Dấu ấn Nước - Biển Trong Lịch Sử, Văn Hóa Việt Nam

Trong tâm thức của người Việt, quê hương, đất nước luôn bao hàm khái niệm “Nước”. Nước không chỉ là nguồn gốc của sự sống mà còn là cảm thức của người Việt về cội nguồn. “Hồn nước” luôn linh thiêng, là tâm thức cố kết, dẫn dắt sự kết tụ cộng đồng, được thể hiện sâu sắc trong lịch sử, văn hóa dân tộc.

Âm vang ngàn sâu. Ảnh Minh Lý.

1. Lệ thần Trần Trọng Kim trong phần tựa của cuốn Việt Nam sử lược, từng viết: “Cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào”1. Theo đó, trong các bộ sử nước ta, người đọc chủ yếu chỉ thấy đời sống và hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa của tiền nhân đặc biệt là của các bậc đế vương, giới quý tộc thượng lưu, danh tướng, danh nhân... còn các tầng lớp xã hội khác, những người có vai trò hết sức quan trọng “làm nên lịch sử” ấy, chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn, với tư cách đám đông trong các trang viết. Cách viết sử đó mang phong cách chép sử biên niên, thể hiện nhãn quan Nho giáo, quan điểm chính thống, tức luôn coi trọng các sự biến chính trị của hoàng triều hoặc các vấn đề liên quan đến tâm thức, hoạt động kinh tế nông nghiệp và một số mối bang giao triều chính với các quốc gia khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Các nguồn sử liệu và thực tế lịch sử cho thấy, với vị trí là một quốc gia cận biển, bị chia cắt mạnh bởi điều kiện tự nhiên do những dãy núi cao từ lục địa châu Á đổ theo hướng Tây Bắc - Đông Nam xuống Biển Đông nên ở nước ta đã sớm hình thành nên những không gian kinh tế - văn hóa tương đối biệt lập. Do địa hình bị chia cắt, lại chủ yếu sinh tụ ở vùng tương đối ẩm trũng, các châu thổ, vùng cận biển và ven biển, với người Việt việc đi lại, chuyển vận theo các tuyến sông, biển luôn giữ vai trò quan trọng. Giao thông thủy không những đã tạo nên huyết mạch liên kết giữa các không gian kinh tế - văn hóa của một Việt Nam thống nhất mà còn góp phần đưa dân tộc ta, từ rất sớm, hội nhập với thế giới bên ngoài. Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, cội nguồn dân tộc và thời lập quốc của đất nước ta luôn nhuốm màu huyền thoại, huyền sử. Nhưng huyền thoại đó đã được phần nào minh chứng bằng nhiều dấu tích vật chất và sinh hoạt văn hóa, đời sống tâm linh hết sức phong phú của nhiều lớp cư dân. Trong các huyền thoại đó, có nhiều nội dung thể hiện sâu đậm đời sống sông nước cũng như sinh hoạt thủy sinh (water life) của tổ tiên ta trong lịch sử2. “Trống đồng và trống sấm. Trống đồng và cóc. Trống đồng và tục đua thuyền. Trống đồng và thần sông. Trống đồng và thuyền rồng. Trống đồng và hồng thủy. Cộng thêm vào đó là việc Thủy kinh chú, Thái Bình ngự lãm, Nguyên Hòa quận huyện chí, Thái Bình hoàn vũ ký chép biết bao là truyền thuyết về những nơi tìm thấy trống đồng Lạc Việt, thuyền đồng vua Việt ở sông, ở ao, đầm... Trên trống đồng, trong hình thuyền, có cảnh bắt người, đâm giáo vào đầu người... tất cả những điều đó nói lên mối quan hệ giữa trống đồng với lễ tiết nông nghiệp, lễ thức cầu mưa, cầu được mùa, lễ thức phồn thực...” Một số học giả cũng liên hệ đến hình vẽ, trang trí, hình tượng tạo nên ý tưởng về những biểu tượng của nghệ thuật thủy sinh hay rộng hơn là đời sống sông nước, hàng hải, về tầm ảnh hưởng của một thế lực dựa trên căn bản của sông, biển. Triết lý nhân sinh của người Việt Nam luôn chứa đựng nhiều yếu tố nước và thấm đượm, hòa luyện với môi trường sông nước. Nước là nguồn sống, là biểu hiện của tư duy năng động và chính nó đã tạo nên sự hỗn dung để trở thành một khái niệm thiêng, có giá trị tổng hòa: “Đất nước”. Biển và môi trường sông nước cũng tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo, truyền bá nghệ thuật đồng thời cũng góp phần tôi rèn bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức về môi trường sống và bảo vệ môi trường sống. Cần nói thêm là, tất cả những dấu ấn trên đều là đối tượng nghiên cứu của hải sử (maritime history), văn hóa biển (maritime culture). Tuy nhiên, các nghiên cứu đó vượt qua định biên chuẩn mực của một ngành cụ thể mà hướng đến tìm kiếm tri thức nhân loại thông qua không gian hoạt động biển, đại dương, các ghi chép về thuyền, hoạt động hàng hải… thường là những thông tin căn bản để nghiên cứu về quá khứ. Tuy vậy, như đã trình bày ở trên, dường như thực tế đó còn rất ít được phản ánh trong các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. 2.Trong khi phác dựng lại những đặc tính phát triển tiêu biểu của ba nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo - Phù Nam, văn hóa Việt Nam không chỉ là một bộ phận hợp thành mà còn có ý nghĩa bổ sung cho một khu vực văn hóa vốn đã là một tổng thể phức hợp của “Thế giới Đông Nam Á”4, một nền văn hóa thống nhất không chỉ là sự quy tụ những giá trị văn hóa từ các vùng miền mà còn là trạng thái tích chứa, dung hợp của nhiều truyền thống vốn có những yếu tố khác biệt. Từ thời lập quốc, cả ba nền văn hóa hình thành trên ba không gian địa - kinh tế, địa - văn hóa đó, tự thân nó đã chứa đựng trong đó tính đa truyền thống. Cùng với những biến chuyển chung về kinh tế, xã hội và văn hóa, nền kinh tế nông nghiệp truyền thống đã góp phần tạo dựng nên cơ sở vững chắc cho sự ra đời của nhà nước. Sau khi giành được độc lập, xã hội Đại Việt từ những vận động nội tại và nền tảng vốn có, đã tìm thấy nguồn năng lực ngoại sinh để đạt đến những phát triển trội vượt. Do tác động của môi trường chính trị, Đại Việt vừa tiếp tục gắn bó với một Đông Nam Á truyền thống về cơ tầng văn hóa, kinh tế vừa dự nhập tương đối mạnh mẽ với môi trường chính trị, văn hóa Đông Bắc Á ở cấp thượng tầng. Có thể nhìn nhận sự biến chuyển của xã hội Đại Việt dưới nhiều góc độ: vừa giữ vai trò cầu nối giữa hai thế giới Đông Bắc Á - Đông Nam Á vừa trở thành một hiện tượng phát triển hết sức đặc thù, một “thực thể lưỡng nguyên” của khu vực. Khi xem xét bối cảnh Đông Nam Á từ thế kỷ thứ IX đến XIV, xã hội Đại Việt vẫn còn nhiều yếu tố văn hóa bản địa Đông Nam Á. Những yếu tố đó sâu đậm hơn nhiều so với những ảnh hưởng và dấu ấn của văn hóa phương Bắc. Như vậy, trước khúc quanh lịch sử, không chỉ Đại Việt mà hầu như toàn bộ Đông Nam Á đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ với vai trò nổi trội của Bà La Môn giáo, Phật giáo và Hinđu giáo... Giá trị tinh thần và đức tin của các tôn giáo đó, trên thực tế đã trở thành những kênh truyền tải linh nghiệm nhiều thành tựu rực rỡ của văn minh sông Ấn - sông Hằng đến các quốc gia khu vực. Nhưng từ thời Lê Sơ, cấu trúc xã hội bao gồm bốn đẳng cấp sĩ - nông - công - thương được xác lập và có sự phân lập chặt chẽ. Khi thiết chế “tứ dân” đó được thiết lập cũng đồng nghĩa với quá trình tái cấu trúc xã hội truyền thống, xã hội vốn được hình thành một cách tự nhiên qua nhiều thế kỷ. Do những ưu thế về sản lượng và có khả năng thích ứng cao với những môi trường canh tác khác nhau, phát triển ổn định, mang tính chu kỳ và những triết luận cổ sơ về thế giới tự nhiên... kinh tế nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chủ đạo. Hệ quả là, một thiết chế chính trị quan liêu đồng bằng đã được thiết lập tương đối hoàn chỉnh5. Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy ngay cả thời kỳ được coi là đỉnh cao của “mô hình Nho giáo”, dưới thời Lê Thánh Tông, với tất cả những hoạt động và thành tựu đạt được, nước Đại Việt cũng không tách rời truyền thống văn hóa Đông Nam Á. Như vậy, nhìn nhận diễn trình lịch sử dân tộc với tư cách là một cộng đồng đa dân tộc thống nhất, vị trí địa lý gần kề với nhiều quốc gia và mối giao tiếp đa chiều cũng góp phần sớm tạo nên tư duy hướng biển của người Việt. Với cư dân vùng bán đảo, từ khởi nguyên và chiều sâu lịch sử, con người đã sớm thích ứng với môi trường nước. Các yếu tố văn hóa đó trở thành nhân tố hằng xuyên khiến cho người Việt “tự đồng nhất mình với nước” và tạo nên khả năng ứng biến cao trong truyền thống văn hóa6. Tuy nhiên, điều này chưa được thể hiện rõ trong các bộ sử, kể cả các bộ sử hiện đại. “Viết sử mà chẳng có nước ở trong là một thiếu sót to lớn. Kinh nghiệm nhân loại đâu có khô khan đến như vậy”7. “Thiếu sót” chính là việc biên soạn lịch sử chưa đặt nghiên cứu về Nước - Biển đúng với tầm mức của nó. Hay nói cách khác, cái nhìn lục địa (view from the mainland) thường được tập trung nghiên cứu hơn trên cơ sở tư liệu mang nặng tính biên niên hay dưới nhãn quan chính thống. Với môi trường tự nhiên và không gian văn hóa đặc thù của Đông Nam Á, biển cả đã phân lập, chia tách các quốc gia, các trung tâm kinh tế. Nhưng dường như là một nghịch lý của lịch sử, chính môi trường biển lại trở thành nhân tố liên kết, cố kết các cộng đồng cư dân trong khu vực. Với Đông Nam Á, biển cả là môi trường sống và chính nó đã nuôi dưỡng biết bao nền văn hóa, tạo nên những phát triển độc đáo của một phức hợp các cộng đồng cư dân có chỉ số duyên hải cao. Biển và môi trường kinh tế, văn hóa biển đã trở thành nhân tố kết nối, là dòng chủ lưu đưa Đông Nam Á đến với hai nền văn minh lớn đồng thời là hai trung tâm kinh tế hàng đầu châu Á. Từ mối liên hệ sâu sắc với khu vực Đông Nam Á trong bản thân lịch sử văn hóa Đại Việt - Việt Nam là sự tích hợp của truyền thống thế giới Đông Nam Á, kết hợp với thế giới Trung Hoa, đã tạo dựng cho lịch sử Việt Nam những bản sắc hết sức đa dạng. Mạnh Nguyễn Trường Đại học KH-XH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội (Theo Nhịp cầu tri thức) ***** 1. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 5. 2, 3. Trần Quốc Vượng:Dặm dài đất nước - Những vùng đất, con người, tâm thức người Việt, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, t. 1, tr. 14, 20. 4. Chỉ số duyên hải (Index of Sea Coastal Line - ISCL) của Việt Nam tính được là 106, Nhật Bản là 13, Đông Nam Á là 5, Trung Quốc là 500. Chỉ số ISCL càng thấp thì tác động của biển tới văn hoá càng mạnh. Như vậy, trong bốn khu vực của châu Á, Đông Nam Á là nơi có chỉ số duyên hải ISCL cao và là vùng địa lý có chỉ số duyên hải cao nhất thế giới. Xem Sakurai Yumio: Thử phác họa cấu trúc lịch sử Đông Nam Á (thông qua mối liên hệ giữa biển và lục địa), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4-1996. 5. Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Mạnh Dũng: Truyền thống và hoạt động thương mại của người Việt - Thực tế lịch sử và nhận thức, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8 (376), 9 (377) - 2007. 6. Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hoá Dân tộc - Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr. 42-43. 7. To write history without putting any water in it is to leave out a large part of the story. Human experience has not been so dry as that. Donald Worster, Rivers of Empire: Water, Aridity, and the Growth of the American West. Oxford University Press, 1985, p. IX.

Từ khóa » Trung Tâm Nghiên Cứu Tiền Sử đông Nam á