Đề Phòng Ngộ độc Thực Phẩm Mùa Hè

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tình trạng ngộ độc thức ăn nếu được xử trí kịp thời, đúng cách bệnh sẽ tiến triển tốt, nhanh chóng, không để lại hậu quả khôn lường.

Chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Luân Đặng
Chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Luân Đặng

Nhiều trường hợp ngộ độc tiêu hóa

Mới đây, Bệnh viện (BV) Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh đã tiếp nhận 1 bệnh nữ H.T.M. 64 tuổi (Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện với biểu hiện viêm khớp khuỷu tay phải. Người bệnh được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus suis hay còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn.

Được biết, người bệnh làm nghề mổ lợn nhiều năm. Trước khi nhập viện 2 ngày người bệnh trong quá trình làm việc bị đứt tay, sau đó người bệnh thấy có hiện tượng sưng nóng và đau nhức dữ dội khớp khuỷu tay phải, kèm theo sốt nóng. Người bệnh được nhập viện điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ, sau 13 ngày người bệnh đã hết sưng nóng khớp khuỷu tay phải.

Theo các bác sĩ, bệnh liên cầu lợn hình thành do loại vi khuẩn liên cầu lợn mang tên Streptococcus suis gây ra. Nguyên nhân mắc bệnh có thể là do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương hở ở da, đường hô hấp...

Thống kê tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho thấy, trong nửa đầu tháng 6/2022, đã có khoảng gần 150 trường hợp nhập viện nghi do ngộ độc tiêu hóa. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau bụng, nôn, đại tiện phân lỏng, sốt, mất nước điện giải, suy thận.

Qua khai thác thông tin các trường hợp này đều liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) như sau đi ăn tiệc, ăn hàng quán không đảm bảo vệ sinh, hoặc mua và chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm không được bảo quản đúng cách... Và đa số là những người trong cùng một gia đình.

Theo bác sĩ khoa Nội tiêu hóa của BV, tình trạng ngộ độc thức ăn nếu được xử trí kịp thời, đúng cách bệnh sẽ tiến triển tốt, nhanh chóng, không để lại hậu quả. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do không được can thiệp xử trí kịp thời có thể gây ra mất nước nặng, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn nặng, trụy mạch... có nguy cơ đe dọa tính mạng thậm chí tử vong.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thận trọng trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần lưu ý bồi phụ nước điện giải.

Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng nhiều, đại tiện phân lỏng nhiều lần, phân có máu, khát nước, đái ít, mệt mỏi, li bì... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc với sức khỏe của người bệnh.

Cách phòng tránh ngộ độc

Đề cập đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa Hè, mỗi người cần thực hiện đầy đủ các nguyên tắc "vàng" trong chế biến thực phẩm.

Đó là chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện "ăn chín, uống chín"; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại.

“Người dân không nên để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín; không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo. Chúng ta không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống” - ông Đặng Thanh Phong lưu ý

Trong khi đó Cục ATTP, Bộ Y tế cảnh báo, tủ lạnh chỉ bảo quản thực phẩm được trong một thời gian nhất định. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm...

Để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè, Cục ATTP khuyến cáo, người dân không nên để thức ăn ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ. Với những thức ăn thừa nên để ở ngăn mát tủ lạnh. Trước khi cất vào tủ lạnh cần đun lại để diệt hết vi khuẩn, sau đó để nguội, cất riêng vào từng hộp có nắp đậy.

Thức ăn đã để ở ngăn mát, muốn ăn cần phải nấu lại, tuyệt đối không ăn được ngay. Cùng với đó, không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1 - 2 ngày. Nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm, gồm: Rau xanh, trứng, nước trà, các loại nấm nấu chín, các loại canh, các món gỏi, nộm, cá và hải sản các loại…

Trong môi trường nắng nóng, nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, như vi khuẩn E.coli, vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột. Để hạn chế các vụ ngộ độc nguy hiểm, người dân tuyệt đối không ăn các thức ăn lạ, không phổ biến; cần ăn chín, uống sôi. Tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội

Từ khóa » Thức ăn ôi Thiu Trong Nhóm Nguồn Lây Nhiễm Bẩn Nào Sau đây