Đau Cổ Khi Ngủ Dậy: Nguyên Nhân Và Cách Hết Đau Nhanh
Có thể bạn quan tâm
Đặt lịch hẹn
Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG
Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội
Đặt lịch
Đau cổ khi ngủ dậy có thể kèm theo tình trạng co cứng không quay được khiến bệnh nhân khó chịu. Tình trạng này xảy ra ở những người thường xuyên ngủ sai tư thế hoặc lo âu, căng thẳng quá mức. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan vì đây cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nghiêm trọng. Điển hình như hội chứng hẹp ống sống cổ, thoái hóa đốt sống cổ, nhiễm trùng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ…
Nguyên nhân gây đau cổ khi ngủ dậy
Đau cổ khi ngủ dậy khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, làm ảnh hưởng đến tâm trạng và các hoạt động sinh hoạt trong ngày. Bên cạnh đó cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh thực hiện các động tác cơ bản như xoay đầu, cúi đầu, cúi ngửa cổ hay thậm chí là di chuyển phần cổ và vai gáy.
Đa số các trường hợp bị đau cổ sau khi ngủ dậy phát sinh từ việc duy trì tư thế ngủ sai, sử dụng gối kê đầu quá cao hoặc quá chứng hay những vấn đề thường gặp khác có liên quan đến giấc ngủ. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể là hệ quả từ các bệnh xương khớp nghiêm trọng. Vì thế người bệnh không nên chủ quan, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị khi bị đau nhiều và kéo dài.
1. Ngủ sai tư thế
Tư thế ngủ có thể giúp người bệnh dễ dàng chìm vào giấc ngủ, ngủ ngon và ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên việc duy trì một hoặc hai tư thế trong suốt thời gian ngủ hoặc ngủ không đúng tư thế có thể khiến người bệnh bị đau và co cứng khớp không thể xoay cổ sau khi ngủ dậy. Trong đó nằm sấp được xác định là tư thế ngủ không tốt ở hầu hết các trường hợp. Tư thế này có thể gây ra nhiều tác động xấu cho các đốt sống cổ và hệ thống xương khớp.
Phần cổ thường xoắn sang một bên trong nhiều tiếng đồng hồ khi bạn ngủ trên bụng. Điều này khiến các cơ căng giãn trong thời gian dài dẫn đến căng cơ cổ và làm phát sinh biểu hiện đau mỏi, khó chịu và cứng cổ sau khi ngủ dậy.
Ngoài ra việc duy trì tư thế nằm sấp khi đi ngủ còn tạo áp lực và gây căng thẳng cho lưng. Đặc biệt lúc không có sự hỗ trợ khác khi bạn ngủ trên nệm. Việc ngủ với tư thế nằm sấp khiến bụng chìm xuống nệm, tạp áp lực và gây căng thẳng cho cột sống và những cơ xung quanh.
2. Ngủ trên loại gối không phù hợp
Ngủ trên loại gối không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe của cột sống cổ bị ảnh hưởng khi ngủ. Do vùng đầu và cổ sẽ tiếp xúc trực tiếp với gối trong suốt một đêm dài nên việc lựa chọn một loại gối phù hợp là điều vô cùng cần thiết.
Cụ thể nếu nằm trên gối quá cứng hoặc quá cao, cơ cổ sẽ có dấu hiệu căng giãn, chịu nhiều áp lực và gây ra cơn đau vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy. Điều này gây khó chịu cho người bệnh trong suốt một ngày dài, khiến các hoạt động bị ảnh hưởng.
3. Chuyển động đột ngột
Chuyển động đột ngột khi ngủ như vung tay vung chân trong giấc mơ hoặc chuyển động nhanh chóng có thể khiến cơ cổ bị căng. Bên cạnh đó việc xoay người một cách đột ngột trong khi ngủ cũng khiến chịu nhiều ảnh hưởng và áp lực. Điều này làm phát sinh cơn đau cổ khi ngủ dậy.
4. Chấn thương
Té ngã, chấn thương trong lúc chơi thể thao, lao động, tai nạn xe cộ hoặc chấn thương whiplash có thể làm ảnh hưởng đến vùng cổ nhưng không phát sinh cơn đau ngay sau đó. Thông thường những hiệu ứng vật lý đầy đủ và cơn đau cổ sẽ được cảm nhận vào ngày sau đó, đặc biệt là sau khi ngủ dậy.
5. Căng cơ cổ
Ngoài việc ngủ sai tư thế, nằm trên gối quá cứng hoặc quá cao thì việc ít vận động, ngồi lâu, thường xuyên cúi người trước màn hình máy tính hoặc điện thoại cũng gây ra tình trạng căng cơ cổ và làm phát sinh cơn đau cổ khi ngủ dậy.
Ngoài ra căng cơ cổ do thói quen sinh hoạt xấu còn khiến người bệnh có cảm giác mỏi, đau nửa đầu vai gáy, co cứng cơ cổ, thường xuyên bị chuột rút làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.
6. Hội chứng hẹp ống sống cổ
Tình trạng đau mỏi cổ sau khi ngủ dậy có thể phát sinh từ hội chứng hẹp ống sống cổ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm thể hiện cho tình trạng phình nở diện khớp ở giữa các đốt sống cổ khiến dây thần kinh bị chèn ép. Khi không kịp thời kiểm soát, hiện tượng ống sống bị thu hẹp có gây ra nhiều ảnh hưởng xấu và chèn ép lên tủy sống. Từ đó làm phát sinh cơn đau nhức nghiêm trọng.
Hội chứng hẹp ống sống cổ ít gặp ở người trẻ, thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi. Bên cạnh đó bệnh lý này có thể xảy ra đồng thời với bệnh thoát vị đĩa đệm và bệnh thoái hóa đốt sống. Để nhận biết hội chứng hẹp ống sống cổ, người bệnh có thể dựa vào những triệu chứng sau:
- Có cảm giác tê bì và đau dọc cánh tay
- Đau cổ vai gáy kèm theo chứng cứng cổ, nhất là sau khi ngủ dậy
- Tứ chi yếu ớt
- Mất cảm giác cục bộ
- Gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại…
7. Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng nghiêm trọng cần được chẩn đoán và điều trị y tế ngay lập tức. Khu vực cột sống cổ chịu nhiều áp lực lớn và thường xuyên phải vận động nên những đĩa đệm tồn tại ở khu vực này rất dễ bị thoát vị và bị tổn thương. Khi đó nhân nhầy thoát ra, đĩa đệm lệch khỏi vị trí của nó, chèn ép vào rễ dây thần kinh và tủy sống dẫn đến đau đớn cho bệnh nhân.
Đối với bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cơn đau thường phát sinh ở vùng cổ gáy. Thông thường người bệnh sẽ đau nhiều kèm theo cảm giác khó chịu, cứng cổ sau khi ngủ dậy. Cơn đau có thể thuyên giảm khi người bệnh áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như chườm nóng, nghỉ ngơi. Tuy nhiên việc đến bệnh viện và điều trị là điều vô cùng cần thiết.
Một số dấu hiệu giúp nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gồm:
- Cấp độ 1: Đốt sống cổ bị cứng, hơi đau mỗi khi cúi xuống và sau khi ngủ dậy, khó xoay chuyển. Đau nhiều hơn khi làm việc nặng hoặc đau nhiều theo thời gian, cơn đau lan dần xuống vai.
- Cấp độ 2: Cơn đau kéo dài từ vùng cổ gáy ra sau đầu và tai, khi vận động thấy cổ bị đau và vướng hoặc vẹo cổ.
- Cấp độ 3: Nhức đầu ở vùng trán, vùng chẩm, cơn đau phát sinh từ gáy lan xuống bả vai. Tê bì, đau ở hai bên hoặc chỉ một bên cánh tay, sự khéo léo của bàn tay mất dần. Thỉnh thoảng ngáp chảy nước mắt, nấc cụt, bị chóng mặt khi hoạt động.
8. Thoái hóa đốt sống cổ
Thoái hóa đốt sống cổ là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau cổ khi ngủ dậy kèm theo chứng cứng cổ không quay đầu được. Bệnh lý này liên quan đến tình trạng suy thoái các đốt sống vùng cổ theo thời gian hoặc do nhiều nguyên nhân tác động.
Một số nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ thường gặp gồm:
- Thoái hóa sụn và xương vùng đốt sống cổ do tuổi tác cao
- Duy trì một tư thế trong thời gian dài hoặc hoạt động sai tư thế
- Ít vận động, ngồi nhiều, thường xuyên sử dụng máy tính
- Duy trì tư thế ngồi không phù hợp cho vùng cổ như ngồi quá cao hoặc quá thấp so với bàn
- Ngủ không đúng tư thế
- Không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, thiếu vitamin, magie, canxi…
- Do bệnh lý: Thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, mất nước đĩa đệm, xơ hóa dây chằng.
Khi bị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác cứng và đau ở cổ khi ngủ dậy. Ngoài ra cơn đau có thể lan rộng đến bả vai và cánh tay, khiến người bệnh ngứa ran hoặc tê ở tứ chi. Tuy nhiên khi vận động tình trạng này sẽ biến mất.
9. Bệnh lý nhiễm trùng
Tình trạng đau cổ khi ngủ dậy là dấu hiệu góp phần nhận biết các bệnh lý nhiễm trùng. Cụ thể như bệnh viêm màng não, viêm màng não mô cầu, viêm khớp dạng thấp.
- Viêm màng não: Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm xảy ra ở tủy sống và những lớp mô quanh não bộ. Bệnh thường xảy ra do sự hình thành của phế cầu, vi khuẩn HI, mô cầu hoặc do nấm, ký sinh trùng và virus gây ra. Các triệu chứng nhận biết viêm màng não gồm đau đầu, sốt, cứng gáy, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn, đau cứng cổ sau khi ngủ dậy và một số biểu hiện rối loạn chức năng não như lú lẫn, lơ mơ…
- Viêm màng não mô cầu: Viêm màng não mô cầu được xác định là một bệnh truyền nhiễm cấp tính thông qua đường hô hấp. Bệnh xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis. Khi bị viêm màng não mô cầu, người bệnh sẽ thường xuyên có cảm giác đau và cứng cổ, cơ thể lơ mơ hoặc hôn mê, buồn nôn, nôn, sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, xuất hiện tử ban điển hình.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp (viêm đa khớp dạng thấp) gây sưng, đỏ dẫn đến xơ cứng và đau khớp, thường là khớp gối, khớp bàn chân, khớp tay và khớp lưng. Tuy nhiên nếu không sớm kiểm soát, viêm khớp dạng thấp có thể gây tổn thương thần kinh và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Khi đó người bệnh sẽ có cảm giác đau nhiều ở cổ (đặc biệt là sau khi ngủ dậy), mất thăng bằng. Để nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể dựa vào các triệu chứng gồm cứng khớp, sưng khớp, nóng và đỏ da ở vùng khớp bị viêm, các khớp trở nên căng hơn, nhạy cảm hơn và đau nhiều hơn. Triệu chứng toàn thân gồm cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, đau nhức mỏi toàn thân, nốt thấp nổi gồ trên bề mặt da…
Xem thêm: Chứng đau cổ ở trẻ em – Cha mẹ chớ xem thường
Đau cổ khi ngủ dậy – Khi nào cần khám bác sĩ?
Đau cổ khi ngủ dậy thường xảy ra khi người bệnh ngủ sai tư thế, gối đầu cứng hoặc quá cao hay phát sinh từ một số vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ. Khi đó cơn đau có thể được khắc phục tại nhà mà không cần phải thăm khám.
Tuy nhiên tình trạng đau mỏi cổ khi ngủ dậy cũng có thể là tình trạng xảy ra từ những bệnh lý nghiêm trọng cần được sớm thăm khám và điều trị. Vì thế người bệnh cần đến bệnh viện và thăm khám khi cơn đau xuất hiện kéo dài hoặc kèm theo những triệu chứng khó chịu sau:
- Cứng cổ, khó khăn trong việc cúi cổ, xoay cổ, kéo dài trên 3 ngày
- Đau nghiêm trọng lan lên đầu, xuống vai, cánh tay hoặc một số triệu chứng khác
- Tê bì tay chân, mất cảm giác
- Đau đầu, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói
- Tứ chi yếu ớt.
Biện pháp chăm sóc và điều trị đau cổ khi ngủ dậy
Sau khi xác định nguyên nhân gây đau cổ khi ngủ dậy là một số vấn đề thông thường liên quan giấc ngủ hoặc đau do ít vận động, ngồi nhiều, thường xuyên cúi cổ nhìn vào máy tính, căng cơ cổ… người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà để cải thiện tình trạng.
Đối với những trường hợp đau do bệnh lý, đau nghiêm trọng hoặc kèm theo những tình trạng khó chịu khác, người bệnh cần can thiệp y tế theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
1. Massage
Massage là biện pháp đơn giản có tác dụng giảm đau, cải thiện tình trạng co cứng khớp hay vẹo cổ sau khi ngủ dậy. Để cải thiện cơn đau và tình trạng co cứng khớp, người bệnh chỉ cần sử dụng lực từ tay và các đầu ngón tay, nhẹ nhàng massage và tác động lên vùng cổ theo, thực hiện theo chuyển động vòng tròn.
Khi massage, các mô cơ ở vùng cổ sẽ được thư giãn, giúp giảm tình trạng căng cơ. Đồng thời giảm đau nhờ khả năng giải phóng dây thần kinh cùng các mạch máu khỏi sự chèn ép, làm tăng độ linh hoạt và sức chịu đựng cho khớp cổ.
Ngoài ra đối với sức khỏe tổng thể và tinh thần, việc duy trì thói quen massage vào mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy còn giúp giảm stress, giảm căng thẳng, tinh thần ổn định và duy trì tâm trạng tốt cho cả ngày.
2. Bài tập vận động cổ giúp cải thiện cơn đau sau khi ngủ dậy
Khi nhận thấy cơn đau xuất hiện, người bệnh có thể áp dụng bài tập vận động cổ để các cơ mềm, được thư giãn và cải thiện cơn đau. Cụ thể việc thực hiện bài tập này sẽ giúp người bệnh làm dịu nhanh cơn đau, giải phóng mô cơ, rễ dây thần kinh và các đốt sống cổ. Đồng thời giúp thư giãn, hỗ trợ các hoạt động cúi, xoay cổ và mang đến nhiều lợi ích khác.
Người bệnh cần lưu ý cảm giác đau có thể tăng lên ngay khi thực hiện những động tác hay chuyển động đầu tiên. Tuy nhiên điều này không có nghĩa tình trạng đang trở nên tồi tệ hơn.
Bài tập căng cổ
- Đứng thẳng trên sàn, thả lỏng cơ thể và buông lỏng cả hai tay theo chiều dọc của cơ thể
- Chú ý giữ cho phần lưng và cổ luôn thẳng
- Quay đầu sang trái một cách nhẹ nhàng và từ từ cho đến khi có cảm giác hơi căng, duy trì tư thế từ 10 – 15 giây
- Tiếp tục quay đầu sang bên phải, giữ từ 10 – 15 giây
- Lặp lại động tác 5 lần cho mỗi bên.
Bài tập với tạ
- Đứng thẳng trên sàn, dang hai chân sao cho rộng một khoảng bằng vai
- Mỗi tay cầm một quả tạ khoảng 1 đến 2 kg
- Di chuyển vai về phía tai một cách nhẹ nhàng và từ từ cho đến khi nhận thấy lưng trên và cổ xuất hiện những cơn co thắt
- Giữ nguyên tư thế từ 1 đến 2 giây, sau đó từ từ hạ vai xuống và thở ra
- Thực hiện từ 8 – 10 lần.
Tham khảo thêm: Các bài tập vật lý trị liệu đau vai gáy cổ hiệu quả
3. Tác dụng nhiệt
Người bệnh có thể sử dụng nhiệt nóng để cải thiện tình trạng đau cổ, cứng cổ và vẹo cổ sau khi ngủ dậy. Sự tác động từ nhiệt độ cao sẽ giúp các cơ ở vùng cổ được thư giãn, giãn ra, giải phóng hệ thống dây thần kinh và mạch máu khỏi sự chèn ép.
Để chườm nóng giúp giảm đau ở cổ, người bệnh chỉ cần rang nóng gạo, sau đó bọc trong miếng vải hoặc dùng chai thủy tinh chứa nước ấm chườm trực tiếp lên vùng cổ. Thực hiện 20 phút mỗi lần, mỗi ngày từ 2 – 3 lần.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể tận dụng các loại thảo dược thiên nhiên để chườm ấm giúp giảm đau. Đối với trường hợp đau cổ khi ngủ dậy, người bệnh nên ưu tiên sử dụng lá lốt hoặc ngải cứu. Nguyên nhân là do cả hai loại thảo dược thiên nhiên này đều có hàm lượng dược chất tự nhiên và tinh dầu cao.
Hướng dẫn thực hiện:
- Sử dụng một nắm lá lốt hoặc lá ngải cứu và một ít giấm ăn
- Rửa sạch thảo dược, sau đó thực hiện giã cho hơi nát
- Cho giấm ăn và thảo dược vào chảo, sao nóng với lửa nhỏ
- Sử dụng miếng vải sạch bọc gọn nguyên liệu và áp trực tiếp lên vùng cổ khoảng 20 phút
- Chườm nóng với thảo dược mỗi ngày 1 lần.
4. Sử dụng thuốc không kê đơn
Nếu những biện pháp chăm sóc và giảm đau nêu trên không thể kiểm soát cơn đau, người bệnh nên sử dụng thuốc không kê đơn theo sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ, có thể sử dụng thuốc dạng viên uống hoặc thuốc giảm đau tại chỗ.
Thông thường tình trạng đau cổ khi ngủ dậy có thể được khắc phục bằng thuốc không kê đơn ở trường hợp nhẹ, nguyên nhân gây đau không do bệnh lý. Tuy nhiên ở trường hợp nặng, nguyên nhân gây đau là các bệnh xương khớp nghiêm trọng thì việc sử dụng thuốc không kê đơn chỉ là biện pháp tạm thời, người bệnh cần sớm đến bệnh viện và nghe theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ chuyên khoa.
Những loại thuốc giúp giảm đau tại chỗ có thể được sử dụng ở dạng thuốc mỡ, kem bôi, gel, dạng xịt hay miếng dán. Trong thành phần của loại thuốc này thường chứa các chất giảm đau hoặc tinh dầu. Trong đó Salonpas, Sungaz, Deep heat, Perkindon là những loại được sử dụng phổ biến.
Đối với những loại thuốc giảm đau không kê đơn ở dạng đường uống, người bệnh có thể sử dụng nhóm thuốc chống viêm như Naproxen natri (Naprosyn, Aleve, Anaprox), Ibuprofen ( Motrin, Nuprin, Advil) hay Aspirin hoặc nhóm giảm đau Acetaminophen (Panadol, Tylenol, Actamin) để cải thiện tình trạng.
Dù sử dụng đường uống hay điều trị tại chỗ thì những loại thuốc không kê đơn đều có khả năng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Chính vì thế người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi đưa bất kỳ loại thuốc nào vào quá trình điều trị bệnh. Điều này sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ mắc phải tác dụng phụ và những rủi ro nghiêm trọng.
Biện pháp phòng ngừa đau cổ khi ngủ dậy
Để phòng ngừa tình trạng đau cổ khi ngủ dậy và một số tình trạng khó chịu khác như cứng cổ hay vẹo cổ, người bệnh cần giảm căng thẳng cho cổ bằng một số biện pháp đơn giản sau:
- Không nên nằm sấp khi ngủ. Ngoài ra nên tập thói thường xuyên quen thay đổi tư thế trong thời gian ngủ, không nên chỉ duy trì từ một đến hai tư thế suốt đêm.
- Đối với những người có thói quen ngủ nghiêng, bạn nên giảm áp lực cho cổ, giúp cổ và cột sống thẳng hàng, đồng thời giúp toàn bộ cơ thể thư giãn bằng cách đặt một chiếc gối ở giữa hai chân khi đi ngủ. Cách đặt gối giữa hai chân cũng có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chìm vào giấc ngủ, giúp ngủ sâu và ngủ ngon giấc hơn.
- Nên lựa chọn gối kê đầu phù hợp. Để mang đến những lợi ích cho cổ và vùng đầu, tốt nhất bạn nên sử dụng gối lông vũ. Tránh sử dụng gối quá cao, quá sâu hay quá cứng. Bởi những loại gối này có thể khiến cơ cổ bị uốn cong và gây đau.
- Đối với những hoạt động trong ngày, bạn nên duy trì những tư thế thích hợp, kể cả khi ngồi, đứng hoặc đi. Tránh ngồi lâu, gù vai hoặc cúi cổ vào màn hình khi sử dụng máy tính.
- Thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể chất và luyện tập các bài tập thể thao như yoga, đi bộ, chạy bộ, cầu lông, bơi lội… để nâng cao sức khỏe xương khớp, tăng cường cơ bắp, giảm căng thẳng. Đồng thời nâng cao khả năng chịu đựng và sự linh hoạt của cổ, phòng ngừa phát sinh cơn đau sau khi ngủ dậy.
Tình trạng đau cổ khi ngủ dậy có thể phát sinh từ sự tác động của nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân cơ học và nguyên nhân bệnh lý. Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể áp dụng biện pháp giảm đau tại nhà để giảm cảm giác khó chịu và giúp các hoạt động trong ngày diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên nếu bị đau nghiêm trọng hoặc cơn đau xuất hiện do nguyên nhân bệnh lý, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn các phương pháp điều trị, tránh chậm trễ làm phát sinh những vấn đề không mong muốn..
Có thể bạn quan tâm
- Đau cổ vai gáy sau sinh và những điều mẹ cần biết để khắc phục
- Đau lưng mỏi cổ vai gáy là dấu hiệu của bệnh gì?
Từ khóa » đau Cổ Gáy Sau Khi Ngủ Dậy
-
Vì Sao Bạn đau Cứng Cổ Khi Ngủ Dậy Buổi Sáng? - Vinmec
-
Ngủ Dậy Bị đau Cổ: Nguyên Nhân Do đâu Và Cách Khắc Phục | ACC
-
Thức Dậy Với Cơn đau Cổ Và Không Thể Quay đầu - Vinmec
-
Đau Cổ Vai Gáy Sau Khi Ngủ Dậy, đâu Là Nguyên Nhân? - Hapupharma
-
Bật Mí Mẹo Chữa đau Nhức Cổ Khi Ngủ Dậy - Hapacol
-
Bác Sĩ ơi: Vì Sao Thường đau Cổ Gáy Sau Khi Ngủ Dậy?
-
Ngủ Dậy đau Mỏi Cổ: Dấu Hiệu Bệnh Lý Nguy Hiểm Và Cách Chữa Trị
-
Đau Vai Gáy Sau Khi Ngủ Dậy: Đi Tìm Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị
-
Cách Phòng Ngừa Chứng đau Cổ Gáy Sau Ngủ Dậy?
-
Đau Gáy Sau Khi Ngủ Dậy - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Nguyên Nhân Và Cách điều Trị đau Nhức Vai Sau Khi Ngủ Dậy
-
ĐAU VAI GÁY KHI MỚI NGỦ DẬY - YouTube
-
7 Cách Chữa đau Vai Gáy Sau Khi Ngủ Dậy Tốt Nhất Hiện Nay
-
Nguyên Nhân Sáng Ngủ Dậy Bị đau Cổ Vai Gáy - Trung Tâm VMC