Nghị Luận Văn Chương Không Có Gì Riêng Sẽ Không Là Gì Cả
Có thể bạn quan tâm
Nghị luận Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả - giải thích, chứng minh cho nhận định, quan điểm về cái riêng trong văn chương.
Một số mẫu dàn ý chi tiết nghị luận Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả
Dàn ý 1: Chứng minh nhận định qua bài thơ Tây Tiến
1. Giải thích nhận định:
- Riêng: nét mới, cái độc đáo.
- Vì sao văn chương phải có cái riêng: văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một "chân trời" riêng, một "biên cương" riêng. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.
- Vì sao văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả: mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Nhà văn có phong cách nghệ thuật mờ nhạt sẽ bị người đọc quên lãng; lặp lại mình hoặc lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn. Cái bình thường là cõi chết của nghệ thuật (M.Gorki).
=> Nhận định nhấn mạnh tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cái độc đáo cho tác phẩm.
2. Phân tích bài thơ để làm rõ vấn đề nghị luận
- Nét riêng trong lựa chọn, xử lí đề tài, xác định chủ đề: Người lính Tây Tiến xuất thân là những trí thức Hà Thành. Họ vừa có dáng dấp của những tráng sĩ thuở trước vừa mang đậm vẻ đẹp của người lính chống Pháp, vừa mang vẻ đẹp lãng mạn vừa có chất bi tráng.
- Cách nhìn, cách cảm thụ giàu khám phá nghệ thuật (cách nhìn, cách cảm mới mẻ về người lính): trong số những bài thơ viết về người lính năm 1948 như Nhớ của Hồng Nguyên, Cá nước của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu.....thì Tây Tiến của Quang Dũng nói nhiều đến sự hi sinh. Tác giả không ngần ngại nói đến cái chết của người lính ở chiến trường, ở rừng sâu nước độc, ở biên giới Tây Bắc, cái chết vì súng đạn, cái chết vì bệnh tật, thiếu thốn.... nhưng đoạn thơ và cả bài thơ vẫn không hề gây cảm giac bi lụy.
- Giọng điệu riêng của bài thơ: Cả bài thơ được bao trùm trong nỗi nhớ. Nỗi nhớ ấy gợi về những kỉ niệm, những hình ảnh với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, được diễn tả bằng những giọng điệu phù hợp với mỗi trạng thái cảm xúc.
+ Đoạn 1: giọng tha thiết, bồi hồi, được cất lên thành những tiếng gọi những từ cảm thán.
+ Đoạn 2: tái hiện kỉ niện về những đêm liên hoan thắm tình quân dân, giọng điệu chuyển sang hồn nhiên, tươi vui; sau đó bâng khuâng, man mác khi gợi lại một cảnh chia tay trong một chiều sương mờ bao phủ Châu Mộc.
+ Đoạn 3: giọng thơ trang trọng bi tráng, tái hiện hình ảnh người lính Tây Tiến và sự hi sinh cao cả của họ.
+ Đoạn 4: tha thiết, bồi hồi....
=> Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là bi tráng.
- Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mang đậm dấu ấn riêng:
+ Hình ảnh trong bài thơ được sáng tạo bằng nhiều bút pháp khác nhau, tạo nên những sắc thái thẩm mỹ phong phú. Trong bài thơ có hai hình ảnh chính: thiên nhiên miền Tây và người lính Tây Tiến. Ở mỗi loại hình ảnh có hai dạng chính, tạo nên sắc thái thẩm mỹ phối hợp, bổ sung cho nhau.
- Thiên nhiên có cái dữ dội, khắc nghiệt, hoang sơ, hùng vĩ: thanh trắc, nét vẽ khoẻ khoắn, dữ dằn. Bên cạnh đó, có những hình ảnh thiên nhiên đầy thơ mộng, ẩn hiện trong sương khói, trong màn mưa, hoa đong đưa: thanh bằng, nét vẽ nhoè mờ kiểu tranh lụa. Tác giả đã sử dụng nhiều bút pháp để miêu tả, dựng hình ảnh, có khi tả cận cảnh, dừng lại ở những chi tiết khá cụ thể, có khi lại lùi xa để bao quát khung cảnh rộng, mở ra bức tranh phóng khoáng và hùng vĩ của miền Tây.
- Hình ảnh người lính Tây Tiến cũng hiện ra với nhiều sắc thái, chủ yếu là hào hùng và hào hoa. Hào hùng ở ý chí, tư thế hiên ngang, coi thường gian khổ. Hào hoa ở tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, đằm thắm tình người và cả những khát khao, mơ mộng.
=> Trong thơ có nhạc, có họa, có chạm khắc theo một cách riêng.
+ Đặc sắc ngôn ngữ của Tây Tiến là sự phối hợp, hòa trộn của nhiều sắc thái phong cách với ngôn ngữ những lớp từ vựng đặc trưng. Có thứ ngôn ngữ trang trọng, mang màu sắc cổ kính, chủ yếu miêu tả hình ảnh Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ. Có lớp từ ngữ sinh động của tiếng nói hàng ngày, in đậm phong cách người lính.
- Một nét sáng tạo trong ngôn ngữ là có những kết hợp từ độc đáo mới lạ tạo nghĩa mới hoặc sắc thái mới: nhớ chơi vơi, đêm hơi, súng ngửi trời, mưa xa khơi, mùa em thơm nếp xôi...
- Sử dụng địa danh: tạo ấn tượng về tính cụ thể, xác thực của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người; gợi được vẻ heo hút nhưng cũng rất hấp dẫn của xứ lạ phương xa.
+ Thể thơ 7 chữ với các biện pháp tu từ: nhân hoá, sử dụng từ láy, liệt kê, nghệ thuật đối...
3. Đánh giá chung
- Nội dung: Tây Tiến của Quang Dũng đã dựng lên đươc một bức tượng đài bất tử về người lính Tây Tiến hào hoa, dũng cảm. Nhà thơ đã tái hiện được hiện thực bi hùng của cuộc kháng chống Pháp trong niềm cảm hứng lãng mạn dạt dào.
- Nghệ thuật: Bài thơ hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật thơ Quang Dũng.
- Tây Tiến là một đóng góp đặc biệt của Quang Dũng cho thơ ca viết về người lính của văn học dân tộc.
>>> Tham khảo thêm: Phong cách là chỗ độc đáo về tư tưởng và nghệ thuật của nhà văn ưu tú
Dàn ý 2: Chứng minh nhận định qua bài thơ Sóng
Trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về lí luận văn học và những kiến thức thuộc phạm vi đề bài, học sinh có thể trình bày vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ được các ý chính sau:
1. Giải thích nhận định:
– Văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo. Mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng, nét mới ở ý tưởng nghệ thuật cũng như ở hình thức biểu hiện. Mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, một “chân trời” riêng, một “biên cương” riêng. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.
– Mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm chương không có gì mới sẽ không được người đọc tiếp nhận. Nhà văn có phong cách nghệ thuật mờ nhạt sẽ bị người đọc quên lãng; lặp lại mình hoặc lặp lại người khác đều là điều tối kị trong hoạt động sáng tác của nhà văn…
– Biểu hiện của cái riêng trong văn chương:
+ Giọng điệu riêng biệt của tác phẩm.
+ Cách nhìn, cách cảm của nhà văn có tính chất khám phá.
+ Yếu tố mới trong nội dung tác phẩm.
+ Sử dụng các thủ pháp nghệ thuật mang dấu ấn riêng
2. Phân tích bài thơ để làm rõ vấn đề nghị luận
a/ Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
– Tác giả:
+ Xuân Quỳnh thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong chống Mĩ.
+ Tác giả của những thi phẩm nổi tiếng: Hoa dọc chiến hào (1968), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989)…
+ Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường.
– Tác phẩm:
+ Sóng là bài thơ viết về tình yêu hạnh phúc, trích trong tập Hoa dọc chiến hào, viết năm 1967, tại biển Diêm Điền, Thái Bình.
+ Thơ năm chữ, có cấu tứ độc đáo – mượn sóng để nói đến khát vọng tình yêu.
b/ Phân tích:
– Giọng điệu chung của bài thơ: dào dạt, da diết, khát khao, âu lo, day dứt… Mỗi câu thơ như một con sóng vỗ vào bờ, gợi tả tinh tế nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ đang yêu.
– Cách nhìn, cách cảm mới mẻ về tình yêu: Qua hình tượng “sóng” và “em”, tình yêu được thể hiện ở nhiều cung bậc, sắc độ:
+ Những biến động khác thường, nghịch lí trong lòng người phụ nữ đang yêu. (Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ).
+ Khát vọng vươn xa, thoát khỏi sự chật chội, tầm thường; tìm sự đồng điệu. Yêu là đưa lòng ra biển lớn (Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể).
+ Tình yêu là nỗi khát vọng muôn đời. Yêu là hiện tượng vĩnh hằng (Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế).
+ Nhu cầu lí giải sự khởi nguồn, khởi điểm của tình yêu. (Em nghĩ về anh em/Em nghĩ về biển lớn/Từ nơi nào sóng lên ?…Khi nào ta yêu nhau).
+ Nỗi nhớ nhung da diết, mãnh liệt. Nó chiếm cả bề rộng và tầng sâu; khắc khoải trong mọi thời gian, cả trong ý thức và vô thức; khắc khoải trong mọi không gian.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.
+ Niềm tin về một tình yêu dù cách trở vẫn đến được bến bờ hạnh phúc.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở.
+ Nỗi trăn trở về sự hữu hạn của cuộc đời; niềm mong mỏi về sự vô hạn trong tình yêu.
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
– Nét mới trong nội dung:
+ Tình yêu nồng cháy, mãnh liệt, bí ẩn nhưng giàu nữ tính, đòi hỏi sự thủy chung trong một tình yêu đúng nghĩa, hướng đến cuộc sống chung.
+ Khát vọng tình yêu như một nhu cầu tự nhận thức, khám phá cái tôi bản thể.
– Hình thức, kĩ thuật biểu hiện mang đậm dấu ấn riêng:
+ Kết cấu: kết cấu song hành “sóng” và “em”.
+ Cách biểu hiện vừa mới mẻ vừa truyền thống, đặc biệt là cách sử dụng hình tượng sóng: mỗi trạng thái tâm hồn của người phụ nữ đang yêu đều có thể tìm thấy sự tương đồng với một khía cạnh, một đặc tính của sóng.
+ Thể thơ 5 chữ, các câu nối tiếp gợi liên tưởng từng đợt sóng vào bờ.
c/ Đánh giá chung:
– Nội dung: Tình yêu trong bài thơ là tình yêu hạnh phúc, gắn liền với cuộc sống chung (không phải tình yêu đau khổ, không phải tình đầu non nớt, vụng dại), với nhiều đam mê khao khát, đòi hỏi chiều sâu trong tình cảm.
– Nghệ thuật:
+ Bài thơ hội tụ nhiều nét tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh.
+ Sóng là một đóng góp đặc biệt của Xuân Quỳnh cho thơ ca viết về tình yêu của văn học dân tộc.
Dàn ý 3: Chứng minh nhận định qua vẻ đẹp sông Đà và sông Hương
1. Giải thích
- Riêng: là nét mới độc đáo
- Vì sao văn chương cần có cái riêng:
+ Vì văn chương là lĩnh vực của cái độc đáo, mỗi tác phẩm văn chương phải có nét riêng và nét mới ở nội dung, hình thức và ý tưởng. Mỗi nhà văn phải có chân trời riêng, khám phá riêng, tạo thành phong cách riêng. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn.
+ Văn chương không có nét riêng sẽ không là gì cả: mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương.... cái bình thường là cái chết của nghệ thuật nên mỗi nhà văn phải sáng tạo không ngừng.
=> Câu nói nhấn mạnh tầm quan trọng của phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cái độc đáo cho tác phẩm.
2. Chứng minh nhận định qua hai tác phẩm để làm rõ vấn đề nghị luận
a) Phân tích hình ảnh con sông Đà
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng con sông Đà
- Nét riêng trong việc lựa chọn, xử lí đề tài, xác định chủ đề:
+ Hình ảnh con sông Đà ngang tàn, độc đáo, chảy về hướng Bắc mang vẻ đẹp vừa kì vĩ vừa thơ mộng, cuốn hút cảm xúc của Nguyễn Tuân.
+ Trong số rất nhiều áng thơ văn hay viết về những dòng sông trên đất nước ta thì hình ảnh sông Đà mang nét riêng có nhất: nó như một sinh thể sống có tâm địa và diện mạo như kẻ thù số một của con người
- Nét riêng trong việc cảm nhận và miêu tả dòng sông:
+ Sự hùng vĩ của sông Đà được lựa chọn bằng những hình ảnh chi tiết tiêu biểu: vách đá, mặt ghềnh, hút nước, thạch trận…
+ Vẻ đẹp của sông Đà còn được nhà văn miêu tả như một dòng chảy trữ tình tràn trên trang viết. Sự trữ tình của sông Đà cũng được lựa chọn ở chi tiết tiêu biểu: dáng vẻ, màu nước, bờ bãi trên sông:.....
- Nét riêng trong nghệ thuật:
+ Hình tượng cái tôi độc đáo, tài hoa, uyên bác
+ Sự am hiểu sâu rộng về kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lí.....
+ Tình yêu và những cảm xúc say mê, mãnh liệt của nhà văn trước cái đẹp của thiên nhiên, đất nước.
+ Hành văn biến hóa linh hoạt...
=> Đánh giá chung: Người lái đò sông Đà là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Tuân và thể hiện sự thay đổi và sự thống nhất trong sáng tác của nhà văn. Tác phẩm và đặc biệt là hình ảnh dòng sông Đà là đóng góp đặc biệt và riêng có của Nguyễn Tuân cho thể tùy bút viết về con sông quê hương.
b) Phân tích hình ảnh sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng con sông Hương.
- Nét riêng trong việc lựa chọn, xử lí đề tài, xác định chủ đề:
+ Hình ảnh sông Hương thơ mộng, trữ tình, trầm mặc như triết lí như cổ thi được cảm nhận từ góc độ địa lí, văn hóa, lịch sử....
+ Vẻ đẹp của sông Hương là vẻ đẹp của chiều sâu tâm hồn và văn hóa con người Huế....
- Nét riêng trong cách nhìn, cách cảm thụ của tác giả:
+ Dưới ngòi bút tài hoa, lịch lãm, hướng nội của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương luôn được cảm nhận ở vẻ đẹp giàu nữ tính: Ở thượng nguồn; Ở đồng bằng; Ở trung tâm thành phố Huế; Rời khỏi kinh thành Huế; Sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử, thi ca, âm nhạc Huế....
- Nét riêng trong nghệ thuật:
+ Bút pháp tả ít gợi nhiều, so sánh độc đáo, mới lạ
+ Hành văn hướng nội.....
+ Tư liệu chính xác, phong phú.
+ Khả năng quan sát tinh tế, nhiều hình ảnh giàu chất thơ.
+ Ngôn ngữ sống động, linh hoạt, đậm chất trữ tình.
=> Áng văn giàu chất thơ thể hiện những khám phá, những cảm nhận riêng có của tác giả về sông Hương và xứ Huế. Đánh giá: sông Hương trong bút kí là sản phẩm của một cái tôi nghệ sĩ tinh tế, tài hoa, một cái tôi giàu văn hóa và trí tưởng tượng, say đắm trong tình yêu quê hương đất nước. Cái tôi “riêng có” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm nên sự đa dạng cho thể kí và làm nên vẻ đẹp phong phú và đa dạng đậm chất thơ của sông Hương.
3. Đánh giá ý kiến
- Ngắn gọn, chính xác, đầy đủ.
- Thể hiện những đặc trưng trong quá trình sáng tác văn học và tiếp nhận văn học.
- Đề cao sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ.
- Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc
Bài văn mẫu chứng minh Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả qua tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Nhà văn R.Gamzatep từng nhận định: "Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo tới đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp, không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn phải đẹp một cách riêng”. Thật đúng như vậy, văn chương luôn đòi hỏi những người nghệ sỹ biết đào sâu, tìm tòi, khơi những điều chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai có. Giống như ai đó từng nói: "Văn chương không có gì riêng, sẽ không có gì cả”. "Bài thơ về tiểu đội xe không kính” có thể nói là một minh chứng xác thực cho cái riêng trong văn chương.
Ý kiến trên là một cái nhìn hoàn toàn đúng đắn về văn chương. Nó đã khẳng định văn chương là một lĩnh vực độc đáo mới lạ. Mỗi tác phẩm văn chương phải là một thế giới nghệ thuật riêng, một chân trời riêng, một lối đi riêng. Viên Mai từng nói ”Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì phải có cái tôi”. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn. Và điều mới mẻ độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm văn chương không có gì mới mẻ sẽ khó được người đọc chấp nhận. Hay nhà văn có phong cách mờ nhạt, không có dấu ấn riêng sẽ dễ bị người ta lãng quên. Cái riêng ấy thường được thể hiện qua giọng điệu, cách nhìn của nhà văn, yếu tố độc đáo về nội dung hay nghệ thuật, cách sử dụng các biện pháp tu từ… Nếu lấy điều đó làm thước đo thì nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thành công khi thể hiện cái tôi rất riêng của mình qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Tác phẩm sáng tác năm 1969, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ khi nhà thơ tham gia chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn, trước sự phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ vào nước ta. Có thể khẳng định, tác phẩm mang cái riêng rất độc đáo và đặc sắc.
Trước hết cái riêng được thể hiện qua những chiếc xe không kính. Hình ảnh xe không kính vô cùng quen thuộc nơi chiến trường, nhưng chỉ mình Phạm Tiến Duật “chộp” được cái chất thơ ấy để cho vào đề tài văn chương của mình. Phạm Tiến Duật đã đưa hình ảnh không thơ chút nào, hình ảnh những chiếc xe vận tải trần trụi đến chân thực với những từ ngữ mộc mạc giản dị song hành cùng điệp ngữ “không có” cứ vương vấn trong tim.
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Điệp từ "không" ấy thôi mà người đọc, người nghe cảm nhận được cái ngang tàng của tứ thơ này. Những chiếc xe không kính không chỉ là chứng tích cho thấy sự tàn phá ác liệt của chiến tranh mà còn là minh chứng hào hùng vẻ vang của các chiến sỹ cách mạng.
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Chiếc xe được miêu tả bằng điệp từ tăng cấp nhấn mạnh sự biến dạng của chiếc xe. Càng vào sâu trong chiến trường, xe càng méo mó, xuống cấp. Quả thực hình ảnh thơ là chiếc xe không kính, đây là cái rất riêng của tác giả.
Từ hình ảnh “xe không kính”, Phạm Tiến Duật cũng xây dựng hình ảnh người lính vô cùng độc đáo trên nền chiếc xe ấy. Từ sự khó khăn, gian khổ, vẻ đẹp của người lính trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ càng được nổi bật, càng được tỏa sáng "lửa thử vàng, gian lao thử sức”. Họ có đời sống vật chất khá hơn người lính của thời đại trước. Họ đều là những người trẻ tuổi có xuất thân từ tầng lớp trí thức và có sự dũng cảm, ung dung, lạc quan:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng,
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”
Đảo ngữ "ung dung”, điệp ngữ nhìn thấy nhấn mạnh tư thế ung dung, cái nhìn đầy tự chủ, bất khuất, không thẹn với trời đất của người lính. Xe không kính biết bao gian khổ, người lính vẫn vươn lên bằng sự kiên cường, lạc quan.
“Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười haha
Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”
Cấu trúc "không có kính ừ thì... chưa cần" lặp lại và chi tiết "phì phèo châm điếu thuốc” - “Nhìn nhau mặt lấm cười haha”, “lái trăm cây số nữa” đã cho thấy sự ngang tàng, bất chấp gian khổ của người lính. Lời thơ xô bồ, phóng khoáng. Thực tế, gió, bụi, mưa gây rất nhiều khó khăn cho người chiến sĩ cách mạng, đặc biệt khi ngồi trên chiếc xe không kính, nhưng người lính vẫn lạc quan, hiên ngang, vượt lên mọi gian khổ ấy. Họ chấp nhận đó như một điều tất yếu, lạc quan, gắn bó với đồng đội. Cả bài thơ lấp lánh ánh cười ”ha ha" sảng khoái, tự hào. Đó chính là cái riêng đích thực của thơ ca Phạm Tiến Duật. Bên cạnh đó, hình ảnh người lính trong thơ ông còn có tính đồng đội, đồng chí son sắc, gắn bó. Xe không kính, cả đoàn xe có thể bắt tay qua cửa kính vỡ mà không cần mở nó ra, thật thú vị. Tình đồng đội hóa tình gia đình. Ăn thì phải nấu bếp bí mật là bếp Hoàng Cầm, ngủ thỉ võng mắc ngay trên đường xe chạy chông chênh, nhưng có hề chi, người lính lại đi, lại đi, bầu trời vẫn xanh thêm. Và động lực mạnh mẽ sâu xa tạo lên sức mạnh tinh thần lớn lao, bất chấp gian lao, hiểm nguy đó chính là vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ để thống nhất đất nước, Bắc Nam về chung một mối nghĩa tình. Chính vì lẽ đó, người lính cụ Hồ vẫn đi mặc cho gian khổ, thiếu thốn thế nào.
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Hình ảnh hoán dụ, trái tim tượng trưng cho lý tưởng cách mạng, niềm tin, tinh thần yêu nước. Cách lí giải của nhà thơ rất bất ngờ và chí lí: trái tim cầm lái. Dù chiếc xe méo mó biến dạng bao nhiêu cũng không quan trọng, điều quan trọng ở đây là vẫn có một trái tim rực lửa đang trong xe, linh hồn của chiếc xe, người lính trẻ nhiệt tình với lòng yêu nước lớn lao, xe cứ thế mà băng qua bao chiến trường, bao trận địa vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.
Hơn thế, đọc bài thơ, ta còn cảm thấy cái riêng của Phạm Tiến Duật trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật. Đầu tiên là ở giọng thơ, Phạm Tiến Duật có cách nói ngang tàng, có cả chất nghịch ngợm, phù hợp với đối tượng miêu tả, giọng điệu ấy được tạo lên từ kiểu câu đa dạng, khi giải thích, khi tự sự. Vì thế, lời thơ gần với lời nói tự nhiên, sinh động. Ngôn ngữ cũng là một cái riêng. Bài thơ có ngôn ngữ giản dị, ngôn ngữ chất sống - đời sống chiến trường, khiến cho lời thơ gần với văn xuôi, nhưng vẫn đầy thú vị, có chất thơ. Bên cạnh đó còn là cấu trúc đối lập tương phản giữa cái “không“ và “có“. Thể thơ tự do linh hoạt, bảy chữ và tám chữ, làm cho bài thơ gắn với tự nhiên và rất sinh động.
Có một bài ca không bao giờ quên, và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính“ là một trong số bài ca chúng ta không thể quên đó. Bằng cái riêng trong nội dung và nghệ thuật, Phạm Tiến Duật đưa thơ của mình gần tới người đọc, mặc dù có chất riêng, nhưng thơ của Phạm Tiến Duật cũng có những cái chung trong đề tài hình ảnh người lính trong kháng chiến khiến cho bài thơ không hề lạc lõng. Quả thật, Phạm Tiến Duật đã góp phần vào đề tài thơ văn một bài thơ rất hay.
Gấp lại trang thơ của Phạm Tiến Duật, ta còn âm hưởng những cái riêng mà tác giả gửi đến. Bài thơ đúng là một khám phá đáng trân trọng của tác giả, mở đầu cho các nhà thơ khác có cơ hội học hỏi. Mọi người với vai trò là một nhà văn nhà thơ cũng cần cái riêng cho riêng mình.
-/-
Trên đây là 3 mẫu dàn ý chi tiết nghị luận về quan điểm: Văn chương không có gì riêng, sẽ không là gì cả, chứng minh qua các tác phẩm văn học khác nhau. Các em có thể lựa chọn một trong 3 dàn ý để triển khai thành một bài nghị luận hoàn chỉnh, hoặc có thể lựa chọn một tác phẩm khác phù hợp yêu cầu đề bài và vẫn phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản.
Từ khóa » Sự Lặp Lại Là Cái Chết Của Nghệ Thuật
-
Bàn Về Lao động Nghệ Thuật Của Nhà Văn Mác-xen Pruxt Cho Rằng
-
Chuyên đề Bồi Dưỡng Học Sinh Giỏi Môn Văn | ThayHieu.Net
-
Trong Truyện Ngắn “Đời Thừa”, Nam Cao Viết: “Văn Chương... Chưa ...
-
Lí Luận Văn Học Về Sự Sáng Tạo
-
Đề Bài: Bàn Về Những Vấn đề Liên Quan đến Văn Học, Mác-xen Pruxt ...
-
Lý Luận Văn Học Về Sự Sáng Tạo - Trường THPT Trịnh Hoài Đức
-
MS549 - Nghị Luận Về Câu Nói: Nghệ Thuật Là ở Chỗ Tìm Ra Cái Phi ...
-
[ Văn Mẫu Lớp 12] - Nghệ Thuật Là Lĩnh Vực Của Cái độc đáo, Vì Vậy Nó ...
-
Hiện Thực Và Sáng Tạo Trong Văn Học
-
Tác Phẩm Nghệ Thuật Nào Cũng Xây Dựng Bằng Những Vật Liệu Mượn ...
-
Nghị Luận: Không Có Giới Hạn Cuối Cùng Nào Cho Sáng Tạo. Văn Học ...
-
Văn Học Là Nơi Tái Hiện Lại Cuộc Sống Con Người, Và Khởi Nguồn Của ...
-
Những Nhận định Hay Về Sự Sáng Tạo Trong Văn Học
-
[DOC] BẢY CHUYÊN ĐỀ VỀ LÍ LUẬN VĂN HỌcx