Dây Rốn: Tổng Quan Và Các Vấn đề Thường Gặp - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Chức năng và cấu trúc của dây rốn?
- Các vấn đề bất thường có thể gặp?
Dây rốn như một cái ống dây dài chứa mạch máu liên kết giữa mẹ và con qua nhau thai. Chức năng chính của dây là vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến em bé. Trong bài viết này sẽ đề cập đến chức năng, cấu trúc của dây rốn. Ngoài ra, bài viết sẽ đề cập thêm các vấn đề thường gặp liên quan đến dây rốn.
Chức năng và cấu trúc của dây rốn?
Chức năng
Dây rốn, nối từ giữa bụng của em bé với nhau thai, chứa ba mạch máu: hai động mạch và một tĩnh mạch.
Máu trong động mạch chứa các chất thải, ví dụ như khí CO2 từ quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể em bé. Khí CO2 này được chuyển qua nhau thai qua động mạch rốn từ đó theo máu của mẹ về phổi mẹ. Phổi mẹ sẽ thải CO2 ra khi mẹ thở ra.
Khi mẹ hít vào, O2 sẽ đi vào cơ thể của mẹ. Chính được vận chuyển từ các tế bào hồng cầu theo tuần hoàn máu mẹ, qua nhau thai. Từ đây theo tĩnh mạch rốn đến cấp oxy cho em bé. Vì thế tĩnh mạch rốn có chức năng mang oxy và vận chuyển dinh dưỡng từ mẹ đến em bé.
Cấu trúc
Ba mạch máu từ dây rốn (2 động mạch và 1 tĩnh mạch) được bao bọc bởi một lớp bảo vệ được gọi là Wharton’s jelly. Ngoài ra, dây thường có khuynh hướng cuộc lại như lò xo để em bé tự do di chuyển. Kiểu cuộn lò xo của dây thường tự hình thành vào tuần thứ 9 thai kì và thường theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
Dây thường có đường kính khoảng 1-2 cm, và dài khoảng 60 cm. Một đầu chúng gắn ở giữa bụng ở em bé, đầu kia gắn vào trung tâm bánh nhau. Trong một số trường hợp dây có thể bám ở mép hoặc ở mép nhau thai. Tình trạng này gây ra bệnh dây rốn bám mép.
Sau khi em bé sinh ra, các mạch máu của dây tự đóng lại. Trước tiên, các động mạch đóng lại trước nhờ cơ ở động mạch dày hơn. Lợi thế này giúp ngăn ngừa mất máu từ em bé đến nhau thai. Tĩnh mạch rốn sẽ đóng muộn hơn một chút khoảng từ 15 giây đến 3 – 4 phút sau. Do đó, khuynh hướng hiện nay đề cập đến việc kẹp cắt dây rốn trễ hơn sẽ giúp em bé nhận thêm được lượng máu và sắt.
Dây không có thần kinh cảm giác chi phối. Vì vậy cắt dây rốn sau khi sinh không gây đau cho em bé của bạn. Sau khi dây rốn rụng đi, sẽ hình thành lỗ rốn tồn tại trên bụng suốt đời.
Các vấn đề bất thường có thể gặp?
Sa dây rốn
Đây là một biến chứng xảy ra trước hoặc trong khi sinh em bé. Trong trường hợp này, dây rốn sa xuống qua lỗ cổ tử cung đang mở, thoát ra ngoài âm đạo.
Khi đó, dây có thể bị kẹt do áp lực của cơ thể em bé đè xuống. Tình trạng này làm mất sự vận chuyển oxy đến thai nhi. Nếu không xử trí kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong cho thai nhi.
Người ta ước tính cứ 300 ca sinh thì có một ca sa dây rốn.
Nguyên nhân nào gây ra sa dây rốn?
- Ối vỡ sớm
- Đẻ non tháng
- Đa thai ( sinh đôi, sinh ba, v.v.)
- Nước ối quá nhiều (đa ối)
- Ngôi mông
- Dây rốn dài hơn bình thường
Bác sĩ có thể chẩn đoán sa dây rốn bằng nhiều cách. Khi sinh, bác sĩ sẽ sử dụng máy theo dõi tim thai để đo nhịp tim của em bé. Nếu dây bị sa, em bé có thể bị chậm nhịp tim. Hoặc bác sỹ thường hay kiểm tra độ mở của cổ tử cung mỗi 30 phút một lần khi mẹ đã vào chuyển dạ. Điều này sẽ giúp phát hiện sa dây rốn kịp thời.
Một khi tình trạng này được phát hiện, bác sỹ sẽ đề nghị sinh mổ khẩn. Đây là cách tiếp cận tốt nhất để đảm bảo em bé an toàn.
Dây rốn một động mạch (SUA)
Đây là tình trạng thay vì dây rốn có hai động mạch thì chỉ còn một động mạch. Thông thường, dây thường sẽ có khuynh hướng mất động mạch rốn bên trái, tỉ lệ khoảng 70%.
Dây rốn một động mạch chiếm khoảng 0,4-1% tổng số thai kì. Tỉ lệ này có thể gia tăng lên khi mẹ mang song thai hoặc có tiểu đường.
Đây là tình trạng có thể được phát hiện qua siêu âm sàng lọc thai kì. Tình trạng này phần lớn đều không tổn hại đến em bé. Thai vẫn được nuôi dưỡng và phát triển bình thường. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng có khoảng 15% thai có một động mạch rốn sẽ kèm theo chậm phát triển tăng trưởng trong tử cung.
Ngoài ra, dây rốn một động mạch đôi khi sẽ đi kèm với một số bất thường nhiễm sắc thể và dị tật thai nhi khác, như:
- Trisomy số 21 gây ra bệnh cảnh Down (12,8% có kèm SUA), thể trisomy số 18 (50% có SUA), thể trisomy số 13 (25% có SUA)
- Di tật bẩm sinh như tim, thận, cột sống
- Bất sản thận: thường xảy ra ở bên động mạch rốn bị mất.
Dây rốn một động mạch thường được phát hiện qua siêu âm. Với siêu âm có độ phân giải cao, có độ nhạy và đặc hiệu đạt tới 100%.
Dây rốn quấn cổ
Đây là thuật ngữ được các chuyên gia y tế sử dụng khi bé bị dây rốn quấn quanh cổ. Tình trạng này có thể xảy ra trong khi mang thai, chuyển dạ hoặc sinh nở.
Dây rốn quấn cổ là tình trạng rất phổ biến. Theo thông kê 1/3 trẻ sơ sinh được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh với dây rốn quấn quanh cổ.
Tình trạng này có thể được phát hiện bởi siêu âm. Nếu mẹ được chẩn đoán thai nhi có mắc dây rốn quấn cổ sớm trong thai kì, điều quan trọng đầu tiên là mẹ đừng hoảng sợ. Dây có thể tự tháo ra về sau trước khi sinh. Nếu dây vẫn quấn cổ, thực tế em bé vẫn có thể sinh ra an toàn và khỏe mạnh.
Biến chứng xảy ra do dây rốn quấn cổ là là cực kì hiếm. Biến chứng xảy ra phổ biến nhất là dây bị nén (áp lực) trong quá trình co thắt tử cung. Điều này làm giảm lượng máu oxy đến cơ thể em bé và biểu hiện qua nhịp tim thai giảm.
Với sự theo dõi thích hợp trong quá trình sinh, bác sỹ có thể phát hiện ra vấn đề này trong phần lớn các trường hợp và xử trí phù hợp. Vì thế phần lớn trẻ sinh ra mà không có bất kì các biến chứng nào từ bất thường này. Trường hợp nếu nhịp tim em bé tiếp tục giảm, bác sỹ có thể đề nghị sinh mổ khẩn để đảm bảo em bé an toàn.
Trong một số trường hợp hiếm, dây rốn quấn cổ có thể làm giảm chuyển động thai nhi, chậm phát triển thai trong tử cung.
Dây rốn thắt nút
Tình trạng này xảy ra khi em bé lật và xoay trong túi ối trong bụng mẹ. Thậm chí dây rốn thắt nút có thể được hình thành ngay cả khi trong quá trình sinh.
Cứ một trăm trường hợp thì có một trường hợp bị dây rốn thắt nút. Tình trạng này còn phổ biến hơn cả dây rốn quấn cổ em bé.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến dây rốn thắt nút có thể do: dây rốn dài, thai nhi còn nhỏ, mang song thai,…
Dấu hiệu phổ biến nhất của dây rốn thắt nút là giảm cử động thai sau 37 tuần. Nếu nút thắt xảy ra trong lúc chuyển dạ, máy theo dõi thai sẽ phát hiện nhịp tim bất thường.
Trên thực tế, tình trạng dây rốn thắt nút không cần quá lo lắng như bạn nghĩ. Bởi vì dây được bảo vệ bởi một lớp có tên là Wharton’s jelly. Lớp này như một lớp đệm xung quang mạch máu và bảo vệ mạch máu ngay cả khi bị thắt.
Tuy nhiên, nếu nút thắt quá chặt sẽ cản trở đến sự lưu thông máu từ nhau thai đến bé. Tình trạng này khiến cho em bé bị thiếu oxy. Biến chứng này rất có thể xảy ra trong quá trình sinh em bé qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm xảy ra.
Một điều rằng bạn không thể làm gì để ngăn ngừa dây rốn thắt nút. Tuy nhiên, bạn có thể theo dõi tinh trạng em bé hằng ngày qua cử động thai (thai máy). Trong trường hợp bạn nhận thấy có bất kì thay đổi nào về thai máy qua theo dõi hằng ngày. Hãy đến trung tâm y tế sản phụ khoa để được đánh giá và theo dõi trực tiếp. Nếu nghi ngờ dây rốn có nút thắt chặt và phát hiện giảm tim thai đáng chú ý. Bác sỹ có thể tư vấn để đề nghị sinh mổ khẩn để bắt em bé ra ngoài. Thông thường đây là cách tiếp cận tốt nhất.
Nang dây rốn
Nang rốn là những túi chất lỏng bên trong dây rốn. Chúng không phổ biến — dưới 1 trong 100 trường hợp mang thai (ít hơn 1%) có u nang dây rốn. Tình trạng này có thể được phát hiện qua siêu âm. Việc phát hiện nhiều khả năng tìm thấy hơn trong tam cá nguyệt đầu tiên. Hầu hết u nang được tìm thấy trong tam cá nguyệt đầu tiên không làm ảnh hướng đến em bé.
Nếu bác sỹ phát hiện nang dây rốn khi siêu âm, họ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung như: siêu âm chi tiết 3D, 4D và xét nghiệm di truyền để kiểm tra dị tật bẩm sinh. Nếu u nang lớn, đôi khi có thể phải cắt bỏ để giữ cho u nang không bị vỡ trong quá trình chuyển dạ.
Dây rốn là một thành phần thiết yếu để giúp em bé phát triển toàn diện trong bụng mẹ. Khi có những bất thường liên quan đến dây rốn đều ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển và sống còn của em bé. Vì thế, việc tầm soát, khám thai định kì trước sinh là cực kì quan trọng. Việc khám thai giúp phần lớn phát hiện được các bất thường. Từ đó đưa ra kế hoạch quản ký thai nghén chặt chẽ và thích hợp hơn.
Xem thêm: Rốn trẻ sơ sinh: Những vấn đề liên quan
Từ khóa » Chức Năng Dây Rốn
-
Dây Rốn Có Chức Năng Gì? Thành Phần Dây Rốn Có Gì đặc Biệt?
-
Rốn Có Chức Năng Gì? | Vinmec
-
Vai Trò Của Dây Rốn: Nguồn Cung Cấp Sự Sống Cho Thai Nhi
-
Dây Rốn Có Chức Năng Gì? - Thuốc Thảo Mộc
-
Dây Rốn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Siêu âm Một Số Bất Thường Dây Rốn Thai Nhi
-
Bạn đã Thực Sự Hiểu Gì Về Dây Rốn Chưa ?
-
Chức Năng Của Dây Rốn
-
Siêu âm Một Số Bất Thường Dây Rốn | BvNTP
-
Sa Dây Rốn – Nguyên Nhân Và Dấu Hiệu
-
Dây Rốn Bám Lệch Tâm ảnh Hưởng Tới Thai Nhi Như Thế Nào?
-
Dây Rốn Thắt Nút - Tình Trạng Nguy Hiểm Khi Mang Thai
-
Mạch Máu Tiền đạo - Bệnh Viện đa Khoa Tỉnh Quảng Nam