Đau đầu Migraine ở Người Lớn (Kiến Thức Dành Cho Bệnh Nhân Và ...

Skip to content
  1. Trang chủ
  2. /
  3. Tin tức
  4. /
  5. Bài viết chuyên môn
  6. /
  7. Đau đầu Migraine ở người lớn (Kiến thức dành cho bệnh nhân và người thân)

 

 

 Bác sĩ, Thạc sĩ:  Phạm Phước Sung

Tổng quan đau đầu migraine: Các chứng đau đầu nói chung đôi khi có thể khá trầm trọng, tuy nhiên tuyệt đại đa số không do các rối loạn đe doạ tính mạng gây ra. Khoảng 90% các chứng đau đầu có nguyên nhân gây ra bởi 1 trong 3 hội chứng sau đây:

  • Đau đầu migraine
  • Đau đầu dạng căng thẳng
  • Đau đầu chuỗi

Phần này đề cập đến đau đầu migraine ở người lớn. Các dạng đau đầu khác được đề cập ở các bài  riêng.

Triệu chứng đau đầu migraine: Có từ 12 đến 16% số người ở Mỹ mắc chứng đau đầu migraine, đây là loại đau đầu thường gặp đứng thứ 2 ở Mỹ. Ở các nước khác, tỷ lệ này cũng gần tương tự. Đối với Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo quan sát của giới chuyên môn, chứng đau đầu này rất phổ biến, đặc biệt ở nữa giới.

Đau: Đau của migraine thường bắt đầu từ từ, đau tăng dần qua từng phút cho đến hơn 1 giờ và giảm từ từ về cuối cơn. Cơn đau điển hình âm ỉ, liên tục, đau sâu và ổn định ở mức đau nhẹ đến mức vừa; nó trở nên đau nhói hoặc như nhịp mạch đập khi đau nặng.

Đau đầu migraine nặng thêm khi gắng sức, hắt hơi, hoạt động thể lực, đi lại nhiều, xoay lắc đầu nhanh hoặc tiếp xúc nhiều với ánh sáng. Nhiều người khi đau muốn nằm nghỉ trong phòng tối, yên tĩnh. Ở 60-70% số người, đau chỉ ở 1 bên đầu. Đối với người lớn, đau đầu migraine thường kéo dài vài giờ, dù nó có thể lâu hơn đến 72 giờ.

Các triệu chứng khác:

Đau đầu migraine thường kèm với buồn nôn, nôn cũng như khó chịu với ánh sáng và tiếng ồn. Từ 10 đến 20% số người khi có cơn migraine thấy ngạt mũi, chảy mũi hoặc chảy nước mắt.

Các triệu chứng của migraine có thể nặng nề và đáng báo động, nhưng ở hầu hết các trường hợp không thấy có hậu quả gì để lại sau khi kết thúc cơn.

Các triệu chứng báo trước:

Khoảng 20% số người bị migraine có triệu chứng báo trước khi đau đầu xuất hiện; dấu hiệu này còn gọi là triệu chứng báo trước. Triệu chứng báo trước có thể gồm tia sáng, điểm sáng, đường dích dắc, thay đổi về thị giác hoặc tê tê buồn buồn ở ngón tay một bên, môi, lưỡi hoặc mặt dưới. Bạn có thể bị một hoặc nhiều triệu chứng như vậy.

Triệu chứng báo trước cũng có thể liên quan đến các cảm giác khác và đôi khi  còn gây ra yếu cơ hoặc thay đổi ngôn ngữ, giọng nói tạm thời, những biểu hiện này có thể làm ta sợ hãi.

Các triệu chứng báo trước điển hình tồn tại từ 5 đến 20 phút và hiếm khi hơn 60 phút. Đau đầu sẽ đến ngay khi triệu chứng báo trước kết thúc. Triệu chứng báo trước liên quan đến vận động có thể kéo dài lâu hơn.

Các yếu tố kích hoạt đau đầu migraine:

Migraine có thể bị kích hoạt bởi căng thẳng, lo lắng, chu kỳ kinh nguyệt, uống viên thuốc tránh thai, gắng sức, mệt mỏi, thiếu ngủ, đói, chấn thương sọ não và một số loại thức ăn, đồ uống có chứa các chất hoá học như nitrite, glutamate, tyramim. Danh sách một số yếu tố có khả năng gây kích hoạt có trong bảng riêng.

Một số loại thuốc và hoá chất có thể kích hoạt cơn migraine, bao gồm nitroglycerin (được dùng để điều trị đau ngực do mạch vành, estrogen, hydralazine (dành điều trị tăng huyết áp), nước hoa, khói, các chất hữu cơ có mùi khó chịu.

 

Nhật ký đau đầu

Những người đau đầu thường xuyên hoặc đau nặng có thể được giúp ích nếu duy trì ghi chép nhật ký về đau đầu trong quãng thời gian trên 1 tháng. Việc này giúp xác định cái gì là yếu tố kích hoạt migraine và cái gì giúp cải thiện nó.

 

Các cách điều trị đau đầu migraine – Điều trị đau đầu migraine phụ thuộc vào tần suất, mức độ nặng và các triệu chứng khác.

  • Điều trị cắt cơn cấp là dùng thuốc khi có cơn đau để làm dịu cơn đau ngay.
  • Điều trị dự phòng là dùng thuốc thường xuyên hàng ngày để trách hoặc giảm số lượng và mức độ các cơn đau về sau.

 

Điều trị cắt cơn cấp

Loại bỏ cơn đau migraine có thể không dễ dàng. Khả năng điều trị thành công cao nhất nếu bạn dùng thuốc ngay khi mới có biểu hiện đầu tiên (ví dụ, khi có dấu hiệu đầu tiên báo trước hoặc khi đau mới bắt đầu).

Ở một số người có triệu chứng báo trước cơn migraine (xem phần trên).

Vì vậy, triệu chứng báo trước được coi như một cảnh báo đáng tin cậy rằng cơn đau đầu migraine sắp đến và nên coi đây là tín hiệu để uống thuốc.

    

Các thuốc giảm đau – Các cơn migraine nhẹ có thể đáp ứng với thuốc giảm đau, một số thuốc không cần kê đơn. Những thuốc này gồm:

  • Asprin
  • Acetaminophen
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như là Ibuprofen, Indomethacine hoặc Naproxen.
  • Indomethancin là thuốc kê đơn, ở dạng thụt hậu môn có thể hữu ích với những người bị nôn trong khi đau đầu.

Thuốc giảm đau cũng có ở dạng kết hợp với caffein giúp làm tăng cường tác dụng chống đau migraine. Tương tự, một số thuốc giảm đau kết hợp cả acetaminophen, aspirin và caffeine.

Thuốc giảm đau thường được khuyên dùng trước tiên đối với đau migraine mức nhẹ đến vừa. Tuy nhiên, chúng không nên được dùng quá thường xuyên bởi vì lạm dụng thuốc có thể dẫn đến đau đầu do lạmg dụng thuốc hoặc đau đầu mạn tính hàng ngày về sau. Nếu bạn đáp ứng tốt với thuốc giảm đau, tiếp tục dùng nó khi có cơn, miễn là bạn đừng dùng nó quá 1 đến 2 lần mỗi tuần.

Những người bị viêm loét dạ dày, bệnh thận và các bệnh dễ chảy máu không nên dùng các thuốc có chứa aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS).

 

Các thuốc chống nôn :

Nếu bạn buồn nôn hoặc nôn khi bị migraine bạn có thể dùng thuốc chống nôn bằng đường tiêm hoặc thụt hậu môn. Đối với một số trường hợp, thuốc chống migraine có thể dùng phối hợp với thuốc chống nôn, chẳng hạn như metoclopramide hoặc prochloperazine. Các thuốc chống nôn đường uống thường dùng kết hợp với các thuốc khác để điều trị cơn migraine cấp. Tuy nhiên, thuốc chống nôn có thể không cần phối hợp trong khi điều  trị tại bệnh viện, bản thân các thuốc này còn dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp để điều trị đau đầu migraine cấp.

 

Các thuốc họ Triptan:

Nếu thuốc giảm đau không kiểm soát được cơn đau migraine của bạn, hầu hết các bác sỹ sẽ đề nghị điều trị chuyên sâu hơn. Nó bao gồm nhóm thuốc gọi là triptan. Điển hình là các triptan: Sumatriptan, Zolmitriptan, naratriptan, almotriptan, eletriptan và flovatriptan.

Triptan có thể được dùng tại nhà hoặc ở nơi làm việc/trường học, và sẵn có ở dạng viên uống, Sumatriptan và Zolmitriptan có ở dạng xịt mũi, sumatriptan còn có ở dạng tiêm.

Những người mắc chứng migraine liệt nửa người có tính gia đình, migraine vùng động mạch thân nền, huyết áp cao không được kiểm soát, bệnh mạch máu (gồm đột quỵ nhồi máu não và bệnh mạch vành) đau thắt ngực kiểu Prinzmetal, mang thai và bệnh gan thận nặng không nên dùng triptan trong hầu hết các trường hợp.

  • Sumatritan – Sumatritan có ở nhiều dạng khác nhau, gồm dạng viên nén, bình xịt mũi và tiêm. Trên 70% số người thấy hiệu quả giảm đau trong vòng 1 giờ sau tiêm triptan, sau 2 giờ 90% số người dùng thấy cải thiện. Bác sỹ của bạn sẽ giúp quyết định dạng bào chế nào là phù hợp nhất cho bạn (viên, tiêm, xịt mũi).

Tác dụng phụ hay gặp của Sumatriptan dạng tiêm là đau tại vùng tiêm, chóng mặt, hoa mắt, cảm giác nóng, tê buồn khó chịu ở tay hoặc chân. Hầu hết những phản ứng này xảy ra ngay sau khi tiêm và hết trong 30 phút. Những thuốc này an toàn cho hầu hết bệnh nhân.

Sumatriptan dạng xịt mũi bắt đầu tác dụng nhanh hơn dạng viên uống và có ít phản ứng phụ hơn dạng tiêm. Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của dạng xịt là gây ra vị khó chịu.

Viên nén chứa thành phần phối hợp Sumatriptan – Naproxen có hiệu quả cao hơn khi dùng riêng lẻ. Người ta không rõ nếu uống phối hợp từng loại với nhau thì có hiệu quả được như dạng phối hợp sẵn hay không.

     Ergots: Ergotamin là thuốc ra đời sớm hơn, đây là một thuốc đặc hiệu cho migraine. Nó thường kết hợp với Caffeine. Ergots thường không hiệu quả bằng triptan và lại gây tác dụng phụ nhiều hơn. Ergots đôi khi được khuyên dùng cho những người bị migraine kéo dài trên 48 giờ hoặc hay tái phát cơn. Những người tăng huyết áp, bệnh động mạch vành hoặc bệnh gan, thận không nên dùng Ergotamin.

Dihydroergotamin là một dạng có nguồn gốc từ Ergotamin, và có thể dùng bằng cách xịt mũi đối với cơn migraine nhẹ hoặc vừa. Nó cũng có thể dùng ở dạng tiêm đối với cơn nặng.

     Các thuốc khác : Các thuốc điều trị migraine khác chưa được nghiên cứu sâu hoặc có ít hiệu quả hơn. Một tỷ lệ nhỏ người mắc migraine không đáp ứng với cách điều trị cơn đau cấp một cách thường quy và cần phải điều trị bổ sung.

Dexamethasone là một thuốc glucocorticoid (steroid) có thể dùng đường tiêm kèm với thuốc điều trị cơn cấp khác để giảm nguy cơ cơn đau quay trở lại.

Dexamethasone dạng tiêm có thể được dùng tại khoa cấp cứu hoặc phòng khám.

Điều trị dự phòng : Điều trị dự phòng kiểm soát có hiệu quả cơn đau đầu migraine ở hầu hết các trường hợp, mặc dù tác dụng thường chưa rõ ngay trong 3-4 tuần đầu. Ở một số trường hợp, cả 2 cách điều trị cơn cấp và dự phòng đồng thời là cần thiết để đủ kiểm soát cơn đau.

     Betablocker – Thuốc chẹn beta lúc đầu sản xuất là để điều trị tăng huyết áp. Bên cạnh đó, thuốc này còn có tác dụng làm giảm tần suất cơn đầu migraine ở 60-80% số người. Các thuốc hay dùng gồm propanolol, nadolol, atenolol và metoprolol. Betablocker có thể gây ra trầm cảm ở một số người hoặc gây giảm sinh lí ở đàn ông.

    Các thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và một số thuốc chống trầm cẩm khác thường được khuyên dùng để dự phòng migraine. Những thuốc này gồm amitriptylin, nortriptylin và doxeptin. Trong số này, amitriptylin đã được chứng minh hiệu quả dự phòng migraine, trong khi các thuốc có ít bằng chứng hơn.

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm 3 vòng khá hay gặp. Đa số các thuốc này gây buồn ngủ, đặc biệt amitriplylin và doxepin. Vì vậy các thuốc này thường uống vào lúc trước khi đi ngủ và ban đầu nên uống liều thấp. Tác dụng phụ khác của nhóm này còn có khô miệng, táo bón, hồi hộp, tăng cân, nhìn bị loá, mờ và khó đi tiểu. Lú lẫn cùng có thể gặp, đặc biệt đối với người già.

     Các thuốc chống động kinh: Các thuốc chống động kinh valprote (hay còn gọi là divalproex), gabapentin và topiramate đôi khi được sử dụng để phòng migraine.

  • Valproate là một thuốc kháng động kinh có tác dụng dự phòng migraine tương đương beta blocker và hấp thu có thể tốt hơn. Tuy nhiên valprote có tác dụng phụ làm tăng cân và rụng tóc. Phụ nữ mang thai hoặc đang trong độ tuổi sinh đẻ mà không dùng viên tránh thai (thuốc, bao cao su, …) không nên dùng valproate.
  • Gabapentin có hiệu quả làm giảm tần suất cơn đau migraine ở một số nghiên cứu lâm sàng nhỏ. Tác dụng phụ có thể gặp gồm buồn ngủ, chóng mặt, mất cân bằng, lâng lâng.
  • Topiramate là một thuốc chống động kinh giúp phòng cơn đau. Nó có thể gây tác dụng phục mức nhẹ đến vừa, chẳng hạn như cảm giác bất thường (thường là tê buồn), mệt, buồn nôn, thay đổi vị giác, mất cảm giác ngon miệng, tiêu chảy và sút cân. Tác dụng phụ nặng hơn cũng có thể xảy ra, như khó tập trung suy nghĩ.

    Thuốc chẹn kênh calci: Thuốc chẹn kênh calci được phát triển để chữa tăng huyết áp. Thuốc này được dùng rộng rãi để phòng migraine. Các thuốc điển hình trong nhóm này là verapamil và nifedipin giải phóng chậm. Verapamil thường là lựa chọn đầu tiên để dự phòng migrane vì nó dễ sử dụng và có ít tác dụng phụ. Thuốc chẹn kênh calci có thể mất dần tác dụng theo thời gian nên có thể được điều chỉnh tăng liều hoặc chuyển sang thuốc tương tự khác.

     Điều trị bằng thảo dược: Điều trị bằng thảo dược đã được đánh giá tác dụng dự phòng đau đầu migraine, gồm 2 loại có tên feverfew and butterbur. Trong đó, feverfew đã được dùng rộng rãi. Một số nghiên cứu phát hiện nó có tác dụng dự phòng migraine mặc dù hầu hết chuyên gia cho rằng lợi ích vẫn chưa được chứng minh. Cả hai loại này đều chưa được khuyên dùng.

Tránh lạm dụng thuốc:  Điều quan trọng là dùng thuốc điều trị migraine cần theo đơn và hướng dấn của bác sỹ. Lạm dụng một số thuốc điều trị migraine, gồm cẳ thuốc không kê đơn như acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid hay thuốc kê đơn như triptan có thể dẫn đến đau đầu do lạm dụng thuốc (còn gọi là đau đầu bật lại) và chuyển thành dạng đau hàng ngày buộc phải tăng liều lượng thuốc giảm đau.

Một vòng luẩn quẩn xảy ra khi đau đầu thường xuyên thì phải uống thuốc thường xuyên và chính điều này gây ra đau đầu bật lại khi thuốc hết dần tác dụng, làm cho bạn phải uống càng nhiều thuốc hơn, cứ như thế.

Hãy trao đổi với thầy thuốc của bạn nếu việc điều trị migraine không làm giảm nhẹ được cơn đau hoắc nếu có các tác dụng phụ khó chịu. Chuyển sang thuốc khác hoặc thay điều trị cơn cấp bằng điều trị dự phòng có thể tốt hơn.

Đau đầu migraine theo chu kỳ kinh nguyệt: Migraine gặp ở nữ nhiều gấp 3 lần ở nam giới. Hormone estrogen có tác động khác nhau lên tần suất và cường độ đau ở một số phụ nữ uống thuốc tránh thai (có chứa estrogen) hoặc dùng liệu pháp hormone thay thế thấy đau đầu nặng lên. Trong khi số khác lại thấy đỡ. Tương tự như vậy, một số phụ nữ đau dày và nặng hơn khi đang mang thai trong khi đó số khác lại thấy tốt hơn.

Đau đầu migraine theo chu kỳ kinh nguyệt là dạng đau xảy ra gần với chu kỳ (thường 2 ngày trước chu kỳ đến 3 ngày sau chu kỳ). Phụ nữ mắc chứng này cũng có thể có cơn đau ở các thời điểm khác trong tháng. Hay gặp nhất là dạng đau đầu theo chu kỳ kinh không có dấu hiệu báo trước, thậm chí ngay cả đối với các trường hợp có dấu hiệu báo trước tại các thời điểm khác.

Đau đầu migraine được cho là được kích hoạt bởi sự tụt giảm nồng độ estrogen trước khi chu kỳ kinh bắt đầu. Đau đầu migraine theo chu kỳ có xu hướng kéo dài hơn, đau nặng hơn và khó điều trị cơn hơn các lại migraine khác.

Điều trị: Điều trị ban đầu cơn migraine theo chu kỳ để cắt cơn cũng giống như các dạng khác.

Điều trị dự phòng migraine theo chu kỳ có thể bằng cả 2cách không đặc hiệu (không dựa vào yếu tố hormone kích hoạt) loại đặc hiệu (dựa vào hormone).

Với cách điều trị không đặc hiệu, muốn có kết quả tốt cần phải dự báo chính xác ngày có chu kỳ để can thiệp; do đó, phụ nữ có chu kỳ không đều không phải là đối tượng phù hợp cho lựa chọn này. Các vấn đề liên quan khác như đau bụng khi có kinh, rong kinh, lạc nội mạc tử cung cũng như mong muốn tránh thai cũng phải được tính đến khi lựa chọn điều trị dự phòng.

Điều trị dự phòng có thể cần thiết và hữu ích đối với phục nữ đau migraine theo chu kỳ kinh có chu kỳ tương đối đều. Cách điều trị này còn gọi là “dự phòng ngắn”.

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như Ibuprofen hoặc naproxen là những lựa chọn để dự phòng ngắn đau đầu migraine theo chu kỳ kinh nguyệt.
  • Triptan như Frovatriptan, sumatriptan hoặc naratriptan là những lựa chọn khác. Thông thường dùng triptan tác dụng kéo dài uống 2 lần/ngày, bắt đầu trước chu kỳ kinh dự đoán, uống trong 5 ngày.

Điều trị hormone cũng có thể lựa chọn để dự phòng. Giải pháp sử dụng viên tránh thai kết hợp estrogen và progestin; cách khác là bổ sung estrogen điều hoà kinh nguyệt. Phương pháp điều trị này làm chậm sự sụt giảm estrogen quá nhanh trong cơ thể trước chu kỳ được cho là nguyên nhân gây kích hoạt cơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia tránh dùng thuốc tránh thai kết hợp estrogen – progestin cho những người bị migraine theo chu kỳ có dấu hiệu báo trước. Các chuyên gia khác chỉ sử dụng kiểu điều trị này cho những phụ nữ dưới 35 tuổi không có dấu hiệu thần kinh khu trú và không hút thuốc lá.

Tìm thông tin thêm ở đâu:  Bác sỹ chuyên khoa thần kinh của bạn là người cung cấp thông tin tốt nhất, giải đáp những câu hỏi và mối quan tâm liên quan đến vấn đề sức khoẻ của bạn.

Tài liệu này được tham khảo, dịch và chỉnh biên từ nguồn  UP TO DATE, USA

                                         

Liên kếtTrang
  • Trang chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu chung
    • Ban Giám đốc
    • Ban chấp hành Đảng bộ
    • Ban chấp hành Công đoàn
    • Cơ cấu tổ chức
    • Ban chấp hành Đoàn Thanh niên
  • Tin tức
    • Tin tức
    • Video
    • Lịch tuần, lịch trực
    • Công tác xã hội
  • Hướng dẫn người bệnh
    • Quy trình khám chữa bệnh
    • Sơ đồ bệnh viện
    • Hướng dẫn tìm đường
  • Dich vụ y tế
    • Khám chữa bệnh theo yêu cầu
    • Dịch vụ y tế tại nhà
    • Dịch vụ kĩ thuật Cận lâm sàng
    • Dịch vụ kĩ thuật Ngoại khoa
    • Dịch vụ kĩ thuật Nội khoa
  • Đào tạo – NCKH
    • Đào tạo chỉ đạo tuyến
      • Danh sách đăng kí đào tạo
      • Danh sách đã hoàn thành đào tạo
    • Kiến thức chuyên môn
    • Nghiên cứu khoa học
  • Khoa – phòng chức năng
  • Liên hệ
  • 2024 © Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
Liên hệ nhanh
  • Hotline: 19001536
  • Phòng KHTH: 0237.3951467
  • lienhe@bvdktinhthanhhoa.com.vn
  • Bộ Y tế: 1900 -9095
  • Sở Y tế: (0237). 3759313
  • Chat messenger

Từ khóa » Chẩn đoán Migraine