Để Triết Học Không Còn Là Nỗi ám ảnh Của Sinh Viên

1. Trước tiên, bạn phải hiểu thế nào là chủ nghĩa duy tâm, thế nào là chủ nghĩa duy vật.

Duy tâm là bạn coi trọng ý thức hơn vật chất, xem ý thức có vai trò quyết định vật chất, kiểu như chỉ cần có niềm tin là có thể sống được.

Còn duy vật là bạn coi trọng vật chất hơn ý thức, xem vật chất có vai trò quyết định vật chất, điển hình là câu nói “Có thực với vực được đạo”.

Từ đó, có khái niệm “duy vật biện chứng”, đó là mọi sự vật tồn tại luôn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau và nó có vai trò quyết định ý thức.

Phép biện chứng duy vật gồm 2 nguyên lý, 3 quy luật và 6 cặp phạm trù:

2 nguyên lý: mối liện hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển

- Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến:

Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại luôn có mối quan hệ tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau, không có sự vật hiện tượng nào mà chỉ tồn tại một cách độc lập, tách rời nhau, từ đó, rút ra được bài học thực tế:

+ Muốn nhận xét đúng một sự việc hoặc sự vật, hiện tượng cần phải xem xét chúng ở các mặt, các phương diện và yếu tố để đánh giá chính xác, tránh quan điểm phiến diện, chỉ nhìn vào một sự việc mà đánh giá chung cho toàn bộ. Điển hình đó là câu chuyện “Thầy bói xem voi”

+ Đồng thời, cần phải đặt các sự việc hoặc sự vật, hiện tượng đó trong những điều kiện hoàn cảnh lịch sử khác nhau để đánh giá. Điển hình là khi đưa ra bản án cho một kẻ phạm tội trộm cắp cần phải xem xét rằng tiền sử của người đó đã từng phạm tội hay chưa, nếu chưa thì lý do gì mà người đó phạm tội, có thể vì lý do đang túng thiếu cần tiền chữa bệnh cho con để thực hiện hành vi chẳng hạn, từ đó mới xem xét giảm án thích hợp cho người này.

- Nguyên lý về sự phát triển:

Mọi sự vật, hiện tượng luôn tồn tại trong trạng thái vận động và phát triển theo đường xoắn ốc, cái mới ra đời thay thế cái cũ, trên cơ sở cái cũ. Nhận thức được nguyên lý này, bạn phải hiểu rằng mọi thứ luôn cần phải có thời gian tích lũy, khi tích lũy đạt đến một mức độ nhất định thì đòi hỏi bạn phải bước tiến lên một bậc mới, tiến bộ hơn, phát triển hơn.

Từ đó cần phải tránh tâm lý ù lì, không chấp nhận sự phát triển như một quy luật tất yếu hoặc nôn nóng, chưa tích lũy đủ mà đã muốn tiến lên bậc mới.

3 quy luật: Quy luật lượng – chất, quy luật mâu thuẫn và quy luật phủ định của phủ định

- Quy luật lượng – chất: Chỉ ra cách thức của sự vận động và phát triển

Lượng là cái thường xuyên biến đổi, còn chất là cái tương đối ổn định, lượng biến đổi đến một mức độ nhất định sẽ chuyển hóa thành chất mới thay thế chất cũ.

Trong quy luật này có dùng một số từ như “độ”, “bước nhảy”, “điểm nút”. Cụ thể: Độ là khoảng giới hạn mà sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản về chất của sự vật, điểm nút là thời điểm mà tại đó, sự thay đổi về lượng đủ để làm thay đổi về chất của sự vật và bước nhảy là chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật.

Lấy một ví dụ cụ thể cho các bạn về quy luật này như sau:

Sinh viên tích lũy một lượng kiến thức đủ mới trở thành cử nhân. Trong đó: lượng là lượng kiến thức phải đạt được, chất là sinh viên. Độ là từ năm 1 đến năm 4, còn điểm nút chính là năm 1 và năm 4,  bước nhảy chính là từ sinh viên lên cử nhân. Lúc này, chất là cử nhân.

Rút ra bài học thực tế: Cần phải tích lũy đủ về lượng thì mới có thể thay đổi về chất, tránh tư tưởng nóng vội chưa tích lũy đủ về lượng đã muốn thay đổi về chất (chưa học xong đã muốn đi làm công việc mình đang học) hoặc bảo thủ, trì trệ khi đã tích lũy đủ về lượng nhưng lại không muốn thay đổi về chất (học xong rồi nhưng lại không muốn đi làm)

- Quy luật mâu thuẫn: Chỉ ra nguồn gốc của sự vận động và phát triển

Trong mỗi sự vật, hiện tượng hay quá trình nào đó luôn chứa đựng những mặt, khuynh hướng đối lập nhau tạo thành những mâu thuẫn bên trong bản thân sự vật, hiện tượng đó. Và sự thống nhất, đấu tranh giữa các mặt đối lập này là nguồn gốc tạo nên sự vận động và phát triển, dẫn đến cái mới ra đời thay thế cái cũ.

Vì mâu thuẫn là nguồn gốc, động lực của sự phát triển, nên cần phải phân tích, sự vật, hiện tượng để tìm ra những mâu thuẫn trong các mặt, khuynh hướng và mối liên hệ giữa chúng mà giải quyết, tránh việc điều hòa các mâu thuẫn đó.

Đơn cử là câu chuyện không biết thì phải học.

- Quy luật phủ định của phủ định:

Cái mới ra đời thay thế cái cũ nhưng trên nền tảng kế thừa cái cũ. Cái mới này trong quá trình phát triển tiếp theo lại dần trở nên cũ, lỗi thời nên nó lại bị phủ định bởi một cái mới cao hơn. Cứ như thế mà thông qua số lần phủ định kế tiếp nhau mà sự vật, hiện tượng sẽ phát triển không ngừng theo đường xoắn ốc.

Điển hình là văn bản pháp luật mới ra đời luôn dựa trên nền tảng của văn bản pháp luật cũ, giữ lại những điểm hay của văn bản pháp luật cũ, đồng thời bãi bỏ những điểm chưa hay, chưa tốt để thay thế bằng điểm mới hay hơn, tốt hơn tại văn bản pháp luật mới.

Rút ra được bài học thực tế: Cái mới ra đời là tất yếu, cái mới thay thế cái cũ, nhưng dựa trên nền tảng cái cũ, tránh phủ định sạch trơn cái cũ hoặc là không đón nhận sự ra đời của cái mới.

6 cặp phạm trù: Cái riêng và cái chung; Nguyên nhân và kết quả; Tất nhiên và ngẫu nhiên; Nội dung và hình thức; Bản chất và hiện tượng; Khả năng và hiện thực

Cái riêng và cái chung: Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình.

Ví dụ: mỗi con người là một thực thể riêng biệt, phân tích kỹ bên trong mỗi con người đều có những điểm chung như đều có khối óc có thể điều khiển được hành vi của mình và trái tim cảm nhận được thế giới xung quanh.

Nguyên nhân và kết quả: Nguyên nhân sinh ra kết quả nên nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả, nguyên nhân như thế nào sẽ sinh ra kết quả như thế ấy.

Ví dụ: Gieo nhân nào thì gặt quả nấy.

Tất nhiên và ngẫu nhiên: Tất nhiên vạch ra đường đi cho mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên, tất nhiên quy định ngẫu nhiên, đồng thời, ngẫu nhiên bổ sung cho tất nhiên. Do vậy trong thực tế phải căn cứ vào cái tất nhiên, chứ không phải căn cứ vào cái ngẫu nhiên, nhưng cũng không được bỏ qua cái ngẫu nhiên, không tách rời cái tất nhiên ra khỏi cái ngẫu nhiên.

Ví dụ: Để đạt được kết quả tốt trong học tập thì chăm chỉ, siêng năng học tập là điều tất nhiên, nhưng nhưng đến ngày thi thì bị vấn đề về sức khỏe làm kết quả thi thấp là điều ngẫu nhiên.

Nội dung và hình thức: Nội dung và hình thức có mối liên hệ thống nhất, gắn bó chặt chẽ lẫn nhau. Không có nội dung nào mà lại không có hình thức, cũng không có một hình thức nào lại không chứa nội dung. Nội dung quyết định hình thức và hình thức cũng tác động trở lại đối với nội dung. Hình thức phù hợp sẽ thúc đẩy nội dung phát triển và ngược lại.

Ví dụ: Nội dung một quyển sách như thế nào thì mới quyết định phải làm trang bìa như thế nào, nếu như nội dung vui nhộn nhưng trang bìa có cách bố trí tiêu đề và màu bìa là gam màu buồn thì không thể tạo sự hứng khởi cho người đọc quyết định đọc quyển sách đó.

Bản chất và hiện tượng: Bản chất bao giờ cũng biểu hiện ra thành những hiện tượng nhất định, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của một bản chất nhất định. Bản chất quyết định hiện tượng, bản chất như thế nào thì hiện tượng sẽ như thế ấy.

Ví dụ: bản chất của nước là chất lỏng được thể hiện bằng hiện tượng

Khả năng và hiện thực: Khả năng và hiện thực tồn tại thống nhất, không tách rời nhau và luôn chuyển hóa lẫn nhau; khả năng trong những điều kiện nhất định sẽ biến thành hiện thực. Vì thế mà trong thực nhận thức và thực tiễn cần dựa vào hiện thực và để khả năng biến thành hiện thực cần phát huy tối đa tính năng động chủ quan của con người trong nhận thức và thực tiễn.

Ví dụ: Trước mắt, là giấy, bút và thước kẻ là hiện thực thì khả năng có thể tạo ra hộp đựng quà.

Lý luận nhận thức duy vật biện chứng là nhận thức và thực tiễn

Thực tiễn là hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử và xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội.

Thực tiễn bao gồm hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị xã hội và hoạt động khoa học, trong đó, hoạt động sản xuất vật chất đóng vai trò quyết định, chi phối đối với các hoạt động còn lại. (Có tiền và tài sản rồi thì mới nghĩ đến chuyện đảm bảo ổn định an ninh xã hội và phát triển khoa học là tiền đề để tạo ra của cải, vật chất mới)

Nhận thức là quá trình phản án tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc của con người trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo ra tri thức về thế giới khách quan đó. Nhận thức gồm nhận thức cảm tính (cảm giác, tri giác và biểu tượng) và nhận thức lý tính (khái niệm, phán đoán và suy lý)

Mối liên hệ giữa thực tiễn và nhận thức: Đối với nhận thức, thực tiễn đóng vai trò là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và tiêu chuẩn chân lý, kiểm tra tính chân lý của quá trình nhận thức. Thực tiễn là cơ sở và mục đích của nhận thức. Đồng thời, qua hoạt động thực tiễn đem lại cho con người những tài liệu cho nhận thức, giúp nhận thức nắm bắt được bản chất, quy luật vận động của thế giới.

Ví dụ: Khi học các môn vật lý, hóa học, học sinh thường được tham gia các buổi thí nghiệm song song với các buổi học lý thuyết, các buổi thí nghiệm này chính là thực tiễn để kiểm tra lại đúng đắn của lý thuyết mình vừa học. Đồng thời, trước khi đưa ra các chân lý thì các nhà khoa học đã có quá trình nghiên cứu thực tiễn để đưa ra quy luật.

 

Hết phần chủ nghĩa duy vật biện chứng, giờ đến phần chủ nghĩa duy vật lịch sử

- Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất:

Lực lượng sản xuất là toàn bộ lực lượng được con người sử dụng trong quá trình sản xuất tạo ra của cải, vật chất, bao gồm: người lao động (thể lực, trí lực và sức lao động) và tư liệu sản xuất (tư liệu lao động và đối tượng lao động)

Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất, bao gồm quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức và quản lý, quan hệ phân phối. (ai nắm quyền sở hữu thì người đó cũng có quyền tổ chức, quản lý và phân phối)

Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, cụ thể, trong quá trình sản xuất, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển, đến một trình độ nhất định thì quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, cần phải đổi mới để phù hợp với lực lượng sản xuất mới. Quan hệ sản xuất cũng có tác động trở lại đối với lực lượng sản xuất, nếu phù hợp nó sẽ là động lực để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, bằng không sẽ kiềm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Ví dụ: nguyên nhân tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa của các nước Đông Âu đó chính là không có sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, và ở nước ta cũng vậy, đã mắc phải sai lầm nóng vội, chủ quan duy ý chí, duy trì quá lâu quan hệ sản xuất bao cấp tập trung dân chủ, dẫn đến người lao động ỷ lại, trì trệ trong lao động sản xuất, không phát huy được sáng kiến mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Sau này, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, chúng ta mới dám nhìn thẳng nhìn đúng vào vấn đề để giải quyết tình trạng này, tuân thủ theo đúng quy luật.

- Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng:

Cơ sở hạ tầng: là toàn bộ các quan hệ sản xuất tác động qua lại lẫn nhau tạo nên cơ cấu kinh tế của xã hội đó. Bao gồm quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội trước và quan hệ sản xuất mầm mống, trong đó quan hệ sản xuất thống trị đóng vai trò quyết định, chi phối các quan hệ sản xuất còn lại.

Kiến trúc thượng tầng: là toàn bộ hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội (ý thức chính trị, pháp quyền, tôn giáo) cùng với các thiết chế chính trị xã hội (nhà nước, đảng phái, giáo hội) tương ứng được hình thành trên cơ sở kiến trúc thượng tầng nhất định.

Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng có mối liên hệ thống nhất với nhau, trong đó, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, song kiến trúc thượng tầng cũng tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng.

Ví dụ: Tầng lớp nào nắm giữ quyền lực về kinh tế thì cũng sẽ nắm giữ quyền lực về chính trị xã hội.

- Tồn tại xã hội và ý thức xã hội:

Tồn tại xã hội: Toàn bộ đời sống vật chất của xã hội và những điều kiện sinh hoạt vật chất của nó, bao gồm: môi trường tự nhiên, điều kiện dân số.

Ý thức xã hội: toàn bộ những quan điểm, tư tưởng, tâm tư, tình cảm, tập tục truyền thống…của xã hội phản ánh lại tồn tại xã hội ở từng giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, bao gồm: ý thức xã hội thông thường, ý thức lý luận (tâm lý xã hội và hệ tư tưởng)

Tồn tại xã hội có trước, nó sinh ra và quyết định ý thức xã hội. Tồn tại xã hội như thế nào sẽ sinh ra ý thức xã hội như thế ấy, tức là người ta không thể tìm nguốc gốc tư tưởng trong đầu óc con người mà phải tìm nó trong chính tồn tại xã hội.

Ví dụ: Mình không thể tìm ra ý tưởng để viết bài này khi không có sự tồn tại những ám ảnh khi học môn này của các bạn sinh viên.

Các hình thái kinh tế xã hội

Lịch sử xã hội đã trải qua 5 hình thái kinh tế xã hội, bao gồm:

- Hình thái kinh tế xã hội công xã nguyên thủy.

- Hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ.

- Hình thái kinh tế xã hội phong kiến

- Hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa tư bản

- Hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa xã hội

Mỗi hình thái kinh tế xã hội khác nhau sẽ tương ứng với lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất khác nhau, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng khác nhau.

Như vậy, về cơ bản các bạn sinh viên chỉ cần nắm những nội dung cơ bản sau:

1. Chủ nghĩa duy vật biện chứng

2. Quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng

Vật chất, ý thức, mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, ý nghĩa phương pháp luận

3. Phép biện chứng duy vật

2 nguyên lý: nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển

3 quy luật: Quy luật lượng chất; quy luật mâu thuẫn và quy luật phủ định của phủ định.

6 cặp phạm trù: Cái riêng và cái chung; Nguyên nhân và kết quả; Tất nhiên và ngẫu nhiên; Nội dung và hình thức; Bản chất và hiện tượng; Khả năng và hiện thực

Lý luận nhận thức duy vật biện chứng

4. Chủ nghĩa duy vật lịch sử

- Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

- Cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng

- Tồn tại xã hội và ý thức xã hội

5. Các hình thái kinh tế xã hội

Theo: danluat.vn

Từ khóa » Khái Niệm Chủ Nghĩa Duy Vật Là Gì