Vai Trò Của Dây Rốn: Nguồn Cung Cấp Sự Sống Cho Thai Nhi

Dây rốn kết nối mẹ với cơ thể thai nhi, chứa tế bào gốc nhiều gấp 10 lần so với tủy xương ở người lớn. Thực tế, khi được nuôi dưỡng và bảo vệ tốt, vai trò của dây rốn có thể giúp thai nhi tránh khỏi nhiều tình trạng đe dọa tính mạng như leukemia (bệnh bạch cầu), lymphoma và các rối loạn tủy xương.

Từ giây phút đầu khi phôi thai bám vào thành tử cung cho đến lúc bé cưng chào đời, dây rốn đóng vai trò rất quan trọng đối với thai nhi. Đây là một bộ phận dài khoảng 50cm, có khả năng lành và tái sinh rất tốt. Để hiểu hơn về vai trò của dây rốn, mời bạn tham khảo bài viết sau của Hello Bacsi.

Sự hình thành và vai trò của dây rốn

Khi trứng thụ tinh thành hợp tử, hợp tử sẽ phân chia thành hai phần. Một phần sẽ phát triển thành thai nhi trong tử cung. Một phần sẽ trở thành bánh nhau. Khi thai nhi dần trưởng thành, dây rốn là sự liên kết của hai phần này với nhau.

Khi bạn mang thai 5 tuần, lúc này dây rốn đang dần được hình thành. Một đầu dây rốn kết nối với bụng của thai nhi, một đầu kia sẽ gắn kết với bánh nhau.

Thực tế, dây rốn còn giúp hình thành bánh nhau và gắn kết với thành tử cung. Nó cho phép các chất dinh dưỡng và oxy vận chuyển từ mẹ sang thai nhi, đồng thời thải các chất thừa và máu thiếu oxy từ thai nhi qua mẹ.

Dây rốn còn đảm bảo máu không bị pha trộn, giúp thai nhi sống sót và tăng trưởng cũng như tạo ra hormone hCG giúp duy trì một thai kỳ khỏe mạnh. Khi bé con chào đời, dây rốn sẽ được bác sĩ cắt đi, phần còn lại sẽ khô và rụng sau vài ngày.

Cấu tạo của dây rốn

Bình thường, dây rốn có thể dài đến 50 – 60cm bao gồm hai lớp mô cơ, với lớp ngoài cùng trơn láng và lớp trong chứa một lớp dịch nhầy được gọi là Wharton’s jelly chứa các tế bào gốc thành cuống rốn. Có 3 mạch máu chính nằm trong dây rốn: 2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Tĩnh mạch mang máu giàu oxy đến thai nhi và động mạch mang máu nghèo oxy ra khỏi thai nhi.

Dây rốn kết nối với bụng thai nhi, mạch máu chia thành hai nhánh. Một nhánh đổ về tĩnh mạch gan và nhánh còn lại đổ vào tĩnh mạch chủ ở tim thai nhi. Cả hai sẽ hình thành vòng tuần hoàn giữa thai nhi và nhau thai ở người mẹ.

Trong một vài trường hợp hiếm, dây rốn có thể phát triển không thích hợp, ví dụ như dây rốn quấn quanh cổ, tay và chân em bé trong quá trình mang thai hay khi lâm bồn. Đặc biệt, với thai song sinh, điều này có thể càng nguy hiểm hơn vì hai thai nhi cùng nằm trong một bọc ối.

Những bất thường về dây rốn có thể được phát hiện qua siêu âm. Vì thế, bác sĩ có thể kiểm tra chức năng của dây rốn và can thiệp kịp thời.

Những bất thường dây rốn có thể xảy ra

Những bất thường dây rốn có thể xảy ra

Bên cạnh sự hạn chế sinh trưởng của bào thai, có 5 vấn đề về dây rốn có thể phát hiện qua siêu âm như sau:

1. Chỉ có 1 động mạch trong dây rốn

Mặc dù hiện tượng này hiếm khi xảy ra, nhưng thỉnh thoảng dây rốn sẽ thiếu đi một động mạch. Tình trạng này có thể khiến máu thiếu oxy và dinh dưỡng cùng với sản phẩm thừa không được loại bỏ thích hợp từ thai nhi. Trong khi nhiều chuyên gia chưa chú ý nhiều đến tình trạng này, hiện vẫn tồn tại một số tác động đến sức khỏe của thai nhi bao gồm khuyết tật thai nhi, bệnh tim và rối loạn nhiễm sắc thể, tác động đến hệ thần kinh và ống tiết niệu. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì siêu âm có thể phát hiện sớm tình trạng này và có biện pháp can thiệp thích hợp.

2. Sa dây rốn

Trong quá trình chuyển dạ, khi thai nhi di chuyển qua tầng sinh môn, thỉnh thoảng dây rốn có thể sa ra trước và bị đè ép khi bé chào đời.

Điều này có thể gây nguy hiểm vì nguồn cung cấp máu bị giảm hay hoàn toàn tắc nghẽn, đe dọa tính mạng thai nhi nếu em bé không thể sinh ra nhanh chóng.

3. Nang dây rốn

Trong một vài trường hợp hiếm gặp, các nang có thể hình thành trong dây rốn và chỉ được phát hiện qua siêu âm. Tình trạng này có thể gây bất thường nhiễm sắc thể, thận và cả bụng ở thai nhi.

4. Dây rốn thắt nút

Đây là một trong những bất thường hay gặp trong quá trình mang thai và chuyển dạ. Dây rốn quấn quanh cổ em bé, cánh tay hay chân. Tuy nhiên, các bác sĩ đều có thể tháo dây rốn từ bên ngoài hay có thể cắt bỏ sau khi em bé chào đời. Trong một số trường hợp hiếm, dây rốn bị thắt nút chặt, đe dọa tính mạng của thai nhi vì nguồn cung cấp máu, oxy và dinh dưỡng bị ngừng lại.

5. Mạch máu tiền đạo

Mạch máu trong dây rốn bị lạc chỗ. Các mạch máu này có thể không được dây rốn bảo vệ và trượt xuống dưới thai nhi. Tình trạng này khiến mạch máu bị rách và dẫn đến chảy máu.

Nếu thai phụ xuất huyết âm đạo ở tam cá nguyệt thứ hai hay ba, nguyên nhân có thể do mạch máu tiền đạo. Lúc này, bạn nên đi bệnh viện ngay lập tức để được can thiệp kịp thời.

Vai trò của máu dây rốn

Máu dây rốn là máu từ người mẹ truyền sang thai nhi rất giàu tế bào gốc mà sau này có thể biệt hóa thành nhiều tế bào chuyên biệt, mô và cơ quan trong cơ thể. Các tế bào này có thể cứu sống em bé cũng như các thành viên khác trong gia đình khỏi những căn bệnh gây chết người.

Máu dây rốn được chiết xuất, xét nghiệm và lưu trữ ngay khi bé chào đời. Thủ thuật này khá đơn giản, giống như khi bạn được lấy máu. Chỉ khác là máu được lấy ra từ dây rốn ngay sau khi sinh và được lưu trữ tại ngân hàng máu cuống rốn để sử dụng cho các bất thường về máu và miễn dịch trong tương lai.

Vai trò của việc lưu trữ máu dây rốn

Máu dây rốn được dùng để tái sinh các tế bào gốc. Máu này cũng quan trọng cho sự cấy ghép tủy hay máu cuống rốn để hình thành các tế bào gốc tạo máu.

Điều này sẽ giúp ích cho các trường hợp ung thư máu hay rối loạn huyết học khác mà việc cấy ghép các tế bào gốc tạo máu hay ghép tủy có thể giúp chữa lành bệnh. Khả năng anh chị em trong gia đình phù hợp chỉ khoảng 25% trong khi tế bào gốc của bản thân sẽ hoàn toàn phù hợp và trở thành vị cứu tinh cho bản thân bạn.

Tuy nhiên, việc dự trữ tế bào gốc lại khá đắt tiền, khoảng hơn 1.500 – 1.900USD (khoảng 34.000.000 – 43.000.000 đồng). Nếu trong gia đình có người từng mắc các bệnh về máu, hay muốn đảm bảo an toàn cho con, bạn có thể lưu trữ máu cuống rốn này khi bé mới chào đời.

Cách chăm sóc cuống rốn

vai trò của dây rốn

Để cuống rốn khô tự nhiên

Trước đây, nhiều người được khuyên nên sử dụng cồn để sát trùng cuống rốn cho trẻ để giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn và giúp cuống rốn sạch sẽ. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ đã ghi nhận rằng việc sử dụng các chất sát khuẩn để rửa và làm sạch cuống rốn của bé sau khi sinh sẽ kéo dài quá trình khô và lành cuống rốn.

Bạn không nên che cuống rốn và để khô tự nhiên ngoài không khí. Điều này giúp thúc đẩy quá trình lành tự nhiên của cuống rốn. Để giúp cuống rốn mau rụng, bạn chỉ việc để khô tự nhiên. Khi mặc tã cho con, bạn cuốn tã nằm dưới rốn bé để tránh đụng chạm và kích thích vết thương.

Tắm khô (sponge bath)

Tắm khô là một lựa chọn tốt hơn cho trẻ sơ sinh. Bằng cách này, bạn sẽ không làm ướt cuống rốn và giúp rốn nhanh lành hơn. Dưới đây là cách tắm khô cho bé. Bạn nên chuẩn bị sữa tắm cho bé, 1 – 2 khăn tắm, tã, quần áo và làm theo các bước sau:

  • Cho nước ấm vào thau tắm
  • Đặt bé trên một mặt phẳng, lót dưới lưng bé một chiếc khăn, cởi quần áo bé và nhẹ nhàng bọc con bằng khăn tắm.
  • Nhúng ướt khăn, vắt bớt nước, lau nhẹ vùng mặt, quanh mắt và mũi bé, không cần dùng sữa tắm.
  • Lau bàn tay, cánh tay rồi xuống chân, bàn chân bé.
  • Khi lau đến vùng bụng, bạn dùng tăm bông, thấm chút nước muối sinh lý lau xung quanh phần rốn.
  • Lật cho bé nằm sấp, lau lưng, mông cho bé.
  • Mở tã ra, lau sạch vùng kín, thoa kem chống hăm nếu cần.
  • Mặc tã mới cho bé.
  • Nếu muốn gội đầu cho con, bạn bế con lên tay, đưa đến gần thau nước, dùng ly dội ướt đầu bé. Xoa dầu gội, rửa sạch dầu gội, lau khô đầu cho bé. Mặc quần áo cho con.

Bạn có thể cần tắm khô cho bé cho đến khi cuống rốn rụng vào tuần thứ 2 – 3. Sau đó, bạn có thể cho bé vào bồn nước để tắm. Để xem cách thực hành tắm khô, bạn có thể vào đây.

Để rốn rụng tự nhiên

Cho đến khi khô hoàn toàn, cuống rốn vẫn là một phần của cơ thể bé. Vì thế, bạn nên nhẹ nhàng và cẩn thận khi vệ sinh vùng xung quanh cuống rốn bé và hãy để bộ phận đó rụng theo cách tự nhiên.

Đồng thời nếu thấy rốn chuyển màu hồng hay đỏ và sưng lên, bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng rốn. Hãy đi kiểm tra nếu cuống rốn không rụng sau 4 tuần nhé.

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Chức Năng Dây Rốn