Đau Hậu Môn - Tuổi Trẻ Online

Đau hậu môn - Ảnh 1.

Ăn nhiều chất xơ như rau cải, trái cây có thể làm giảm đau hậu môn. Ảnh: mystylenews.com

Đau là một trong những dấu hiệu sớm và thường gặp nhất báo hiệu những thay đổi bất thường diễn ra trong cơ thể chúng ta. Đau đầu, đau bụng hay đau lưng ít khi gây ra những lo lắng cho mọi người, nhưng nếu đau ở hậu môn thì có thể làm cho nhiều người hoang mang và lo sợ vì những ám ảnh của các bệnh nặng và nguy hiểm ở khu vực này.

Những bệnh nào gây ra đau vùng hậu môn?

Có rất nhiều bệnh gây đau hậu môn:

- Nứt hậu môn: Do khối phân cứng và lớn làm rách hậu môn, thường xuất hiện khi đi cầu bón, đau đột ngột như dao cắt khi đi cầu, đau có thể kéo dài nhiều giờ sau đó. Đây là nguyên nhân thường gặp làm đau hậu môn.

- Áp xe vùng hậu môn: Do nhiễm trùng vùng quanh hậu môn, có thể kèm theo sốt hay đổ mồ hôi về đêm. Đau kéo dài liên tục cả ngày và ngày càng tăng hơn.

- Nhiễm nấm: Có thể gây nên cơn đau kéo dài vùng quanh hậu môn nhưng mức độ đau vừa phải bệnh nhân không khó chịu nhiều.

- Khối u: Ung thư vùng hậu môn trực tràng thường gây nên cơn đau âm ỉ kéo dài, mức độ đau tăng dần qua nhiều tháng, năm.

- Co thắt cơ vùng sàn chậu: Gây cơn đau xé, nhanh và chóng khỏi.

- Dò cạnh hậu môn (còn gọi là mạch lươn): Do nhiễm trùng tạo nên đường hầm thông nối giữa trực tràng hay ống hậu môn với da xung quanh hậu môn. Đau do tắc nghẽn đường hầm này tạo thành ổ áp xe bên trong đường hầm.

- Viêm loét vùng hậu môn: Vết thương nhiễm trùng da vùng cạnh hậu môn.

- Bệnh trực tràng lây qua đường tình dục như lậu, herpes, chlamydia.

- Bệnh da như vẩy nến hay viêm da có thể gây nên cảm giác ngứa hay rát.

Đau hậu môn xảy ra khi nào?

- Khi đi đại tiện: Thường do nứt hay rách niêm mạc hậu môn.

- Khi lau chùi: Do bệnh lý da quanh hậu môn hay nhiễm nấm.

- Đau liên tục không liên quan đến đi cầu: Thường do áp xe hay do nhiễm trùng, dò cạnh hậu môn. Có thể do huyết khối xuất hiện ở búi trĩ hay khối u vùng trực tràng.

- Đau dữ dội khiến bệnh nhân không thể ngồi được: Do áp xe, co thắt cơ hay khối u.

Khi nào thì đau hậu môn nguy hiểm?

Đau hậu môn nếu không giảm sau 24 - 48 giờ khi đã dùng các thuốc giảm đau thông thường thì phải được bác sĩ kiểm tra. Đau hậu môn kéo dài hơn 2 tuần có thể nguy hiểm. Đau hậu môn diễn tiến kéo dài nhiều tháng có thể liên quan đến bệnh ác tính.

Nếu có đau hậu môn kèm theo chảy máu thì sao?

- Nguyên nhân thường gặp nhất của đau hậu môn và chảy máu khi đi cầu là do nứt hậu môn.

- Trĩ huyết khối cũng có thể gây chảy máu kèm đau hậu môn.

- Khi đau và chảy máu vùng hậu môn không liên quan đến đi cầu thì nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm trùng da quanh hậu môn.

- Ngứa hậu môn và cảm giác nóng rát hậu môn thường xảy ra do vùng da xung quanh hậu môn bị ẩm ướt vì tiết dịch, về sau cũng có thể gây đau và chảy máu.

- Đau và ra máu hay ra dịch như máu cá kéo dài nhiều tháng có thể là bệnh ung thư.

Làm gì để giảm đau hậu môn?

- Uống nhiều nước 2 - 3 lít nước/ngày kèm theo ăn nhiều chất xơ hơn như rau cải, trái cây, nước sinh tố,… có thể làm giảm đau hậu môn trong rất nhiều bệnh.

- Tránh làm tổn thương thêm vùng hậu môn: Không dùng xà bông hay nước vệ sinh, không dùng giấy vệ sinh, không gãi,… thay vào đó là rửa bằng nước sạch, hoặc ngồi ngâm hậu môn vào thau nước ấm có pha ít muối ăn để có độ mặn như nước canh hay nước biển - ngồi ngâm 10 phút/lần, ngày 2-3 lần.

Khi nào phải đi khám bác sĩ chuyên khoa?

- Chẩn đoán sớm bệnh là điều quan trọng nhất. Bất cứ khối u nào phát hiện ở vùng này phải được khám bởi bác sĩ chuyên khoa.

- Các khối u là trĩ huyết khối hay áp xe có thể được phẫu thuật cắt bỏ hay dẫn lưu tháo mủ. Nếu đau do đường dò hậu môn thì cần được phẫu thuật.

- Đau do bệnh trĩ có thể điều trị bằng nhiều cách nội khoa hay ngoại khoa. Nứt hậu môn cấp tính có thể điều trị thuốc, nứt hậu môn mãn tính có thể cần phải phẫu thuật nếu điều trị nội khoa thất bại.

- Những khối u do ung thư cùng hậu môn trực tràng nếu phát hiện sớm có thể điều trị thành công hoàn toàn với phẫu thuật hóa trị và xạ trị.

Từ khóa » đau Rát Hậu Môn Khi đi đại Tiện Sau Sinh