Đau Cơ Ngực: Hiểu Rõ để Phòng Ngừa - Hapacol

Khi cơ ngực bị căng cứng hoặc co rút có thể gây đau nhói ở ngực. Đau cơ ngực xảy ra khi cơ bắp bị kéo giãn quá mức hoặc rách cơ.

Có đến 49% cơn đau cơ ngực xuất phát từ tình trạng căng cơ liên sườn. Có 3 lớp cơ liên sườn trong ngực đóng vai trò trong quá trình hô hấp và ổn định phần thân trên.

MỤC LỤC NỘI DUNG

  • 1. Các triệu chứng điển hình
  • 2. Nguyên nhân đau cơ ngực
  • 3. Những ai có nguy cơ cao bị đau cơ ngực?
  • 4. Điều trị đau cơ ngực hiệu quả
  • 5. Đau cơ ngực có nguy hiểm không?
  • 6. Thời gian hồi phục sau khi bị chấn thương

1. Các triệu chứng điển hình

Các triệu chứng điển hình của đau cơ ngực do căng cơ bao gồm:

  • Đau có thể dữ dội (cấp tính) hoặc âm ỉ (mạn tính)
  • Sưng
  • Co thắt cơ bắp
  • Khó di chuyển vùng bị ảnh hưởng
  • Đau khi thở
  • Bầm tím

Bạn sẽ cần đến bệnh viện nếu cơn đau xảy ra đột ngột trong khi tập luyện thể dục hoặc hoạt động gắng sức.

Nếu cơn đau cơ ngực đi kèm với các triệu chứng sau đây thì bạn phải gọi cấp cứu ngay lập tức:

  • Ngất xỉu
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Nhịp tim nhanh
  • Khó thở
  • Dễ cáu gắt
  • Sốt
  • Buồn ngủ

Đây có thể là những dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như nhồi máu cơ tim.

2. Nguyên nhân đau cơ ngực

Đau cơ ngực do cơ bắp bị kéo căng hay co rút thường xảy ra do bạn sử dụng cơ quá mức. Có thể bạn đã nâng vật gì đó nặng hoặc bị thương khi chơi thể thao (chẳng hạn như thể dục dụng cụ, chèo thuyền, quần vợt hay golf). Các chuyển động lặp đi lặp lại có khả năng gây ra tình trạng căng cơ mạn tính.

Các hoạt động khác cũng có khi gây căng cơ bao gồm:

  • Với cánh tay qua khỏi đầu trong thời gian dài
  • Chấn thương do thể thao, tai nạn xe hơi hoặc các tình huống khác
  • Nâng đồ vật trong khi cơ thể không đứng hoặc vặn mình khi nâng
  • Té ngã
  • Bỏ qua bước khởi động làm ấm cơ thể trước khi vận động
  • Cơ thể kém linh hoạt hoặc ít chơi thể thao
  • Mỏi cơ bắp

Một số bệnh cũng có thể gây đau cơ ngực. Nếu bạn mắc phải cảm lạnh hay viêm phế quản, các cơ ở ngực có khi bị kéo căng trong lúc ho dữ dội.

3. Những ai có nguy cơ cao bị đau cơ ngực?

đau cơ vùng ngực

Bất kỳ ai cũng đều có khả năng trải qua tình trạng đau cơ ngực:

  • Người lớn tuổi có nguy cơ gặp phải chấn thương cơ ngực cao hơn khi bị té ngã
  • Người lớn dễ bị căng cơ ngực do tai nạn xe hơi hoặc các hoạt động thể thao
  • Trẻ em là nhóm có nguy cơ thấp nhất đối với những chấn thương liên quan đến cơ ngực

4. Điều trị đau cơ ngực hiệu quả

Phương pháp điều trị đầu tiên cho các tình trạng đau cơ ngực nhẹ bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, băng thun và giữ vị trí cao (R.I.C.E).

  • R (Rest) – Nghỉ ngơi. Hãy tạm dừng các hoạt động ngay khi bạn cảm thấy đau. Sau đó, bạn có thể tiếp tục hoạt động nhẹ khoảng 2 ngày sau chấn thương nhưng vẫn phải dừng lại nếu lại cảm thấy đau cơ
  • I (Ice) – Chườm đá. Chườm đá hoặc túi lạnh vào vùng bị ảnh hưởng trong 20 phút và tối đa 3 lần/ngày.
  • C (Compression) – Băng thun. Bạn có thể quấn quanh bất kỳ vùng bị viêm nào bằng băng thun đàn hồi nhưng đừng quấn quá chặt sẽ gây cản trở lưu thông máu.
  • E (Elevation) – Giữ vị trí cao. Hãy cố gắng giữ ngực ở vị trí cao, nhất là vào ban đêm. Ngủ trên một chiếc ghế tựa cũng là cách làm giảm đau cơ ngực hiệu quả.

Khi điều trị tại nhà, các cơn đau cơ ngực nhẹ sẽ giảm dần trong vòng một vài tuần. Trong lúc đó, bạn có thể dùng một vài thuốc giảm đau như ibuprofen hay paracetamol để giảm bớt khó chịu và các triệu chứng viêm.

Nếu bạn bị đau cơ ngực mạn tính, vật lý trị liệu và các bài tập điều chỉnh sự mất cân bằng cơ bắp có thể mang lại hiệu quả tốt. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có khi cần phải phẫu thuật để chữa trị các cơ bị rách.

Chẳng may các triệu chứng và cơn đau cơ ngực không thuyên giảm sau khi thực hiện các biện pháp tại nhà, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

5. Đau cơ ngực có nguy hiểm không?

Những cơn đau cơ ngực nhẹ có thể không phải là một vấn đề sức khỏe gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn chủ quan mà vẫn cố gắng làm việc quá sức sẽ có khả năng khiến các tổn thương trở nên nặng hơn. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể bạn muốn gì, đừng ép buộc chúng làm việc quá mức.

Biến chứng từ chấn thương ngực có khả năng ảnh hưởng đến quá trình hô hấp. Khi căng cơ ngực khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc không thể hít thở sâu thì có khả năng là bạn bị nhiễm trùng phổi. Lúc này, bác sĩ thường hướng dẫn bạn một vài bài tập thở để hỗ trợ hô hấp tốt hơn.

6. Thời gian hồi phục sau khi bị chấn thương

Trong quá trình hồi phục, bạn nên tránh tập các bài tập thể dục nặng như nâng tạ. Đợi đến khi cơn đau giảm bớt, bạn có thể từ từ quay lại các hoạt động trước đây. Lưu ý, bất kể khi nào bạn cảm thấy khó chịu hoặc có các triệu chứng khác, hãy nghỉ ngơi và quan sát thêm tình trạng đau cơ ngực.

Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơ bắp bị tổn thương. Căng cơ nhẹ có thể lành lại sau 2 hoặc 3 tuần sau chấn thương.

Các trường hợp nghiêm trọng hơn có khi mất đến vài tháng để lành lặn, đặc biệt khi bạn đã từng phẫu thuật. Hãy nhớ thực hiện theo các hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

Để ngăn ngừa căng cơ ngực xảy ra, bạn nên:

  • Khởi động trước khi tập thể dục và hạ nhiệt sau khi tập xong. Cơ không được làm ấm dễ bị căng cứng hơn.
  • Cẩn thận khi tham gia vào các hoạt động mà bạn có nguy cơ té ngã hoặc chấn thương. Sử dụng tay vịn khi lên xuống cầu thang, tránh đi lại trên bề mặt trơn trượt và kiểm tra dụng cụ thể thao trước khi dùng.
  • Hãy chú ý đến cơ thể và nghỉ ngơi khi cần thiết. Cơ bắp mệt mỏi cũng dễ có nguy cơ bị giãn quá mức.
  • Nâng vật nặng đúng tư thế. Mang ba lô với hai dây đeo đều trên vai, không đeo lệch một bên.
  • Cân nhắc phương pháp vật lý trị liệu khi bị đau cơ mãn tính.
  • Ăn uống và tập thể dục hợp lý, từ đó, bạn có thể duy trì cân nặng khỏe mạnh và điều hòa khả năng vận động tốt, giảm nguy cơ bị căng cơ.

Xem thêm: Những điều có thể bạn chưa biết về tình trạng đau cơ

Từ khóa » đau Cơ Tim Bên Trái