Đề Cương ôn Tập Môn Pháp Luật đại Cương - ĐH CNTT Và Truyền ...

Câu 1: Pháp luật là gì? Phân tích nguồn gốc hình thành pháp luật?

Định nghĩa pháp luật: Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển xã hội.

– Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chứng minh rằng:

+ Pháp luật và nhà nước là 2 hiện tượng cùng xuất hiện, tồn tại, phát triển và tiêu vong gắn liền với nhau: Pháp luật không phải là một hiện tượng xã hội vĩnh cửu, bất biến. Nó chỉ xuất hiện khi xã hội loài người phát triển đến một giai đoạn nhất định. Nó sẽ tự tiêu vong cùng với nhà nước khi những điều kiện khách quan cho sự tồn tại của nhà nước và pháp luật không còn nữa.

+ Pháp luật và nhà nước là những hiện tượng xã hội mang tính lịch sử,đều lag sản phẩm của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Thứ nhất: Giai cấp thống trị bằng con đường nhà nước đã vận dụng các tập quán nâng chúng lên thành các quy phạm pháp luật

Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ chưa có pháp luật các quy tắc xử sự chung trong quan hệ giữa người với người tồn tại chủ yếu dưới hình thức của tập quán và tín điều tôn giáo và được đảm bảo thực hiện bằng sự tự giác của mỗi người bằng uy tín tự nhiên của các thủ lĩnh cộng đồng.

– Khi chế độ tư hữu ra đời và xã hội phân chia thành các giai cấp có lợi ích đối lập nhau thì các tập quán cũ không còn phù hợp nữa, vì các tập quán thể hiện ý chí chung và bảo vệ lợi ích của mọi thành viên trong cộng đồng thị tộc, bộ lạc. Tầng lớp có của luôn cố gắng hướng mọi hành vi của mọi người phù hợp với lợi ích của riêng họ. Lợi dụng địa vị xã hội của mình, họ đã tìm cách giữ lại những tập quán có lợi, vận dụng và biến đổi nội dung các tập quán sao cho chúng phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, nhằm mục đích củng cố vào bảo vệ một trật tự xã hội mong muốn. Bằng sự thừa nhận của nhà nước, các quy tắc tập quán đã bị biến đổi ấy trở thành những quy tắc xử sự chung. Đây là con đường thứ nhất hình thành nên pháp luật.

Thứ hai: Nhà nước ban hành những văn bản quy phạm pháp luật mới để điều chỉnh những mối quan hệ xã hội phức tạp mới phát sinh.

– Mặt khác, những quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp mới phát sinh trong quả trình phát triển của xã hội đặt ra những yêu cầu phải có những quy tắc mới để điều chỉnh …Vì vậy tổ chức quyền lực mới ra đời (nhà nước) đã tiến hành hoạt động xây dựng các quy tắc xử sự mới trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động này lúc đầu còn đơn giản, nhiều quyết định của toà án và cơ quan hành chính được coi như những quy tắc xử sự chung có tính chất bắt buộc. Đây là con đường thứ hai hình thành pháp luật.

– Ngoài ra, hệ thống pháp luật còn được hình thành dần dần cùng với việc thiết lập và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm củng cố chế độ tư hữu và quy định đặc quyền của giai cấp thống trị.

=>Như vậy: Nhà nước và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với nhau: Pháp luật ra đời cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Nhà nước ban hành và bảo đảm cho pháp luật được thực hiện ngược lại, pháp luật là công cụ, là phương tiện không thể thiếu được để nhà nước thực hiện quyền lực chính trị.

Câu 2: Phân tích bản chất của pháp luật:

Bản chất của pháp luật là những vấn đề thuộc về những dấu hiệu bên trong của pháp luật.

Tính giai cấp của pháp luật

– Việc phân tích nguồn gốc của pháp luật đã chứng tỏ, pháp luật ra đời trước hết từ nhu cầu bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị.

Trong xã hội có giai cấp, pháp luật phản ánh tương quan lực lượng giữa các giai cấp, sự thoả hiệp giữa các giai cấp, các nhóm, các tập đoàn có lợi ích đối lập nhau. Vì vậy xét về bản chất, pháp luật luôn mang tính giai cấp sâu sắc.

– Nhưng ý chí của giai cấp thống trị thể hiện trong pháp luật không phải là ý muốn chủ quan của một người, một nhóm người nào trong giai cấp thống trị. Xét cho đến cùng là do các lợi ích kinh tế khách quan của giai cấp đó, cũng tức là do các quan hệ sản xuất khách quan mà giai cấp đó là đại diện quyết định.

Khi bàn về bản chất của pháp luật tư sản Mác và Ăngghen viết: Pháp luật của các ông chẳng qua chỉ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành luật, cái ý chí mà nội dung là do điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định”. C.Mác và Ph. Awnghen: Tuyển tập. Tập 1, Nxb Sự thật, HN1980, tr 562

Vì vậy khi nói đến tính giai cấp của pháp luật cũng đồng thời có nghĩa là khẳng định tính chất bị quy định bởi các điều kiện kinh tế khách quan của nó. Mác đã từng nói, pháp luật không bao giờ có thể cao hơn trình độ kinh tế của xã hội.

Vai trò xã hội của pháp luật.

– Trong thực tế, bên cạnh các quy tắc xử sự bị chi phối bởi lợi ích của giai cấp thống trị còn có các quy tắc xử sự khác xuất phát từ nhu cầu chung của đời sống xã hội. Những quy tắc đó điều chỉnh các hành vi, cách xử sự mang tính phổ biến phù hợp với lợi ích của đa số trong cộng đồng phản ánh các nhu cầu, quy luật tồn tại khách quan của xã hội mà bất kỳ xã hội nào với chính thể nhà nước nào cũng phải tuân thủ.

– Trong điều kiện tồn tại nhà nước, với tư cách là người quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, nhằm giữ cho các hoạt động trong xã hội tồn tại, ổn định, trong vòng kiểm soát thì nhà nước cũng thể chế hoá các quy tắc đó thành pháp luật. Nhờ vậy mà các quy tắc xử sự này được áp dụng một cách phổ biến, thống nhất hơn và do vậy tác động mạnh mẽ, hiệu quả hơn đối với cộng đồng xã hội. Pháp luật của các nhà nước đặt ra để điều chỉnh phần lớn các quan hệ xã hội.

Tính dân tộc, tính mở của pháp luật

– Tính dân tộc của pháp luật: Pháp luật của mỗi nước muốn được người dân thừa nhận là của mình thì phải được xây dựng trên nền tảng dân tộc. Phải thấm nhuần tính dân tộc. Nó phản ánh được phong tục, tập quán, đặc điểm lịch sử, điều kiện địa lý và trình độ văn minh, văn hóa của dân tộc.

– Tính mở của pháp luật: Sẵn sàng tiếp nhận những nền văn minh văn hóa pháp lý cả nhân loại để làm giàu cho nền pháp lý của riêng mình.

Câu 3: Quy phạm pháp luật là gì? Phân tích các yếu tố cấu thành quy phạm pháp luật.

– Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do nhà nước đặt ra và bảo đảm thực hiện. Thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội tạo lập trật tự ổn định cho sự phát triển xã hội.

Cơ cấu của quy phạm pháp luật.

Mỗi QPPL được đặt ra nhằm điều chỉnh một quan hệ xã hội nào đó đo đó, QQPL phải trả lời đươc những câu hỏi sau:

1. QPPL được áp dụng trong trường hợp nào?

2. Gặp trường hợp này Nhà nước muốn người ta xử sự với nhau như thế nào?

3. Nếu xử sự không đúng với yê cầu của nhà nước thì Nhà nước sẽ tác động như thế nào?

Trả lời ba câu hỏi trên tương ứng với ba bộ phận cấu thành QPPL.

a) Giả định:

Giả định là bộ phận của quy phạm quy định địa điểm, thời gian, chủ thể, các hoàn cảnh, tình huống có thể xảy ra trong thực tế mà nếu tồn tại chúng thì phải hành động theo quy tắc mà quy phạm đặt ra.

Giả định được chia thành hai loại:

+ Giả định xác định:Là giả định được liệt kê một cách tuyệt đối dứt khoát, thật chính xác, rõ ràng các hoàn cảnh, các tình huống, địa điểm, thời gian, điều kiện cụ thể của việc áp dụng QPPL mà trong đó mệnh lệnh của quy phạm đòi hỏi phải được thực hiện.

+ Giả định xác định tương đối: Là một giả định không chỉ rõ những đặc điểm cụ thể mà chỉ nêu những đặc điểm chung của các tình tiết, sự kiện. Nó không tồn tại một cách độc lập mà chỉ là phần bổ xung thêm cho giả định xác định.

b) Quy định.

Quy định là bộ phận của QPPL trong đó nêu quy tắc xử sự buộc mọi chủ thể phải xử sự theo. Khi trong hoàn cảnh, điều kiện đã giả định, người ta được làm gì, phải làm gì và không được làm gì.

Quy định là yếu tố trung tâm của quy phạm pháp luật. Quy tắc xử sự nêu trong phần quy định của QPPL chính là mệnh lệnh của nhà nước buộc mọi chủ thể phải tuân theo, nó trực tiếp thể hiện ý chí của nhà nước. Đồng thời nêu lên những hành vi xử sự tiêu chuẩn, hành vi “mẫu” mà nhà nước đặt ra đối với các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ pháp luật.

– Theo tính chất các quy định người ta chia thành: quy phạm mệnh lệnh, quy định tuỳ nghi, quy định giao quyền.

+ Quy định mệnh lệnh nêu lên một cách dứt khoát, rõ ràng điều cấm làm hoặc điều bắt buộc phải làm. Do đó, quy định mệnh lệnh bao gồm quy định ngăn cấm và quy định bắt buộc.

+ Quy định tuỳ nghi không nêu dứt khoát, rõ ràng cách xử sự nhất định mà để cho các bên được tự thoả thuận, định đoạt trong phạm vi nào đó. Đây là những loại quy định thường gặp trong pháp luật dân sự và pháp luật kinh doanh.

+ Quy định giao quyền: là trực tiếp xác định quyền hạn của một chức vụ, một cơ quan nào đó trong bộ máy nhà nước hoặc xác định các quyền nào đó của công dân của một tổ chức.

c) Chế tài.

Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật trong đó chỉ ra những biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không hết mệnh lệnh của nhà nước đã nêu trong phần quy định.

Nét đặc trưng của chế tài thể hiện ở chỗ:

+ Chế tài là bộ phận đảm bảo tính cưỡng chế của pháp luật.

+ Chế tài thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật.

Câu 4: Khái niệm thực hiện pháp luật? các hình thức thực hiện pháp luật?

Thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích mà các chủ thể pháp luật bằng hành vi của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong thực tế đời sống.

Các hình thức thực hiện pháp luật

Gồm 4 hình thức:

– Tuân thủ pháp luật

– Thi hành pháp luật

– Sử dụng pháp luật

– Áp dụng pháp luật

Tuân thủ pháp luật

– Là hình thức thực hiện những quy định mang tính chất ngăn cấm của pháp luật bằng hành vi thụ động trong đó các chủ thể kiềm chế không làm những điều mà pháp luật cấm.

VD: Một công dân không thực hiện những hành vi phạm tội được quy định trong bộ luật hình sự, không sử dụng, mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy tức là công dân đó đã tuân thủ pháp luật….

Thi hành pháp luật

– Là hình thức thực hiện những quy định mang nghĩa vụ bắt buộc của pháp luật. Trong đó các chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình bằng hành vi tích cực.

VD: Một công dân thực hiên nộp thuế, lao động công ích, thấy người đang trong tính trạng nguy hiểm cứu giúp….

Sử dụng pháp luật

– Là hình thức thực hiện những quy định về quyền thực hiện chủ thể của pháp luật trong đó các chủ thể chủ động tự mình quyết định việc thực hiện hoặc không thực hiện điều mà pháp luật cho phép.

Áp dụng pháp luật

Là hình thức thực hiện pháp luật đặc biệt quan trọng trong đó nhà nước thông qua những cơ quan hoặc người có thẩm quyền để tổ chức cho những chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật.

– Những trường hợp cần áp dụng pháp luật:

+ Khi có vi phạm pháp luật xảy ra.

+ Khi có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ mà các chủ thể không thể tự mình giải quyết được. VD:

+ Khi các quy định của pháp luật không thể mặc nhiên được thực hiện bởi các chủ thể.

+ Trong trường hợp nhà nước thấy cần thiết phải tham gia vào một số quan hệ pháp luật nhất định để kiểm tra, giám sát đảm bảo tính đúng đắn của hành vi của ác chủ thể.

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ Đề cương ôn tập môn Pháp luật đại cương - ĐH CNTT và truyền thông Thái Nguyên!

Để củng cố kiến thức và nắm vững nội dung bài học mời các bạn cùng làm Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn pháp luât đại cương có đáp án dưới đây.

Trắc Nghiệm

Từ khóa » Câu Hỏi ôn Tập Pháp Luật đại Cương