Đấu Tranh Phi Vũ Trang Bảo Vệ Tổ Quốc Trong Tình Hình ... - Vietnamnet
Có thể bạn quan tâm
Đấu tranh phi vũ trang bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta xác định là phương thức chủ yếu của đấu tranh quốc phòng trong tình hình mới. Đây là sự phát triển, đổi mới tư duy bảo vệ Tổ quốc, vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng cần quan tâm nghiên cứu.
Đấu tranh phi vũ trang là một phương thức đấu tranh quốc phòng, gồm tổng thể các hình thức, biện pháp đấu tranh trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh (biện pháp phi quân sự, phi vũ trang), thuộc trách nhiệm của toàn dân, của các cấp, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, chủ động phòng ngừa, đối phó có hiệu quả với các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội IX, Đảng ta hết sức coi trọng đấu tranh phi vũ trang, xác định là phương thức chủ yếu trong đấu tranh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, đối tượng đấu tranh phi vũ trang bảo vệ Tổ quốc rất đa dạng, phức tạp; có thể chia ra: đối tượng bên ngoài và đối tượng bên trong. Nhóm đối tượng bên ngoài, bao gồm: các thế lực thù địch, phản động, hiếu chiến, cường quyền có âm mưu, hành động đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, vai trò lãnh đạo của Đảng, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia dân tộc, sự ổn định của đất nước, v.v. Nhóm đối tượng bên trong, gồm các phần tử phản động, chống đối, cơ hội chính trị, suy thoái, biến chất, “trở cờ”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v. Lực lượng tiến hành đấu tranh phi vũ trang là lực lượng toàn dân, cả hệ thống chính trị; trên từng lĩnh vực, từng giai đoạn, tình huống cụ thể sẽ do lực lượng của từng bộ, ban, ngành hoặc liên bộ, ngành làm nòng cốt.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, chúng ta đã chủ động, tích cực tiến hành phương thức đấu tranh phi vũ trang nhằm thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình và đạt được kết quả quan trọng, trực tiếp nâng cao tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, góp phần làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế về nội dung, biện pháp, sự phối kết hợp đấu tranh ở một số lĩnh vực và tình huống chưa đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chưa cao.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo, các tình huống quốc phòng, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng, cùng nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là các thế lực thù địch chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, ngày càng trực diện, công khai, trắng trợn,... đặt ra cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta những yêu cầu mới rất cao, với không ít nguy cơ, thách thức. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, phải kiên quyết, kiên trì, vừa hợp tác vừa đấu tranh; kết hợp chặt chẽ đấu tranh phi vũ trang và đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh phi vũ trang là chủ yếu, nhằm giữ vững ổn định “bên trong” tạo cơ sở, nền tảng làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch “bên ngoài”. Trong đó, chú trọng đấu tranh có hiệu quả trên các lĩnh vực chủ yếu sau:
Lĩnh vực chính trị - tư tưởng
Trọng tâm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng; kiên quyết ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đảm bảo cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ tư tưởng giữ vai trò chủ đạo trong xã hội. Đây là mặt trận nóng bỏng, cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài và đầy cam go. Theo đó, vấn đề hàng đầu và quyết định phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự của dân, do dân, vì dân, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Trong tình hình hiện nay, cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tập trung xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, cốt lõi là củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đấu tranh kiên quyết, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, các biểu hiện phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác, v.v. Tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công, đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trong đó, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, phản động, luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội,... để kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đấu tranh có hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp trên mặt trận tư tưởng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, nâng cao tính sắc bén, tính thuyết phục trong đấu tranh, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong xã hội.
Lĩnh vực kinh tế
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nâng cao tiềm lực, sức mạnh quốc gia có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, đối tượng, đối tác đan xen như hiện nay, cần linh hoạt, uyển chuyển trong xác định đối tác trong lĩnh vực kinh tế. Tập trung bảo vệ đường lối đổi mới kinh tế của Đảng; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, không để lệ thuộc kinh tế vào nước ngoài. Theo đó, cùng với giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; tập trung đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước,... cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư của các thành phần kinh tế, nhất là các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài, trên lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm. Chủ động kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; thực hiện phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tư tưởng tuyệt đối hóa lợi ích kinh tế, phát triển kinh tế bằng mọi giá và những thiếu sót, sơ hở trong kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian qua. Mặt khác, chủ động nắm, dự báo đúng tình hình, có biện pháp phòng ngừa không để mất an ninh tài chính, tín dụng, ngân hàng, năng lượng, lương thực, an ninh mạng,... tạo cớ cho các thế lực thù địch chống phá gây mất an ninh chính trị. Đặc biệt, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giá trị, thương hiệu hàng hóa Việt Nam, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất, thương mại toàn cầu. Tích cực đàm phán, ký kết và thực hiện tốt các hiệp định thương mại song phương, đa phương, hình thành thế đan cài lợi ích kinh tế với các nước, nhất là các nước lớn, các nền kinh tế phát triển, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Lĩnh vực ngoại giao
Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và diễn biến tình hình thế giới, trong nước, công tác đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiến tạo, duy trì, củng cố môi trường quốc tế thuận lợi, thực hiện bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình. Từ kết quả đạt được và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực trên cơ sở nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”. Chú trọng mở rộng, nâng tầm, đưa mối quan hệ với các quốc gia, đối tác đi vào chiều sâu, trên mọi tầng nấc, xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống; nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc,... nhằm khai thác các nguồn lực bên ngoài, nâng cao hiệu quả hội nhập về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội; thêm bạn bớt thù, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phân hóa, cô lập các phần tử chống phá, thế lực hiếu chiến, phản động, tạo thế và lực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, công tác đối ngoại phải chủ động đi trước một bước, xử lý khôn khéo vấn đề đối tác, đối tượng, mối quan hệ với các nước lớn, gia tăng đan xen lợi ích, không để bị kẹt giữa các nước lớn hoặc trở thành con bài để họ mặc cả lợi ích. Kết hợp chặt chẽ hợp tác và đấu tranh thông qua đối thoại, kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế với phương châm: kiên định mục tiêu chiến lược, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng.
Lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Trong điều kiện thời bình, cùng với sẵn sàng đấu tranh vũ trang đối phó thắng lợi với các tình huống quốc phòng, an ninh thì đấu tranh phi vũ trang trong lĩnh vực này có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, đi liền với đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” cần tiến hành đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và ngược lại. Tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, trọng tâm là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, v.v. Phát huy vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân chủ động phối hợp với các lực lượng, thực hiện tốt hơn nữa chức năng “đội quân công tác”, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, “thế trận lòng dân” vững mạnh; chủ động phối hợp làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình liên quan đến quốc phòng, an ninh, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chiến lược, sách lược phù hợp. Đặc biệt, triển khai sâu rộng hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, an ninh; tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các diễn đàn quốc tế, cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhằm giữ vững cân bằng chiến lược, tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích với các nước. Đẩy mạnh thông tin đối ngoại về chính sách quốc phòng “bốn không”1, hòa bình, tự vệ của Việt Nam; tăng cường biện pháp đấu tranh ngoại giao, pháp lý,... tạo dư luận ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các lợi ích hợp pháp của Việt Nam, nhất là trên Biển Đông, v.v. Qua đó, góp phần ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng
_________________
1 - Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Từ khóa » Phi Quân Sự Là Gì Gồm Những Biện Pháp Nào
-
Biện Pháp Phi Quân Sự Là Gì - Học Tốt
-
Khu Phi Quân Sự Là Gì ? Một Số Khu Phi Quân Sự Trên Thế Giới?
-
Đấu Tranh Phi Vũ Trang Bảo Vệ Tổ Quốc Trong Tình Hình Mới
-
[PDF] Câu 1: Chiến Lược Diễn Biến Hòa Bình” được Tiến Hành Bằng
-
Một Số Giải Pháp Về Phòng Chống “diễn Biến Hòa Bình” Của Các Thế ...
-
Khu Phi Quân Sự Vĩ Tuyến 17 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Khu Phi Quân Sự – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chống “Diễn Biến Hòa Bình” Và Việc Xây Dựng Quân đội Nhân Dân ...
-
CHUYÊN ĐỀ GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ NĂM 2021
-
Bộ Mặt Mới Của Chiến Lược "diễn Biến Hòa Bình" Trong Cục Diện Thế ...
-
Opio-shop
-
Truyen Hinh Truc Tiep Bong Da Dem Nay
-
Căng Thẳng Nga - Ukraine: Bản Chất, Nguyên Nhân Và Triển Vọng