Để Học Giáo Lý Là Niềm Vui - Xã Hội

Trẻ em được học giáo lý để hiểu về Chúa, để nuôi dưỡng đức tin, song có lẽ cần lưu tâm và làm cách nào đó để việc học giáo lý là niềm vui chứ không phải là áp lực đè trên đôi vai nhỏ của các em.

HỢP VỚI LỨA TUỔI

Chị Nguyễn Thảo Hiền (Gx Tân Hương, TGP TPHCM): Con tôi đang học lớp chiên con nên chủ yếu các anh chị huynh trưởng cho bé nghe hiểu, trả lời và tô màu, học qua hình ảnh chứ chưa ghi chép nhiều. Tôi theo dõi thấy con mình cũng hiểu những gì được dạy và trả lời đúng 5/5 câu kiểm tra cuối kỳ vừa rồi. Ðộ tuổi của bé chỉ cần học qua hình ảnh minh họa, qua sách Kinh Thánh bằng hình vẽ, và quan sát mọi thứ qua việc đi lễ hằng ngày là được rồi. Gia đình tôi thường xuyên trò chuyện vui vẻ, kể chuyện ngày xưa ông bà, cha mẹ lúc bằng tuổi đã đi lễ, đi học giáo lý như thế nào, khiến cho trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Thời nay, trẻ em bị phụ huynh cho đi học quá nhiều nên đến ngày học giáo lý, tôi thấy các bé nhìn mệt mỏi, buồn ngủ, ít nói... Ðây là một vấn đề mà các bậc làm cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn. Vì khi trẻ mang thể trạng mệt mỏi đến lớp giáo lý thì sẽ không thể tiếp thu những gì được chỉ dạy, rồi dần dần có thể càng xa Chúa, không có hứng thú khi đi học, không muốn tìm hiểu và yêu Chúa nữa.

DẠY TỪ NHỮNG TÌNH HUỐNG

Anh Trần Hoàng Anh (Gx Ba Trinh, GP Cần Thơ):Trẻ học giáo lý, nếu chỉ cầm cuốn sách đọc thuộc lòng thì khó trôi. Ðức tin phải được gieo vào lòng các em bằng cách tự nhiên. Ông bà, cha mẹ là những người gần gũi, họ là những gương sáng đức tin cận kề nhất. Họ có thể học giáo lý cùng con. Ðọc sách, kể chuyện Kinh Thánh, hướng dẫn cách xưng tội và thực hành đạo đức để lớp trẻ noi theo. Hồi còn nhỏ, anh em chúng tôi hay đi lễ là nhờ thói quen của ông bà. Sống với làng xóm, mọi người theo đạo, các bạn cùng lứa đi tập hát, giúp lễ, dâng kinh…, chúng tôi hòa vào bầu khí đó. Những câu chuyện kể của mẹ, của ông bà từ các tình huống trong cuộc sống để nói lên tình Chúa, ơn Chúa giúp đỡ… cũng là cách vừa dạy giáo lý, đức tin vừa dạy nhân bản cho con trẻ. Phụ huynhkhông nên tạo sức ép quá mức mà chínhcha mẹ cần phải là người đồng hành, hướng dẫn con hiểu về Chúa từ chính kinh nghiệm sống của mình, chứ không nên phó mặc hết chongười dạy giáo lý.

KHƠI NIỀM YÊU THÍCH TÌM HIỂU VỀ CHÚA

Chị Trần Thị Bích Châu (Gx Phú Trung, TGP TPHCM): Thực tế là con trẻ bây giờ có quá nhiều thứ có thể thu hút chúng như trò chơi trên mạng, phim hoạt hình..., nên thời gian tìm hiểu về Chúa ít đi. Tôi nhận thấy việc cho trẻ xem nhiều phim nhà đạo sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn, vì phim có hình ảnh và âm thanh sống động. Còn sách truyện thì lại làm cho trí tưởng tượng của các bé tốt hơn, nhưng không phải bé nào cũng thích suy nghĩ và hình dung ra khung cảnh mà sách miêu tả. Gia đình tôi vẫn thường xuyên quan tâm hỏi han các con sau mỗi giờ học giáo lý thế nào, đã được học những gì... Cháu nhỏ đang học lớp khai tâm, vì mới bắt đầu đi học nên khi về nhà chuyện gì cũng huyên thuyên, còn cháu lớn hỏi đến mới kể. Dịp tình cờ tôi thấy được một đoạn phim ngắn về việc Ðức Giáo Hoàng Phanxicô rửa chân cho các tù nhân, tôi liền lưu lại và cho con xem. Các con tỏ ra rất thích thú và đến khi lại được xem Ðức Thánh Cha rửa chân trong lễ Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, bé thấy thú vị, muốn xem rõ và tìm hiểu nhiều hơn. Từ đó, tôi vẫn thường xuyên tìm kiếm những đoạn phim ngắn hoặc đoạn phim thực tế nhưng phải phù hợp với lứa tuổi để tăng sự hứng thú và khiến trẻ tự có ý muốn tìm hiểu về Chúa nhiều hơn.

HƯỚNG DẪN THAY VÌ HỐI THÚC, ÉP BUỘC

Chị Nguyễn Thanh Trúc (Gx Sơn Lộc, GP Phú Cường): Về việc giáo dục theo độ tuổi là đúng, nhưng với những trẻ vì nhiều lý do mà không theo kịp thì các giáo lý viên sẽ có hướng bồi dưỡng thêm hoặc cho các em đó được học giáo lý dưới sự quan tâm đặc biệt. Nhất là những em sắp lãnh nhận bí tích thì càng phải được các anh chị chú ý nhiều hơn. Vì việc lãnh nhận bí tích rất quan trọng và phải chắc rằng mỗi em đã có sự hiểu biết nhất định về Thiên Chúa. Khi con tôi còn nhỏ thì động viên và nhắc nhở việc đi lễ, học giáo lý và sinh hoạt thường xuyên. Còn khi về nhà, tôi giải thích và hướng dẫn bé theo từng việc nhỏ, sao cho phù hợp với đạo đức và tín lý đức tin. Chẳng hạn như khi ăn cơm phải làm dấu thánh giá và mời mọi người, đi về thưa gởi, đọc kinh sáng tối… Bây giờ con đã lớn và hầu như tự ý thức được việc mình làm. Khi còn nhỏ, ý thức sống đạo là điều tối quan trọng nên trẻ cần được người lớn dẫn đường chứ không phải chỉ hối thúc, răn bảo hay ép buộc là xong. Những nhận thức nền tảng đó sẽ tạo nên tính cách và nhân tâm cho con người. Mang tâm thức sống thiện lành và yêu mến mọi người là điều ai cũng hướng đến. Chính gia đình là cái nôi để vun đắp đức tin cho con trẻ. Vậy nên cần chú ý và hướng dẫn con trẻ từ nhỏ để trở thành nếp sống đạo hiệu quả.

KHÔNG CHỈ HỎI THƯA

Anh Nguyễn Quốc Toản (Gx Khiết Tâm, TGP TPHCM): Tôi vẫn hay trò chuyện cùng con sau mỗi buổi học giáo lý và nhận thấy con khá thích thú, tuy nhiên nhiều khi về nhà cháu tâm sự vẫn muốn có những buổi học mang tính cởi mở, sinh động hơn là nặng hình thức. Giờ học cần khơi gợi nhiều điều mới mẻ trong đạo thay vì chỉ có những câu hỏi thưa. Các anh chị giáo lý viên cũng nên như người bạn đồng hành hướng dẫn hơn là người dạy học, bởi lẽ ở trường các em đã đủ áp lực về chuyện bài vở. Nếu những giờ giáo lý mang được yếu tố vừa học vừa chơi sẽ lôi cuốn và giúp trẻ vui thích.

Từ khóa » Em Học Giáo Lý để Làm Gì