Đau Nhức Mắt - Triệu Chứng Của Nhiều Bệnh

Đau nhức tại mắt

Đau nhức tại mắt có nhiều nguyên nhân, trong đó các bệnh lý của giác mạc, màng bồ đào, thị thần kinh gây đau nhức nhiều nhất. Các trợt xước của giác mạc do chấn thương, viêm loét giác mạc do vi khuẩn - nấm - virus đều làm bệnh nhân đau nhức nhiều, sợ sáng, chảy nước mắt không thể mở mắt ra nổi. Tăng nhãn áp do nhiều nguyên nhân, xuất huyết tiền phòng, một số loại loạn dưỡng giác mạc như loạn dưỡng Fuch, viêm màng bồ đào gây kiểu đau nhức sâu có thể kèm theo nôn mửa. Viêm kết mạc cũng có cảm giác đau nhức nhưng thường là đau cộm như có dị vật trong mắt. Viêm thị thần kinh, bệnh lý giác mạc do thần kinh, thiếu máu thần kinh sọ não đều gây đau nhức tại mắt. Viêm củng mạc sâu gây đau nhức khó chịu mỗi khi liếc mắt hay đi nằm. Viêm cơ trực cũng vậy. Viêm tổ chức hốc mắt và u hốc mắt gây cảm giác đau trong sâu, tăng khi cúi đầu. Lão thị gây nhức mắt mỗi khi học, đọc mà ta chỉ có thể giải quyết bằng... đeo kính.

Điều trị thế nào?

Điều trị phải bắt đầu từ căn nguyên. Nếu viêm loét giác mạc do vi sinh vật, cần dùng kháng sinh, kháng nấm hay thuốc diệt virus. Có thể dùng các thuốc làm êm dịu mắt, chống viêm, giảm đau dạng tra nhỏ. Trong viêm màng bồ đào hay loét giác mạc có thể dùng thuốc gây liệt thể mi, giãn đồng tử làm mắt giảm đau nhức. Tăng nhãn áp cũng làm bệnh nhân đau nhức nhiều, nôn mửa, nhìn đèn thấy quầng tán sắc, có thể lựa chọn dùng thuốc hoặc phẫu thuật để đưa nhãn áp về bình thường.

Đau quanh mắt

Cần thận trọng trong việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử để biết bệnh nhân có thuộc kiểu đau này không? Rất nhiều người không đủ tinh tế để phân định đau quanh mắt hay tại mắt. Bệnh lý xoang, răng hàm mặt, cột sống đoạn cổ, zona là nguyên nhân gây đau quanh mắt. Tuy nhiên, tính chất đau có những dị biệt. Một số hội chứng khác của chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt gây ra những cơn đau đột ngột, khá dữ dội không những gây đau cho hàm mặt mà còn cả ở hốc mắt (đau dây thần kinh số V). U dây V tuy hiếm gặp nhưng cũng gây đau tất cả các vùng chi phối của dây này trong đó có mắt. Bệnh nhân bị nhiễm virus cấp như ở bệnh cảnh cúm, á cúm, sốt virus, sốt xuất huyết cũng đến khám chuyên khoa mắt khá nhiều do cảm giác đau sâu trong mắt. Liệt dây VII ngoại vi gây đau rát cho mắt như có cát ở trong mắt kèm theo dấu hiệu Bell, mắt nhắm không kín. Glocom, viêm tổ chức hốc mắt, tắc lệ đạo, liệt do thiếu máu thần kinh sọ não cũng gây đau nhức quanh mắt ở mức độ khác nhau. Còn nhiều bệnh cảnh khác nữa gây đau đầu, nhức mắt và vùng quanh mắt nhưng không phải do bệnh lý của mắt hoặc chuyên khoa mắt không thể giải quyết được. Các bệnh nhân tâm căn suy nhược luôn than phiền về đau đầu, nhức mắt, mất ngủ. Viêm rãnh ròng rọc là một bệnh lý mới, trước đó được gọi là đau thần kinh trên hố. Do vậy, khi thăm khám mắt kỹ càng, hỏi bệnh tỉ mỉ, chuyên khoa mắt sẽ báo động được cho bệnh nhân những căn bệnh nghiêm trọng, chuyển bệnh nhân đi đúng chuyên khoa mà họ cần.

Đau nhức mắtĐau nhức quanh mắt có thể là dấu hiệu bệnh glocom.

Điều trị: Rất ít bệnh nhân hài lòng với một số thuốc tra nhỏ mắt dạng bôi trơn, nước mắt nhân tạo và chất làm êm dịu mắt. Với glocom, viêm tổ chức hốc mắt, chuyên khoa mắt sẽ giải quyết tốt đau nhức. Viêm rãnh ròng rọc có thể điều trị tốt bằng tiêm triamcinolone tại chỗ. Thế nhưng các nguyên nhân gây đau nhức khác đều thuộc phần chi phối của dây thần kinh số V, do các bệnh lý đa dạng của chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt... Lúc này, các thuốc giảm đau sẽ phải nâng cấp nhiều, trong đó các nhóm có opizoic, gabapentin, thậm chí  là liều thấp của methadone và thuốc chống trầm cảm có thể giúp bệnh nhân thoát cảnh đau đớn.

Đau nhiều ở sau mắt

Triệu chứng này thường liên quan đến đau nửa đầu dị ứng kiểu Migrain. Đau nửa đầu dạng Migrain được các nhà thần kinh biết đến nhiều hơn các nhà nhãn khoa bởi các rối loạn về mắt trong bệnh lý này thoáng qua và không nghiêm trọng. Cơn đau có liên quan đến thời tiết, phản ứng với mùi lạ hoặc sau khi dùng thuốc và thức ăn gây dị ứng. Đau nửa đầu có dấu hiệu báo trước về thị giác - ám điểm nhấp nháy, có khi là nhìn mờ thoáng qua hay ngạt mũi hoặc buồn nôn, sau đó là cơn đau nửa đầu khoảng 20-30 phút. Đau thường kèm theo nôn hoặc giảm nhẹ đi sau nôn. Nằm nghỉ cũng giúp cơn đau qua đi nhanh chóng. Trong cơn đau, nếu ghi được điện não sẽ thấy dấu hiệu rối loạn sóng thị giác tỏa lan. Đáy mắt không hề có dấu hiệu tổn thương. Do khá thường gặp và đã có thuốc điều trị cũng như phòng ngừa nên chỉ đặt vấn đề thăm dò, chụp chiếu thêm khi các bệnh nhân có thêm các biểu hiện sau: đau ngày càng trầm trọng, đau thường xuyên hơn, có thêm các dấu hiệu thần kinh khác, tồn tại dai dẳng.

Trên thực tế thì tăng huyết áp gây đau đầu, nhức mắt cho nhiều bệnh nhân tuổi trung niên mà chẩn đoán chỉ đơn giản là đo huyết áp và khám đáy mắt. Hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch não, phình tách động mạch chủ, thông động mạch cảnh - xoang hang, hẹp tĩnh mạch cảnh... là những bệnh lý mạch máu thường gặp kèm theo đau đầu, đau nhức quanh mắt, glôcôm tân mạch. Bệnh lý thị thần kinh và tăng áp lực nội sọ trong đó biểu hiện phù gai là triệu chứng chính gây đau nhức mắt trong sâu dai dẳng, thuốc giảm đau ít tác dụng.

Điều trị: Điều trị căn nguyên sẽ giúp bệnh nhân có cuộc sống tương đối bình thường. Các thuốc giảm đau dòng opioid hay narcotic thường giúp giảm đau nhanh, thời gian ngắn. Với các trường hợp nặng có thể phải dùng thêm thuốc an thần như gabapentin, carbamazepine, 3 vòng. Đau nhức liên quan đến dây V do viêm nhiễm hay chèn ép, bệnh lý vi mạch đòi hỏi các chuyên khoa sâu phải giải quyết bằng thuốc, phẫu thuật giải chèn ép, sóng nhiệt cao tần...

Bệnh nhân than phiền đau đầu, nhức mắt là một thực tế phổ biến trong thăm khám bệnh hàng ngày. Phức tạp hóa vấn đề hay khinh suất đều là không nên.

Từ khóa » đau Cổ Nhức Mắt