Https://.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/a...

Vị thành niên (hiểu là người sắp đến tuổi trưởng thành) là một khái niệm chưa được thống nhất về độ tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định lứa tuổi 10 - 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên.

Ở nhiều quốc gia, bao gồm Australia, Ấn Độ, Philippines, Brazil, Croatia và Colombia, trẻ vị thành niên được xác định là một người dưới tuổi 18.

Trong khi Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc, trẻ vị thành niên là người dưới 20 tuổi. Pháp luật New Zealand quy định trẻ vị thành niên là người dưới 18 tuổi.

Tại Việt Nam, trẻ vị thành niên là trẻ ở lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Trẻ em được luật pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục là dưới 16 tuổi. Về mặt luật pháp trẻ vị thành niên là trẻ dưới 18 tuổi.

Lớp tuổi vị thành niên này được chia ra ba nhóm: Từ 10 đến 13 tuổi là nhóm vị thành niên sớm; Từ 14 đến 16 tuổi là nhóm vị thành niên giữa; Từ 17 đến 19 tuổi là nhóm vị thành niên muộn. Sự phân chia này dựa theo đặc điểm ít nhiều khác nhau về phát triển cơ thể và tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên, để việc chăm sóc sức khoẻ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tuy vậy cách phân chia này cũng chỉ có tính tương đối.

Theo các nhà nghiên cứu, có những lý do về mặt sinh học khiến họ tin rằng cần phải mở rộng khái niệm vị thành niên, trong đó thuyết phục nhất là việc sau tuổi 18, 19, cơ thể con người vẫn tiếp tục phát triển. Chẳng hạn não người vẫn tiếp tục hoàn thiện hơn sau tuổi 20 để hoạt động nhanh và hiệu quả hơn. Chưa kể với không ít người, răng khôn chỉ bắt đầu xuất hiện khi họ đã bước vào tuổi 25. Cùng với lý do sinh học, những xu hướng lựa chọn cuộc sống mới của người trẻ cũng là lý do để nhóm nghiên cứu đề xuất việc "xét lại" độ tuổi vị thành niên. Trên thực tế, người trẻ hiện nay đã và đang ngày càng kết hôn và có con muộn hơn.

Những thay đổi về tâm lý của tuổi vị thành niên

Từ những thay đổi lớn về mặt sinh học, trẻ vị thành niên có những thay đổi nhiều về tâm lý. Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử được thể hiện như sau:

- Tính độc lập: Bắt đầu có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Chuyển từ sinh hoạt gia đình sang sinh hoạt bạn bè, tín ngưỡng để đạt được sự độc lập. Đôi khi chống đối lại bố mẹ.

- Về nhân cách: Cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy có những hành vi bắt chước người lớn.

- Về tình cảm: Chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương (xuất hiện tình yêu bạn bè, khó phân biệt đâu là tình yêu, đâu là bạn bè, dễ mơ mộng, khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản), học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, tỏ thái độ thân mật trong quan hệ với người khác.

- Tính tích hợp: Những thông tin thu thập được từ cha mẹ, nhà trường, xã hội, bạn bè, người trung gian, các hoạt động văn hóa là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân tạo niềm tự tin và cách ứng xử.

- Về trí tuệ: Vị thành niên thường thích lập luận, suy diễn nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế của môi trường gia đình và xã hội đồng thời cũng là giai đoạn gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng. Tuổi vị thành niên ở mỗi nền văn hóa có những đặc điểm riêng nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, sự khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý mà như nhiều người đã nhận xét, các em đang muốn khám phá chính mình. Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng vị thành niên chưa được hình thành nhân cách.

Vân Khánh biên soạn và tổng hợp (nguồn: sức khỏe và đời sống)

Từ khóa » định Nghĩa Lứa Tuổi Thanh Niên