Đe Dọa Giết Người Bị Xử Phạt Như Thế Nào? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Thế nào là tội đe dọa giết người ?
  • Các yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người
  • Đe dọa giết người bị xử phạt như thế nào?
  • Tố cáo đe dọa giết người bị xử lý thế nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành Đe dọa giết người bị xử phạt như thế nào? Trong nội dung bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết hơn.

Thế nào là tội đe dọa giết người ?

Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự về Tội đe dọa giết người được quy định như sau:

Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Các yếu tố cấu thành tội đe dọa giết người

Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:

+ Có hành vi làm cho người bị đe doạ biết được khả năng tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm (bị giết chết).

Ví dụ: Đe doạ người khác nhiều lần bằng lời nói là sẽ giết chết họ.

Hành vi này được thể hiện bằng trực tiếp (như bằng lời nói trước mặt, nói trực tiếp với người bị đe doạ) hoặc bằng gián tiếp (như qua thư, qua điện thoại hoặc nhắn qua người khác).

+ Có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện.

Vấn đề xác định có hay không có căn cứ cho rằng người đe doạ có khả năng sẽ hành động thực sự trên thực tế là rất khó xác định và cần phải xét một cách toàn diện trên các mặt sau:

– Phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi đe doạ.

– Nguyên nhân của việc xảy ra hành vi đe doạ, mâu thuẫn giữa người có hành vi đe doạ với người bị đe doạ.

– Trạng thái tâm lý, xử sự của người bị đe doạ sau khi bị đe doạ.

– Số lần đe doạ và khả năng thực hiện các hành vi đó của người đe doạ.

Lưu ý: Người có hành vi đe doạ giết người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu xác định được căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ thực sự là việc đe doạ hoàn toàn có khả năng sẽ được thực hiện, đây là dấu hiệu bắt buộc của tội này.

+ Dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe doạ giết người (phạm tội chưa đạt) với tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị là sự công khai hoặc không công khai hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác, cả hai tội nêu trên tội phạm đều chuẩn bị công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi giết người.

Tuy nhiên, ở tội đe doạ giết người thì người phạm tội cố ý để cho người bị hại hoặc người khác biết và tin rằng người đó sẽ thực hiện đe doạ giết. Còn ở trường hợp giết người chưa đạt (Điều 123), thông thường người phạm tội thực hiện việc chuẩn bị phạm tội một cách lén lút, bí mật. Mặt khác, mục đích đe dọa của tội này khác với mục đích giết người của tội giết người.

Khách thể:

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của công dân.

Mặt chủ quan:

Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).

Lưu ý:

Trường hợp đe doạ giết người mà có động cơ mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị đe doạ thì không cấu thành tội này. Trong trường hợp này người có hành vi đe doạ giết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Chủ thể:

Chủ thể của tội đe dọa giết người là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Đe dọa giết người bị xử phạt như thế nào?

Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Được áp dụng trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này nêu ở mặt khách quan.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Được áp dụng trong trường hợp phạm tội đe doạ giết người thuộc một trong các trường hợp sau:

–  Đối với nhiều người (từ hai người trở lên)

–  Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (xem giải thích tương tự ở tội giết người).

–  Đối với trẻ em (tức là người dưới mười sáu tuổi)

–  Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (Tội phạm khác là tội phạm mà người phạm tội đã thực hiện hoặc đang thực hiện).

Tố cáo đe dọa giết người bị xử lý thế nào?

Tôi đã tố cáo anh X – quản lý cũ của tôi về vấn đề lấy tiền quỹ của công ty. Anh X đã bị công ty sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Gần đây anh X thường xuyên gửi tin nhắn đe dọa giết tôi vì đã khiến anh ta mất việc, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Với trường hợp này, anh X có bị phạt tù không khi đe dọa giết tôi? Tôi cần làm gì để tố cáo anh X? Xin cảm ơn.

Trả lời:

Gửi bạn, Luật Hoàng Phi rất vui khi được hỗ trợ pháp lý, giải đáp những khó khăn bạn gặp phải về pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được trả lời như sau:

Thứ nhất: Về câu hỏi: anh X có bị phạt tù không?

Phạt tù là hình phạt chỉ có trong pháp luật hình sự, tức là áp dụng với tội phạm được bộ luật hình sự quy định. Do đó, để trả lời cho câu hỏi: anh X có bị phạt tù hay không?, chúng tôi sẽ làm rõ hành vi của anh X có cấu thành tội phạm hay không và hình phạt tương ứng.

Tội đe dọa giết người được quy định cụ thể tại Điều 133 Bộ Luật hình sự năm 2015, theo đó:

– Phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm ới người đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

– Phạt tù từ hai năm đến bảy năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

+ Đối với người dưới 16 tuổi;

+ Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Như vậy, để cấu thành tội đe dọa giết người, ngoài hành vi đe dọa cần xác định được căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Trên thực tế, dựa vào các yếu tố như phương pháp, thủ đoạn thực hiện đe dọa, nguyên nhân xảy ra đe dọa, mâu thuẫn giữa người đe dọa và người bị đe dọa, số lần đe dọa và khả năng thực hiện các ý đồ của người đó,… Mặt khác, nếu anh X đủ yếu tố cấu thành tội này thì tùy vào tình tiết cụ thể, mức độ nguy hiểm của hành vi, khi quyết định hình phạt Tòa án có thể quyết định hình phạt khác nhau theo quy định pháp luật, do đó, anh X có thể bị phạt tù hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ nếu phạm tội đe dọa giết người.

Thứ hai: Về thủ tục tố cáo đe dọa giết người:

Để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi đe dọa giết người của anh X, bạn có thể làm đơn gửi lên cho các cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự, đặc biệt là cơ quan điều tra (như công an nhân dân cấp quận, huyện nơi xảy ra hành vi). Bạn có thể trực tiếp tố cáo hoặc viết văn bản trình bày vụ việc đề nghị bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt để làm bằng chứng cho hành vi đe dọa của anh X, bạn có thể chụp lại màn hình tin nhắn giữa hai người, ghi âm lại cuộc gọi, lời nói đe dọa của anh X (nếu có). Qua quá trình xác minh, điều tra, anh X có hành vi đe dọa giết người sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo đúng hành vi quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI 19006557 để được tư vấn.

Từ khóa » Dọa Giết Là Gì