Đậu Săng Và Những Lợi ích Tuyệt Vời Của Nó Trong Nông Nghiệp

Đậu săng hay đậu triều là một loài cây họ đậu thường mọc hoang ở các vùng quê. Đậu săng trước đây chủ yếu được dùng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh và làm hàng rào bao quanh vườn nhà. Hiện nay, qua nhiều nghiên cứu và ứng dụng, đậu săng được biết đến với nhiều lợi ích lớn hơn, đặc biệt là trong canh tác nông nghiệp.

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm của đậu săng
  • 2. Lợi ích của đậu săng trong nông nghiệp
  • 4. Cách trồng đậu săng

1. Đặc điểm của đậu săng

Đậu săng hay còn gọi là đậu triều, đậu chiều, đậu cọc rào, đậu chè, mộc đậu,… là một loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu. Đậu săng có tên khoa học là Cajanus cajan L. Millsp; Tên tiếng Anh là Pigeon Pea.

Đậu săng có nguồn gốc từ Ấn Độ, phân bố rộng khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới như Bắc Bengal, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam,…

1.1 Đặc điểm hình thái

Đậu săng là dạng thực vật bán thân gỗ, cây cao trung bình từ 1-3m, nhiều cây lâu năm hóa gỗ cao tới 4m.

Thân cây chắc khỏe, phân nhiều cành nhánh hình trụ đâm tự do, tán rộng. Lá đậu săng mọc so le, lá kép có ba lá chét nhỏ hình mũi mác, dài 7-10cm, rộng 1,5-3,5cm. Lá chét tận cùng có kích thước lớn hơn, cuối lá thuôn, đầu lá nhọn. Hai mặt lá có lông mềm, mặt trên có màu lục sẵm, mặt dưới có màu trắng nhạt, gân nổi rõ.

Hoa đậu săng thường có màu vàng hoặc đỏ, thường mọc thành chùm đâm ra từ các kẽ lá và đầu cành. Quả đậu dẹt, dài, có lông, đầu mũi nhọn, hạt lồi lên rất rõ. Trong quả có từ 2-9 hạt đậu nhỏ hình trứng với đường kính khoảng 8mm. Khi còn non ủa có màu xanh hoặc trắng, khi già thường chuyển sang màu vàng nâu, đỏ tía có lốm đốm.

Rễ cây ăn sâu và rộng, rễ cái có thể ăn sâu vào đất tới 2m.

1.2 Đặc điểm sinh thái

Đậu săng là loại cây sống lâu năm, mùa hoa thường rơi vào khoảng tháng 1-3. Đây là loại cây dễ tính, không kén đất, có thể sống được trên nhiều loại đất khác nhau với mức pH dao động từ 4,5-8,4. Đậu săng ưa sáng, chịu hạn tốt, tuy nhiên không chịu được ngập úng, sương giá.

2. Lợi ích của đậu săng trong nông nghiệp

2.1 Cố định đạm

Rễ của đậu săng tương tự như bộ rễ của các loại cây họ đậu khác. Rễ có những nốt sần có vi khuẩn Rhizobium cố định nitơ trong không khí, tạo ra đạm sinh học.

Trồng đậu săng trong vườn giúp tăng cường lượng đạm tự nhiên cho đất, tiết kiệm được chi phí phân đạm từ các nguồn khác.

2.2 Cải tạo đất

Đậu săng là một trong những loại cây tiên phong cải tạo đất cực kỳ tốt. Bên cạnh việc bổ sung đạm cho đất, trồng đậu săng trong vườn còn giúp cải tạo, năng cao chất lượng đất thông qua hệ thống rễ cây ăn sâu và rộng. Rễ xuyên qua các lớp đất cứng, phá vỡ nó để đưa nước, không khí vào sâu bên trong, để rễ cây trồng chính có thể hấp thu.

cây đậu săng cải tạo đất
Đậu săng là cây cải tạo đất trồng cực kỳ tốt

Sau khi cây chết đi, hệ thống rễ phân hủy trả lại cho đất một lương hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp đất màu mỡ phì nhiêu hơn, tạo môi trường thuận lợi cho các sinh vật đất hoạt động.

Đặc biệt, ở những vùng đất bạc màu, thoái hóa, không có lớp che phủ, sau khoảng 3-4 tháng gieo đậu phủ kín mặt, chất lượng đất đã được cải thiện rất nhanh.

2.3 Sinh khối che phủ bổ sung hữu cơ

Cây đậu săng phát triển nhanh, cành lá sum suê nên cho lượng sinh khối rất lớn. Cắt tỉa cành lá để che phủ đất giúp giữ ẩm, hạn chế thoát hơi nước, tạo môi trường cho các sinh vật đất hoạt động, tăng cường lượng mùn hữu cơ cho đất, tăng dinh dưỡng phì nhiêu cho đất.

Sinh khối từ loại cây này có thể thu được liên tục hàng tháng trong 3-4 năm.

2.4 Che nắng chắn gió cho cây con

Với đặc điểm là cây thân gỗ cao, đậu săng có thể trồng làm hàng rào tại những vùng đệm để che chắn, cách ly vườn với các vườn xung quanh, cản gió cho các cây con mới trồng.

Với những cây đậu săng cao, nó còn che nắng, tạo bóng mát cho các cây bụi ưa bóng.

Ngoài những lợi ích trên, trồng đậu săng trong vườn còn góp phần làm đa dạng sinh thái, thu hút thiên địch về vườn.

3. Lợi ích của đậu săng trong đời sống

3.1 Vị thuốc chữa bệnh

Đậu săng là loại thảo dược có nhiều tác dụng chữa bệnh. Các bộ phận từ thân, lá, rễ, hạt đều được sử dụng làm thuốc.

Theo Đông y, đậu săng có vị đắng, tính mát, thông hô hấp, giúp tiêu hóa, lưu thông máu, giải độc, chữa cảm mạo, ban sởi cho trẻ em,… Hạt đậu còn có tác dụng chữa ho, cảm, đau mỏi, nhức xương khớp,…

3.2 Nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng

Đậu săng cũng là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng và được sử dụng nhiều. Hạt đậu săng chứa nhiều năng lượng, có khoảng 343 Kcal/100g hạt. Ngoài ra còn có tới 22% đạm, cùng các vitamin, khoáng chất khác như vitamin A, B6, magie, sắt, canxi, natri, kali,…

Quả và hạt xanh của cây đậu săng có thể xào nấu như các loại đậu đũa, đậu cove. Hạt già có thể dùng nấu xúp, nấu xôi, ủ làm giá hoặc làm tương. Ngọn non có thể làm trà.

Ngoài ra, đậu săng còn được sử dụng để chế tạo đồ thủ công mỹ nghệ, nhiên liệu đốt, làm nhựa cánh kiến,…

4. Cách trồng đậu săng

Đậu săng là loại cây không kén đất, chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ sống, gieo trồng bằng hạt. Có thể trồng đậu săng quanh năm, nhưng thời điểm gieo thích hợp nhất là vào tháng 2,3,4 hằng năm.

Khi trồng, chọn hạt đậu già, tạo rãnh hoặc hố trồng sâu khoảng 5cm, bỏ hạt vào và lấp nhẹ đất, sau đó tưới ẩm.

Lưu ý: Đậu săng là cây ưa sáng nên lựa chọn vị trí gieo trồng có nhiều ánh sáng để cây phát triển nhanh.

Đọc tiếp:

9 loại cây sinh khối giúp cải tạo đất cực tốt

Vì sao nên trồng thật nhiều chuối trong vườn

Từ khóa » Tác Dụng Cây đậu Săng