đề Xuất độ Tuổi Của Thanh Niên Phù Hợp Và Thống Nhất Với Luật Pháp ...

 

Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là về độ tuổi của thanh niên.

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu rõ: Dự án Luật gồm 7 chương, 44 điều gồm những nội dung chính: Độ tuổi của thanh niên; Vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam...

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng là cơ quan chủ trì thẩm tra; Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Theo đó, một trong những quy định về thanh niên (Điều 1) của Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cho thấy, đa số ý kiến thống nhất quy định Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Có ý kiến đề nghị quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi cho đến 32 tuổi hoặc 35 tuổi để phù hợp với thực tiễn, trong điều kiện tuổi thọ và tuổi lao động của người Việt Nam được tăng lên.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định có 01 năm giao thoa giữa trẻ em và thanh niên nhằm đảm bảo tập trung thực hiện có hiệu quả một số chính sách về đào tạo, bồi dưỡng,... cho lực lượng này có đủ sự thích ứng về mọi mặt của đời sống xã hội khi bước vào tuổi thanh niên. Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động giữa các phương án về độ tuổi để các đại biểu có thêm cơ sở cho ý kiến, xác định độ tuổi thanh niên cho phù hợp bảo đảm vừa tập trung nguồn lực, vừa huy động phát huy thế mạnh của thanh niên, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Một số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật, theo đó quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi cho đến 30 tuổi. Một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 cho đến 35 tuổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức, tạo điều kiện cho công tác cán bộ Đoàn, góp phần tập hợp thanh niên; phù hợp với thực tiễn tuổi thọ bình quân, sức khỏe thể chất của người dân.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án nhằm xác định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn khi tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên; tránh dàn trải các nguồn lực hỗ trợ, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về độ tuổi thanh niên không giống nhau ở các nước nhưng thường tập trung trong khoảng từ 15 đến 30 tuổi. Việc quy định độ tuổi thanh niên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu phát triển toàn diện thanh niên của từng quốc gia.

Luật Thanh niên số 52/2005/QH11 quy định thanh niên là người từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Tổng kết thi hành Luật qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cho thấy, độ tuổi này phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên, với vai trò của tầng lớp thanh niên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với mục đích phát triển thanh niên của Nhà nước, đồng thời phù hợp với khả năng thực thi của luật trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại và trong tương lai của Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là độ tuổi phù hợp trong mối tương quan với độ tuổi của trẻ em theo Luật Trẻ em (trẻ em là người dưới 16 tuổi).

Việc dự thảo Luật giới hạn độ tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn, với Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, (Điều 1 quy định thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30; Điều 4 quy định đoàn viên 30 tuổi làm lễ trưởng thành Đoàn); không ảnh hưởng đến công tác cán bộ Đoàn vì Điều lệ Đoàn quy định đoàn viên trên 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn. Bên cạnh đó, quy định tiêu chuẩn về độ tuổi của cán bộ Đoàn được thực hiện theo Quy chế Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được ban hành kèm theo Quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 08/2/2010 của Ban Bí thư. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như quy định tại Điều 1 dự thảo Luật.

Đóng góp ý kiến về độ tuổi của thanh niên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 là tuổi đẹp nhất, có nhiều khát vọng, sức cống hiến nhiều nhất cho xã hội. Vì thế, trong Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) nên quy định độ tuổi thanh niên ở giới hạn này. Mặt khác, trong Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), quy định về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên còn chưa rõ ràng nên cần phải sửa đổi, đề cập kỹ lưỡng hơn. Chính sách cho thanh niên hiện còn chung chung, chưa rõ ràng nên cần phải điều chỉnh cụ thể hơn.

Còn theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Hiện nay, sự phát triển về cơ thể, tâm sinh lý của trẻ em Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới. Độ tuổi trẻ em ở Việt Nam được quy định tại các điều luật là từ dưới 16 tuổi. Còn ở nhiều nước, độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi nên độ tuổi thanh niên của Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) nên quy định độ tuổi thanh niên của Việt Nam không chỉ phải phù hợp với hệ thống luật pháp của nước ta mà còn phải phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước 105 của quốc tế đề cập về độ tuổi lao động của thanh niên.

Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm: Dự án Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 44 điều đã đề cập rõ hơn về vai trò vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, với gia đình và chính bản thân thanh niên. Các chính sách của Nhà nước, tổ chức đoàn thể phát huy trí tuệ của thanh niên trong xây dựng đất nước cũng được nêu rõ hơn trong Dự án Luật.

Hiện nay, chúng ta chưa sửa được các luật khác thống nhất với Luật Thanh niên nên cần có một điều khoản riêng riêng để tính về độ tuổi của thanh niên, sao cho phù hợp, thống nhất với luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ và cần nghiên cứu, giải trình thêm một số vấn đề về tuổi thanh niên cũng như một số ý kiến đóng góp về các vấn đề khác để đưa Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) ra Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới./.

Từ khóa » định Nghĩa Lứa Tuổi Thanh Niên