Hành Trình Về Chiến Trường Xưa Của Các Lão Tướng - Báo Nghệ An
Có thể bạn quan tâm
(Baonghean.vn) - Năm nay kỷ niệm 58 năm thành lập Mặt trận Tây Nguyên (1/5/1964 - 1/5/2022), 47 năm thành lập Quân đoàn 3 (26/3/1975-26/3/2022), 50 năm chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh. Xuân Nhâm Dần này Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng đã 97 tuổi, vì thế, đường vào Tây Nguyên có thể coi là cuộc hành trình lớn…
Mỗi năm đến dịp 8/3, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước lại cẩn thận, tỷ mẩn chọn một bó hoa tươi thật đẹp dâng lên bàn thờ vợ. Nỗi nhớ thương người vợ hiền đằng đẵng 30 năm xa chồng tần tảo nuôi con trong chiến tranh với bao gian khó luôn canh cánh, day dứt trong ông...
Năm nay, từ chiều 7/3 ông đã thắp hương cho bà. Vị tướng già một đời trận mạc thầm thì trước di ảnh: Năm nay tôi thắp hương cho bà sớm hơn một chút để ngày mai tôi và chú Tiêu Văn Mẫn và anh em trong Ban Liên lạc cựu chiến binh Quân đoàn 3, Mặt trận Tây Nguyên họp bàn chuẩn bị bay vào Tây Nguyên thắp hương cho các liệt sỹ, thăm lại đồng bào, đồng chí chiến trường xưa.
Năm nay kỷ niệm 58 năm thành lập Mặt trận Tây Nguyên (1/5/1964 - 1/5/2022), 47 năm thành lập Quân đoàn 3 (26/3/1975-26/3/2022), 50 năm chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh. Xuân Nhâm Dần này Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng đã 97 tuổi, vì thế, đường vào Tây Nguyên có thể coi là cuộc hành trình lớn…
Biết ông luôn nặng lòng với đồng bào, đồng chí và bao đồng đội mãi mãi nằm lại ở Tây Nguyên nên dẫu đại dịch đang hoành hành nhưng các con, cháu không ai dám cản, chỉ âm thầm chuẩn bị thuốc men, tư trang để ông lên đường. Lo lắng cho ông, người con rể là bác sỹ cũng thu xếp công việc để đi cùng bố vào Tây Nguyên .
Đại tướng Văn Tiến Dũng tại Sở Chỉ huy mặt trận giải phóng Tây Nguyên tháng 3/1975. Ảnh: Tư liệu |
Đoàn chuẩn bị lên đường thì gia đình Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú (nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3), gia đình Trung tướng Mai Hồng Bỉnh (Phó ban Liên lạc Mặt trận Tây Nguyên) điện đến báo tin hai cụ sức khỏe đều “có vấn đề” không thể đi được! Trung tướng Tiêu Văn Mẫn nói ngay:
- Các cụ tuổi ngoài 85, 90, như tôi với anh Thước, anh Phú, anh Bỉnh… nay khỏe, mai đau là chuyện thường! Nay anh Phú - Trưởng đoàn vắng mặt, anh Thước - Phó đoàn lên thay. Chúng ta cứ thế mà hành quân, làm việc cho mình và cho cả các anh không đi được!
8 giờ sáng 9/3, từ Nội Bài đoàn bay vào Buôn Mê Thuột. Xe Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đón đoàn ngay cổng sân bay đưa đoàn về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Trong bữa cơm trưa thân tình, vui vẻ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói:
- Ăn xong chúng ta có 20 phút nghỉ tại chỗ rồi ra ngay Nghĩa trang Đắk Lắk. Anh em ngoài đó đang chờ. Ngày giỗ trận, anh em đang mong chúng ta!
Hơn 13h đoàn có mặt tại Nghĩa trang Đắk Lắk. Xúc động hiện rõ lên trên từng khuôn mặt những người lính già một thời trận mạc. Những vòng tay xiết chặt, những cái ôm đầm ấm... Hàng trăm cựu chiến binh trên mọi miền Tổ quốc đã tụ hội về đây cùng chung lo ngày giỗ trận cho các liệt sỹ một cách chu đáo, trang nghiêm, trân trọng. Bà con các dân tộc, các cháu học sinh bất chấp dịch dã về trang nghiêm xếp hàng cùng các đoàn cựu chiến binh vào dâng hoa, dâng hương, thành kính. Lạ kỳ thay khi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Tiêu Văn Mẫn vào thắp hương xong cả đài hương bốc cháy ngùn ngụt. Không ai nói cùng ai, những hàng người dự lễ đồng loạt quỳ xuống, bái lạy anh linh các liệt sỹ. Những tiếng nấc nghẹn từ sâu thẳm biết bao cựu chiến binh mái đầu đã trắng như cước!
Các vị tướng một đời trận mạc thắp hương viếng các anh hùng, liệt sỹ. Ảnh: Hải Lê |
Trên xe về lại nhà khách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, vừa lau mồ hôi Tướng Mẫn hỏi Tướng Thước:
- Anh có mệt lắm không? Đứng lâu quá, tôi cứ lo anh ngã!
Tướng Thước cười:
- Lạ thật! Mấy năm nay không đi đâu xa mình đứng được 30 phút mà nay đứng cả buổi chẳng hề chi. Ở nhà không ăn hết lưng bát cháo mà vô đây ăn cơm lính mình vèo cái đã hết một bát.
Thấy không khí các cụ đang vui, bác sĩ Nhiên (Quân đoàn cử đi theo chăm sóc sức khỏe các cụ) thưa:
- Tham gia giỗ trận, các thủ trưởng tiếp xúc gần gũi với hàng trăm người khắp mọi miền. Cháu rất lo, dịch bệnh thế này cháu biết làm sao đây?
Tướng Thước “đấu dịu”:
- Bọn mình vô sống, ra chết cùng nhau, nay gặp lại, trẻ nhất cũng xuýt xoát 70 rồi, biết đâu đây là lần cuối gặp nhau, biết làm răng chừ?
Các lão tướng dâng hương tưởng niệm đồng đội, các anh hùng liệt sỹ; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước thắp hương tưởng niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Trần Tuyết |
Tại Đắk Lắk, khách khứa liên lục đến tìm Tướng Thước. Họ là bà con đồng hương Nghi Lộc, là đồng đội Quân đoàn 3 ở Buôn Mê Thuột. Lại tay bắt, mặt mừng, lại những cái ôm vai ấm áp tình quê, tình đồng đội. Bác sĩ Nhiên nói như khóc với bác sĩ Bình - con rể Trung tướng Nguyễn Quốc Thước:
- Thế này thì anh em mình chào thua!
Đêm xuống, ít khi mọi người thấy lão tướng Nguyễn Quốc Thước ngủ say. Vị tướng già trằn trọc không thôi. Nghĩ đến ngày đến thăm Mđrak, viếng Nhà bia liệt sỹ Sư đoàn 10 lòng ông càng thêm xốn xang…
Ngày ấy cách đây vừa tròn 47 năm. Trận chiến ác liệt giữa Sư đoàn 10 với Lữ đoàn 3 dù thiện chiến của ngụy có máy bay, pháo binh yểm trợ hòng tái chiếm Buôn Mê Thuột đã diễn ra quyết liệt suốt 4 ngày đêm (từ 29/3 đến 4/4). Lữ đoàn dù 3 đã bị đánh tan dưới chân đèo Phượng Hoàng. Cánh cửa phía Đông Tây Nguyên xuống Nha Trang được mở toang cho đại quân xốc tới.
Ngày 10/3 năm nay, lại một ngày tất bật mà ấm áp nghĩa tình đồng đội. Dẫu đã cố gắng đi thật sớm nhưng khi đoàn đến đã có hàng trăm cựu chiến binh trong Nam, ngoài Bắc, Nhân dân địa phương tề tựu.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước thăm bếp ăn giữa rừng của chiến sỹ. Ảnh: Hải Lê |
Từ tấm lòng của cựu chiến binh Sư đoàn 10, sau hơn 1 năm thi công, trên ngọn đồi cao, diện tích hơn 5.000 m2 cạnh đèo Phượng Hoàng, Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ Sư đoàn 10 đã hoàn thành bề thế, trang nghiêm, đẹp đẽ, đáp ứng được lòng mong mỏi của thân nhân các liệt sỹ, nhân dân các dân tộc địa phương.
Ngày thứ 3 ở Tây Nguyên. Biết cung đường vào Di tích Sở Chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Chủ tịch nước công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 chưa đầy 50 km nhưng đường gập ghềnh, lắm cua chữ A nên cả đoàn dậy sớm. Trên chuyến xe xóc nảy, những người lính già trầm ngâm nhớ về những chiến tướng như: Hoàng Minh Thảo, Vũ Lăng, Đặng Vũ Hiệp - những cán bộ ưu tú của Quân đội, của dân tộc đã làm nên huyền thoại tháng Ba Tây Nguyên, trận đầu Buôn Mê Thuột và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Giữa rừng già những giọt nước mắt của các vị tướng già làm những người có mặt ai cũng bồi hồi xúc động. Trưa đó, trong chiếc lán nhỏ của các chiến sỹ Trung đoàn 66 đang tôn tạo di tích, manh chiếu nhỏ trải ra, những vị tướng già đã nằm gác chân lên nhau, rôm rả ôn lại ký ức chiến trường xưa.
Điều kỳ diệu là các lão tướng dẫu tuổi vượt xa nấc thượng thọ, lại là “bệnh nhân chuyên nghiệp của Viện Quân đội 108” ấy vậy mà vào lại chiến trường xưa càng đi càng khỏe, giọng nói vẫn vang xa, trí tuệ thêm minh tường, tên đất, tên người không hề nhầm lẫn. Ngày ngày tiếp xúc gần với hàng trăm người mà test nhanh Covid-19 lúc nào cũng “âm”.
Phút nghỉ ngơi ấm áp nghĩa tình đồng đội trong lán tạm của các lão tướng. Ảnh: Trần Tuyết |
Lịch làm việc những ngày cuối chuyến đi dày đặc, có ngày các cụ phải “trụ” gần 13 tiếng. Ngày 12/3, buổi sáng viếng Nghĩa trang liệt sỹ Gia Lai, thắp hương Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Quân đoàn 3, giao lưu cùng cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn; chiều đi Kon Tum thắp hương Nghĩa trang Liệt sỹ Kon Tum, thắp hương Nhà bia, gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 10. Ngày 13/3, vượt cung đường cheo leo dốc đứng lên thắp hương các Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia cao điểm 1015, 1049 tại huyện Sa Thầy, thắp hương Nghĩa trang liệt sỹ Đắk Tô, thăm Sư đoàn 320, viếng mộ Anh hùng Núp, làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai, Kon Tum...
Có thể nói, chỉ có ý chí lớn, lòng dũng cảm và tình yêu cao đẹp với đồng chí, đồng đội, với quê hương, đất nước các lão tướng mới thực hiện được hành trình lớn lao ấy. Chẳng khó khăn nào ngăn được bước chân của những người từng đã từng vào sinh, ra tử, gắn bó cuộc đời mình với một giai đoạn lịch sử vẻ vang của Đảng, Quân đội và Nhân dân.
Biết tin các cụ về đến Hà Nội an toàn, tôi gọi điện ra chúc mừng thăm hỏi, vẫn chất giọng đặc sệt “cà có cuống”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước hài hước:
- Già như tôi! Cô-vít nó chê! Vẫn 1 vạch nhé!
Từ khóa » Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước Báo Thanh Niên
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước - Một Tấm Gương ưu Tú Vì Nước, Vì ...
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước - Vị Tướng Suốt Cuộc đời Vì Nước ...
-
Nguyễn Quốc Thước – Wikipedia Tiếng Việt
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: Trọn Cuộc đời Trung Kiên, Nhân ...
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Nguyễn Quốc Thước - Vị Tướng Anh Hùng - QĐND Cuối Tuần
-
Dấu ấn Của Tướng Quân Nguyễn Quốc Thước - Ngày Mới Online
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước Và Hội đồng Hương Nghệ An Tại ...
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước Và Mối Tình Son Sắt
-
Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước Nhận Danh Hiệu Anh Hùng LLVT ...
-
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN QUỐC THƯỚC VỀ THĂM KHU DI TÍCH ...
-
"Quân đội Luôn đặt Dưới Sự Lãnh đạo Của Đảng Thì Chúng Ta Không ...
-
Trao Danh Hiệu Anh Hùng LLVT Tặng Trung Tướng Nguyễn Quốc ...