Tiệm Tóc 'độc Nhất Vô Nhị' - Tiền Phong

Nhiều chị em phải bắt xe từ 3 giờ sáng để vào kịp bốc số thứ tự. Có người phải trọ qua đêm để sáng được đến lượt. Đâu là sức hút của cô chủ Trần Thị Hòa, năm nay vừa tròn 40 tuổi?

Thuê trọ qua đêm vì sợ “cháy” số

Tình cờ nghe câu chuyện bắt xe đi làm tóc từ ba giờ sáng của cô Hoàng Thị Hạnh (đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chúng tôi chẳng mấy tin, nhưng cô chắc nịch: “Cứ vào thử một lần đi, chưa sáng là khách đứng đông đen ở cửa rồi. Nửa tháng trước gần chục chị em xóm tui thuê xe đi từ 3 giờ sáng, vào tới hơn 4h mà có người đã xếp chỗ trước rồi...”.

Đến thị trấn Đông Phú từ sớm, khi mọi người còn thủng thẳng cà phê, đọc báo thì một góc đường Đỗ Quang tấp nập kẻ đứng người ngồi, vài chị vừa ăn vội chiếc bánh mì vừa ngóng miết vào tiệm tóc Trúc Hòa. 6h sáng, tiệm tóc mở cửa, hàng chục người tranh nhau bốc số thứ tự. 45 phiếu thoáng chút hết sạch. Một số người không bốc được số phải ra về.

Cô Trương Thị Lành ( 50 tuổi, huyện Thăng Bình) cùng chị em trong xóm chạy xe máy hàng chục cây số xuống tới đây lúc 5h sáng, may mắn bốc được những số đầu tiên, kể: “Hôm trước tui xuống một lần mà hết trơn số nên về lại. Bữa nay phải dậy đi từ mờ sáng cho chắc ăn. Ở trong xóm cũng nhiều tiệm làm tóc lắm, nhưng tui phải ra làm thử một lần cho biết chứ nghe người ta khen quá chừng”.

Năm nay là năm thứ ba chị Phạm Thị Thọ tới đây làm tóc, chị chạy xe máy gần 50km từ Hội An ra và bốc được số thứ 10. Như vậy vẫn còn…gần so với nhóm chị em ở Đà Nẵng đến từ chiều tối hôm qua, họ thuê trọ ở lại một đêm rồi sáng sớm nhờ chủ trọ dẫn tới quán. Chị Hoàng Thị Trinh, chủ nhà trọ nói: “Cứ thấy xe tấp trước nhà trọ chở toàn phụ nữ là biết ngay đi làm tóc ở Trúc Hòa. Hầu như tuần nào tui cũng đón vài chuyến như vậy. Tiếng là thuê trọ nghỉ đêm nhưng họ có ngủ được đâu, thao thức nóng ruột suốt, gà chưa gáy là đập cửa lôi tui dậy dẫn sang quán vì lo “cháy” số”.

Những ngày thảnh thơi hơn, tiệm cho khách bốc số qua điện thoại hoặc đặt trước vài ngày cho tiện sắp xếp. Hôm khách đông, để công bằng với mọi người thì ai tới sớm bốc số sớm, ai tới muộn đành chịu. Việc hết số khách phải ra về là chuyện thường, nhất là vào các ngày lễ.

Thoáng cái, tiệm đã chật như nêm. Người chờ bôi thuốc, người chờ xả tóc. Dù ngồi ghế nhỏ cho đỡ diện tích nhưng vẫn không đủ chỗ, thợ phải linh động đưa khách ra phía hành lang làm. Số chị em chưa tới lượt vật vờ ăn bánh mì chờ đợi. Máy móc hoạt động hết công suất, đội thợ không ai nghỉ tay. Chị Trần Thị Hòa nói: “Bây giờ trong quán có đến 20 thợ, làm liên tục từ 7h sáng đến 6h tối. Khách mà nhận hết thì mỗi ngày chắc lên tới hàng trăm, nhưng mình chỉ nhận 45 đầu. Như vậy cũng đã quá nhiều, ba tháng cuối năm tiệm làm hơn 4.000 đầu, không hôm nào thiếu người đặt suất cả. Nhiều hôm tiệm phải xin lỗi khách lặn lội đường xa tới mà cháy số”.

Chị Hòa vừa làm, vừa cắm tai nghe trả lời điện thoại khách hàng liên tục. Tốp thợ xử lý hết đầu này đến đầu khác, không khí trong quán làm tóc rộn ràng như công xưởng.

Tiệm tóc 'độc nhất vô nhị' ảnh 1

Khách làm tóc trong tiệm chật như nêm. Ảnh: Thanh Trần.

Không cậy khách đông mà làm ẩu

Khách hàng tới Trúc Hòa làm tóc mỗi năm chỉ một lần, không ai tới lần hai, theo lý giải của chị Nguyễn Thị Bích Thủy (giáo viên trường Tiểu học số 3 Nam Phước, huyện Duy Xuyên) thì tóc cứ đẹp y như lúc mới làm, không hư hỏng, xuống màu, gãy rụng. “Giáo viên nữ của trường tôi ai cũng đợi Tết về đây làm, tuy xa xôi mà chất lượng, làm bên ngoài hiếm chỗ nào ưng ý”, chị nói.

Tiếng tăm của tiệm vang xa kéo hàng ngàn chị em phụ nữ đủ lứa tuổi từ mười tám đôi mươi, đến trung niên, cả những bà mẹ tóc hoa râm đến. Hỏi chuyện, chị Hòa cười hiền: “Hồi khách mới đông người ta đồn tôi làm thuốc ngoại, thuốc xịn tóc mới đẹp đến vậy. Nhưng sự thực thuốc tôi làm như mọi quán, bày đầy tủ kính cho khách thấy nhãn hiệu luôn. Quan trọng là tay nghề, cách xử lý đầu và quy trình của mình thôi”.

Em Hồ Thị Dung (huyện Hiệp Đức) hài lòng: “Làm ở đây thì em yên tâm vì những khâu quyết định đến đầu tóc đều qua tay chị Hòa, khâu nào ra khâu ấy, có quy trình rõ ràng. Năm nay là năm thứ 4 em xuống đây làm tóc, lần nào cũng ưng ý”.

Bất kì khách nào vào quán cũng phải qua tay chị Hòa, chị đảm nhận khâu tư vấn, cắt, uốn lô, và kiểm tra quá trình nhuộm, hấp…Đội ngũ gần 20 thợ còn lại phân chia công việc rõ ràng: đội gội đầu, đội hóa chất, đội xả sấy. “Không phải vì đông khách mà tôi giao ẩu cho thợ làm đâu. Phần cắt, uốn, nói chung những khâu quan trọng không có tôi thì không ai được làm cả. Hôm nào tôi nghỉ là quán nghỉ. Làm tóc cũng là một nghề cần phải giữ uy tín”, chị khẳng khái.

Trước tấm gương lớn treo tường đặt chiếc ghế dựa lưng, phía sau là ghế cao của chị, 45 khách hàng lần lượt ngồi vào ghế dựa chờ chị cắt tỉa, lô từng lọn tóc, thỉnh thoảng chị phải chạy đi kiểm tra các đầu khác nhưng khách vẫn vui vẻ ngồi chờ, không ai cằn nhằn lấy một câu.

Đặt trước ba ngày mới được xếp lịch làm tóc, nhưng cô Đỗ Thị Dung phải ra về vì chị Hòa nói tóc cô còn đẹp quá, làm thêm chỉ tốn tiền và nhanh hỏng tóc. Tiệm hút khách là vậy, mà mỗi ngày chỉ dám nhận 45 đầu để đảm bảo chất lượng cho từng khách hàng. Chị Hòa thành thật: “Nhận thêm nữa thì đòi hỏi thợ phải làm gấp, lấy đâu thời gian để ngấm thuốc, sửa sang tóc cho khách. Làm vừa đủ, miễn người ta tin cậy mình đã là thành công với nghề rồi”.

Tiệm tóc 'độc nhất vô nhị' ảnh 2

Thợ làm phải sắp ghế ra hành lang mới đủ chỗ cho khách tới làm tóc.

Tấm lòng thảo thơm

Năm 18 tuổi, chị Hòa theo nghề làm tóc, lân la học nghề một thời gian rồi mở quán nhỏ ngay thị trấn Đông Phú. Có duyên với nghề, khách hàng trong huyện tìm đến chị ngày một đông, chị phải thuê thêm thợ về phụ giúp. Lượng thuốc làm tóc, dầu hấp, dầu dưỡng, đồ nghề….chị lấy về làm cho khách hàng tháng nhiều đến nỗi các nhãn hàng “cưng” luôn tiệm Trúc Hòa, thường xuyên tài trợ cho chị đi học tập nâng cao tay nghề ở Singapore, Thái Lan và ra Tết chị tiếp tục được hãng Obsidian của Hàn Quốc tài trợ một khóa đào tạo tại đất nước này.

Thấy chị giỏi nghề, Hội chữ thập đỏ huyện Quế Sơn gửi trẻ em khuyết tật vào học nghề. Chị gật đầu đưa các em về đào tạo, đến giờ chẳng nhớ xuể đã truyền nghề cho bao nhiêu người, chỉ còn hai cô gái bị câm điếc vẫn gắn bó với tiệm. Chị Nga làm đã 15 năm, chị Nên được 5 năm, cả hai bây giờ đều là thợ chính. Hỏi chị Nga làm một tháng được bao nhiêu tiền, mắt chị mở to xòe hết năm ngón tay, tay kia bận giữ tóc nên không đưa thêm ngón nào. Mấy thợ kế bên trêu: “Bằng lương của sếp lớn đấy”.

Chị Hòa còn nhớ như in những ngày đầu Nên tới xin học đòi quán phải trả tiền lương nếu không sẽ bỏ, mẹ Nên vội vàng mang tiền sang nhờ chị Hòa hàng tháng giả vờ trả cho Nên, miễn sao đứa con khiếm khuyết của mình học được cái nghề. Nhưng chị nhất quyết không chịu nhận, bảo mẹ Nên mang tiền về, rồi nhiệt tình đào tạo, hàng tháng móc tiền túi cho Nên một khoản để có động lực học tập.

Năm nay, Nên đã mua được chiếc xe tay ga, sắm đủ thứ trong nhà đón Tết. Thợ trong tiệm bảo: Kém nói, kém nghe nên đi xin làm tóc ở đâu họ cũng từ chối, chỉ chị Hòa mới sẵn sàng nhận và dạy nghề nhiệt tình như vậy. Chị Nguyễn Thị Thu Hoa (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình) chia sẻ: “Tui tới đây một phần vì quán làm tóc đẹp, một phần vì cảm kích tấm lòng thơm thảo, biết đùm bọc người khó của cô chủ”.

Không chỉ với những người không may như Nga, Nên, với đội thợ gần 20 người trong quán, chị Hòa cũng như một “từ mẫu”, luôn cởi mở, thân thương và chu đáo với từng người. Chị đùa, bây giờ đuổi như đuổi tà đội thợ cũng không chịu đi, vì ở đây “sướng quá”. Lê Đình Duy, thợ làm ở tiệm 3 năm, thật thà: “Hồi trước nghe tiếng chị Hòa đùm bọc, giúp đỡ nhiều trường hợp khuyết tật, nhiệt tình truyền nghề nên em mới tìm tới xin làm. Ở đây một thời gian là lên tay liền. Lương tháng của em giờ đã 7 triệu, hiếm nơi nào trả được. Khách có đông tới mấy thì chị cũng chỉ nhận 45 người, làm đủ giờ là cho tụi em nghỉ để có sức mai làm tiếp, không vì lợi nhuận mà bóc lột sức lao động của thợ”.

Duy còn nói thêm, bây giờ thợ nào cũng đủ sức mở tiệm riêng nhưng chẳng ai muốn. Gắn bó với quán vừa có mức thu nhập ổn định, vừa học được nhiều điều hay mà có lẽ không tiệm tóc nào có được.

Thanh Trần

Từ khóa » Trúc Hòa