https://vnexpress.net/de-xuat-cap-tinh-duoc-chuyen-dat-rung-dac-dung-lam-du-an-4371425.html

Từ khóa » Bản đồ Rừng Việt Nam 2020