Đề Bài: Bàn Về Những Vấn đề Liên Quan đến Văn Học, Mác-xen Pruxt ...

Đề bài: Bàn về những vấn đề liên quan đến văn học, Mác-xen Pruxt cho rằng: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.Qua một vài tác phẩm thơ hiện đại trong chương trình Ngữ Văn 9 - tập 1, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên

-------------------------------------

Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo tới đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp, không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn phải đẹp một cách riêng. Hãy cùng chị đi tìm hiểu thêm sự sáng tạo, cái đẹp trong từng vần thơ, câu chữ qua một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 - tập 1 nhé

Bài làm

Nhà văn R.Gamzatop từng nhận định: “Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo tới đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp, không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn phải đẹp một cách riêng”. Thật đúng như vậy, văn chương luôn đòi hỏi những người nghệ sỹ biết đào sâu, tìm tòi, khơi những điều chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai có. Sự lặp lại trong văn học chính là cái chết. Tác phẩm của anh không thể tồn tại nếu như anh chỉ viết về một vấn đề, con đường người khác đã từng đi, người ta đã từng viết. Như vậy tác phẩm của anh chỉ như một quyển sách nằm trên giá sách phủ đầy bụi mà không ai hay biết sự tồn tại của nó. Nhưng nếu tác phẩm của anh tạo ra từ một cái nhìn mới, một góc độ khác của vấn đề mà ta đặt ra thì anh tạo ra được sự sáng tạo cho riêng mình, con đường của riêng bạn. Đó là sự chiến thắng trên con đường nghệ thuật văn học. Như Mác-xen Pruxt từng nói:”một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”.

Mỗi nghệ sĩ nhìn nhận hiện thực và xây dựng trong tác phẩm của mình những địa hạt riêng biệt và độc đáo. Điều này phụ thuộc vào cách nhìn, vào quan điểm, vào tư tưởng, vào nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đó là vấn đề “đôi mắt” đã được Raxun Gamzatov đề cập đến trong nhận định của mình. Đừng nói trao cho tôi đề tài, hãy nói trao cho tôi đôi mắt. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ đánh giá cao vai trò của đôi mắt hơn là vai trò của đề tài. Đôi mắt là yếu tố đầu tiên, yếu tố quyết định của một tác phẩm. Đề tài là phạm vi hiện thực được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm của mình. Đề tài rất phong phú và đa dạng, bao nhiêu hiện tượng cuộc sống sẽ có bấy nhiêu đề tài. Nhưng hiện thực ấy được đưa lên trang viết như thế nào lại phụ thuộc vào sự nhìn nhận, đánh giá của người nghệ sĩ. Qua cách trình bày một hiện tượng, người đọc nhận ra quan điểm, lập trường, tư tưởng của người nghệ sĩ. Như vậy, vấn đề đôi mắt là vấn đề về cái nhìn, cách nhìn, là vấn đề quan điểm, lập trường, tư tưởng và cao hơn, nó biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Đôi mắt quy định phạm vi hiện thực được biểu hiện trong tác phẩm. Trong Đaghextan của tôi, Raxun Gamzatop từng phát biểu: Ý nghĩ và cảm xúc là những cánh chim, đề tài là khoảng trời; ý nghĩ và cảm xúc là những con hươu, đề tài là cánh rừng; ý nghĩ và cảm xúc là những con sơn dương mà đề tài là núi; ý nghĩ và cảm xúc là những con đường và đề tài là thành phố mà những con đường sẽ dẫn đến và đưa đi xa. Câu nói của Raxun Gamzatop thực chất muốn khuyên các nhà văn trẻ: cái quyết định tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm, giá trị của tài năng không phải ở đề tài. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn riêng, những khám phá riêng độc đáo về đề tài đó.

Trước hết cái riêng được thể hiện qua những chiếc xe không kính. Hình ảnh xe không kính vô cùng quen thuộc nơi chiến trường, nhưng chỉ mình Phạm Tiến Duật “chộp” được cái chất thơ ấy để cho vào đề tài văn chương của mình. Phạm Tiến Duật đã đưa hình ảnh không thơ chút nào, hình ảnh những chiếc xe vận tải trần trụi đến chân thực với những từ ngữ mộc mạc giản dị song hành cùng điệp ngữ “không có” cứ vương vấn trong tim.

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Điệp từ "không" ấy thôi mà người đọc, người nghe cảm nhận được cái ngang tàng của tứ thơ này. Những chiếc xe không kính không chỉ là chứng tích cho thấy sự tàn phá ác liệt của chiến tranh mà còn là minh chứng hào hùng vẻ vang của các chiến sỹ cách mạng.

“Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Chiếc xe được miêu tả bằng điệp từ tăng cấp nhấn mạnh sự biến dạng của chiếc xe. Càng vào sâu trong chiến trường, xe càng méo mó, xuống cấp. Quả thực hình ảnh thơ là chiếc xe không kính, đây là cái rất riêng của tác giả.

Từ hình ảnh “xe không kính”, Phạm Tiến Duật cũng xây dựng hình ảnh người lính vô cùng độc đáo trên nền chiếc xe ấy. Từ sự khó khăn, gian khổ, vẻ đẹp của người lính trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ càng được nổi bật, càng được tỏa sáng "lửa thử vàng, gian lao thử sức”. Họ có đời sống vật chất khá hơn người lính của thời đại trước. Họ đều là những người trẻ tuổi có xuất thân từ tầng lớp trí thức và có sự dũng cảm, ung dung, lạc quan:

“Ung dung buồng lái ta ngồi

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng,

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái”

Đảo ngữ "ung dung”, điệp ngữ nhìn thấy nhấn mạnh tư thế ung dung, cái nhìn đầy tự chủ, bất khuất, không thẹn với trời đất của người lính. Xe không kính biết bao gian khổ, người lính vẫn vươn lên bằng sự kiên cường, lạc quan.

“Không có kính ừ thì có bụi

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười haha

Không có kính ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”

Cấu trúc "không có kính ừ thì... chưa cần" lặp lại và chi tiết "phì phèo châm điếu thuốc” - “Nhìn nhau mặt lấm cười haha”, “lái trăm cây số nữa” đã cho thấy sự ngang tàng, bất chấp gian khổ của người lính. Lời thơ xô bồ, phóng khoáng. Thực tế, gió, bụi, mưa gây rất nhiều khó khăn cho người chiến sĩ cách mạng, đặc biệt khi ngồi trên chiếc xe không kính, nhưng người lính vẫn lạc quan, hiên ngang, vượt lên mọi gian khổ ấy. Họ chấp nhận đó như một điều tất yếu, lạc quan, gắn bó với đồng đội. Cả bài thơ lấp lánh ánh cười ”ha ha" sảng khoái, tự hào. Đó chính là cái riêng đích thực của thơ ca Phạm Tiến Duật. Bên cạnh đó, hình ảnh người lính trong thơ ông còn có tính đồng đội, đồng chí son sắc, gắn bó. Xe không kính, cả đoàn xe có thể bắt tay qua cửa kính vỡ mà không cần mở nó ra, thật thú vị. Tình đồng đội hóa tình gia đình. Ăn thì phải nấu bếp bí mật là bếp Hoàng Cầm, ngủ thỉ võng mắc ngay trên đường xe chạy chông chênh, nhưng có hề chi, người lính lại đi, lại đi, bầu trời vẫn xanh thêm. Và động lực mạnh mẽ sâu xa tạo lên sức mạnh tinh thần lớn lao, bất chấp gian lao, hiểm nguy đó chính là vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ để thống nhất đất nước, Bắc Nam về chung một mối nghĩa tình. Chính vì lẽ đó, người lính cụ Hồ vẫn đi mặc cho gian khổ, thiếu thốn thế nào.

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

Hình ảnh hoán dụ, trái tim tượng trưng cho lý tưởng cách mạng, niềm tin, tinh thần yêu nước. Cách lí giải của nhà thơ rất bất ngờ và chí lí: trái tim cầm lái. Dù chiếc xe méo mó biến dạng bao nhiêu cũng không quan trọng, điều quan trọng ở đây là vẫn có một trái tim rực lửa đang trong xe, linh hồn của chiếc xe, người lính trẻ nhiệt tình với lòng yêu nước lớn lao, xe cứ thế mà băng qua bao chiến trường, bao trận địa vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

Hơn thế, đọc bài thơ, ta còn cảm thấy cái riêng của Phạm Tiến Duật trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật. Đầu tiên là ở giọng thơ, Phạm Tiến Duật có cách nói ngang tàng, có cả chất nghịch ngợm, phù hợp với đối tượng miêu tả, giọng điệu ấy được tạo lên từ kiểu câu đa dạng, khi giải thích, khi tự sự. Vì thế, lời thơ gần với lời nói tự nhiên, sinh động. Ngôn ngữ cũng là một cái riêng. Bài thơ có ngôn ngữ giản dị, ngôn ngữ chất sống - đời sống chiến trường, khiến cho lời thơ gần với văn xuôi, nhưng vẫn đầy thú vị, có chất thơ. Bên cạnh đó còn là cấu trúc đối lập tương phản giữa cái “không“ và “có“. Thể thơ tự do linh hoạt, bảy chữ và tám chữ, làm cho bài thơ gắn với tự nhiên và rất sinh động.

Cuộc sống phong phú muôn màu muôn vẻ luôn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, chứa nhiều điều bí mật, kỳ diệu cần được khám phá. Bề dày lịch sử văn học thế giới đã được tạo dựng hàng loạt những khám phá riêng ấy. Song điều đó không có nghĩa người nghệ sĩ được phép lùi bước trong sáng tạo. Viên Mai cho rằng: “Làm thơ quý nhất là lật đổ cái án cũ mới hay”. Điều Viên Mai cho rằng “quý nhất” ấy thực chất cần thiết với văn học nói chung, nào phải chỉ riêng, thơ ca. Chỉ có điều: với tư cách là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng phương thức trữ tình, yêu cầu “lật đổ cái án cũ” với thơ ca được đề cao hơn hết thảy.

Người nghệ sĩ phải có một con mắt tinh sắc, một tâm hồn nhạy cảm và một tài năng đã đến độ chín để gửi vào trong tác phẩm giọng nói riêng của mình. Anh có thể học tập, tiếp thu tinh hoa trong tác phẩm của các nhà văn lớp trước nhưng phải trên cơ sở sự sáng tạo. Nói như M.Gorki: “các anh hãy học tập tất cả những nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các anh hãy tìm lấy nốt nhạc lời ca cho riêng mình”.

Người nghệ sĩ không được phép lười biếng hay bắt chước mà phải luôn trong tâm thế tìm tòi, sáng tạo. Tất nhiên điều đó không có nghĩa nhà văn được phép tìm tòi theo hướng cực đoan, viết những điều không ai hiểu được.

Cảm quan của người nghệ sĩ, đôi mắt của người nghệ sĩ, tài năng của người nghệ sĩ đã tạo lập trong tác phẩm của mình một thế giới quan khác nhau. Thế giới được tạo lập không phải một lần. Hiện thực cuộc sống ở tác phẩm này không bao giờ là hiện thực cuộc sống ở tác phẩm khác. Hai tác giả sẽ có hai cách tái hiện cuộc sống khác nhau. Văn chương chân chính không có những lối mòn và người nghệ sĩ chân chính không bao giờ đi theo con đường của người khác. Nghệ thuật là tự khơi lấy một dòng sông (Nam Cao). Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo. Bởi vậy, mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới khác nhau và không thể thay thế nhà văn này bằng một nhà văn khác, nhà thơ này bằng một nhà thơ khác. Qua các tác phẩm, bức tranh hiện thực xã hội không chỉ được tái tạo mà còn được phản ánh sinh động, thể hiện tư tưởng, tình cảm, tài năng của người nghệ sĩ. Qua các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn, người đọc nhận ra những vấn đề lớn lao của thời đại mình, nhận ra những quan điểm nhân sinh sâu sắc về cuộc sống và con người. Cái độc đáo của người nghệ sĩ là sự sáng tạo, là sự riêng biệt trong cách khám phá hiện thực và đưa hiện thực vào trong trang viết. Người nghệ sĩ độc đáo là người nghệ sĩ có tài năng lớn. Thế giới được tạo lập chính là kết quả sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ càng lớn thì thế giới được tạo lập trong tác phẩm của họ càng trở nên sâu sắc và thực sự trở thành bước ngoặt vĩ đại. Như ý của Ang-ghen về bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Ban-dắc: qua sáng tác của Ban-dắc, tôi hiểu được xã hội Pháp nhiều hơn qua tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế, chính trị, các nhà thống kê thời bấy giờ gộp lại. Văn học là một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống mà mỗi chương của nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, không có chương nào giống chương nào.

Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật, người làm thơ phải luôn ý thức: sáng tạo cái độc đáo. Không ai đòi hỏi khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế này, xúc động thế kia. Đấy là công việc của nhà làm thơ. “Sáng tác thơ là một việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể”. Bởi vì mỗi tâm hồn là một “vương quốc riêng”, mỗi bài thơ là một đứa con tinh thần riêng của người nghệ sĩ, thật khó tìm thấy sự trùng lặp trong sáng tạo. Bởi vì “tầm thường là cái chết của nghệ thuật”, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của thơ ca. Độc đáo luôn là yêu cầu muôn đời của văn chương nghệ thuật.

Từ khóa » Sự Lặp Lại Là Cái Chết Của Nghệ Thuật