Đề Thi Thử THPT Quốc Gia Môn Văn 2019, đề 17 Người Lái đò Sông Đà

MÔN: NGỮ VĂN 12

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Bạn không cần phải thắng bằng mọi giá

Một trong những câu hỏi quan trọng bạn có thể tự hỏi là: “Tôi muốn mình luôn luôn đúng hay tôi muốn được hạnh phúc?”. Trong nhiều trường hợp, hai điều này thường không đi cùng nhau.

Việc tỏ ra mình là người luôn đúng – nghĩa là người khác sai – sẽ đẩy chúng ta vào thế sẵn sàng tranh cãi với bất kỳ ai không cùng quan điểm. Và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ khiến đầu óc chúng ta tốn rất nhiều năng lượng cũng như làm chúng ta xao nhãng với cuộc sống xung quanh. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn dành rất nhiều thời gian và công sức để chứng minh (hay bảo vệ) quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai. Vô tình hay hữu ý, nhiều người tin rằng việc đưa ra ý kiến riêng “đúng đắn” sẽ giúp người khác điều chỉnh họ và học hỏi thêm nhiều điều. Thực ra, điều này hoàn toàn sai.

Bạn hãy nhớ lại xem, đã bao giờ bạn bị ai đó “sửa lưng” và bạn nói với họ: “Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”. Hoặc đã bao giờ có ai đó nói cảm ơn khi bạn phản đối họ hay chứng tỏ bạn đúng họ sai. Sự thật là đa phần chúng ta đều không thích bị người khác vạch ra sai lầm của mình. Con người luôn mong muốn người khác lắng nghe và được công nhận. Do đó, một người biết cách lắng nghe thường là người được yêu quý và tôn trọng. Những người có thói quen hay phản đối người khác thường chỉ nhận được phản ứng bực bội và bị lảng tránh.

(Richard Carlson – Tất cả đều là chuyện nhỏ, NXB Tổng hợp Thành phố HCM, trang 35)

Câu 1. Chỉ ra tác hại của việc tỏ ra mình là người luôn đúng. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo anh (chị) việc bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng người khác đã sai là đúng hay sai? (0,5 điểm)

Câu 3. Chúng ta cần làm gì để được người khác lắng nghe và công nhận? (1,0 điểm)

Câu 4. Anh (chị) có đồng tình với quan điểm của tác giả cho rằng việc khẳng định mình luôn đúng và mình muốn được hạnh phúc thường không đi cùng nhau không? Vì sao? (1,0 điểm)

LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, có đoạn Nguyễn Tuân viết: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.

Lại có đoạn: “Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.

Anh (chị) hãy lí giải điểm khác biệt trong cách miêu tả con sông Đà của nhà văn qua hai đoạn kể trên.

———- Hết ———–

* Chú ý: Thí sinh không được sử dụng tài liệu khi làm bài. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI HỌC KÌ 1, KHỐI 12, NĂM HỌC: 2018 – 2019

Câu Nội dung Điểm
I. Đọc hiểu   3.0
1 Tác hại của việc tỏ ra mình là người luôn đúng là:

–         Tạo ra tâm thế sẵn sàng tranh cãi với người khác

–         Đầu óc tốn rất nhiều năng lượng

–         Sao nhãng với cuộc sống xung quanh

0.5
2 Học sinh có thể lập luận theo nhiều quan điểm khác nhau, song cần làm rõ được các ý:

– Việc bảo vệ quan điểm của mình là đúng. Bởi đó là cách để khẳng định bản thân và cần thiết phải giữ vững lập trường, suy nghĩ của mình.

– Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cho rằng mình luôn đúng và người khác đã sai. Bởi vì sự đánh giá của mình về chính mình và người khác là sự đánh giá phiến diện.

– Cho nên không nhất thiết trong mọi trường hợp cần bảo vệ quan điểm của mình và cố gắng chỉ ra người khác đã sai.

0.5
3 Để được người khác lắng nghe và công nhận, chúng ta cần:

– Học cách lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ người khác

– Từ bỏ thói quen phản đối người khác. Thay vào đó, hãy khéo léo chỉ ra chỗ sai của người khác để họ vui lòng sửa lỗi.

1,0
4 Học sinh có thể đưa ra kiến giải riêng của mình và lập luận thuyết phục. Song cần làm rõ được các ý:

– Việc khẳng định mình luôn đúng là thái độ hiếu thắng, tự kiêu tự đại không nên có trong giao tiếp.

– Niềm hạnh phúc là cảm giác mãn nguyện khi chúng ta đạt được ước mơ trong cuộc sống.

– Việc khẳng định mình luôn đúng không thể đem lại hạnh phúc cho con người bởi vì:

+ Tâm lí hiếu thắng có thể đem lại cho bạn cảm giác hãnh diện vui sướng nhất thời. Nhưng sẽ khiến bạn trở nên bị ghen ghét, xa lánh.

+ Bản thân mình không lắng nghe và nhận thấy lỗi sai của mình.

+ Khiến cho người khác thấy bực bội, không muốn lại gần

1,0
II. Làm văn 2.0
Câu 1 Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về câu nói: “Cảm ơn bạn đã chỉ cho tôi thấy điều tôi sai!”.

* Yêu cầu về hình thức:

– Đảm bảo bố cục đoạn văn: câu mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn

– Trình bày câu văn mạch lạc, lập luận rõ ràng, sáng nghĩa

* Yêu cầu về nội dung:

– Giải thích câu nói: là lời cảm ơn cần thiết khi có ai đó vạch ra lỗi sai của chính mình

– Phân tích ý nghĩa của câu nói:

+ Câu nói đã khẳng định rằng: không phải mọi lúc bản thân mình luôn đúng. Do đó, khi được người khác chỉ ra sai lầm của mình cần biết lắng nghe để sửa lỗi

+ Biết nói lời cảm ơn khi có người giúp bạn sửa sai và hoàn thiện chính mình. Đó là lối ứng xử văn hóa

– Bàn luận:

+ Trong giao tiếp, không ai luôn đúng hoặc luôn sai. Chúng ta nhất thiết cần phải lắng nghe quan điểm của người khác và nhìn thấy chỗ sai của mình.

+ Trên thực tế, nhiều người luôn cố tỏ ra mình luôn đúng và phủ nhận người khác. Khi bị vạch ra sai lầm thì luôn cảm thấy khó chịu, ấm ức. Đó là thái độ tiêu cực, cần loại bỏ khi giao tiếp.

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Luôn học hỏi, lắng nghe từ người khác

+ Luôn cầu thị, tự sửa lỗi để hoàn thiện mình

+ Không nhất thiết phải thắng bằng mọi giá trong giao tiếp. Luôn khiêm tốn với chính mình, luôn khéo léo trong cách chỉ ra lỗi sai của người khác.

0.25

0.25

0.5

0.5

0.5

Câu 2 Anh (chị) hãy lí giải điểm khác biệt trong cách miêu tả con sông Đà của nhà văn qua hai đoạn kể trên. 5.0

  * Yêu cầu chung:

– Bài văn nghị luận đảm bảo bố cục 3 phần rõ ràng

– Trình bày câu văn, đoạn văn mạch lạc, rõ nghĩa

– Học sinh cần huy động kiến thức, vận dụng các kĩ năng làm văn, bám sát vào văn bản để phân tích.

* Yêu cầu cụ thể:

1. Tác giả, tác phẩm

– Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa, độc đáo, thành tựu trên các các thể loại: truyện ngắn và tùy bút. Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật và cuộc sống. Tuy cuộc đời cầm bút vắt qua hai giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám nhưng sáng tác của ông thống nhất ở cái nhìn duy mĩ về con người và sự vật.

– Tác phẩm được sáng tác nhân một chuyến đi công tác của nhà văn lên vùng núi Tây Bắc và được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960)

2. Phân tích hình ảnh con sông Đà trong hai đoạn văn trên:

– Giống nhau: hai đoạn văn đều miêu tả con sông Đà trong mối quan hệ với người lái đò trên dòng sông. Bút pháp nhân hóa, làm cho con sông trở thành một sinh vật có cá tính độc đáo. Thể hiện cái nhìn biện chứng của nhà văn về hai nét tính cách khác biệt của dòng sông

– Khác nhau:

+ Đoạn 1: hình ảnh con sông Đà hung bạo, dữ tợn như con thủy quái khổng lồ. Học sinh phân tích đoạn con sông mai phục trong đoạn thủy chiến với người lái đò

+ Đoạn 2: hình ảnh con sông Đà đằm thắm, trữ tình. Học sinh phân tích hình ảnh con sông ở đoạn hạ lưu: hai bên bờ sông, dòng sông lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi ở thượng nguồn.

3. Lý giải điểm khác biệt trong cách miêu tả con sông Đà của nhà văn trong hai đoạn văn kể trên:

– Sự khác biệt trong cách sử dụng từ ngữ, câu văn miêu tả về dòng sông.

+ Đoạn 1: ngôn ngữ gân guốc, góc cạnh, sắc sảo (mai phục, nhổm dậy, vồ lấy thuyền…) thể hiện tính cách dữ tợn, với âm mưu nham hiểm của các thạch trận đá.

+ Đoạn 2: ngôn ngữ mượt mà, uyển chuyển, sâu lắng (lắng nghe, giọng nói êm êm, đang trôi những con đò…) thể hiện tính cách hiền hòa, thơ mộng, trữ tình của dòng sông.

– Do sự tiếp cận của nhà văn về dòng sông ở hai thời điểm khác nhau. Đoạn 1 là hình ảnh con sông ở thượng nguồn với những đá hai bên bờ sông dựng vách thành, những quãng mặt ghềnh, những cái hút nước và những thác nước… Nên dòng sông trở nên dữ tợn, nguy hiểm. Còn ở đoạn 2 sông Đà được miêu tả ở đoạn hạ lưu, mặt nước chậm trôi, hiền hòa, cảnh hai bên bờ sông tĩnh lặng, thơ mộng như lắng lại ở người đọc nỗi nhớ thương những hòn đá thác xa xôi nơi thượng nguồn.

– Sự khác biệt trong cách miêu tả hai nét tính cách tưởng như đối lập mà lại thống nhất biện chứng với nhau.

+ Đoạn 1: Tính cách hung bạo, dữ tợn của con sông Đà là do con sông đang “làm mình làm mẩy” với con người Tây Bắc và “phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò sông Đà”. Đó là cách con sông thể hiện tình yêu đối với con người Tây Bắc.

+ Đoạn 2: Tính cách trữ tình: cái nhìn bao quát từ cao và xa, con sông gợi cảm, trữ tình. Biết làm duyên làm dáng “tuôn dài như một áng tóc trữ tình”, biết lắng nghe “giọng nói êm êm của người xuôi”.

ð Hai nét tính cách đối lập tạo nên cá tính độc đáo của dòng sông Đà.

– Sự khác biệt trong hai nét tính cách của con sông Đà giúp nhà văn thể hiện quan niệm về cuộc sống:

+ Thiên nhiên vừa là hoàn cảnh thử thách nghiệt ngã vừa là người bạn của con người.

+ Nhà văn nhìn sự vật ở góc độ văn hóa thẩm mĩ. Bởi trong mỗi sự vật, mỗi con người đều có cá tính độc đáo, cần được thấu hiểu.

+ Thể hiện tình yêu thiên nhiên và cuộc sống lao động của con người Tây Bắc trong hành trình xây dựng cuộc sống mới XHCN

4. Đánh giá

– Con sông Đà với hai nét tính cách đối lập tạo nên cá tính độc đáo khác biệt trong văn chương

– Khẳng định bút pháp tài hoa độc đáo của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật xây dựng hình tượng văn học.

0.5

0.5

2.0

1.0

1.0

1.5

0,5

Từ khóa » đề Thi Về Người Lái đò Sông đà Năm 2019