Đền Bảo Lộc, nơi sinh ra Đức Thánh Trần 2016-07-12 14:52:11 0 Bình luận HOANHAP.VN - Từ trung tâm náo nhiệt Thành Nam, chúng tôi theo đường 38A đi gần 5 km đến dốc Hữu Bị, rẽ trái theo đê Châu Giang chỉ 800 mét là đến đền Bảo Lộc (thuộc thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Diện mạo quê hương xưa của Đức Thánh Trần - Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn giờ đây đang từng ngày đổi thay, khởi sắc. Cùng với sự đi lên của đời sống kinh tế, người dân và du khách thập phương ngày một nâng cao nhu cầu về đời sống tâm linh. Bởi vậy, hàng năm không chỉ vào dịp “Tháng Tám giỗ Cha” thu hút đông đảo người dân về Đền Bảo Lộc mà hầu như ngày nào cũng có du khách đến thưởng ngoạn cảnh quan và thành tâm hành lễ.
Lăng mộ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh.
Tương truyền, ấp An Lạc vốn là thái ấp của An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương và là anh trai của Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của vương triều Trần. Đây cũng là nơi sinh ra và lớn lên của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một con người tài ba, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự đã làm vẻ vang cho đất nước, được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Trần. Đền Bảo Lộc được xây dựng theo thế “long chầu, hổ phục”, tọa lạc gần bờ sông Châu Giang, ban đầu chỉ gồm ba gian nhà gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Theo thời gian, do tác động của dòng chảy, bờ sông luôn bị sạt lở, lụt lội nên đền được di chuyển vào phía Nam làng Bảo Lộc, cách vị trí cũ chừng 300 mét với ba gian nhà lợp rạ và khi làm lại đã xây thành ba tòa theo kiểu “chồng diêm tám mái”. Đến năm 1928, công trình đền Bảo Lộc đã được khởi công xây dựng bằng nguồn kinh phí chủ yếu do người dân địa phương và du khách cúng tiến. Đền được xây theo hình chữ “Đinh”, gồm Tiền đường 7 gian, Trung đường 5 gian, Hậu cung 3 gian. Trong khuôn viên, chính giữa là Đền thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, phía bên trái là Chùa thờ Phật, bên phải là Phủ thờ Mẫu. Ở phía sau là Đền Khải Thánh thờ Vương phụ, Vương mẫu và hai người con gái của Hưng Đạo Đại Vương.
Quang cảnh phía trước Đền Bảo Lộc tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định - Ảnh: Hồ Thanh.
Trong đền, có hai pho tượng Đức Thánh Trần bằng đồng và bằng gỗ. Pho tượng đồng nặng 4,8 tấn trong tư thế ngồi, đặt tại Trung đường, hai bên có tượng Hưng Vũ Vương Nghiễn và Phạm Ngũ Lão là con trai, con rể của Hưng Đạo Đại Vương. Pho tượng bằng gỗ trầm hương được đặt chính giữa Hậu cung, bên hữu là thầy dạy văn, bên tả là thầy dạy võ. Ở đây còn lưu giữ được một quả chuông cổ được đúc vào khoảng thế kỷ thứ 19, tạc bốn chữ “An Lạc từ chung” cùng nhiều tượng đồng, tượng mộc, long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối, thần phả, sắc phong… Ngày 12-4-2013 đền Bảo Lộc đã tiếp nhận một Đạo sắc phong cổ rất quý giá do ông Bùi Minh Quang ở huyện Vụ Bản (Nam Định) hiến tặng. Đây là sắc phong do vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1845, ghi rõ “Hưng Đạo Thượng Đẳng Thần”, có thêm hai mỹ tự là “Vĩ liệt”. Đặc biệt, Đền Bảo Lộc còn lưu giữ một ấn tín bằng đồng nặng 3,5 kg của vua ban cho Hưng Đạo Đại Vương bao đời nay hiện hữu như một huyền thoại. Hàng năm vào các dịp lễ lớn như: Lễ hội Khai Ấn, lễ hội Giỗ Đức Thánh Trần, lễ hội Trần Quốc Toản ra quân…hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước nô nức về thưởng ngoạn, thắp hương hành lễ, xin ấn tín của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Du khách hành hương về đây sẽ có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất phát tích của Vương triều Trần, được sống lại một thời kỳ lịch sử huy hoàng của dân tộc và những chiến công lừng lẫy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sức thu hút du khách gần xa ngày một tăng cao bởi lẽ Đền Bảo Lộc là quê hương, là nơi sinh ra, lớn lên, nơi gắn bó với tuổi thơ của Trần Hưng Đạo - vị “Thánh nhân trong lòng dân”. Chúng tôi được biết: Đền Bảo Lộc đã được nhà nước ta cấp Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa từ năm 1988. Hàng năm, chính quyền xã Mỹ Phúc và nhà đền đều có kế hoạch tổ chức lễ hội chu đáo, chặt chẽ. Trưởng thôn và các thủ nhang là những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tổ chức lễ hội cũng như mọi hoạt động quanh năm. Bởi vậy, từ nhiều năm nay ở Đền Bảo Lộc luôn duy trì 3 thủ nhang do người dân trong thôn trực tiếp bầu chọn với những tiêu chuẩn khắt khe do chính họ tự đặt ra. Theo nhiều người dân ở đây, số tiền công đức của du khách thập phương đến cúng tiến, thưởng ngoạn, hành lễ tại đền Bảo Lộc là rất lớn, được quản lý, sử dụng theo quy định riêng của “lệ làng”, thông qua sự điều hành của trưởng thôn và các thủ nhang. Một thực tế là đã nhiều năm nay chính quyền địa phương không kiểm soát được nguồn thu tại đền Bảo Lộc. Chỉ biết rằng, chỉ cần “đương chức” một “nhiệm kỳ” mỗi thủ nhang ở đây đều nhanh chóng có trong tay tiền tỷ, xây được nhà cao tầng, mua sắm đầy đủ các phương tiện sinh hoạt đi lại. Con cháu được học hành đến nơi đến chốn, được đi du học… Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ cả phía trong và phía ngoài rất đa dạng tại nhà đền còn mang lại nguồn lợi lớn cho rất nhiều người dân. Bởi vậy, họ luôn tâm đắc với hai câu đối của ông cha ghi tạc ngay phía trước nhà đền: “Thử địa vi Thánh phụ sở cư, thiên cổ cố truyền thang ấp xứ/ Kim thiên kế tiền nhân chi kiếp, vạn niên do lại lộc hương an”. Nghĩa là: “Đất này nơi Thánh phụ ở năm xưa, ngàn thuở vẫn còn nên thang ấp ấy/ Ngày nay nối tiền nhân từng dựng đặt, muôn năm nhờ cậy lộc hương đây”.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.