Dấu ấn Của Tướng Quân Nguyễn Quốc Thước - Ngày Mới Online

Nhân việc Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho vị Trung tướng già, người cựu chiến binh mẫu mực, người đảng viên chân chính, người đại biểu gần gũi của dân, xin tìm hiểu và hồi nhớ lại đôi nét về một con người bình dị mà đáng kính.

Ông Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3/2/1926, tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, có Đức Tổ họ là tướng quân dưới thời Trần dũng cảm chống giặc Nguyên Mông thế kỉ XIII được phong tước “Đô đốc quận công”. Chàng thanh niên trí thức Nguyễn Quốc Thước tham gia Việt Minh từ tháng 4/1945. Sau khi giành và xây dựng chính quyền tại địa phương, ông được huyện giao làm Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc, động viên thanh niên tòng quân ra mặt trận chống thực dân Pháp và xây dựng hậu phương.

Cuộc đời binh nghiệp

Đến đầu năm 1949, khi cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, là đảng viên, Bí thư Huyện đoàn, chàng thanh niên trí thức đã tình nguyện và được lãnh đạo huyện cho phép nhập ngũ. Môi trường rèn luyện, học tập đầu tiên là Trường sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn (khóa V). Cuối năm 1950, ra trường, ông được phân công vào chiến trường Bình - Trị - Thiên. Đây là giai đoạn tham gia thực tế chiến đấu đầu tiên của ông, mà dấu ấn lớn nhất là sự gắn bó với Nhân dân, làm tốt công tác dân vận ở vùng địch hậu, cùng vượt qua muôn vàn khó khăn giữ vững địa bàn phát động kháng chiến giành thắng lợi. Tiếp theo là chiến dịch Trung Hạ Lào cuối năm 1953, đầu năm 1954, với cương vị Đại đội phó rồi Đại đội trưởng, Nguyễn Quốc Thước đã chỉ huy đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn và bộ đội Pha - thét Lào chiến đấu dũng cảm, mưu trí tiêu diệt nhiều tiểu đoàn lính Âu - Phi, bắt tù binh, thu vũ khí của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân uỷ Trung ương và Tổng Tư lệnh giao là kìm chân lực lượng lớn chủ lực của địch từ xa, tạo điều kiện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Sau Hiệp định

Thói quen hằng ngày được ông duy trì là việc đọc báo, xem tin trên mạng.
Thói quen hằng ngày được ông duy trì là việc đọc báo, xem tin trên mạng.

Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954), cả hai Trung đoàn 101 và 66 được lệnh hành quân về Việt Nam, đồng thời hỗ trợ hai Tiểu đoàn bộ đội Pha - thét Lào cùng vượt giới tuyến đi qua Việt Nam để tập kết lên Thượng Lào. Nguyễn Quốc Thước cùng 2 cán bộ chính trị được giao nhiệm vụ đi cùng và tổ chức cho bộ đội, cán bộ, Nhân dân của bạn về Việt Nam an toàn. Khó khăn là đoàn của bạn có nhiều gia đình quân nhân, cả phụ nữ và trẻ em, lương thực thuốc men thiếu thốn, lại gặp mùa mưa lũ, chốt kiểm soát của quốc tế nghiêm ngặt (do sĩ quan Canada đảm nhiệm). Với tinh thần đùm bọc yêu thương như anh em một nhà, đoàn kết quyết tâm vượt khó, đồng thời với chút vốn tiếng Pháp được vận dụng sáng tạo, khôn ngoan, ông đã đưa Đoàn của bạn hành quân tập kết an toàn đúng kế hoạch của hai nước. Sau này nhiều người của bạn đi trong Đoàn tập kết làm lãnh đạo trong cơ quan của Đảng, Nhà nước Lào nhưng luôn nhớ ghi bao kỉ niệm sâu sắc trong những ngày được bộ đội Việt Nam, mà trực tiếp là nhóm cán bộ cùng ông Nguyễn Quốc Thước giúp đỡ vượt đường dài qua đất Việt Nam tập kết lên vùng giải phóng Thượng Lào tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Khi ông làm Tư lệnh Quân khu 4 và sau là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam thì tình cảm đồng chí anh em Việt - Lào càng được nhân lên, công việc cũng thuận lợi hơn.

Dấu ấn của tướng quân Nguyễn Quốc Thước
Đại tướng Ngô Xuân Lịch và các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng chúc mừng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời kì ác liệt nhất, Nguyễn Quốc Thước được điều động vào chiến trường Tây nguyên. Mười năm gian khổ cùng bộ đội Mặt trận B3 - Tây nguyên, cùng Nhân dân các dân tộc chiến đấu giành đất, giữ dân với những chiến thắng vang dội ở cứ điểm A Sầu, Sa Thầy, Pô Cô, Đắk Tô - Tân Cảnh, Bắc Kon Tum,… Có những lần ông nhận nhiệm vụ đột xuất của lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên dẫn Trung đoàn 24 hành quân khẩn cấp tham gia “Mặt trận An Sơn” ở Hạ Lào, xuôi dòng Sê-Kông xuống giải phóng thị xã Stung-treng Đông Bắc Campuchia, rồi đột ngột nhận lệnh trở lại Tây Nguyên với nhiệm vụ khác khó khăn hơn. Lại chỉ huy hành quân chiến đấu, phối hợp giải phóng tỉnh A-tô-pư và một vùng rộng lớn trên cao nguyên Bô-lô-ven, ổn định tình hình nhân dân, tạo thế liên hoàn chiến lược Trung Đông Dương, giữ vững và mở rộng hành lang an toàn cho đường Hồ Chí Minh bảo đảm vận tải cung cấp hậu cần thông suốt vào Nam. Trung đoàn 24A do ông Nguyến Quốc Thước chỉ huy chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ nước Việt Nam và Chính phủ nước Lào tặng Huân chương. Đến chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, đồng chí là Trưởng phòng tham mưu tác chiến của Mặt trận. Tiếp nối là cùng Quân đoàn 3 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau đó, ông tiếp tục chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, về lại lãnh đạo chỉ huy Quân khu 4 quê hương…

Với gần 50 năm trong quân ngũ, đã trải qua hầu hết các chiến trường ác liệt, từ chiến sĩ đến lúc làm tướng, ông luôn yêu thương gần gũi cấp dưới và gắn bó mật thiết với Nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với lí tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Dù ở hoàn cảnh nào, phẩm chất nổi bật ở ông là chiến đấu và chỉ huy chiến đấu mưu trí, dũng cảm, chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên giao. Sau này ông được giao làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông tiếp tục có nhiều đóng góp lớn cho xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại và làm tốt công tác Hội.

Dấu ấn của tướng quân Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đi đầu, ở giữa) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa

Dấu ấn tham gia Trung ương Đảng

Ông Nguyễn Quốc Thước là đại biểu dự 4 kì Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng (từ Đại hội V đến Đại hội VIII) và là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (nhiệm kì 1986-1991). Đây là thời điểm mà tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô là trụ cột đang rơi vào trì trệ và khủng hoảng nghiêm trọng, bọn cơ hội xét lại đang tìm cách chiếm quyền lãnh đạo, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Tình hình xấu đó tác động sâu sắc đến nội bộ Đảng ta và Nhân dân ta. Đã có một số luận điểm về đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng được phát tán, tuyên truyền. Tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm đa nguyên đa đảng. Trên địa bàn Quân khu 4, cũng có biểu hiện dao động ở một số người, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ đảng viên trong Quân khu. Với tư cách là Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu, ông Nguyễn Quốc Thước đã khẩn trương thống nhất quan điểm trong Thường vụ Quân khu, kịp thời kiểm điểm chấn chỉnh, đấu tranh kiên quyết với những nhận thức sai lệch, mơ hồ về dân chủ. Ông Nguyễn Quốc Thước với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng đã làm văn bản báo cáo lên đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Chính trị kiên quyết đề nghị kiểm điểm, xử lí thật nghiêm những người có quan điểm sai trái, để giữ vững sự thống nhất trong Đảng, trước hết là trong Ban chấp hành Trung ương.

Thắp hương đồng đội đã hi sinh
Thắp hương đồng đội đã hi sinh

Những năm tháng làm đại biểu Quốc hội

Ông là đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tục (khóa VIII, khóa IX và khóa X). Trong những năm ông là đại biểu Quốc hội, cũng là giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, đất nước còn nhiều khó khăn, hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có Quốc hội cũng đang đổi mới. Ông thường có nhiều đóng góp xây dựng pháp luật hay đánh giá sắc sảo về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, đề xuất chính sách, nhất là chính sách với hậu phương quân đội, với thương bệnh binh và cựu chiến binh. Ông là đại biểu luôn tích cực phát biểu và nổi tiếng với phong cách thẳng thắn, có lúc rất quyết liệt, gay gắt. Nhiều năm trước trong Quốc hội và cả những người quan tâm theo dõi hoạt động của Quốc hội thường nhớ câu “nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Đó là nhận định vui về những đại biểu hăng hái phát biểu, lập luận sắc bén, có nhiều đóng góp tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Ông luôn tâm niệm: Dù là đại biểu kiêm nhiệm còn phải lo nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, nhất là khi làm Tư lệnh Quân khu nhưng với cương vị là đại biểu của dân, do dân tín nhiệm bầu ra thì không thể để mang tiếng là “Nghị gật”. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân, ông đã tìm hiểu, tự học hỏi nghiên cứu nhiều tài liệu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là lắng nghe từ thực tiễn cuộc sống. Môi trường dân sự và cuộc sống người dân khác nhiều với nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng quân đội nên ông tăng cường tiếp xúc với các tầng lớp Nhân dân, cả cử tri quân đội và cử tri các vùng dân cư với những đặc thù kinh tế, văn hóa khác nhau, cả các kênh báo chí truyền thông. Từ đó mà thông tin ông nhận được đa dạng, phong phú, đa chiều và ông phát huy khả năng tư duy tham mưu trong chiến đấu trước đây để phân tích sàng lọc, đi đến nhận định khách quan, phát biểu sâu sát hơn, được cử tri tin tưởng và nhiều đại biểu khác kính nể.

Vốn đức tính thẳng thắn, cương nghị, luôn mong cán bộ của Đảng, của Nhà nước được Quốc hội tin tưởng phê chuẩn hay bầu giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước phải thật sự là công bộc của dân, không dựa vào chức quyền để tham nhũng, quan liêu làm khó cho dân. Ông thấy có bộ, ngành khi ban hành chủ trương, quyết định không đứng trên lợi ích của dân,… mà tại các phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Quốc Thước hay hỏi những câu rất hóc, nêu những vấn đề nóng và trúng. Nhớ có lần ông nêu vấn đề thanh toán tiền đường điện nông thôn do dân trước đây tự bỏ ra làm, nay ngành điện chuyển sang kinh doanh, yêu cầu là phải bồi hoàn lại cho dân. Qua nhiều kì họp của hai nhiệm kì khóa IX và khóa X mà Bộ Năng lượng (sau này là Bộ Công Thương) cứ trả lời loanh quanh, không giải quyết đến nơi đến chốn. Ông đã đề nghị thẳng lên Thủ tướng là phải trả lời công khai trước cử tri, Thủ tướng đáp ứng đã trả lời là Nhà nước sẽ bồi hoàn lại cho dân để đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân, cán bộ không được bớt xén, thế là dân yên tâm và hoan nghênh Thủ tướng, càng quý ông đại biểu vì dân và tin ở hoạt động của Quốc hội.

Từ khóa » Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước Báo Thanh Niên