Dấu ấn Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng Trên đất Quỳnh Lưu
Có thể bạn quan tâm
(Baonghean.vn) - Bố Cái Đại vương Phùng Hưng là nhân vật lịch sử uy vũ, linh thiêng trong tâm thức người dân. Trên mảnh đất địa đầu xứ Nghệ, dấu ấn của ông vẫn in đậm trong đời sống tâm linh, với nhiều truyền thuyết ly kỳ.
Phùng Hưng sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ VIII, tự là Công Phấn, quê ở Đường Lâm (nay thuộc huyện Sơn Tây, Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình “đời đời cha truyền con nối làm tù trưởng biên khố ở châu Đường Lâm, gọi là Quan Lang, gia tư giàu có, sức rất là khỏe mạnh, có thể bắt hổ vật trâu”. Cha là Phùng Hạp Khanh, một người hiền lành, đức độ, từng tham gia nghĩa quân Mai Thúc Loan ở Nghệ An, mẹ người họ Sử. Nối nghiệp cha làm tù trưởng, Phùng Hưng không chỉ chăm lo xây dựng cơ nghiệp mà còn rất thương dân “những năm gặp mất mùa đói kém thường đem thóc lúa chẩn cứu bần dân”.
Tranh vẽ về Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Nguồn: Tư liệu |
Lúc bấy giờ, khoảng đời Đại Lịch nhà Đường (766 - 779), tình hình Trung Quốc rối loạn, nhà Đường bước vào giai đoạn suy yếu, các tướng tá nhiều nơi nổi dậy cát cứ. An Nam đô hộ phủ Cao Chính Bình cũng thừa dịp ra sức lộng hành, bòn rút của cải của dân, đánh thuế rất nặng khiến trăm họ oán thán. Trước tình hình đó, Phùng Hưng đã cùng với em là Phùng Hải kêu gọi nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Ông vốn được lòng dân, nay khởi xướng, nhân dân nhất loạt nghe theo, tôn Phùng Hưng làm Đô quân, Phùng Hải làm Đô bảo.
“Nghĩa quân đi đến đâu như gió lướt đến đấy, quân thù rất khiếp sợ”, các vùng xung quanh Đường Lâm nhanh chóng được giải phóng. Dần dần, nghĩa quân Phùng Hưng chiếm giữ một vùng rộng lớn quanh Phong Châu và xây dựng nơi này làm căn cứ chống giặc. Quân nhà Đường không đàn áp được. Nhân cơ hội này, Phùng Hưng đã theo kế của tướng Đỗ Anh Luân (còn gọi là Hàn) - một tù trưởng cũng người Đường Lâm “điều quân 6 mặt bao vây phủ thành, Chính Bình không đường cứu viện ắt phải chịu chết”. Cao Chính Bình đem 4 vạn quân ra nghênh chiến, “sau 7 ngày đêm xung sát, quân giặc thất thế rút vào thành cố thủ”, Cao Chính Bình sợ quá phát bệnh ốm chết. Nghĩa quân chiếm được phủ thành. Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị, được 7 năm ông mất. Nhân dân đã tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại vương (vua cha mẹ) và lập đền thờ ông ở nhiều nơi để tưởng nhớ công ơn.
Tại Quỳnh Lưu - mảnh đất địa đầu xứ Nghệ (nay là huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai), ở các vùng Vân Tụ, Quỳnh Tụ (Quỳnh Văn và Quỳnh Xuân ngày nay) có khá nhiều nơi thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng như đền Rậm ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu; đền Phùng Hưng (còn gọi là đền Quỳnh Tụ) ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai... với nhiều truyền thuyết, dị bản khác nhau nhưng điểm chung là đều gắn Thần với vùng đất này.
Đền Rậm, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. |
Thần tích đền Rậm (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) còn ghi chép tường tận về sự ra đời của Thần như sau: “Một hôm, đang đi làm giữa đồng, bỗng nhiên trời giông tố đổ mưa, mây đen trên trời ập xuống phủ kín người bà. Sau đó về bà có thai, đủ ngày, đủ tháng sinh được 3 người con trai: Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh”.
Về việc tại sao Thần lại được thờ ở vùng đất này, hiện có nhiều truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Có truyền thuyết cho rằng: Trước kia vùng này là núi rừng rậm rạp, thú dữ thường xuyên hoành hành, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân sống quanh vùng. Nghe danh lúc sinh thời, Phùng Hưng nổi tiếng có sức khỏe hơn người, có thể hàng trâu, vật hổ, nhân dân muốn lấy uy linh của ông để trấn trị thú rừng nên đã xây dựng đền để thờ phụng.
Có truyền thuyết khác lại cho biết, trong những năm cầm quyền (784 - 791), một lần Phùng Hưng kéo quân vào kinh lý ở Hoan Diễn, đến khu vực vùng Kẻ Hà, Kẻ Vân, Kẻ Dòi... thuộc khu vực núi Tùng Lĩnh thấy nhiều thú dữ, nhất là hổ hay bắt gia súc và người, ông đã dừng lại để diệt hổ. Khi ông cùng quân lính đang đánh nhau với một con hổ chưa phân thắng bại thì có 3 con hổ khác xuất hiện. Sau nhiều giờ vật lộn với 4 con hổ, bị kiệt sức, ông và một số quân lính đã ngã xuống đổ máu hy sinh. 4 con hổ đem thi thể ông đặt tại đỉnh núi Tùng Lĩnh.
Nhân dân ở vùng Quỳnh Lưu xưa, phần lớn tin theo truyền thuyết thứ hai. Ở trên đỉnh núi Tùng Lĩnh (thuộc địa phận xã Quỳnh Văn và phường Quỳnh Xuân), hiện nay còn có một bàn thờ bằng đá (nhân dân gọi là thạch án) mà theo người dân, được lập tại nơi Phùng Hưng đã rơi giọt máu trong lúc quần nhau với hổ. Sự tồn tại của thạch án càng củng cố thêm niềm tin cho người dân về việc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đã từng xuất hiện tại mảnh đất này. Hàng năm, cứ đến ngày 21 tháng Giêng, nhân dân trong vùng lại tổ chức ngày giỗ cho Thần rất trang trọng.
Thạch án nằm trên đỉnh núi Tùng Lĩnh. |
Do thạch án nằm trên đỉnh núi, việc thờ phụng và tổ chức lễ giỗ gặp nhiều khó khăn nên đến thời Nguyễn, nhân dân trong vùng đã làm lễ xin Thần cho xây đền ở vị trí dưới chân núi, bằng cách sử dụng một hòn đá lăn từ trên đỉnh xuống và quy ước: hòn đá dừng ở đâu thì xây đền tại đó. Theo cách này, đền Rậm, xã Quỳnh Văn đã được xây dựng. Hiện nay, tại đền còn lưu lại vị hiệu của Thần bằng chữ Hán, nội dung như sau: “Gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần chư tôn duệ hiệu Phùng Đại Vương”.
Suy cho cùng, việc thờ một vị thần ở địa phương nào cũng đều có lý do của nó, một là liên quan đến địa phương (nơi sinh, nơi mất, nơi rơi giọt máu, nơi có hiện vật... của thần), hai là thần là người nơi khác nhưng có công lao với địa phương hoặc được nhân dân địa phương hóa. Bởi theo quan niệm dân gian “Trống làng nào làng ấy đánh/Thánh làng nào làng ấy thờ”... mà muốn có “Thánh làng mình” thì phải xây dựng cho “Thánh” một lý lịch gắn với “làng mình”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một Bố Cái Đại vương rất gần gũi, được nhân dân khoác lên mình một lý lịch, một lịch trình rất “cụ thể” và một công lao “không thể chối cãi”. Bằng cách này, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đã gắn bó với người dân nơi đây từ đời này qua đời khác, cùng nhân dân chứng kiến sự đổi thay hàng ngày của vùng đất Quỳnh Lưu.
Các tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên, NXB Văn hóa thông tin, 2004.
2. Việt điện U linh, Lý Tế Xuyên, NXB Hồng Bàng, 2012.
3. Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Trương Hữu Quýnh chủ biên, NXB Giáo dục, 1999.
4. Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Ninh Viết Giao, NXB Nghệ An, 2000.
5. Thần tích đền Rậm, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu.
6. Lý lịch Di tích đền Rậm, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu.
7. Lý lịch Di tích đền Phùng Hưng (đền Quỳnh Tụ), phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai.
Từ khóa » Bố Cái đại Vương Phùng Hưng đóng đô ở đâu
-
Phùng Hưng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chuyện Về Phùng Hưng Của đất Đường Lâm Hai Vua
-
ĐỀN THỜ BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG - Giới Thiệu
-
Tiểu Sử Phùng Hưng - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG
-
Thái Bình Với Cuộc Khởi Nghĩa Của Phùng Hưng (791-803)
-
Bố Cái đại Vương Phùng Hưng | Biên Niên Sử
-
Thần Tướng Phùng Hưng – Bố Cái Đại Vương - Du Lịch
-
Nơi động Do Của Cuộc Khởi Nghĩa Phùng Hưng
-
Phùng Hưng - Người Kể Sử
-
Khởi Nghĩa Phùng Hưng (766-791) - Chiến Tranh - Vietnamdefence
-
Vi Sao Nhan Dan Ta Lai Goi Phung Hung La Bo Cai Dai Vuong - 123doc
-
Phùng Hưng Diệt Hổ Và Giai Thoại Giúp Ngô Quyền đánh Giặc
-
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Báo Đắk Lắk điện Tử
-
Tiểu Sử Phùng_Hưng - Tieng Wiki
-
Thời Bắc Thuộc Và Chống Bắc Thuộc - Dân Ta Phải Biết Sử Ta
-
Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) - Người Hà Nội
-
Chuyện Bố Cái đại Vương Một Ngày Lấy Hai Vợ - Báo Phụ Nữ