Đề Thi HK1 Môn Ngữ Văn Lớp 9 Năm 2018-2019, Trường ... - Hoc247

ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019

TRƯỜNG THCS QUANG TRUNG Bài kiểm tra: NGỮ VĂN LỚP 9

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Lặng rồi cả tiếng con ve

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.

Nhà em vẫn tiếng a ời

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.

Lời ru có gió mùa thu

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

(Mẹ, Trần Quốc Minh, Theo Thơ chọn với lời bình,

NXB Giáo dục, 2002, tr. 28-29)

Câu 1 (0,5 điểm): Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5 điểm): Từ “Bàn tay” trong bài thơ là nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Câu 3 (1,0 điểm): Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai, nhân vật ấy muốn bày tỏ tình cảm gì?

Câu 4 (1,0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ sau:

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (7 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung phần đọc hiểu trên, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10-15 dòng) trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng ta phải có lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ?

Câu 2 (5,0 điểm): Đóng vai nhân vật ông Hai để kể lại tâm trạng của mình khi nghe được tin làng Chợ Dầu theo Tây.

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ Lục bát.

Câu 2. Bàn tay: Nghĩa gốc

Câu 3.

  • Nhân vật trữ tình của bài thơ là một người con
  • Đang bày tỏ tình cảm biết ơn với người mẹ của mình.

Câu 4.

  • Biện pháp tu từ: So sánh “Mẹ là ngọn gió”
  • “Mẹ là ngọn gió” - ngọn gió mát lành làm dịu êm những vất vả trên đường, ngọn gió bền bỉ theo con suốt cuộc đời. Hình ảnh thơ giản dị nhưng giúp ta thấy được tình thương yêu lớn lao, sự hi sinh thầm lặng, bền bỉ suốt cuộc đời mẹ đối với con.

PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (7 điểm):

Câu 1. Viết đoạn văn trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta phải có lòng hiếu thảo.

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần: lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ

c. Triển khai vấn đề đảm bảo được một số nội dung sau: Vì sao cần phải có lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ?

  • Ông bà cha mẹ là người đã sinh ra ta, đã mang lại cuộc sống này cho chúng ta
  • Hiếu thảo là một chuẩn mực đạo đức của xã hội, là thể hiện sống có trách nhiệm của mỗi người.
  • Giá trị của bạn sẽ được nâng cao nếu sống có hiếu thảo, luôn được mọi người yêu mến và quý trọng.
  • Lòng hiếu thảo gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, thể hiện tình yêu thương gia đình.
  • Phê phán những người không hiếu thảo trong xã hội hiện nay: sống bất hiếu, vô lễ, thậm chí còn đánh đập đối xử tàn nhẫn, bỏ rơi cha mẹ già. Đó là một lối sống vô ơn, một nhân cách kém cỏi, đáng chê trách.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc một bài văn: Có đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng nội dung kể: tâm trạng của ông Hai khi nghe được tin làng Chợ Dầu theo Tây.

c. Học sinh sắp xếp được các ý sau thành bài văn thống nhất theo mạch kể phù hợp:

  • Giới thiệu nhân vật kể chuyện: Ông Hai giới thiệu về mình, về cái làng của mình.
  • Ông Hai kể lại tâm trạng của mình ở nơi tản cư: nhớ làng, quan tâm đến kháng chiến, phấn chấn khi ở phòng thông tin bước ra.
  • Ông Hai kể lại tâm trạng của mình từ khi nghe được tin dữ: làng Chợ Dầu của ông là Việt gian (Miêu tả nội tâm, đối thoại, độc thoại, nghị luận...)
  • Ông Hai kể lại tâm trạng của mình khi nghe được tin cải chính.
  • Khẳng định lại tình cảm của ông Hai đối với làng, với kháng chiến, với cụ Hồ.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa Tiếng Việt

  • Lưu ý khi chấm bài:
    • Trên đây chỉ là những ý cơ bản, giáo viên cần căn cứ cụ thể vào bài thi để chấm một cách linh hoạt, hợp lý, phù hợp với đặc trưng bộ môn.
    • Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, miễn là làm rõ vấn đề được yêu cầu trong đề bài, đảm bảo kỹ năng hành văn, nội dung được sắp xếp lô-gic, hợp lý.
    • Khuyến khích những bài làm có nhiều tìm tòi, phát hiện, sáng tạo trong nội dung và hình thức thể hiện; trừ điểm đối với những bài mắc lỗi kiến thức cơ bản, lỗi hành văn và trình bày.

Ngoài ra, các em có thể làm bài thi online tại đây:

Đề thi HK1 môn Ngữ văn lớp 9 năm 2018-2019, Trường THCS Quang Trung

Từ khóa » đề Thi Ngữ Văn Lớp 9 Hk1 2018