Lỗ Khê: Gian Nan Giữ Nghiệp Ca Trù - Tiền Phong

Lỗ Khê: Gian nan giữ nghiệp ca trù ảnh 1
Hằng năm, cứ đến ngày giỗ tổ, các nhóm ca trù từ khắp nơi lại về hát thờ ở tổ đình Lỗ Khê. Ảnh: Đ. Trần

Thần tích kể rằng, từ xa xưa, ông tổ ca trù Đinh Dự cùng vợ là Mãn Đường Hoa công chúa hay nghề đàn hát đã lặn lội rời vùng Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đến làng Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) lập nghiệp. Họ mở giáo phường và truyền dạy nghề hát ả đào cho dân làng. Đời này qua đời khác, nghề lan dần thành nhiều cành, nhánh và trở thành loại hình âm nhạc lớn nhất, phức tạp nhất trong nghệ thuật cổ truyền Đại Việt.

Trong ba làng tổ ca trù được công nhận, Lỗ Khê là nơi có nhà thờ tổ nguyên vẹn và có vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển ca trù ở Bắc Bộ. Đến nay, cứ đến ngày sinh (6-4 ÂL) và ngày mất (13-11 ÂL) của hai vị tổ nghề, con cháu theo nghề ca công khắp nơi lại dắt díu nhau về bái lễ và hát thờ trình tổ tại cửa đền. Mỗi kỳ ấy thường kéo dài hai đến ba ngày.

Ngày giỗ tổ tại Lỗ Khê lần này có phần hào hứng và tấp nập hơn mọi năm. Sau lễ bái tổ của các đoàn và múa rước ở cửa đền, dân làng được ban di tích thông báo tin vui đến từ UNESCO.

Từ 1995 đến nay, Lỗ Khê đã dần khôi phục lại phong trào ca trù. Ông Hoàng Kỷ - một quan viên có hạng của làng tuy đã 82 tuổi nhưng vẫn gắng công truyền dạy cho lớp trẻ những điệu múa cổ của ca trù.

Còn nhớ liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra tháng 10-2009 vừa qua, hai điệu múa cổ do đoàn ca trù Lỗ Khê đem đến trình diễn đều nhờ cậy nơi ông. “Trong 11 điệu múa cổ, hội trẻ trong làng đã học được ba điệu là múa tiên, dâng hương, bài bông. Còn lại, tôi đã cố gắng ghi vào sách để giữ lại cho con cháu”, ông Kỷ cho biết. Ông Kỷ còn tự bỏ tiền túi hỗ trợ cho đám trẻ mua trang phục trình diễn.

Chị Nguyễn Thị Thảo, một trong hai ca nương trẻ của làng tâm sự: “Lớp học ca trù của cụ Phạm Thị Mùi năm ấy đến giờ chỉ còn lại mình và chị Mận. Ngày trước mình học ca trù vất vả và nản lắm. Nếu hồi ấy không được các cụ động viên, có lẽ mình không theo được đến giờ. Mình không dám nghĩ các em có thể sống được bằng nghề, bởi ở nông thôn ít có dịp biểu diễn. Chỉ mong sao lớp trẻ ý thức được nghề tổ cha ông mà giữ lấy vốn ca trù ít ỏi còn lại”.

Khóa học đầu tiên ấy đã giúp dân làng ý thức về báu vật của mình. Đào nương Phạm Thị Mận cho biết, ba năm nay các chị luôn tổ chức các khóa học ca trù cho các em nhỏ trong làng. Trong số 50 em (từ chín đến 22 tuổi) tham gia khóa học năm 2009, một vài hạt nhân đào, kép măng non đã được phát hiện.

Lớp học ca trù của hai chị Mận, Thảo chỉ diễn ra trong vòng một tháng với số tiền ít ỏi khoảng 10 triệu đồng do phòng văn hóa huyện hỗ trợ. Mỗi học viên tham gia khóa học đều được hỗ trợ 10.000đ/buổi, giáo viên được nhận 40.000đ. “Đó chỉ là một ít để động viên”, chị Thảo giải thích “Nhưng không thể tổ chức học thường xuyên, bởi hầu hết các em đều đang tuổi đi học, gia đình cũng không khá giả gì nên không thể ép các em học được”. Ca trù là loại nghệ thuật rất khó và phức tạp, với thời gian học ngắn như vậy, liệu các em có giữ nổi nghề?

Bản thân hai đào nương của làng đều phải tự bươn bả kiếm sống. Chị Mận ngoài công việc cơ quan, vẫn nhận dạy ca trù ở Bắc Giang, thỉnh thoảng vào thành phố biểu diễn một tuần đôi lần.

Chị Thảo gần đây mới tham gia biểu diễn tại Nhà hát Ca trù Thăng Long nên cuộc sống tạm ổn. Trước, chỉ khi nào làng có việc hoặc trên huyện tổ chức hát, chị mới có cơ hội trình diễn ca trù. Những người đã thành nghề như hai chị vất vả lắm mới giữ được lửa ca trù, sao ép các em theo ca trù!

Chị Thảo: “Giá như các cơ quan chức năng đầu tư quan tâm một chút, để các thành viên nhỏ tuổi trong lớp học ca trù có thể rèn luyện nâng cao”. Đáng tiếc, từ khi ca trù được UNESCO công nhận, theo ông Hoàng Kỷ vẫn “chưa có bất kỳ khoản giúp đỡ nào” về làng. Nếu không kịp hỗ trợ, liệu thế hệ tương lai của ca trù Lỗ Khê có còn hết mình vì cổ nhạc như chị Thảo, chị Mận?

Điệp Trần

Từ khóa » Ca Trù Lỗ Khê