Đền Ba Kiệu - Một Di Tích Thờ Mẫu đặc Sắc Tại Hà Nội

Ở Việt Nam dân gian đã đưa vào thế giới “mẹ” này cả những nhân vật có thực trong lịch sử dân tộc. Họ là những anh hùng, những danh nhân, những tổ nghề... có công với dân, với nước, được thờ phụng tôn vinh ví như: Bà Ỷ Lan (thời Lý), bà Bích Châu (thời Trần), bà Chúa dệt Thụ La... nói như vậy không có nghĩa là đạo Mẫu chỉ thờ các bà, các mẹ như mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn, bà mẹ xứ sở (Tháp Bà Nha Trang) bà chúa Xứ (Châu Đốc - An Giang)... mà do tiếp nhận khá nhiều yếu tố dân gian và yếu tố ngoại lai nên các vị được thờ trong đạo Mẫu không cố định. Ngoài hàng các mẫu còn có đức vua cha, quan, ông hoàng, cô, cậu, quan Ngũ hổ, Phật bà Quan âm, Ngọc hoàng thượng đế, thậm chí cả Đức Thánh Trần, một vị tướng bằng xương bằng thịt đã có công lớn, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược.

Ở Việt Nam từ thành thị cho đến thôn quê hầu như nơi nào cũng có đền thờ Mẫu (kể cả trong các chùa hầu hết đều có ban thờ Mẫu), trong bài viết này chúng tôi muốn nói tới một di tích thờ Mẫu rất đặc sắc ngay trung tâm Hà Nội, đó là đền Bà Kiệu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Cái tên đền Bà Kiệu chỉ là tên dân gian quen gọi (dù chưa biết xuất xứ từ đâu), xưa kia đền có tên là “Huyền Chân Địa” (Thiên Tiên Địa) đền là một di tích cổ nằm ở khu đất thiêng giữa trung tâm Thăng Long - Hà Nội, phía trước đền là cụm di tích Ngọc Sơn với tháp Rùa nơi gắn với huyền thoại vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Rùa thần, phía trên của đền là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nơi diễn ra những sự kiện lịch sử gắn với giới nho sĩ trí thức yêu nước Hà thành.

Đền Bà Kiệu ở Hà Nội

Căn cứ vào thư tịch cổ và văn bia còn lại, thời Lê Trung Hưng, đền thuộc thôn Tả Vọng, huyện Thọ Xương, đến giữa thế kỷ XIX đền thuộc thôn Hà Thanh, phường Đông Các, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Đầu thế kỷ XX đền là hộ số 3 thuộc phố cổ Bờ Hồ, và hiện nay đền tọa lạc tại phố Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh và hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa Công chúa. Mẫu Liễu là một trong tứ bất tử (bốn vị thánh bất tử): Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử, trong thần điện Việt Nam. Về sự tích Mẫu Liễu Hạnh hiện còn khá nhiều thư tịch cổ nói về bà. Khảo cứu các sách Truyền Kỳ Mạn Lục, Thính Văn Lục, Hà Thành Linh Tích Cổ Lục, Thăng Long Cổ Tích Khảo, chỉ có truyện Vân Cát thần nữ trong Truyền Kỳ Tân Phả của Đoàn Thị Điểm là ghi chép cụ thể và đầy đủ nhất. Loại trừ những yếu tố thần thoại được dân gian truyền tụng cuộc đời Mẫu Liễu Hạnh rất khớp với những điều ghi chép trong gia phả dòng họ Trần Lê ở quê hương bà thôn An Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay. Sự tích của bà có thể được tóm lược như sau: Vốn là con gái Ngọc Hoàng vì đánh vỡ chén ngọc nên bị giáng xuống cõi trần. Đầu thai vào nhà Lê Thái Công với cái tên Giáng Tiên, rồi làm con nuôi vị hưu quan họ Trần. Giáng Tiên không những đẹp người mà còn đủ tài cầm, kỳ, thi, họa. Lấy chồng họ Đào con một viên quan ở làng, sinh được 2 người con 1 trai, 1 gái. Vợ chồng đang yên ấm xum vầy thì đã đến hạn về trời. Không bệnh tật gì, bỗng nhiên nàng hóa. Song lòng trần không dứt nàng lại xin vua cha cho xuống hạ giới, với phép biến hóa thần thông nàng đi ngao du khắp cõi, ẩn hiện bất thường, khi thì làm cô bán rượu ở Tây Hồ xướng họa cùng Trạng Bùng và nho sinh họ Ngô, họ Lý, lại lúc làm thơ ghẹo sứ bộ từ phương Bắc trở về. Cuối cùng nàng vào vùng đất Nghệ An kết duyên với một nho sĩ vốn là chồng cũ thác sinh, sau khi sinh được một người con trai nàng lại phải về trời. Ba năm đằng đẵng trên thiên đình, nỗi nhớ cõi trần day dứt không yên,Công chúa Liễu Hạnh lại xin xuống trần lần nữa, lần này Công chúa mang theo hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa ở lại phố Cát, Thanh Hóa nơi núi non xinh đẹp, hoa cỏ tốt tươi, giếng ngọc linh thiêng, người vào Nam ra Bắc. Ở đây Tiên Chúa thường hiển linh ban phúc cho người lành giáng họa cho kẻ ác, dân chúng nhớ ơn đã lập đền thờ phụng. Bấy giờ là niên hiệu Cảnh Trị nhà Lê (1663 - 1671), Triều đình cho quân và thuật sĩ đến phá đền nhưng không được đành phải làm trả đền mới và phong cho Tiên Chúa là Mã Hoàng Công chúa, Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, Mẫu Nghi Thiên Hạ... Mẫu Liễu Hạnh chính là biểu tượng của tình yêu, tự do, sự nhập thế và dấn thân vì cuộc sống đời thường.

Nét đẹp cổ kính của ngôi đền

Có thể nói trong hàng các “Mẫu”, Liễu Hạnh được nhiều nơi thờ phụng nhất, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, không kể Cụm Di tích Phủ Dầy thì đền Bà Kiệu - Hà Nội nơi thờ Mẫu là một di tích cổ kính và rất độc đáo. Đền được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng đến giữa niên hiệu Cảnh Trị, quy mô đền được mở rộng. Với những vật liệu quý, gỗ núi Xưa, đá núi Nhuệ của vùng Châu Ái nổi tiếng, với tài năng khéo léo của những người thợ, đền Bà Kiệu quả là một di tích hiếm có. Đền được xây dựng theo kiểu chữ “Công” ( I ) gồm nhà Đại bái, Phương đình và Hậu cung. Trước kia đền Bà Kiệu còn có Tam quan nằm sát hồ Hoàn Kiếm. Việc làm đường xe điện hồi đầu thế kỷ XX đã tách kiến trúc đền làm 2 phần: Tam quan và khu thờ tự như hiện nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao tác động của thiên nhiên, đền Bà Kiệu đã được trùng tu nhiều lần, song vẫn giữ được những nét cổ kính thâm nghiêm, đó là hai tượng cá hóa rồng bằng gốm men xanh đang chầu vào bình nước thiêng trên nóc tòa Đại bái. Phía bên trong các đầu dư đều chạm hình đầu rồng, thân chạm nổi vân mây, đường triện... rồi những bậc được lát bằng những phiến đá lớn màu xanh xám, các hàng cột hiên được làm bằng đá trắng, mỗi cạnh 25cm, đá kê chân cột hình đôn màu xanh v.v. Phần quan trọng nhất của điện thần được đặt ở gian chính giữa. Các mẫu tọa lạc trong một khám thờ lớn được chạm khắc rất tinh xảo, lớp trên là 3 pho tượng Tam tòa Thánh mẫu, mẫu Thiên, mẫu Thoải, mẫu Địa, lớp dưới có tượng mẫu Liễu Hạnh và hai tiên nữ đứng hầu Quỳnh Hoa, Quế Hoa.

Điều tạo nên giá trị đặc sắc của đền Bà Kiệu đó là những di vật của các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn còn lưu giữ được đến hôm nay. Trước hết phải kể đến quả chuông lớn bằng đồng (cao 94cm, đường kính miệng 45cm) đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Chuông do một vị quan dưới Triều Tây Sơn là Nhuận Trạch Hầu Trần Duy Ứng cung tiến vào đền. Tiếp đến là 4 tấm bia đá:

- Hưng Công Bi (bia Hưng Công) dựng năm Cảnh Thịnh 8 (1800) ghi lại việc Trần Duy Ứng, một vị quan thời Tây Sơn cung tiến vào đền.

- Trùng tu Huyền Chân Từ Bi Ký (bia ghi việc trùng tu đền Huyền Chân) dựng năm Tự Đức 19 (1866). Bia do quyền Tuần Phủ Hưng Hóa Nguyễn Duy Dĩ cùng các chức sắc trong làng viết về lai lịch ngôi đền và lần trùng tu năm Tự Đức 17 (1864) đã để lại nhiều dấu ấn về mặt kiến trúc đến hôm nay.

Đền Bà Kiệu ngày xưa

- Thiên Tiên điện nguyên phụng quản nhận thế thứ hương hỏa Lê tộc tổ tiên tòng hương bi (bia ghi tổ tiên thế thứ dòng họ Lê nguyện nhận trông nom điện Thiên Tiên được làng cho tòng tự). Bia dựng năm Tự Đức (1874), chép 5 đời họ Lê từ cao tổ là Trọng Hiên đến đời thứ năm là Trọng Tín.

- Lê tộc bi ký (bia ghi về họ Lê) dựng năm Bảo Đại 8 (1933) ghi việc ông Lê Chất Ký và Lê Văn An được phối hưởng tại điện thờ.

Hiện nay đền Bà Kiệu còn lưu giữ được 27 đạo sắc phong cho Mẫu Liễu Hạnh và hai thị nữ là Quỳnh Hoa và Quế Hoa. Đây là một điều hiếm thấy, nhất là đối với các di tích thờ Mẫu. Trong số 27 đạo sắc phong có 3 đạo niên hiệu Cảnh Hưng 44 (1783) và 3 đạo niên hiệu Chiêu Thống (1787) đời Lê. Thời Tây Sơn có 3 đạo sắc phong niên hiệu Quang Trung năm (1792) và 3 đạo sắc năm Cảnh Thịnh (1793). Trải qua các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân triều Nguyễn, Mẫu đều được phong tặng các mỹ tự và xếp loại Thượng Đẳng Thần.

Đền Bà Kiệu ngôi đền thiêng cổ kính tọa lạc tại không gian thiêng giữa lòng thủ đô Hà Nội, thờ Mẫu Liễu Hạnh bậc “Mẫu Nghi Thiên Hạ” là di tích quý hiếm, sẽ mãi mãi là niềm tự hào không chỉ của riêng người Hà Nội mà còn là của cả nước.

ThS Nguyễn Doãn Văn

Từ khóa » Sự Tích đền Bà Kiệu