Đề Tài Tre Trúc Trên Gốm Cổ Bát Tràng - Tạp Chí Văn Hóa Nghệ Thuật

Nguyễn Đình Chiến, 1999, tr 178.

Tre Việt Nam là sáng tác của nhà thơ Nguyễn Duy được nhiều người yêu thích, in trong tập Cát trắng, Nxb Quân đội nhân dân, năm 1973. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát. Lời thơ mượt mà, có nhiều hình ảnh đẹp, giọng thơ du dương truyền cảm:

Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù cát sỏi đá vôi bạc màu…

Nhà thơ đặt câu hỏi về màu xanh của tre, liên tưởng đến “chuyện ngày xưa” - chuyện Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, giơ tay nhổ từng khóm tre đánh đuổi giặc Ân! Cây tre được nhân cách hoá, tượng trưng cho bao phẩm chất cao quý của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Cây tre, luỹ tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại, tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua sóng gió bão dông, để làm nên luỹ nên thành bền vững.

Nghiên cứu sưu tập gốm cổ Bát Tràng, chúng tôi thấy đề tài tre, trúc đã được thể hiện trên nhiều loại hình khác nhau. Cây tre, trúc là nguồn cảm hứng cho người thợ gốm Bát Tràng sáng tạo, từ tạo hình đến trang trí. Từ gốc tre, gốc trúc đã thành chân nến, chân đèn trúc hóa long. Một dóng tre ngà gợi lên hình dáng chiếc bình dóng trúc. Tre trúc trong đề tài tứ quý mai - trúc - cúc - tùng, tượng trưng cho 4 mùa xuân - hạ - thu - đông. Đề tài cây trúc, cành trúc đựợc thể hiện trang trí nổi từ trúc - điểu đến kiểu vẽ men lam bằng bút lông thể hiện đề tài trúc - điểu hay trúc - thạch.

Nguyễn Đình Chiến và Phạm Quốc Quân, 2005, tr 256.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện còn lưu giữ và trưng bầy những đồ gốm Bát Tràng thời Lê trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn có trang trí hay tạo hình theo đề tài tre trúc. Đáng chú ý nhất là cặp bình miệng lục giác, cao 56,5cm, thuộc dòng gốm men rạn. Cả 2 bình đều tương tự nhau: miệng đấu, cổ eo, vai phình, thân vát, đế lõm. Sáu mặt của mỗi bình khá đều nhau. Chạm nổi dây lá ở viền miệng bình; cành cúc, trúc, mai ở cổ bình; dưới thân tương ứng mỗi cành cúc, trúc có thêm một hình chim chân cao, mỏ dài; mỗi cành mai thêm một hình thỏ (Bản rập 1). Men rạn phủ màu vàng ngà. Dưới đế bình khắc 4 chữ Hán: 景 治年 製 Cảnh Trị niên chế (Chế tạo trong niên hiệu Cảnh Trị, 1663-1671) đời vua Lê Huyền Tông.(Ảnh 1).

Tiếp theo, chúng tôi muốn giới thiệu cặp bình gốm men rạn miệng vuông, cao 44,4cm, cạnh miệng 12,5cm. Hai bình này đều có kiểu dáng, trang trí nổi, phủ men rạn tương tự nhau. Miệng bình có gờ viền, cổ eo, vai phình xuôi dần xuống đế. Đế lõm hình vuông. Xung quanh cổ bình chạm nổi văn lông công/ tàu chuối, cao thấp xen nhau. Trên 4 mặt thân bình chạm nổi cây trúc trong bộ tứ quý : tùng- cúc- trúc - mai. Men phủ rạn màu trắng xám. Dưới đế bình viết 4 chữ Hán men lam: 景興年 製 Cảnh Hưng niên chế (chế tạo trong niên hiệu Cảnh Hưng, 1740-1786) đời vua Lê Hiển Tông (Ảnh 2).

Chiếc bình gốm men rạn, miệng loe, cổ eo, thân phình, chân đế thấp, cao 45,5cm, đường kính miệng 24,2cm. Cổ bình có 2 quai hình đốt trúc, xung quanh cổ và thân bình chạm nổi cành lá trúc. (Ảnh 3)

Trong bộ đồ thờ dòng gốm men rạn Bát Tràng, còn có loại đỉnh và chân nến tạo hình và trang trí theo đề tài tre trúc. Chiếc đỉnh có miệng chữ nhật ,cao 34 cm, cạnh miệng 19cm x 11,5cm. Đỉnh đặt trên kỷ rời, 2 quai đỉnh hình trúc hóa long, 4 chân hình đốt trúc, Trang trí nổi xung quanh đỉnh, ngoài hoa dây là, hoa cúc là cành và lá trúc. (Ảnh 4).

Tạo hình theo dáng gốc tre trúc là những cặp chân nến trúc hóa long, kiểu đế vuông cắt góc, cao 53cm và 46,5cm hay kiểu đế tròn, cao 49,5cm. Tuy tạo hình theo gốc tre trúc, dáng mảnh mai hay to mập, các chân nến này đều thể hiện khá rõ đầu rồng với mũi cao, miệng rộng, cặp sừng như những tay măng. Phần thân chân nến tạo những đốt uốn cong, tạo rõ từng đốt/ mấu kèm các nhánh tay cành lá trúc rất sinh động. Đây là loại chân nến trúc hóa long men rạn thế kỷ 18 (Ảnh 5).

Phanhuy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc, 1995, tr 210.

Thuộc dòng gốm men rạn Bát Tràng, trang trí nổi còn thấy nhiều loại hình gốm ở đầu thế kỷ XIX. Đó là cặp bình gốm men rạn, tạo hình phỏng theo dóng trúc, có kiểu dáng, trang trí, men rạn và kích thước như nhau: cao 37,5 cm, đường kính miệng 17,2cm. Bình có miệng tròn, thân hình trụ, phía miệng và gần đế tạo 2 gờ nổi mô phỏng theo hình gân đốt trúc. Thân bình chạm nổi 2 cành lá trúc cùng 2 con chim chao cánh. Đế bình lõm, phủ men rạn ngà. Dưới đế bình viết 4 chữ Hán men lam: 嘉 隆年 製 Gia Long niên chế (Chế tạo trong khoảng niên hiệu Gia Long, 1802-1819), đời vua Nguyễn Thế Tổ (Ảnh 6).

Trong sưu tập của Bảo tàng Hà Nội có loại bình miệng tròn, cổ eo, thân dáng chuông, đáy lõm, cao 43,5cm, trên thân chạm khóm trúc và 2 con chim. Ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có loại bình miệng vuông, tạo hình gần gũi loại bình gỗ tiện, trang trí nổi chữ Thọ và tứ quý mai - trúc - cúc - tùng (Ảnh 7).

Tiêu biểu cho dòng gốm men vàng độc sắc là chiếc chóe có nắp, miệng và đế hình lục giác, hoa văn nổi để mộc lại cho thấy một kiểu trang trí độc đáo. Trên 6 mặt của nắp và thân chóe trang trí nổi đề tài Tam hữu: tùng - trúc - cúc, trong đó khóm trúc có 2 con chim bay, đậu nổi bật trên nền men vàng. Đây là loại chóe lục giác gốm men vàng khá đẹp của gốm Bát Tràng thế kỷ 19 (Ảnh 8).

Đề tài tre trúc trên gốm Bát Tràng thể hiện theo lối vẽ lam, trước tiên phải kể tới cặp bát gốm đời Tây Sơn. Hai bát có chiều cao 8cm, đường kính miệng 20,5cm. Hai bát có cùng kiểu dáng, trang trí, men vẽ và men phủ. Bát có miệng loe, thành cong, đế thấp và rộng. Thành ngoài bát, một phía vẽ khóm trúc men lam, một phía bên viết 2 dòng chữ Hán: Vỵ xuất địa đầu tiên hữu tiết (cái măng tre chưa nhô ra khỏi mặt đất, tiết (đốt dóng) của nó đã sớm ra trước).Dưới đế bát viết 4 chữ Hán men lam: 光中年造 Quang Trung niên tạo (chế tạo trong khoảng niên hiệu Quang trung, 1788-1792) (Ảnh 9).

Nguyễn Đình Chiến, 2016, tr 133.

Tre trúc vẽ lam còn thấy vẽ trang trí trên cặp hũ có nắp, chỏm hình tượng nghê vờn ngọc. Hũ có chiều cao 29,5cm, đường kính miệng 14cm.Hai chiếc hũ này tạo tác theo cặp đối xứng, kiểu dáng, trang trí, men vẽ và men phủ đều như nhau. Hũ có gờ miệng đứng, cổ ngắn, vai phình, thân thuôn, đế lõm. Trên vai hũ đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng tròn. Quanh thân hũ vẽ lam đề tài trúc - điểu, mai - điểu và liên - điểu. Men vẽ mầu xanh đen, men phủ màu trắng ngà. Dưới đế hũ viết 4 chữ Hán men lam: 嘉 隆年 製 Gia Long niên chế (Chế tạo trong khoảng niên hiệu Gia Long,1802-1819).(Ảnh 10).

Trong sưu tập gốm của Bảo tàng Hà Nội còn thấy loại khay tròn và bát vẽ lam đề tài tre trúc. Khay tròn, đường kính miệng 23 cm. Khay có miệng đứng, lòng phẳng, vẽ đề tài trúc - thạch và 2 câu thơ chữ Hán. Bát cao 12cm, đường kính miệng 24,5cm, thành ngoài vẽ lam một khóm trúc, cành lá xum xuê (Ảnh 11).

Đề tài tre, trúc vẽ lam còn thấy trên loại đĩa gốm hoa lam Bát Tràng tạo tác dưới đời vua Khải Định, hiện lưu giữ trong một sưu tập tư nhân ở Hà Nội. Đĩa cao 3,9cm, đường kính miệng 41,1cm, có vành miệng loe ngang, nông lòng, đế thấp và rộng. Lòng đĩa vẽ đề tài trúc - thạch với 3 cây trúc lá xanh tốt, dưới gốc là khối đá. Viền miệng và thành ngoài đĩa vẽ các đường chỉ men lam. Dưới đáy đĩa viết 4 chữ Hán men lam: 啟定年 製 Khải Định niên chế (chế tạo trong khoảng niên hiệu Khải Định, 1916- 1925). Men vẽ màu xanh tím, men phủ màu trắng xám nhạt (Ảnh 12).

Chiếc đĩa gốm hoa lam này, tính đến nay cũng chừng vừa tròn 100 năm và là một trường hợp muộn nhất được biết trong hệ thống đồ gốm Việt Nam có minh văn. Có thể còn nhiều loại hình đồ gốm Bát Tràng khác được tạo hình và trang trí theo đề tài tre trúc còn nằm trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân chưa được giới thiệu. Trên đây, chúng tôi lựa chọn trình bầy, chỉ là một số loại hình gốm được chế tác trong thời Lê Trung hưng, Tây sơn và Nguyễn nhưng cũng đủ nói lên những nét riêng độc đáo, biểu hiện sinh động” cuộc đối thoại với thiên nhiên” của những người thợ gốm Bát Tràng trong lịch sử nghề gốm cổ truyền Việt Nam.

______________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Duy, 1973, Cát Trắng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

2. Nguyễn Đình Chiến, 1999, Cẩm nang đồ gốm có minh văn... Bảo tàng Lịch sử Việt nam, Hà Nội.

3. Nguyễn Đình Chiến, 2016, Sưu tập cổ vật tri ân... Nxb Thế giới, Hà Nội.

4. Nguyễn Đình Chiến- Phạm Quốc Quân, 2005, 2000 năm gốm Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.

5. Nguyễn Văn Hùng- Nguyễn Đình Chiến, 2010, Cổ vật Thăng Long - Hà Nội, Sở VhTTDL Hà Nội.

6. Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc, 1995, Gốm Bát Tràng, thế kỷ XIV- XIX, Nxb Thế giới, Hà Nội.

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

Từ khóa » Trúc Hòa