Đề Thi Thử THPT Quốc Gia Môn Văn Bài Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

 (1)Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: nếu học thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ. Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyên. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn.

(2)[…] Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ. Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ… trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại”. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sổng.

( Trích Tôi tài giỏi, bạn cũng thế – Adam Khoo, NXB Phụ nữ, 2013)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng gì?

Câu 2. Theo tác giả, để làm chủ được cuộc sống của mình, bạn cần làm gì?

Câu 3. Theo anh/ chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?

Câu 4. Anh/chị có đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao?   

LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về: Thái độ trước cuộc sống quyết định tương lai của bạn.

Câu 2 (5,0 đim)

Khi có giặc người con trai ra trận Người con gái trở về nuôi cái cùng con Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh Nhiều người đã trở thành anh hùng Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ Những em biết không Có biết bao người con gái, con trai Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi Họ đã sống và chết Giản dị và bình tâm Không ai nhớ mặt đặt tên Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một,  NXB Giáo dục, 2016, tr121)

Cảm nhận của anh/chị về tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” trong đoạn thơ trên. Từ đó, hãy nhận xét chất sử thi trong sáng tác của nhà thơ.

 

———–HẾT———

\-HƯỚNG DẪN LÀM BÀI 

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 3.0
1 Việc đưa ra các Ví dụ trong đoạn (1) có tác dụng:

– Chứng minh cho vấn đề cần nghị luận: Người thành công luôn tự chịu trách nhiệm về mình.

– Làm tăng sức thuyết phục người đọc, người nghe.

0,5
2 Theo tác giả, để làm chủ được cuộc sống của mình, bạn cần làm:

– Nhận lãnh trách nhiệm về những việc xảy ra với mình.

– Không tự lừa dối bản thân, cần dũng cảm đối mặt với những khiếm khuyết của mình.

0,5
3 Theo anh/ chị, cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người được nói đến trong đoạn trích?Cần làm gì để không rơi vào khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người:

– Biết nhận lỗi về mình khi bản thân làm sai.

– Ý thức được trách nhiệm của bản thân khi đưa ra quyết định.

– Đối diện với thất bại và tìm mọi cách để khắc phục.

– Đề cao lòng tự trọng của con người.

1,0
4 Anh/chị có đồng ý với quan điểm Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn không? Vì sao?   

Học sinh có thể trả lời: Đồng tình quan điểm, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng phải lí giải hợp lí, thuyết phục.

– Đồng tình:

+ Nhận lãnh trách nhiệm về mình sẽ tạo ra động lực để ta cố gắng, cải tạo những khuyết điểm, khích lệ để phát huy những điều tốt đẹp đã đạt được.

+ Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân thể hiện sự dũng cảm, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm… Đây là những điều tạo nên sức mạnh để mình làm nên thành công trong cuộc sống.

– Không đồng tình hoặc đồng tình một phần:… (cần lí giải rõ ràng, thuyết phục)

1,0
II   LÀM VĂN 7,0
1 Trình bày suy nghĩ về: Thái độ trước cuộc sống quyết định tương lai của bạn. 2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Thái độ trước cuộc sống quyết định tương lai của bạn. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận:

HS lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ Thái độ trước cuộc sống quyết định tương lai của bạn. Có thể theo hướng sau:

– Thái độ sống là những quan điểm, suy nghĩ và cách đối mặt, giải quyết trước những vấn đề của cuộc sống. Việc lựa chọn suy nghĩ và cách đối mặt tích cực hay tiêu cực có ý nghĩa rất lớn đến tương lai của một người.

– Cùng một vấn đề mắc phải, người tích cực sẽ nhìn nhận theo hướng lạc quan để rồi chủ động đối mặt và giải quyết. Ngược lại người có thái độ sống tiêu cực lại nhìn thấy sự u ám, bế tắc nên dễ chán nản, buông xuôi…

– Thái độ sống tích cực thúc đẩy con người sáng tạo để vượt lên những khó khăn. Họ cũng có niềm tin vào những điều tốt đẹp nơi người khác và trong cuộc sống. Sống tích cực còn thúc đẩy con người biết cống hiến và đem lại niềm vui cho người khác…

1,0

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0,25
2 Cảm nhận của anh/chị về tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” trong đoạn thơ trên. Từ đó, hãy nhận xét chất sử thi trong sáng tác của nhà thơ. 5.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

 Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.              

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” trong đoạn thơ trên, nhận xét chất sử thi trong sáng tác của nhà thơ.

0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

*Giới thiệu khái quát về tác giả, đoạn trích Đất nước và vấn đề nghị luận. 0,5
*Cảm nhận của anh/chị về tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” trong đoạn thơ.

Về nội dung:

– Nhà thơ đã nhìn vào chiều sâu của cả quá trình lịch sử để nhận ra một quy luật bất biến của sự sống, của nhịp sống: đó là “cần cù làm lụng” lúc hoà bình và “ra trận” khi có giặc. Chính việc chiến đấu và dựng xây, vun đắp và bảo vệ mới làm nên một đất nước.

– Khẳng định nhân dân vô danh đã làm nên lịch sử, vừa tạo nên liên tưởng về một sức mạnh vô hình gắn kết mọi thế hệ là lịch sử của sức sống, sự sống dân tộc, khẳng định lịch sử được làm nên bởi lớp lớp ”những người con gái con trai bằng tuổi chúng ta”.

– Nhà thơ nhấn mạnh hai lần: “lớp người giống ta lứa tuổi”; đó là những con người bình dị đã cần cù làm lụng và đánh giặc bảo vệ đất nước để viết nên lịch sử oanh liệt và nói tới trách nhiệm to lớn của thế hệ trẻ ngày nay.

– Tác giả không nhắc về những sự kiện lịch sử trọng đại, những người anh hùng nổi tiếng lưu danh sử sách mà ông viết về những người anh hùng vô danh mà vĩ đại, gợi những suy tư sâu xa trong lòng người đọc.

– Nhân dân đã tự nguyện hi sinh cho sự sống bất tận của Đất Nước. Các thế hệ nhân dân đã hi sinh nhẹ nhàng, thanh thản. Họ thật cao cả, vĩ đại, phi thường – “không ai nhớ mặt đặt tên – nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

– Đất Nước vốn lớn lao trừu tượng trở thành một sản phẩm kì diệu trong bàn tay của những con người lao động cần cù. Nhân dân đã tạo ra lịch sử. Nhà thơ đã đặt những cái vĩnh hằng bên cạnh cái giản dị, vô danh để khẳng định, ngợi ca nhân dân, vai trò của nhân dân đối với Đất Nước. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện niềm kính trọng, biết ơn đối với nhân dân.

Về nghệ thuật:

– Thể thơ tự do với những câu thơ co duỗi nhịp nhàng, linh hoạt gợi về quá trình lịch sử đầy gian khổ của Đất Nước, gợi về sự hi sinh vĩ đại của nhân dân ta.

– Giọng điệu thơ như những lời tâm tình nhắn nhủ tuổi trẻ và tự nhận thức chính mình về vai trò, trách nhiệm đối với Đất Nước.

– Ý thơ chính luận được viết ra bằng lời thơ giản dị, giọng thơ tâm tình nên rất mềm mại, không khô cứng như một lời giáo huấn.

2,0
*Nhận xét chất sử thi trong sáng tác của nhà thơ.

– Chất sử thi trong văn học tập trung phản ánh những vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước: Tổ quốc còn hay mất, tự do hay nô lệ. Nhân vật chính là những con người đại diện cho phẩm chất và ý chí của dân tộc; gắn bó số phận cá nhân với số phận đất nước; luôn đặt lẽ sống của dân tộc lên hàng đầu. Giọng điệu sử thi là giọng ngợi ca, trang trọng và đẹp tráng lệ, hào hùng.

– Nguyễn Khoa Điềm hướng về những con người bình dị đã cần cù làm lụng và đánh giặc bảo vệ đất nước giữa những ngày kháng chiến chống Mĩ ác liệt, đất nước còn chia cắt. Đoạn thơ được viết bằng thể thơ tự do, giọng điệu tâm tình trò chuyện, từ ngữ giản dị, gần gũi nhằm khẳng định vai trò to lớn của nhân dân vô danh.

1,0
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25
e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0,5

 

 

———–HẾT———-

Từ khóa » đọc Hiểu Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế Trang 43