TP.HCM đã Mất Hơn 1.000 Ha Rừng?

Giữa năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu TP.HCM công bố hiện trạng rừng năm 2020 trong bối cảnh các tỉnh thành cả nước đã công bố hiện trạng rừng cùng năm (*). Đến cuối tháng 12.2021, UBND TP.HCM ra quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2019, 2020 với tổng diện tích rừng đã được điều chỉnh giảm hơn 3.000 ha so với những năm trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn gần 1.000 ha rừng đã bị “biến mất” một cách khó hiểu, chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Rà soát của TP.HCM mới đây, số liệu hiện trạng, diện tích rừng thành phố năm 2019, 2020 có sự chênh lệch so với năm 2018.

Giảm hơn 3.000 ha rừng

Theo đó, quyết định công bố hiện trạng rừng TP.HCM của UBND thành phố vào cuối năm ngoái, cho thấy: tổng diện tích rừng của thành phố vào các năm 2019, 2020 đều giảm hơn 3.000 ha so với năm 2018, với tỉ lệ độ che phủ rừng đều là 15,9%.

Khu dân cư 42 căn nằm lọt thỏm giữa diện tích rừng Cần Giờ, trong đó đã có diện tích được đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ Cần Giờ sau kết quả Kiểm kê rừng năm 2016. Ảnh: Nam Phong
Khu dân cư 42 căn nằm lọt thỏm giữa diện tích rừng Cần Giờ, trong đó đã có diện tích được đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ Cần Giờ sau kết quả Kiểm kê rừng năm 2016. Ảnh: Nam Phong

Nguyên nhân, theo giải trình của Sở NN&PTNT tại tờ trình số 2498 đầu tháng 12.2020, là do Chi cục Kiểm Lâm đã tính cả diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên ngoài quy hoạch, trồng cây phân tán trên đất trồng cây lâu năm, đất khu công nghiệp, khu đô thị nhưng chưa triển khai hoàn chỉnh, không thuộc đất quy hoạch phát triển rừng (đất rừng phòng hộ, sản xuất) ở các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ.

Theo như chúng tôi tìm hiểu, diện tích rừng ngoài quy hoạch nói trên không chỉ được đưa vào diện tích rừng và tính độ che phủ rừng cho năm 2018 mà còn được tính cho các năm 2016, 2017. Điều này được thực hiện sau kết quả Kiểm kê hiện trạng rừng thành phố năm 2016. Theo đó, tỉ lệ độ che phủ rừng các năm 2016, 2017, 2018 đều tăng so với các năm trước Kiểm kê hiện trạng rừng vào năm 2016. Cách tính này là trái với quy định tại điều 9 thông tư số 26 của Bộ NN&PTNT về kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng.

Ghi chú biểu đồ: Tổng diện tích rừng TP.HCM đã công bố năm 2019 tăng hơn 33 ha so với năm 2018 - theo giải trình sở NN&PTNT - là do đây là diện tích rừng trồng thêm được tại rừng phòng hộ Cần Giờ.
Ghi chú biểu đồ: Tổng diện tích rừng TP.HCM đã công bố năm 2019 tăng hơn 33 ha so với năm 2018 – theo giải trình sở NN&PTNT – là do đây là diện tích rừng trồng thêm được tại rừng phòng hộ Cần Giờ.

Tuy nhiên, sự sai lệch số liệu rừng không chỉ dừng lại đó.

So sánh tỉ lệ độ che phủ rừng TP.HCM trước khi thực hiện Kiểm kê hiện trạng rừng năm 2016 (16,42%) với tỉ lệ độ che phủ rừng công bố hiện nay (15,9%) cho thấy giảm 0,52%, tương đương hơn 1.000 ha rừng. Điều này hề không được nhắc đến trong Tờ trình của sở NN&PTNT về việc công bố hiện trạng rừng TP.HCM năm 2019, 2020.

1.000 ha rừng đã đi đâu?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết: hơn 1.000 ha nói trên là diện tích rừng sản xuất hộ gia đình, nhưng sau này khi điều chỉnh quyết định cấp đất cho hộ dân thì không ai đồng ý là đất lâm nghiệp, và chủ trương của thành phố cũng không có đất lâm nghiệp cho hộ gia đình. Vì vậy Chi cục không thống kê diện tích này vào diện tích rừng thành phố nữa.

Toàn bộ hơn 31 ha diện tích rừng trên cù lao Phú Lợi, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã bị đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ sau kết quả Kiểm kê rừng năm 2016. Ảnh: Nam Phong
Toàn bộ hơn 31 ha diện tích rừng trên cù lao Phú Lợi, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đã bị đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ sau kết quả Kiểm kê rừng năm 2016. Ảnh: Nam Phong

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, sau năm Kiểm kê rừng thành phố 2016, trong Quyết định công bố hiện trạng rừng TP.HCM các năm 2016, 2017, 2018 vẫn còn diện tích rừng phân cho hộ gia đình, cá nhân/cộng đồng dân cư quản lý là gần 2.000 ha (bao gồm diện tích rừng trồng chưa thành rừng). Diện tích này chỉ không còn trong quyết định công bố hiện trạng rừng thành phố năm 2019, 2020.

Như vậy, theo giải trình của Sở NN&PTNT ở trên, nếu sự chênh lệch diện tích rừng giữa các năm 2018 (và 2017, 2016) với năm 2019, 2020 chỉ là hơn 3.000 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp, thì câu trả lời của Chi cục Kiểm lâm cho thấy có sự không thống nhất về số liệu. Hơn 1.000 ha rừng đã “bị mất” so với diện tích rừng thành phố hiện nay vẫn không rõ đã bị mất ở đâu, và vì sao?

Thiếu bản đồ hiện trạng rừng?

Về nguyên tắc, việc công bố diện tích rừng luôn cần bản đồ hiện trạng rừng đi kèm, làm cơ sở cho công tác quản lý. Tuy nhiên, trong trao đổi với chúng tôi, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM chưa cung cấp được bản đồ hiện trạng rừng hiện nay, các năm trước và sau thời gian kiểm kê rừng 2016.

Vấn đề này không chỉ nằm ở Chi cục Kiểm lâm thành phố. Ông Lê Thanh Liêm, trưởng Hạt Kiểm lâm Củ Chi, cho biết: Hạt có bản đồ rừng địa bàn nhưng bản đồ này lại không thể hiện được hiện trạng rừng cụ thể. Vì vậy nhiều năm qua, Hạt Kiểm lâm Củ Chi đã yêu cầu Phòng Quản lý bảo vệ rừng của Chi cục Kiểm lâm cung cấp bản đồ hiện trạng rừng nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý rừng trên địa bàn nhưng vẫn chưa nhận được.

Vạt rừng keo lá tràm còn lại sau khi nông trường Láng Le giải thể. Ảnh: Nam Phong
Vạt rừng keo lá tràm còn lại sau khi nông trường Láng Le giải thể. Ảnh: Nam Phong

Những con số “nhảy múa” và nguy cơ số liệu ảo

Trong khi hơn 1.000 ha rừng trong số liệu thống kê nói trên bị “biến mất” mà chưa rõ “mất” ở đâu, vì sao thì hồ sơ của chúng tôi cho thấy: từ kết quả Kiểm kê hiện trạng rừng TP.HCM 2016, đã có tổng gần 294 ha diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất được đưa ra khỏi diện tích rừng thành phố. Đây là diện tích gồm của nông trường Láng Le (huyện Bình Chánh) đã giải thể, diện tích đã được giao cho doanh nghiệp làm sân golf tại quận 9, và gần 73 ha rừng Cần Giờ (trong đó 60% diện tích là đất có rừng) đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ chuyển vào diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm về kết quả kiểm kê rừng vào cuối năm 2016, việc này giúp điều chỉnh ranh giới đất rừng được liền lô, liền khoảnh, thuận lợi hơn cho công tác quản lý đất đai và quản lý rừng, tạo quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan khu dân cư khu vực…

Ông Đinh Văn Phương đang giới thiệu người mua miếng đất bên cạnh rừng Cần Giờ đã được đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ từ năm 2016 theo kết quả Kiểm kê rừng cùng năm. Ảnh: Lê Quỳnh
Ông Đinh Văn Phương đang giới thiệu người mua miếng đất bên cạnh rừng Cần Giờ đã được đưa ra khỏi ranh rừng phòng hộ từ năm 2016 theo kết quả Kiểm kê rừng cùng năm. Ảnh: Lê Quỳnh

Tại khu vực liền kề khu dân cư 42 căn (khu Mút Bột, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), nơi dự kiến sẽ đưa hơn 19 ha rừng ra khỏi rừng phòng hộ, tình trạng mua bán đất diễn ra sôi nổi. Ông Đinh Văn Phương, một người dân ở đây, chỉ miếng đất đã được đắp nền rộng hơn 400 m2 sát mé rừng, nói rằng giá của nó là 1,7 tỉ đồng. Để thuyết phục hai phụ nữ từ nơi khác đang hỏi mua đất, ông Phương nói rằng sắp tới, khi rừng được đưa ra khỏi rừng phòng hộ thì khu này sẽ phát triển thành khu dân cư sầm uất, rất giá trị. Chỉ cách một con lộ, phía bên kia là một dải rừng nằm bên mé sông. Dường như quá trình đô thị hóa đã bắt đầu dần len lỏi vào cả khu vực đang hoang vắng người ở này.

Phân tích dữ liệu độc lập từ Global Forest Watch (GFW) cho thấy xu hướng đô thị hóa ở TP.HCM tăng cao từ 10 năm trở lại đây (2011 – 2020), cao gấp gần 5 lần so với 10 năm giai đoạn trước (2001 – 2010), tương đương với độ che phủ diện tích rừng (**) bị mất của 10 năm gần đây cao hơn gấp gần 5 lần của 10 năm trước.

Đặc biệt, quá trình đô thị hóa này diễn ra mạnh mẽ ở giai đoạn 5 năm trở lại đây (2014 – 2020), tương đương với việc thành phố đã bị mất hơn 1.700 ha độ che phủ diện tích rừng. Đây cũng là giai đoạn mà hơn 1.000 ha rừng nói trên đã “bị mất” mà chưa biết ở đâu, vì sao.

Nhiều chuyên gia ngành lâm nghiệp tỏ ra tiếc nuối khi thực tế có nhiều độ che phủ diện tích rừng ở các quận 9, Củ Chi, Bình Chánh bị giảm trong những năm gần đây và nguy cơ sẽ bị mất ở Cần Giờ thời gian tới. Chẳng hạn như cho tới hiện nay, trong thống kê diện tích rừng thành phố, quận 9 đã hoàn toàn không còn rừng. Gần 22 ha rừng phòng hộ còn lại ở đây đã được chuyển mục đích sử dụng thành đất trồng cây cảnh quan vào năm 2018. Hậu quả là đã có hàng trăm cây gỗ rừng ở khu vực này bị biến mất mà không rõ nguyên nhân – theo kết luận thanh tra TP.HCM số 04 vào đầu năm 2021. Việc số liệu rừng không rõ ràng và thống nhất, thiếu bản đồ hiện trạng rừng đã khiến cho công tác quản lý rừng thành phố khó khăn, thậm chí bị đặt câu hỏi về sự minh bạch.

Cuối năm 2021, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn thành phố với mục tiêu nâng tỷ lệ đất có rừng lên 16,24% vào năm 2030 và duy trì ổn định tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng ở giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, để làm hiệu quả và thực chất được mục tiêu này, thì vấn đề trước mắt cần được làm rõ là: công tác quản lý rừng TP.HCM, hiện trạng và bản đồ hiện trạng rừng hiện nay như thế nào? Diện tích rừng TP.HCM có bị mất không, ở đâu, vì lý do gì, v.v… Nếu không, sẽ rất dễ nguy cơ xảy ra tình trạng số liệu ảo, hoặc rừng bị “hô biến” một cách âm thầm mà không ai hay.

Theo Lê Quỳnh (Báo Người đô thị)

Bài viết được sự hỗ trợ của Quỹ Báo chí Rừng Nhiệt đới cùng sự hợp tác của Pulitzer Center.

Ghi chú:

(*) Số liệu của TP.HCM trong Công bố hiện trạng rừng cả nước năm 2020 của Bộ NN&PTNT vào tháng 4.2021 là số liệu đến ngày 31.12.2019.

(**) Độ che phủ diện tích rừng (tree cover) được tính theo Global Forest Watch là tất cả các thảm thực vật có chiều cao lớn hơn 5 mét, có thể là rừng tự nhiên hoặc rừng trồng với độ che phủ tán cây (canopy cover) từ 30% trở lên. Độ che phủ diện tích rừng bị mất có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như phá rừng, cháy rừng, sâu bệnh, bão, khai thác gỗ bằng máy móc.

(***) Global Forest Watch là một nền tảng trực tuyến cung cấp dữ liệu và công cụ để giám sát diện tích rừng đang thay đổi trên toàn thế giới. Nền tảng này là sáng kiến của Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute), các đối tác bao gồm Google, USAID, Đại học Maryland, Esri, Vizzuality, và nhiều tổ chức học thuật, phi lợi nhuận, công và tư khác

Từ khóa » Bản đồ Rừng Việt Nam 2020