Đề 1: Nghệ Thuật Lập Luận Tuyên Ngôn độc Lập

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Nghệ thuật lập luận Tuyên ngôn độc lập

Hồ Chí Minh đã đưa ra chân lí vĩnh cửu về quyền tự do dân tộc, quyền sống của mỗi con người. Người khẳng định điều đó đã được thừa nhận trong hai bản tuyên ngôn của 2 nước lớn là Pháp và Mỹ. Hai bản tuyên ngôn đó trong thời đại đều được cả nhân loại công nhận vì chứa đựng những tư tưởng lớn lao

Bài làm

Hô Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của dân tôc Việt Nam, cũng là 1 danh nhân văn hóa thế giới. Người không chỉ có công lao to lớn trong chiến thắng giành lại độc lập tự do cho nhân dân mà còn để lại cho nền văn học nước nhà rất nhiều tác phẩm có giá trị. “Tuyên ngôn độc lập” chính là một tác phẩm như thế. Nó không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có giá trị văn học nghệ thuật lớn lao, là một văn bản nghị luận mẫu mực với nghệ thuật lập luận ấn tượng.

Tuyên ngôn độc lập được Hồ Chí Minh soạn thảo vào ngày 2/9/1945 được đánh giá là một áng thiên cổ hùng văn thể hiện chủ quyền sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam trong những thang trầm lịch sử chống đế quốc. Đồng thời là áng văn chính luận tiêu biểu của thời đại.

Văn chính luận thường được sử dụng trong những văn bản trang trọng, tôn nghiêm như bài chiếu, biểu, cáo, tuyên ngôn. Loại văn bản này thường có kết cấu chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, ngôn ngữ sắc bén, bằng chứng xác thực. Tất cả những yếu tố đó đều được hội tụ trong bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Tuyên ngôn độc lập Từng quan điểm, lĩ lẽ Người đưa ra có tính thuyết phục cao, khiến người đọc phải chấp nhận mà không thể chối cãi. Người đã đưa ra ba luận điểm vô cùng sắc bén bao gồm Cơ sở Pháp lí của bản tuyên ngôn, Cơ sở thực tiễn và bản chất phi nghĩa của thực dân pháp cùng sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng Việt Nam, Chủ quyền tất yếu của dân tộc Việt Nam. Ở mỗi luận điểm, Người lại đưa ra những lí luận đanh thép, bằng chứng xác thực để chứng minh, làm rõ.

Nghệ thuật lập luận của bản tuyên ngôn được thể hiện trước hết ngay ở phần mở đầu với cơ sở pháp lí đanh thép của nó. Hồ Chí Minh đã đưa ra chân lí vĩnh cửu về quyền tự do dân tộc, quyền sống của mỗi con người. Người khẳng định điều đó đã được thừa nhận trong hai bản tuyên ngôn của 2 nước lớn là Pháp và Mỹ. Hai bản tuyên ngôn đó trong thời đại đều được cả nhân loại công nhận vì chứa đựng những tư tưởng lớn lao. Người nói: “ “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”

Bằng cách trích dẫn khéo léo, tinh tế này, Hồ Chí Minh đã ngầm khẳng định tính pháp lí của 3 bản tuyên ngôn độc lập, 3 quốc gia và 3 cuộc cách mạng. Đặc biệt, thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” còn góp phần làm cơ sở pháp lí của bản ngôn độc lập Việt Nam thêm đanh thép. Nó thể hiện nghệ thuật lập luận khéo léo, kiên quyết và sắc bén của tác giả Hồ Chí Minh.

Phần thứ 2 của bản tuyên ngôn, Người tiếp tục sử dụng những ngôn từ đanh thép để phơi bày tội ác của quân giặc, của những kẻ luôn giương cao ngọn cờ tự do, bình đẳng, bác ái. Những điệp từ “thế mà” được lặp đi lặp lại nhiều lần càng nhấn mạnh tội ác, sự phi nhân tính đi ngược lại với những tuyên ngôn nhân quyền mà chúng đưa ra trước đó. Điệp từ “chúng” như một sự ám chỉ sự tàn nhẫn bất lương cũng như nỗi đau mà thực dân Pháp gây ra cho dân tộc ta. Ngoài ra ở phần này tác giả còn sử dụng nhiều động từ mạnh như “chém”, “giết”, “tắm cuộc khởi nghĩa trong bể máu”…liên tiếp. “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.” Tất cả những lập luận đanh thép lí lẽ và bằng chứng xác thực đều vạch trần sự sự xảo trá, tàn bạo đến man rợ của đế quốc thực dân khi đẩy những người dân khốn cùng của ta quằn quại vào vòng sống không bằng chết.

Nghệ thuật lập luận ngoài ra còn thể hiện rõ ở phần kết của bản Tuyên ngôn, khẳng định chủ quyền của dân tộc ta. Bác đã đưa ra những dẫn chứng lịch sử để bác bỏ giọng điệu sai trai, gian xảo của Pháp rằng chúng đã có công “bảo hộ” nước ta. Để bác bỏ luận điệu Pháp có công bảo hộ, Tuyên ngôn dùng sự thật lịch sử để thuyết phục: “Năm 1940, Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”. Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”. Khẳng định “Trong 5 năm Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

Bên cạnh đó, bản Tuyên ngôn đưa ra lập luận về lập trường chính nghĩa của nhân dân ta đứng về phe đồng minh chống phát xít: nhân dân ta làm nên cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tiên phong chống Nhật, dành lại đất nước từ tay Nhật để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Pháp chạy nhật hàng vua Bảo Đại thoái vị, cho nên quyền độc lập của dân tộc Việt Nam phù hợp với nguyên tắc dân chủ bình đẳng của Đồng minh ở Hội nghị Tê – hê – răng và Cựu Kim Sơn.

Đến đây, tác giả đã sử dụng cụm từ: “bởi thế cho nên” tạo nên sự liên kết giữa phần kết với phần trên, thể hiện mối quan hệ nguyên nhân – kết quả. “Tuyên ngôn Độc lập” khép lại với lời tuyên bố khẳng định quyền tự do, độc lập cùng với quyết tâm chống giặc, giữ vững nền tự do, độc lập ấy của đồng bào Việt Nam ta: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Có thể nói bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 được coi là một áng thiên cổ hùng văn. Nó xóa bỏ đi dư tàn của chế độ thực dân mở ra một kỉ nguyên mới cho con người dân tộc Việt Nam. Bằng lí luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực ngôn từ chân thực đến mức nghiệt ngã Hồ CHí Minh xứng đáng là một bậc thầy của chính luận. Tuyên ngôn độc lập cũng là bản án đanh thép chống lại bạo tàn, ác độc của thực dân. Nó mang giá trị nhân văn nhân đạo sâu sắc về quyền con người, quyền dân tộc đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Hồ Chí Minh. Để rồi rất nhiều năm tháng đã qua đi, Tuyên ngôn độc lập vẫn xứng đáng là áng văn chính luận tiêu chuẩn, là niềm tự hào của toàn dân tộc.

Bài mẫu số 2: Phân tích nghệ thuật lập luận Tuyên ngôn độc lập

Không chỉ dừng lại ở cơ sở lí luận, để làm bài văn chính luận thêm phần đanh thép, thuyết phục, Người đã đưa ra cơ sở thực tiễn phong phú, chân thực. Pháp nhân danh “khai hóa”, mang đến văn minh cho dân tộc Việt nhưng đã bị Bác đã vạch trần tội ác trên hai phương diện: Tội ác gây ra trên mọi mặt đời sống

Bài làm

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lãnh đạo thiên tài mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất. Những áng văn chính luận của Người không chỉ đanh thép, sắc sảo mà còn tác động mạnh mẽ đến tâm thức của người đọc, tất cả đều nhờ vào nghệ thuật lập luận tài tình, sắc bén. Có thể coi Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận không chỉ của riêng Bác mà là của cả văn học dân tộc.

Tháng 8/ 1945 cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một con đường mới cho dân tộc Việt Nam. Nhận định sáng suốt tình hình trong và ngoài nước, tại phố Hàng Ngang Hồ Chí Minh đã soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945 trên quảng trường Ba Đình lịch sử Người đã đọc bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản tuyên ngôn không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn có giá trị nghệ thuật sâu sắc, đặc biệt là cách thức Bác lập luận để đi đến kết luận cuối cùng khai sinh ra nước Việt Nam.

Nghệ thuật lập luận sắc bén trong bản Tuyên ngôn độc lập trước hết được thể hiện trong bố cục, cách sắp xếp các ý của bài văn. Phần đầu tiên Bác nêu lên cơ sở pháp lí, làm nền tảng cho bản tuyên ngôn; Phần thứ hai nêu lên cơ sở thực tiễn, làm dẫn chứng giúp cho bản tuyên ngôn giàu sức thuyết phục; Sau khi hội tụ đầy đủ hai yếu tố lí luận và thực tiễn Người đưa ra lời tuyên bố dõng dạc, đanh thép, tràn đầy tinh thần tự hào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày từ cách bố cục của bài văn ta đã thấy một tư duy mạch lạc, một lập luận sắc bén trong nghệ thuật lập luận của Người.

Trước hết, về cơ sở pháp lí, Mở đầu bản tuyên ngôn của nước Việt Nam, Bác đã trích dẫn lời trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp: Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ đó, Bác khẳng định quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân; khẳng định đó là những quyền hiển nhiên, tất yếu và bất khả xâm phạm “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Và một bước nâng cao hơn nữa, từ quyền tự do và bình đẳng của con người, Bác đã suy rộng ra “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, Bác đã nâng quyền con người, quyền cá nhân thành quyền dân tộc. Cách lập luận của Bác vô cùng thuyết phục, Bác đi từ một tiên đề có giá trị như một chân lí không ai chối cãi được. Tiên đề được đưa ra ở đây chính là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người. Bởi vậy, nếu Pháp và Mĩ xâm phạm quyền tự do và độc lập của dân tộc ta thì có nghĩa đã phản bác lại chính cha ông tổ tiên của mình. Với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” mạnh mẽ, dứt khoát, Người đã khiến kẻ thù không thể chối cãi, không thể chống đỡ được. Đồng thời khi đặt ba cuộc cách mạng của nhân loại ngang bằng nhau, Bác đã đưa dân tộc ta đàng hoàng bước lên vũ đài chính trị thế giới, sánh vai với các cường quốc.

Không chỉ dừng lại ở cơ sở lí luận, để làm bài văn chính luận thêm phần đanh thép, thuyết phục, Người đã đưa ra cơ sở thực tiễn phong phú, chân thực. Pháp nhân danh “khai hóa”, mang đến văn minh cho dân tộc Việt nhưng đã bị Bác đã vạch trần tội ác trên hai phương diện: Tội ác gây ra trên mọi mặt đời sống: Về chính trị: chúng tước đoạt tự do dân chủ, thi hành luật pháp dã man, chia để trị, lập nhà tù nhiều hơn trường học, chém giết những chiến sĩ yêu nước của ta, …; Về kinh tế: bóc lột tước đoạt của nhân dân ta, độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng, … Hành động của chúng trái hẳn với những lời nói hoa mĩ chúng tung ra, chúng chỉ mang đến đau thương, mất mát cho nhân dân Việt Nam, khiến hơn hai triệu đồng bào chết đói. Không chỉ vậy, Pháp nhân danh “bảo hộ”, Bác nêu rõ: chúng không những không bảo hộ được mà “trong vòng 5 năm đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Hành động đó còn chứng minh Pháp là những kẻ phản bội phe Đồng minh, quỳ gối trước phe phát-xít – Nhật.

Đồng thời Bác cũng nêu lên quá trình đấu tranh kiên gan, bền bỉ của dân tộc ta. Sau quá trình đấu tranh bền bỉ ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được những kết quả vô cùng to lớn, được tác giả thể hiện trong đoạn văn ngắn gọn “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa ”. Câu văn ngắn gọn đã khẳng định chiến thắng của dân tộc trước thế lực thù địch vô cùng mạnh, nguy hiểm. Và lời tuyên bố “Thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết các hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Tuyên bố khối đoàn kết toàn dân “trên dưới một lòng” kiên quyết chống lại âm mưu của thực dân Pháp.

Từ những cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế hết sức đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, Hồ Chí Minh đã đi đến tuyên bố độc lập: Tuyên bố Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập và khẳng định ý chí bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Hai nội dung trên chính là hai điều kiện để lời tuyên ngôn độc lập của một dân tộc thực sự có sức thuyết phục.

Tính chính luận xuất sắc còn được thể hiện trong nghệ thuật liệt kê, so sánh để làm bật lên tội ác ghê gớm của Pháp đối với nhân dân ta. Đặc biệt Bác còn tạo nên hình ảnh vừa giàu tính biểu cảm, vừa chính xác, rõ ràng bởi vậy thể loại này ít xuất hiện hình ảnh bay bổng. Nhưng khi chung được sử dụng với liều lượng hợp lí sẽ phát huy hiệu quả, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Bác sử dụng linh hoạt hình ảnh giàu giá trị biểu cảm như: chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong biển máu đã làm bật lên tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Cách sử dụng câu văn dài, chia làm nhiều vế có sự trùng điệp về cấu trúc tạo nên giọng tố cáo sôi nổi, đanh thép.

Giọng điệu linh hoạt, khi tố cáo đanh thép, khi khẳng định quyết liệt, đặc biệt là ở đoạn văn cuối bài. Câu văn: “Toàn dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” tách ra một đoạn riêng, như một lời khẳng định ngắn gọn, trắc nịch. Cuối tác phẩm Hồ Chí Minh đã thể hiện bằng giọng điệu hào sảng và sắc thái trang trọng, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc đồng thời thể hiện quyết tâm cao độ bảo vệ nền tự do, độc lập ấy.

Bằng những lập luận sắc bén, dẫn chứng chân thực giàu sức thuyết phục, cùng với đó là giọng điệu, ngôn ngữ biến đổi linh hoạt, Hồ Chí Minh đã mang đến bản tuyên ngôn bừng bừng khí thế dân tộc. Bản tuyên ngôn đã mở ra một trang sử mới, vẻ vang, khi dân ta được làm chủ được nắm quyền. Đồng thời bản tuyên ngôn cũng cho thấy nghệ thuật lập luận bậc thầy của Người.

Bài mẫu số 3: Bài mẫu phân tích nghệ thuật lập luận Tuyên ngôn độc lập

Ở mỗi luận điểm người lại đưa ra những lí luận đanh thép, bằng chứng xác thực, khiến người nghe hoàn toàn tiếp nhận một cách dễ dàng. Có thể nói xét về kết cấu của tác phẩm chính luận hay một văn bản thông thường thì Tuyên ngôn độc lập đều đạt chuẩn mực.

Bài làm

Nếu như người dân Mỹ tự hào vì có bản tuyên ngôn độc lập được lưu truyền suốt bao nhiêu thế kỉ thì người Việt Nam chúng ta có quyền tự hào về những bài tuyên ngôn độc lập đanh thép qua các thời kì lịch sử huy hoàng của dân tộc. Thời Trần có “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt, áng văn hùng hồn trong “Đại cáo Bình Ngô” của Nguyên trãi dưới thời Lê. Thì một lần nữa lịch sử gọi tên bản “Tuyên ngôn dộc lập” của Hồ Chí Minh. Đây là những áng thiên cổ hùng văn của dân tộc. Bên cạnh giá trị lịch sử thì nó còn vượt lên trên hết mang giá trị văn học nghệ thuật lớn lao, trở thành những bản văn chính luận mẫu mực.

Bản Tuyên ngôn độc lập được Hồ Chí Minh soạn thảo vào ngày 2/9/1945 đây có thể coi là một áng thiên cổ hùng văn thể hiện chủ quyền sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam trong những thang trầm lịch sử chống đế quốc.

Văn chính luận thường được sử dụng trong những hoàn cảnh lịch sử cần sự trang trọng, tôn nghiêm như bài chiếu, biểu, cáo, tuyên ngôn. Những dạng văn này thường có kết cấu chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, ngôn ngữ sắc bén, bằng chứng xác thực khiến người nghe không thể chối cãi. Và những điều này đã thể hiện trọn vẹn trong bản Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, nó không chỉ mang tầm vóc ý nghĩa lịch sử lớn lao mà hơn hết là nó đạt đến độ mẫu mực của một chính luận hoàn hảo. Từng quan điểm, lĩ lẽ Người đưa ra có tính thuyết phục cao, thậm chí nó buộc người đọc phải chấp nhận mà không thể chối cãi. Người đưa ra ba luận điểm vô cùng sắc bén: - Cơ sở Pháp lí của bản tuyên ngôn: - Cơ sở thực tiễn và bản chất phi nghĩa của thực dân pháp cùng sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng Việt Nam:- Chủ quyền tất yếu của dân tộc Việt Nam. Ở mỗi luận điểm người lại đưa ra những lí luận đanh thép, bằng chứng xác thực, khiến người nghe hoàn toàn tiếp nhận một cách dễ dàng. Có thể nói xét về kết cấu của tác phẩm chính luận hay một văn bản thông thường thì Tuyên ngôn độc lập đều đạt chuẩn mực.

Phần đầu của bản tuyên ngôn Bác đưa ra cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn. Người đưa ra chân lí vĩnh cửu về quyền tự do dân tộc, quyền sống của mỗi con người. Điều đó được thừa nhận trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của Pháp và Mỹ. Đây là hai bản tuyên ngôn được công nhận vì chứa đựng những tư tưởng lớn. Bằng cách trích dẫn khôn khéo này Hồ Chí Minh đã ngầm khẳng định sự ngang hàng của 3 bản tuyên ngôn độc lập, 3 quốc gia và 3 cuộc cách mạng. ngoài ra thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” này còn góp phần làm cơ sở pháp lí cho tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Nó thể hiện nghệ thuật lập luận khéo léo, kiên quyết và sắc bén của tác giả Hồ Chí Minh.

Chuyển sang phần hai của bản Tuyên ngôn chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những câu văn ngôn từ đanh thép để diễn tả sự khốn nạn đốn mạt của quân ăn cướp. Những điệp từ “thế mà” được lặp đi lặp lại nhiều lần càng nhấn mạnh tội ác, sự phi nhân tính đi lại với những tuyên ngôn nhân quyền mà chúng đưa ra trước đó. Điệp từ “chúng” được lặp lại nhiều lần như một sự ám chỉ sự tàn nhẫn bất lương cũng như nỗi đau mà thực dân Pháp gây ra cho dân tộc mình. Ngoài ra ở phần này tác giả còn sử dụng nhiều động từ mạnh như “chém”, “giết”, “tắm cuộc khởi nghĩa trong bể máu”…. Đây như những bằng chứng biết nói lột tả sự xảo trá, tàn bạo đến man rợ của đế quốc thực dân nó đẩy những người dân khốn cùng của ta quằn quại trong vòng tử địa.

Đến phần thứ 3 cũng là phần kết của bản Tuyên ngôn. Tác giả dùng cụm từ “thế cho nên”. Như một lời khẳng định những hành động tiếp theo như một sự nối tiếp cho nguyên nhân – kết quả ở trên. Tuyên ngôn khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc Việt nam. Đó là điều mà bất cứ ai không có quyền chối cãi và bác bỏ. Nó thể hiện được một bố cục chặt chẽ, kết cấu rõ ràng. Thể hiện sự đanh thép và quyết tâm cao độ để dành độc lập.

Có thể nói bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 được coi là một áng thiên cổ hùng văn. Nó xóa bỏ đi dư tàn của chế độ thực dân mở ra một kỉ nguyên mới cho con người dân tộc Việt Nam. Bằng lí luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực ngôn từ chân thực đến mức nghiệt ngã Hồ CHí Minh xứng đáng là một bậc thầy của chính luận. Áng văn của Người sẽ mãi mãi là một bản mẫu hoàn chỉnh để con cháu ngàn đời noi theo.

Bài mẫu số 4: Văn mẫu phân tích nghệ thuật lập luận Tuyên ngôn độc lập

Bằng việc sử dụng cách diễn đạt hình tượng này, tác giả đã lột trần được sự dã man, tàn bạo của bọn thực dân, vừa diễn tả được nỗi đau thê thảm của nhân dân ta, những nguời dân vô tội đang quằn quại trong “vòng tử địa” (Đuờng Kách mệnh)

Bài làm

Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, nhà tư tưởng vĩ đại của dân tộc Việt Nam “một vĩ nhân được UNESCO phong danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”.Không những thế Hồ Chí Minh còn để lại cho chúng ta một gia tài văn học vô cùng quý báu. Ở mỗi thể loại văn học, từ văn chính luận, truyện, kí đến thơ ca Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn. Nhắc đến văn chính luận, người ta không thể không nhắc đến “Tuyên ngôn Độc lập” – tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật lập luận của Hồ Chí Minh.

Trong hoàn cảnh nhân dân ta đã giành lại được chính quyền ở Hà Nội. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Và người đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập” tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 02/09/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”. Tác phẩm thể hiện nghệ thuật lập luận vô cùng chặt chẽ, sắc sảo của Người, xứng đáng là áng văn chính luận mẫu mực của thời đại.

Bản Tuyên ngôn có kết cấu vô cùng chặt chẽ, dựa vào những cơ sở pháp lí cho tới những cơ sở thực tiễn để đi đến tuyên bố về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam.

Ngay từ phần mở đầu, để khẳng định cơ sở pháp lý và tính chính nghĩa của bản Tuyên ngôn, người đã nêu lên những chân lý vĩnh cửu về quyền tự do của dân tộc, quyền sống của mỗi con người đã được thừa nhận qua nhiều thời kỳ lịch sử ở ngay chính những quốc gia mà bấy giờ chính quyền của họ đang đi ngược lại nguyên tắc đó, gây ra lầm than cho biết bao số phận con người ở Việt Nam. Bác đã trích dẫn hai bản tuyên ngôn độc lập của Pháp và Mỹ. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ( 1976) viết : “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.Còn trong tuyên ngôn của Pháp viết : “ Người ta sinh ra tự do bình đẳng về quyền lợi và phải luôn tự do bình đẳng về quyền lợi”. Đây là những lẽ phải chân chính mà không ai có thể phủ nhận được. Đây là những bản Tuyên ngôn độc lập đã được các nước trên thế giới công nhận, đây cũng là những nước giơ cao ngọn cờ về bình đẳng, về quyền con người.Vậy mà họ đã đi ngược lại với chính những tuyên ngôn của mình. Và Bác đã chỉ ra được điều đó. Bằng chính sự khéo léo của mình Bác đã sử dụng chính những lời văn của kẻ thù để chống lại kẻ thù. Không những vậy thông qua việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn của hai cường quốc Pháp và Mỹ lúc bấy giờ, Bác đã tạo ra một vị thế ngang hàng của bản tuyên ngôn nước Việt Nam với hai nước lớn kia, thể hiện rằng quyền bình đẳng tự do của con người là như nhau, không ai là hơn ai. Từ đó đưa ra cơ sở pháp lý vững vàng làm tiền đề cho việc khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Ở phần thứ hai, tác giả đã sử dụng chủ yếu thao tác lập luận bác bỏ cùng những lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng hùng hồn để bác bỏ luận điệu “khai hóa”, “bảo hộ”của thực dân Pháp trên hai phương diện: chính trị và kinh tế. “Về chính trị… Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”. Hàng loạt những tội ác của thực dân Pháp được Bác đưa ra theo lối văn trần thuật tạo nên điệp khúc đầy nhức nhối và căm phẫn. Bằng việc sử dụng cách diễn đạt hình tượng này, tác giả đã lột trần được sự dã man, tàn bạo của bọn thực dân, vừa diễn tả được nỗi đau thê thảm của nhân dân ta, những nguời dân vô tội đang quằn quại trong “vòng tử địa” (Đuờng Kách mệnh).Không chỉ dừng lại ở đó, Bác còn đưa ra những dẫn chứng lịch sử để bác bỏ giọng điệu sai trai, gian xảo của Pháp rằng chúng đã có công “bảo hộ” nước ta. Để bác bỏ luận điệu Pháp có công bảo hộ, Tuyên ngôn dùng sự thật lịch sử để thuyết phục: “Năm 1940, Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”. Năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp “Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”. Khẳng định “Trong 5 năm Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.

Và cuối cùng, sau những lập luận đanh thép kết tội thực dân Pháp, Bác đã đưa ra lời khẳng định và cũng là lời tuyên bố công khai. “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.Câu nói định quyền tự do, độc lập cùng với quyết tâm chống giặc, giữ vững nền tự do, độc lập ấy của đồng bào Việt Nam ta. Lời tuyên ngôn với những lời lẽ đanh thép dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn của bản Tuyên ngôn đã thuyết phục được lòng người lòng dân cũng như toàn thể thế giới về độc lập tự do của nước Việt Nam ta.

"Tuyên ngôn độc lập" của Hồ Chí Minh không những là văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một áng văn chính luận mẫu mực, tiếp nối những áng thiên cổ hùng văn trong quá khứ. Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay chính là sự phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự do đã được khẳng định từ trong bản Tuyên ngôn ấy.Với những phẩm chất tiêu biểu của áng văn chính luận nêu trên, "Tuyên ngôn độc lập” là bản án đanh thép chống bạo tàn, có giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Hồ Chí Minh. Người đã rất thành công trong việc nghệ thuật lập luận – một trong những yếu tố quan trọng làm nên phong cách Hồ Chí Minh.

Bài mẫu số 5: Bài văn phân tích nghệ thuật lập luận Tuyên ngôn độc lập

Tóm lại, bằng sự lập luận chặt chẽ, logic, giàu tính thuyết phục, thông qua các dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu Hồ Chí Minh đã giúp cho nhân dân trên toàn thế giới thấy được dã tâm của thực dân Pháp sau hơn 80 năm xâm lược Đông Dương dưới chiêu bài "bảo hộ", "khai hóa", đồng thời nhận thức được âm mưu muốn quay trở lại thôn tính nước ta một lần nữa để nhằm mục đích đô hộ lâu dài.

Bài làm

Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã viết khá nhiều thể loại khác nhau để phục vụ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Ngoài tài năng thơ ca đặc biệt, văn chính luận cũng là thể loại sở trường của Người. Trong hàng trăm bài viết xuất sắc về nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, Tuyên ngôn Độc lập nổi lên như một tác phẩm văn học chính luận mẫu mực, không những thể hiện được nội dung tư tưởng lớn về khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta mà còn kết đọng những giá trị nghệ thuật đặc sắc, làm nên một phong cách văn chương chính luận rất Hồ Chí Minh.

Tuyên ngôn Độc lập trở thành tác phẩm văn học chính luận xuất sắc, đạt được hiệu quả thẩm mỹ, có khả năng đi sâu vào trí tuệ và tâm hồn người đọc suốt 72 năm qua trước hết là nhờ vào sự thành công của nghệ thuật lập luận. Với một tác phẩm văn chính luận, nếu không có khả năng kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc, nhất là không có một khả năng lập luận sắc bén kết hợp với một trái tim mẫn cảm thì khó lòng vừa thuyết phục độc giả về lý trí vừa khơi dậy trong họ nhiệt huyết, sự đồng cảm, sẻ chia. Chính nghệ thuật lập luận sắc sảo đã trở thành vẻ đẹp trí tuệ đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập, bảo đảm mục đích chính nghĩa mà cả dân tộc Việt Nam hướng đến, đó là khẳng định nền độc lập, tự do và quyền sống của mỗi con người.

Trước hết, để đưa ra cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã viện dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ - một cường quốc thế giới lúc này, đồng thời Người cũng không quên đưa ra những khẳng định hùng hồn của người Pháp về quyền con người được đề cập trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 - đất nước trực tiếp đi đô hộ dân tộc Việt Nam. Tại sao trên thế giới có rất nhiều quốc gia, Hồ Chí Minh lại chỉ lấy hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp? Quả vậy, trong ý đồ của Người, đây là một lập luận hoàn toàn hữu ý, có tính "đòn bẫy" nên phát huy tác dụng rất hiệu quả. Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ đã khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc." Bổ sung cho vấn đề quyền sống của con người, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Hai đoạn trích dẫn từ hai bản tuyên ngôn ấy đều là những chân lý lớn của thời đại, không ai có thể chối cãi được, và theo Hồ Chủ tịch, đó là "lẽ phải" hoàn toàn được nhân loại xác quyết. Nghệ thuật lập luận kiểu "gậy ông đập lưng ông" ấy không những rất chí lý, chiếm "thế thượng phong" để khẳng định cơ sở pháp lí hùng hồn cho bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh còn dùng phương pháp suy luận trực tiếp để mở rộng sang quyền tự quyết của mỗi dân tộc từ quyền con người cá thể: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Như vậy, dân tộc Việt Nam cũng có đủ tư cách là một dân tộc được hưởng quyền tự do và độc lập, bình đẳng như các dân tộc Mỹ, Pháp.

Qua nghệ thuật lập luận giàu chất trí tuệ để làm cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh tiếp tục dùng lập luận và chứng minh những tội ác của thực dân Pháp sau hơn 80 năm đô hộ nước ta, đồng thời bác bỏ những luận điệu "bảo hộ", "khai hóa" khi nước này theo chân quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật ở Đông Dương để nhân dân Việt Nam và thế giới thấy được sự phi lý, "trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Không nhiều, chỉ cần đưa ra hai luận điểm hùng hồn về chính trị và kinh tế, Hồ Chí Minh đã đập tan mọi âm mưu quay trở lại cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Tóm lại, bằng sự lập luận chặt chẽ, logic, giàu tính thuyết phục, thông qua các dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu Hồ Chí Minh đã giúp cho nhân dân trên toàn thế giới thấy được dã tâm của thực dân Pháp sau hơn 80 năm xâm lược Đông Dương dưới chiêu bài "bảo hộ", "khai hóa", đồng thời nhận thức được âm mưu muốn quay trở lại thôn tính nước ta một lần nữa để nhằm mục đích đô hộ lâu dài.

Với các lập luận sắc sảo để làm nổi bật cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn; tố cáo tội ác cũng như bộ mặt hèn nhát của thực dân Pháp, phần cuối của Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam bằng những lí lẽ hùng hồn, dõng dạc mà cũng rất hợp lý, hợp tình. Đó chính là kết quả không thể khác được của một dân tộc anh hùng đã "gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay": "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Lời khẳng định ấy như một chân lý bất biến, không gì có thể lay chuyển được.

Tuyên ngôn Độc lập, ngoài nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, phẩm chất văn chương của tác phẩm còn nằm ở nghệ thuật sử dụng từ ngữ chính xác, văn phong giàu tính hình tượng. Chẳng hạn khi tố cáo tội ác của thực dân Pháp, bên cạnh việc sử dụng các từ ngữ mang màu sắc chính trị, Hồ Chí Minh còn dùng nhiều thủ pháp mang đậm sắc thái văn chương như láy đi láy lại nhằm tạo cảm giác ám ảnh cho người đọc: "Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào", "Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân", "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học"... Đặc biệt, khi miêu tả sự đàn áp của thực dân Pháp đối với những người yêu nước và các phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh đã có cách viết rất hàm súc, thấm đẫm sắc thái biểu cảm để thể hiện nỗi đau thương và mất mát lớn lao mà dân tộc ta phải gánh chịu: "Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu".

Tuyên ngôn Độc lập, cùng với nghệ thuật dùng từ ngữ chính xác, giàu sắc thái biểu cảm và văn phong giàu tính hình tượng, nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc mang tính liên hoàn đã tạo cho tác phẩm một giọng điệu riêng. Nghệ thuật sử dụng phép điệp khiến tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc ta hiện lên chồng chất, nhờ đó sức tố cáo càng sâu sắc hơn. Cũng có khi thông qua cách viết trùng lặp, sử dụng phép điệp cú pháp, người đọc cảm nhận được sức phản kháng và tinh thần quật khởi vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược để khẳng định khát vọng độc lập, tự do: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!"

Ngoài giá trị nội dung tư tưởng mà bản Tuyên ngôn Độc lập mang đến cho người đọc, những đặc sắc về nghệ thuật đã khẳng định tính mẫu mực và tài hoa của phong cách Hồ Chí Minh trong thể loại văn chính luận này. Từ giá trị lịch sử và giá trị văn học đặc sắc ấy, Tuyên ngôn Độc lập trở thành một áng văn bất hủ về lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do, kế thừa xuất sắc những áng thiên cổ hùng văn trong quá khứ hào hùng của dân tộc ta.

Từ khóa » Bởi Thế Cho Nên