Đầu Xuân Tìm Về Miền đất Tổ Ca Trù - Báo Công Lý

Trong không khí se lạnh của những ngày Tết cổ truyền khi mọi người đều ngập tràn cảm xúc mùa xuân mới, một năm mới với nhiều khởi sắc. Mùa xuân đang bắt đầu với lá hoa khoe sắc, trời đất giao hòa mang sức sống mới cho vạn vật. Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, thưởng cảnh nhưng chúng ta cũng cần có những giây phút lắng đọng để nhớ về cội nguồn truyền thống.

Làng Lỗ Khê được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét của một làng cổ, với quần thể đình, miếu, cổng, luỹ làng, lễ hội những làn điệu dân ca...Truyền thống hát cửa đình vừa là để cúng thành hoàng tỏ lòng nhớ ơn, cũng vừa là món ăn tinh thần của quần chúng, từ lâu đã trở thành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng: “Gốc còn ngọn mãi phải còn/ Cầm ca giữ trọn lòng son chẳng mờ/ Làm giàu thêm vốn ca trù/ Cửa đình còn mãi hát thờ múa ca/”.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật ca trù đã có hơn 600 trăm năm tồn tại với những người con Lỗ Khê. Chỉ cần một cây đàn đáy, một bộ phách trúc, một trống trầu là buổi biểu diễn ca trù có thể bắt đầu. Tuy nhiên, cái khó của ca trù là phải học rất bài bản, công phu: “Khi ngồi vào đến là phải có đàn khuôn, phách khuôn, tiếng đàn, tiếng phách phải y sì nhau. Người ca nương mà đã cất lên tiếng hát là người đàn phải theo. Đàn là đàn đánh đòn, cho nên miệng hát là tay phải cầm nhịp, tay gõ phách” - Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền say sưa kể - “Hát ca trù không thể hòa chung với nhạc sống được, bởi ca trù thánh thót, thanh cao, nghe những lời văn, tiếng đàn trầm bổng, tiếng hát ngân nga”.

1.jpg
Cổng làng Lỗ Khê

Có thể nói ca trù chính là sự phối hợp nhuần nhuyễn đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc. Bộ môn nghệ thuật tổng hợp khẳng định được vị trí quan trọng của Việt Nam và cả nhân loại. Ca trù là loại hình nghệ thuật độc đáo cần được gìn giữ. Nhưng làn điệu ca trù lại đang ngày mai một dần tại chính quê hương vốn là cái nôi của môn nghệ thuật này. Nghệ nhân Phạm Thị Điền trăn trở: “ Năm 2009, ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vì có nguy cơ thất truyền. Vì vậy cần kêu gọi thanh niên, phụ nữ là phải giữ gìn nghề tổ của quê hương. Như trước kia người theo học ca trù phải mất cả 10 năm, 20 năm mới thành thạo nghề thì bây giờ mọi người có điện thoại thông minh để thu, nghe nên học chăm chỉ thì cũng chóng”.

Thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại Lỗ Khê lại đang chọn cho mình những công việc khác, ít người nào dám gán mác thêm hai chữ “Ca nương”. Lỗ Khê hiện nay, số nghệ nhân còn lại chỉ vỏn vẹn có 3 người là Phạm Thị Mận, Phạm Thị Điền và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến. Nghề ca trù chỉ là nghề tay trái, không nuôi sống được bản thân, cho nên cũng là lý do chính mà lớp trẻ không muốn theo. Bên cạnh đó, học ca trù rất khó, cần sự say mê nhiệt huyết. “Hàng năm, huyện cũng cho kinh phí để đào tạo nhưng cũng rất khó khăn. Tôi truyền nghề cho các cháu múa và vũ đạo đều miễn phí. Hiện ở làng có 9 cháu đang theo học, có điều là các cháu khi học văn hóa đến khối lớp 7 là đều bỏ học nghề vì gia đình không muốn cho theo” - Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền cho biết.

2.jpg
Nghệ nhân Phạm Thị Điền

Ngược dòng lịch sử, Lỗ Khê là nơi chốn tổ của ca trù, ông tổ ca trù Đinh Dự là con trai tướng Đinh Lễ. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Đinh Lễ được Lê Lợi cử ra Bắc và lập đồn doanh trại tại Lỗ Khê, đồng thời cưới vợ sinh con tại nơi này. Đinh Dự lớn lên giỏi đàn hát lấy vợ là Đường Hoa Tiên Hải. Hai vợ chồng mở giáo phường dạy hát, đã truyền dạy cho 12 dòng họ ở khắp vùng Kinh Bắc: “Từ Bắc Ninh trở về, Thuận Thành trở lên, Yên Phong trở xuống, ngoài Cói trở vào” - Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Điền - “Tại Lỗ Khê, lúc đó có 2 dòng họ theo học là Nguyễn Văn và Nguyễn Thế”. Hai ông, bà nổi tiếng khắp vùng, về sau nhân dân tôn vợ chồng ông Đinh Dự là tổ ca trù.

Ca trù là một thể loại đặc sắc, đòi hỏi người hát phải thuộc nằm lòng nhiều loại hình nghệ thuật như ca trù, hát chèo, hát văn, ngâm, vỉa, vịnh. . . . việc đảo câu, ngắt nhịp, chuyển điệu diễn ra liên tục đòi hỏi đào nương phải nhanh, phải tinh tường, tuy nhiên dù là chèo, hay hát văn khi vào thể cách này vẫn mang màu sắc riêng của ca trù.

3.jpg
Đình Lỗ Khê, nơi thương xuyên biểu diễn hát ca trù

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhiều hệ giá trị văn hóa đã và đang dần mai một, không còn giữ được vị trí “độc tôn” trong lòng công chúng. Ca trù cũng không ngoại lệ. Vì thế trong nhiều năm qua, chủ trương của chính quyền địa phương là luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật cho các thế hệ trẻ. Cố gắng là vậy, tuy nhiên điều khiến người dân địa phương cũng như những người làm công tác gìn giữ ca trù tại Lỗ Khê trăn trở đó là hiện địa phương vẫn chưa có kế hoạch phát triển bồi dưỡng cho lớp trẻ và chưa có chế độ đãi ngộ hợp lí với những nghệ nhân, nên họ không thể chuyên tâm, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Năm 2009, ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vì có nguy cơ thất truyền. Để giữ cho ca trù đứng vững trước thách thức của thời đại, không còn cách nào khác là phải không ngừng bồi đắp và truyền tỏa các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Chỉ có như vậy, ca trù sẽ không những không bị mai một mà ngày sống mãi trong đời sống của nhân dân.

Tìm về Lỗ Khê vào buổi đầu xuân năm mới, chúng ta cảm nhận được không khí yên bình của một vùng quê ven đô với từng câu ca, từng nhịp phách, từng tiếng trống trầu và họ vẫn giữ trong mình ngọn lửa với nghệ thuật ca trù. Nhưng cũng có gì đó day dứt, chua xót vì làn điệu ca trù lại đang ngày mai một dần tại chính quê hương vốn là cái nôi của môn nghệ thuật này.

Từ khóa » Ca Trù Lỗ Khê