Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Sơ Sinh, Trẻ Nhỏ Bị đau Bụng Và Cách Xử Trí Tại ...

Đau bụng là một trong những bệnh lý thường xảy ra nhiều nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em có thể thay đổi từ không quan trọng đến đe dọa tính mạng nhưng sự biểu hiện ra ngoài của trẻ chỉ khác nhau một ít. Do đó, khó khăn cho cha mẹ và người nuôi trẻ là phân biệt đâu là đau bụng cần phải cấp cứu và đâu là những cơn đau bụng không cần phải cấp cứu, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh khi mà trẻ chưa biết nói hay biểu hiện, hành động rõ rệt như trẻ lớn. 

Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh đang bị đau bụng

Bé bị đau bụng thường khóc vào cùng một thời điểm trong tất cả các ngày. Thường là vào chiều muộn hoặc buổi tối. Bé khóc nấc không dứt mà không rõ nguyên nhân.

Nếu bị đau bụng, bé sẽ khóc rất to và mẹ rất khó dỗ dành để giúp bé bình tĩnh trở lại dù đã đã áp dụng nhiều cách ‘dụ dỗ’.

Để ý bạn sẽ thấy chân bé co lại, tay nắm chặt, bụng lên gân… khi khóc, đó là do cơn đau bụng đang hành hạ bé.

Khoảng 25% trẻ sơ sinh bị đau bụng. Trẻ thường mắc đau bụng vài tuần sau sinh và đến khi bé được 3 tháng tuổi, chứng bệnh này sẽ thuyên giảm. Mặc dù, có rất nhiều bé thường xuyên bị những cơn đau bụng hành hạ, nhưng tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng sẽ được cải thiện đến 90% khi bé được 9 tháng tuổi.

Đặc biệt, nếu thấy da và niêm mạc bé tái nhợt, nôn nhiều, nôn ra nước hoặc máu, đau bụng kèm theo sốt, cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Không cho ăn, uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì cho đến khi được khám.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đau bụng

Trẻ bị đau bụng

Bác sĩ cũng chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác gây nên chứng đau bụng ở bé sơ sinh nhưng có vài giả thuyết như sau: Bé đau bụng do bị dị ứng sữa công thức có nguồn gốc từ sữa bò (hoặc ngay cả bé bú mẹ hoàn toàn cũng có nguy cơ dị ứng).

Nguyên nhân cũng có thể do chế độ dinh dưỡng của mẹ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa và khiến bé bị đau bụng khi “ti mẹ”. Một vài người mẹ nhận ra rằng, khi họ cắt giảm thực phẩm chứa sữa, trứng, cá, sữa đậu nành, bột mỳ, lạc (đậu phộng) thì tình trạng quấy khóc ở bé cũng giảm.

Một trong những nguyên nhân khác khiến bé quấy khóc vì đau bụng là do hiện tượng khó tiêu (hoặc bé bị stress). Nhóm bé bú sữa ngoài thường gặp trục trặc với hệ tiêu hóa hơn nhóm bé bú mẹ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu vì lý do đặc biệt không thể cho bé bú mẹ, bạn nên chọn những loại sữa công thức có nguồn gốc gần với sữa mẹ.

Mẹ nên làm gì khi bé bị đau bụng và khóc không ngừng?

Mỗi bé là một cá thể khác nhau; vì thế, cha mẹ nên cố gắng dỗ bé theo nhiều cách cho đến khi tìm được cách hiệu quả mới thôi.

Phương pháp giúp bé thư giãn khi bé quấy dai dẳng là: trò chuyện với bé, hướng mặt của bé vào mặt của mẹ, tiếp đến, có thể ca hát hoặc đu đưa để bé dễ chịu (cho dù chỉ là tạm thời).

Nhiều bé bị đau bụng thích được nằm sấp và được cha mẹ massage ở lưng trong một khoảng thời gian ngắn.

Âm nhạc êm dịu cũng có tác dụng chốc lát hoặc bạn có thể bế bé đi chơi.

Cho bé bú hoặc ngậm núm vú giả

Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt!

Những bệnh khiến trẻ bị đau bụng cần phát hiện sớm

NGUYÊN NHÂN

Nhiễm trùng: nhiễm virus hoặc vi trùng đều có thể gây đau bụng. Nhiễm virus thường khỏi nhanh, nhiễm vi trùng  cần phải được điều trị bằng kháng sinh.

Liên quan đến thức ăn: ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn, bội thực, ăn những thức ăn sinh hơi đều có thể gây chướng bụng và khó chịu tạm thời.

Ngộ độc: có thể thay đổi từ nhẹ như ăn phải xà phòng đến nặng như nuốt những vật dụng kim loại.

Bệnh lý ngoại khoa: bao gồm viêm ruột thừa, tắc ruột, lồng ruột và thoát vị nghẹt….

Những bệnh lý khác: có thể nguyên nhân xuất phát từ những vùng không thuộc bụng. Chẳng hạn như trẻ có thể bị đau bụng do biến chứng của đái tháo đường hoặc do viêm phổi thùy….

Nguyên nhân thường gặp nhất ờ mọi tuổi gây đau bụng là viêm dạ dày- ruột cấp.

Với từng nhóm tuổi cần chú ý dến những nguyên nhân sau:

 – Trẻ dưới 2 tuổi: lồng ruột, xoắn ruột, thoát vị nghẹt, chấn thương, nhiễm trùng tiểu.

 – Trẻ từ 2- 5 tuổi: tắc ruột, nhễm trùng tiểu, viêm phổi thùy, táo bón.

Trẻ bị đau bụng 3

 – Trẻ trên 5 tuổi: viêm ruột thừa, giun chui ống mật, viêm đường mật, viêm gan, viêm tụy, viêm hạch mạc treo, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm phúc mạc, ban xuất huyết scholein Henoch, bé gái vị thành niên cần quan tâm đén nguyên nhân: đau bụng giữa kỳ kinh, viêm phần phụ, chữa ngoài tử cung.

TRIỆU CHỨNG

– Thường  cha mẹ hoặc người nuôi trẻ có thể nhận ra khi trẻ đau bụng. Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ có thể sẽ khóc, vẻ mặt biểu hiện sự đau đớn và cuộn người lại. Trẻ nhỏ thường sẽ  báo với cha mẹ nếu  có điều gì đó gây khó chịu. Một số trẻ lớn có thể báo với cha mẹ về cơn đau của mình, và khi đó người nuôi trè cần hỏi trẻ về những gì chúng đang cảm nhận về cơn đau bụng. Hãy hỏi trẻ những vấn đề sau:

Trẻ bị đau bụng 2

Độ dài cơn đau: điều quan trọng cần nhớ là hầu hết những nguyên nhân gây đau bụng đơn giản không kéo dài quá lâu. Khi bị đau do đầy hơi thì cơn đau thường sẽ khỏi sau 12 – 24 giờ. Bất kỳ cơn đau nào kéo dài hơn 24 giờ đều cần phải đi khám bệnh.

Vị trí của cơn đau: hầu hết các cơn đau do những nguyên nhân đơn giản đều có vị trí ở giữa bụng. Trẻ sẽ chà xát xung quanh rốn. Nếu cơn đau xuất hiện ở những vùng khác cần chú ý nhiều hơn, đặc biệt là những cơn đau ở vùng thấp phía dưới bên phải bụng. Đau ở vùng đó có thể do viêm ruột thừa, chỉ loại bệnh này khi có bằng chứng do nguyên nhân khác.

– Biểu hiện của trẻ: nếu trẻ trông có vẻ rất mệt mỏi kèm với dáng vẻ đang đau đớn, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện Những dấu hiệu cần lưu ý khi trẻ bị đau bụng bao gồm tái nhợt, vã mồ hôi.

Nôn ói: thường kèm với đau bụng, nhưng nôn ói không luôn là biểu hiện của một bệnh nặng. Hầu hết những nguyên nhân thường gặp gây nôn thường sẽ khỏi nhanh chóng. Cần lưu ý là nếu nôn ói kéo dài trên 24 giờ phải dến các cơ sở y tế để khám bệnh.

Tính chất nôn: đối với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, nếu chất nôn có màu xanh hoặc vàng thì bạn nên đưa bé đi khám. Ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu chất nôn có chứa máu hoặc những chất màu đen thì nên đến phòng cấp cứu gấp.

Tiêu chảy: hay kèm với đau bụng và nguyên nhân gây bệnh thường do virus. Có thể tiêu chảy trong khoảng 1 tuần nhưng thường kéo dài ít hơn 72 giờ (3 ngày). Nếu có máu trong phân thì bạn nên đưa trẻ đi khám bệnh ngay.

Sốt: sốt không phải lúc nào cũng là biểu hiện của tình trạng bệnh nặng. Ngược lại, có những  bệnh nặng gây đau bụng mà nhiệt độ của trẻ vẫn bình thường. Đau bụng kèm sốt nên đưa trẻ đi khám bệnh.

Đau háng: là vấn đề khá quan trọng ở trẻ nam, chúng nói bị đau bụng nhưng thật ra là đau ở vị trị  khác. Trẻ bị xoắn tinh hoàn có thể cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến vị trí đó, do đó bạn nên hỏi chúng rằng có phải chúng đau ở “phía dưới” hay không. Vấn đề này có thể điều trị dễ dàng nếu phát hiện sớm. Do đó, nếu trẻ than đau ở khu vực háng hoặc tinh hoàn, hãy mang trẻ đi khám bệnh.

Bệnh đường niệu: đau bụng có thể liên quan đến những bất thường khi đi tiểu, như tiểu đau hoặc tiểu lắt nhắt, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và phải đến khám bác sĩ.

Phát ban: có một số bệnh nặng gây đau bụng xảy ra cùng với phát ban. Nếu trẻ phát ban kèm với đau bụng thì nên khám bệnh ngay.

Triệu chứng trẻ bị đau bụng cấp tính

Trẻ bị đau bụng cấp tính thường quằn quại, trẻ khóc thét, mặt tái xanh, vã mồ hôi. Vì vậy, người nhà cần bình tĩnh để nghe bác sĩ hỏi bệnh và thăm khám cho trẻ một cách thuận lợi nhất. Một trong những bệnh đau bụng cấp tính ở trẻ hay gặp nhất là viêm ruột thừa.

Thường viêm ruột thừa ở trẻ em trên 2 tuổi cũng có những dấu hiệu tương tự như người lớn, ví dụ như: đau ở hố chậu phải, lúc đầu đau nhẹ, sau đó đau tăng lên, đau liên tục, kèm theo đau thường có buồn nôn, nôn, sốt nhẹ (khoảng 37 – 38oC). Khi khám, trẻ kêu đau và gạt tay bác sĩ không cho sờ vào vùng hố chậu phải hoặc vùng bụng. Đặc biệt điểm ruột thừa rất đau (điểm Mac Burney).

Trẻ bị đau bụng 1

Với trẻ dưới 2 tuổi thường chẩn đoán viêm ruột thừa khó hơn nên phát hiện cũng sẽ chậm hơn, vì các triệu chứng không điển hình như trẻ lớn hoặc người trưởng thành, do đó rất dễ gây biến chứng như thủng ruột thừa, viêm phúc mạc (viêm màng bụng) để lại hậu quả rất nặng nề. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi bị viêm ruột thừa là: có sốt nhẹ, nôn, trớ hay quấy khóc, trông bộ mặt lờ đờ, xanh tái. Khi thấy đầy hơi, chướng bụng, khi sờ vào bụng cháu khóc thét là có nguy cơ vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc. Một điều mà các nhà ngoại khoa cũng nhắc nhở là đau bụng do viêm ruột thừa ở trẻ lúc đầu có thể là đau ở vùng thượng vị, vùng quanh rốn, sau đó mới khu trú ở hố chậu phải.

Triệu chứng trẻ bị đau bụng do lồng ruột

Lồng ruột ở trẻ cũng là một bệnh cấp tính thường hay gặp ở trẻ bụ bẫm, cháu trai gặp nhiều hơn cháu gái, tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi.

Thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là những cháu bụ bẫm. Trẻ đau bụng từng cơn, trong mỗi cơn đau đều khóc thét, uốn người, nôn, có khi nôn hoặc đi ngoài ra máu. Khám có thể thấy búi lồng ruột, thăm trực tràng có thể thấy máu dính theo găng tay. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn sâu.

Trẻ bị đau bụng do giun chui ống mật

Đau bụng ở trẻ cũng rất hay gặp trong trường hợp giun chui ống mật (GCOM) ở trẻ có giun ở đường tiêu hóa đặc biệt là sau tẩy giun, nhất là tẩy giun không đủ liều lượng. Cơn đau trong GCOM trẻ lăn lộn, khóc thét, vã mồ hôi và chổng mông. GCOM có thể gây nên áp-xe gan, sỏi đường dẫn mật, tắc đường mật.

Trẻ bị đau bụng do thoát vị bị nghẽn

Đau bụng ở trẻ trong dạng cấp cứu còn có thể do thoát vị bị nghẽn. Trong trường hợp này nếu không phát hiện kịp thời thì rất có thể làm đoạn ruột nghẽn bị hoại tử. Thoát vị nghẽn ngoài cơn đau bụng cũng có thể xuất hiện nôn, bí trung và đại tiện.

Trẻ bị đau bụng do tắc ruột

Đau bụng ở trẻ còn có thể do tắc ruột với các lý do khác nhau. Triệu chứng gặp là: nôn ra thức ăn, có mật xanh, mật vàng, bụng chướng. Nếu bị tắc ruột ở thấp thì bụng chướng càng nhiều.

Trẻ bị đau bụng do ngộ độc thức ăn

Trẻ đau bụng cũng còn có thể do ngộ độc thức ăn. Ngộ độc thức ăn là một loại bệnh cấp cứu. Ngộ độc thức ăn có thể do vi sinh vật hoặc do hóa chất. Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn thường có sốt, đau quặn bụng, đi lỏng nhiều lần có khi phân có máu hoặc nhờ nhờ như máu cá (trường hợp ngộ độc thức ăn do vi khuẩn shigella).

Trẻ bị đau bụng do giun

Đau bụng giun ở trẻ cũng là loại hay gặp. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần, đau bụng quanh rốn, đặc biệt xét nghiệm phân tìm trứng giun thấy có trứng giun. Trong một số trường hợp nhiều giun đũa thì siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh của giun đũa.

Trẻ bị sỏi đường tiết niệu gây đau bụng

Trẻ em cũng có thể bị sỏi đường tiết niệu gây đau bụng có khi rất dữ dội, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị sỏi đường tiết niệu không nhiều. Ngoài sỏi tiết niệu, trẻ em cũng có thể đau bụng do viêm đường tiết niệu, trẻ em gái bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn trẻ em trai gây nên cơn đau bụng dưới.

Xử trí ban đầu khi trẻ đau bụng và nôn

Hãy đưa trẻ đi khám nếu đau bụng mỗi lúc một nặng

Đau bụng và nôn ở trẻ là các triệu chứng hay gặp, thường không đáng ngại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm, cần được cấp cứu. Dựa vào biểu hiện kèm theo, bạn có thể quyết định cho trẻ nhập viện ngay hay tự điều trị tại nhà.

  1. Đau bụng

Trẻ 3 tháng tuổi nếu hay khóc thét về đêm, gập chân vào người (nhưng không có biểu hiện gì khác) có thể bị hội chứng colic, một dạng đau bụng sinh lý thường gặp ở lứa tuổi này. Khi đó, cần đặt trẻ nằm sấp trên hai đầu gối của bạn, vỗ nhẹ vào lưng, dùng một số thuốc hút hơi (như Babygaz) để giảm đau. Nếu không đỡ, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân gây đau bụng khác.

Trái lại, nếu thấy da và niêm mạc trẻ tái nhợt, nôn nhiều, nôn ra nước hoặc máu, đau bụng kèm theo sốt, cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Không cho ăn, uống hay dùng bất kỳ một loại thuốc gì cho đến khi được khám.

Ngoài ra, trong tất cả các trường hợp đau bụng, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu:

– Đau mỗi lúc nặng hơn.

– Tái nhợt, vã mồ hôi, đau gập cả người lại.

– Không cho sờ vào bụng vì đau.

– Đau kèm sốt, nôn mửa nhiều.

– Bỏ ăn, không chơi.

– Trẻ không đi tiêu trong mấy ngày qua, kèm theo nôn vọt.

  1. Nôn mửa

Trẻ có thể nôn do những nguyên nhân sau:

– Bị kích động (vui quá, sợ quá, phản ứng lại khi bị ép ăn), ăn quá nhiều.

– Trào ngược dạ dày – thực quản ở trẻ đang bú mẹ: Trẻ hay ọc sữa sau khi bú. Đây là hiện tượng sinh lý không trầm trọng, sẽ tự khỏi theo thời gian và nhiều khi không cần điều trị gì đặc biệt.

– Do các nhiễm trùng thông thường như viêm họng, viêm mũi, ngộ độc thức ăn…

– Tắc ruột, tăng áp lực nội sọ, viêm màng não.

Cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những biểu hiện:

– Nôn vọt.

– Nôn kèm theo tiêu chảy, mất nước.

– Nôn kèm sốt, nôn ra máu hoặc trẻ nôn mà không chịu uống nước.

ĐIỀU TRỊ

Cha mẹ và người nuôi trẻ nên theo dõi sát trẻ và liên hệ với nhân viên y tế để được giúp đỡ ở những thời điểm thích hợp.

Nghỉ ngơi: trẻ đang bị đau bụng thường sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi nghỉ ngơi. Nằm úp mặt có thể sẽ làm giảm đau do đầy hơn, nhưng tư thế tốt nhất là tư thế làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu nhất.

Chế độ ăn: con người có thể sống được trong một thời gian dài không ăn nhưng cần phải uống nước để duy trì sự sống. Sự mất nước cần phải có thời gian đủ lâu để ảnh hưởng đến cơ thể, do đó việc bù dịch không phải lúc nào cũng cần thiết. Một trẻ đang bị nôn sẽ không thể giữ một lượng lớn nước. Nên cho trẻ uống một lượng nước nhỏ mỗi 15 đến 20 phút cho đến khi trẻ có thể uống nhiều hơn.

Loại dịch cần thiết: Cố gắng đưa trẻ về chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt. Lựa chọn tốt nhất cho những trẻ lớn  bao gồm nước gừng hoặc nước súp thịt. Tránh uống sữa, nước ép trái cây, cafe, và nước uống tăng lực ở những bệnh nhân bị tiêu chảy vì ruột có thể sẽ không dung nạp được chúng. Nếu những trẻ lớn đòi uống nước, tránh dùng những thức uống có cafe.

Thức ăn đặc: trẻ sẽ cho bạn biết lúc nào là thời điểm thích hợp để dùng thức ăn đặc. Bắt đầu chậm, ban đầu hãy cho trẻ ăn bánh mì mềm – và chuyến sang những thức ăn thường ngày nếu chúng dung nạp với thức ăn. Chuối và cơm cũng là những thức ăn thích hợp sau một giai đoạn kiêng cữ.

Thuốc: bạn nên dùng acetaminophen để hạ sốt. Hầu hết các bác sĩ  vẫn tránh dùng aspirin cho trẻ em. Tránh dùng kháng sinh trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Các bác sĩ cũng không khuyên dùng những loại thuốc từ cây cỏ hoặc những phương thuốc gia truyền khác. Nếu bạn dùng chúng trước khi đến gặp bác sĩ, hãy nhớ kể lại những gì bạn đã cho trẻ dùng, do chúng có thể ảnh hưởng đến việc điều trị.

Theo Bs Huỳnh Hồng Phúc, khoa Nhi BVĐK Đồng Tháp

Xem thêm: Bắt bệnh kịp thời cho bé qua vị trí cơn đau

On July 21, 2015 / Sức khỏe, Trẻ sơ sinh / 1 Comment Tags: bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ bị đau bụng, trẻ bị đau bụng kèm nôn trớ, trẻ sơ sinh

Từ khóa » Cách Nhận Biết Bé Sơ Sinh Bị đau Bụng