ĐBSCL đợi Chờ Một Mùa Lũ đẹp - VOV Giao Thông

"Mọi năm thì tháng 7 nước về, cá lớn mau lắm. Khi nào cá nhiều, có dư thì mình bán." - Đó là chia sẻ của anh Hưng, một người dân ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhà anh Hưng có được vài công đất trồng lúa, cũng đắp đổi được đồng ra đồng vào.

Mỗi năm, cứ đến mùa nước nổi là anh lại trang bị cho mình một cái dớn để đi bắt cá. Cá nhỏ thì để ăn mà cá lớn có nhiều thì mang đi bán, kiếm thêm thu nhập.

Trong những ngày đầu tháng 6 âm lịch, không chỉ riêng anh Hưng mà nhiều bà con miền Tây cũng trông đợi con nước tràn đồng. “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ. Sắm rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn” là câu nói quen thuộc của bà con truyền tai nhau tự bao đời. Bởi thế mà thay vì gọi “mùa nước lũ” như một hình thái thiên tai thì nhiều người quen gọi là “mùa nước nổi”, “mùa nước lên”, “mùa nước tràn đồng”…

"Mọi năm là khoảng rằm tháng 6 là nước đến rồi, đến khoảng tháng 9 là nước phân đồng, rồi ổn định luôn. Mình có thể khai thác cá tôm được 3-4 tháng mới hết".

"Ở đây đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp, rồi buôn bán dịch vụ, ngoài cái đó ra bà con chỉ sống nhờ vào mùa nước nổi".

Ảnh minh họa: Dân Việt

Ảnh minh họa: Dân Việt

Theo số liệu từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, từ tháng 02 đến nửa đầu tháng 3/2022, mực nước tại các trạm trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm, ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN từ 0,1-0,95m. Tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu ở mức tương đương so với TBNN và cao hơn khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Đến hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu, Châu Đốc cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-0,55m.

Ông Nguyễn Kiệt - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: Theo Quyết định số 18/2021/QĐ- TTg quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai, mức nước báo động ở đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Thủy văn Tân Châu như sau: Mức báo động I (BĐ I)  là 3.50m, báo động II (BĐII): 4.00m; báo động III (BĐ III): 4.50m.

Số liệu thống kê trong những năm gần đây: Từ năm 2010 đến nay, có 4 năm ghi nhận mực nước lũ xấp xỉ trên mức báo động II: 2011, 2013, 2014 và 2018. Trong khi đó, liên tiếp 03 năm 2019-2021, Nam Bộ hầu như không có lũ… Chia sẻ về dự báo khả năng một “mùa lũ đẹp” có thể về với miền Tây trong năm nay, ông Nguyễn Kiệt - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định:

"Về khái niệm  “mùa lũ đẹp” ở Đồng bằng Sông Cửu Long từ người dân đúc kết thì mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu ở khoảng xấp xỉ mức BĐ II ( trên dưới 4.00m). Từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long.

Theo tính toán của chúng tôi, đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long chỉ ở mức BĐ1 và trên BĐ1 (xấp xỉ hoặc trên mức 3.50m), đỉnh lũ năm khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m".

Theo chia sẻ của ông Kiệt thì với những số liệu được ghi nhận, tình hình đỉnh lũ năm nay sẽ chỉ khoảng xấp xỉ báo động I. Tuy nhiên, mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long còn phụ thuộc nhiều vào sự điều tiết của các hồ đập trên thượng nguồn sông Mê Kông. Bên cạnh đó, ông Kiệt cũng có những đánh giá về tác động của mùa mưa năm nay đến mực nước tại các sông thuộc khu vực ĐBSCL nói riêng cũng như Nam Bộ nói chung.

"Khả năng có “mùa lũ đẹp” là hơi khó, tuy nhiên những tháng cuối năm thì khoảng tháng 10, 11, 12, lượng mưa ở Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Cho nên, nếu mực nước lũ không cao lắm thì khả năng hạn mặn của mùa khô năm 2022-2023 cũng sẽ không quá gay gắt.

Đỉnh lũ không cao nhưng lượng mưa về ĐBSCL, lượng mưa tại chỗ nhiều sẽ góp phần tạo nên một nền mực nước tại ĐBSCL",  ông Kiệt nói.

Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN

Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Đến thời điểm hiện tại, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm 2022 ở mức thuận lợi. Xâm nhập mặn ở tháng 6 tiếp tục giảm. Các khu vực ven biển, cửa sông ảnh hưởng của xâm nhập mặn thu hẹp. Mùa lũ năm 2022 được dự báo là năm lũ nhỏ, mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu vào khoảng 3,4m-3,6m, đỉnh lũ xuất hiện vào giữa tháng 10, được xem là thuận lợi cho sản xuất vụ Thu Đông.

Thực tế trong những năm gần đây, bên cạnh những thay đổi của điều kiện khí hậu nói chung thì việc phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Công cũng có những tác động nhất định đến lượng nước đổ về đồng bằng. Trong điều kiện đó, ĐBSCL cũng phải dần thích nghi với điều kiện mới.

Không chỉ là những giá trị kinh tế tức thời mà “mùa lũ đẹp” tại ĐBSCL được nhiều bà con trông chờ bởi những giá trị về môi trường, đất đai thổ nhưỡng, cũng như giá trị về hệ sinh thái mùa nước nổi. Phù sa bồi đắp cho những mảnh ruộng, trong khi môi trường trở nên đa dạng với cá tôm đủ loại, nhiều đàn cá giống về sinh sôi phát triển, chim cò cũng tìm về kiếm ăn,…

Năm nay, theo dự báo, lũ có thể về nhưng không nhiều, tuy nhiên tin chắc rằng với sự cần cù, ham học hỏi của bà con thì những mô hình như: 2 vụ lúa 1 vụ sen; nuôi cá đồng mùa nước; trồng bông điên điển, bông súng;.v.v… cũng sẽ tạo nên một “mùa lũ đẹp” cho quê hương miền Tây sông nước.

Từ khóa » đỉnh Lũ Trên Sông Mê Kông Vào Tháng Mấy