Đau Lưng Cấp Tính Do Lún đốt Sống | BvNTP

Gãy lún đốt sống do loãng xương thường gặp ở cột sống ngực (thường ở dưới T6) và cột sống thắt lưng, đặc biệt là chỗ bản lề T12-L1. Có thể không có chấn thương trước đó hoặc chấn thương rất nhẹ (ví dụ, ngã nhẹ, đột ngột uốn, nâng đồ, ho). Bệnh nhân bị xẹp đốt sống do loãng xương có nguy cơ cao bị gãy đốt sống khác hoặc xương khác. Thỉnh thoảng tổn thương xẹp hoặc các loại gãy đốt sống khác xảy ra sau chấn thương mạnh (như tai nạn xe máy, ngã cao, vết thương đạn bắn). Trong những trường hợp như vậy, thường có chấn thương tủy sống, và cột sống thường bị gãy ở nhiều vị trí. Nếu nguyên nhân là do ngã hoặc nhảy từ trên cao xuống, một hoặc cả hai xương gót chân cũng có thể bị gãy; 10% số bệnh nhân bị gãy xương gót cũng tổn thương cột sống thắt lưng (vì lực truyền theo trục xương đến cột sống từ gót)

1. Triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo ?

Xẹp đốt sống do loãng xương không có triệu chứng hoặc chỉ gây mất chiều cao hoặc gù ở khoảng 2/3 bệnh nhân. Ở những bệnh nhân khác, đau có thể xuất hiện ngay hoặc về sau. Đau có thể quy chiếu vào bụng. Ít gặp đau quy chiếu, yếu liệt, rối loạn cơ vòng. Đau thường giảm sau 4 tuần và hết sau 12 tuần. Xẹp đốt sống không do loãng xương gây đau cấp tính, đau xương tại chỗ gãy, và co thắt cơ.

2. Chẩn đoán dựa vào gì ?

Chẩn đoán thường dựa vào chụp Xquang xương cột sống. Một số trường hợp, để tiến đến vấn đề điều trị chuyên sâu cần chụp cắt lớp vi tính, Cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.

3. Các phương pháp điều trị ?

- Thông thường, phần lớn trường hợp có thể điều trị nội khoa bảo tồn bao gồm : thuốc giảm đau kháng viêm, thuốc giãn cơ kèm theo chế độ vận động sớm theo hướng dẫn của bác sĩ. - Điều trị gãy cột sống tập trung điều trị đau và vận động sớm. Cho thuốc giảm đau. Vận động sớm giúp hạn chế tiêu xương và tàn tật. - Các nhà vật lý trị liệu có thể giúp hướng dẫn kỹ thuật nâng vác đồ đúng và chỉ định các bài tập tăng sức mạnh nhóm cơ cạnh cột sống, tuy nhiên chỉ nên tiến hành sau khi đã kiểm soát được đau.

4. Chế độ ăn uống ở bệnh nhân loãng xương như thế nào?

-Ăn thực phẩm chứa nhiều canxi (Phô mai, sữa chua, sữa bò, tôm khô, đậu tương,...)

-Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng đặc biệt là canxi trong khẩu phần hàng ngày.

-Bổ sung vitamin D và canxi theo nhu cầu.

-Ăn đủ chất béo: Năng lượng do lipid cung cấp chiếm 15-25% tổng năng lượng khẩu phần.

-Ăn muối < 5gram/ngày.

-Không nên ăn đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn.

-Không hút thuốc và hạn chế uống rượu, bia, nước có ga.

-Không uống quá nhiều cà phê và trà.

-Hạn chế sử dụng các chất làm giảm hấp thu canxi: Cà phê, ca cao, sôcôla, nước xương, thực phẩm có nhiều sắt,...

5. Chế độ sinh hoạt lành mạnh và khoa học giúp cải thiện mức độ loãng xương

-Kiểm soát cân nặng hợp lý để hệ xương khớp không phải chịu áp lực là một thói quen tốt để phòng tránh loãng xương.

-Nên duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên. Chọn những bài tập và môn thể thao hợp với sức khỏe và độ tuổi của bạn. Tập luyện sẽ giúp cơ thể dẻo dai, linh hoạt và tốt cho cả sức khỏe tổng thể, cũng là cách giúp giảm căng thẳng, phòng các bệnh tuổi già.

- Khám xương định kỳ là thói quen tốt và cũng là cách tốt nhất giúp bạn theo dõi sức khỏe xương và phát hiện loãng xương nếu có. Bạn nên kiểm tra mật độ xương 3 - 6 tháng/lần.

Xem thêm: Đau lưng thấp (Đau lưng vùng thấp)

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Hiện Tượng Xẹp đốt Sống Cổ