Đền Đà Hy Và Tục Thờ Mẫu Thoải

Đền Đà Hy thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang nằm bên bờ Bắc dòng sông Thương, cách Lục Đầu Giang không xa chỉ non vài cây số đường chim bay. Đây là ngôi đền cổ, nơi tôn thờ các vị tướng soái và công chúa thời Trần đã có nhiều công lao với dân tộc. Người được thờ ở đền là Trần Tuấn Sơn, Phu nhân và con gái là Hoàng Cô công chúa.

Truyền tích về các vị Thần này được ghi trong Thần tích ở đền Đà Hy như sau: Thời Trần, làng Tức Mạc có người con gái họ Trần tên Huệ Nương là bậc nữ tài, tuyệt mỹ vô song.

Một ngày kia nàng đến trang Ngư Uyên, huyện Yên Dũng, trời đất bỗng nổi giông bão bèn trú trong miếu ở trang Ngư Uyên, đêm về nàng nằm mơ thấy một dải hào quang tựa như ngọc bạch trên trời giáng xuống, sau đó nàng mang thai.

Ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ sinh được cậu con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Tuấn Sơn. Vốn là người văn võ toàn tài, tinh thông võ nghệ, khi quân Nguyên sang xâm lược, ông được phong làm Tướng Quốc bình chương sự, được vua trao ấn tín cầm quân đi dẹp giặc.

Lúc đó ông đã lấy vợ là Quỳnh Nương cháu gái của vua Lý Cao Tông, một người con gái nhan sắc lại có tài đàn ca. Quân Nguyên xâm lược lần hai Trần Tuấn Sơn, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải cùng các tướng lĩnh cầm quân phá giặc ở Ải Chi Lăng, quân Nguyên bại trận, chém được chính tướng.

Đất nước khải hoàn, Trần Tuấn Sơn được vua phong thực ấp ở đạo Kinh Bắc, thời gian này cũng là lúc Quỳnh Nương sinh được con gái dáng hình yểu điệu, diện mạo xinh tươi khác thường, đặt tên là Hoàng Cô…Thượng tuần tháng mười một, mùa đông, ông dắt từ Mẫu, Phu nhân và Hoàng Cô lên núi Lãm Sơn du ngoạn cảnh đẹp, bỗng có dải mây vàng như hình dải lụa hồng từ trên trời dáng xuống cuốn họ đi theo.

Từ đó nhà vua cho lập miếu để thờ phụng các ngài và ban tặng sắc phong giữ nguyên thần hiệu: Phong Tuấn Sơn là Đại đức hiển ứng đại vương, phong tặng: Tế thế hộ quốc khang dân, phù vận bảo cảnh, hiệu Hùng Tuấn linh thông Thượng đẳng Thần. Phong Huệ Hoà gia hạnh, liệt tiết đoan trang Hoàng Thái Hậu. Phong Quỳnh Nương đức hạnh Phu nhân, chuẩn ban cho trang Ngư Uyên phụng thờ mãi mãi.

Đền Đà Hy hiện nay nằm soi bóng bên dòng sông Thương, nơi đây đã một thời tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền, người dân buôn bán từ nhiều nơi qua lại dập dìu đông đúc. Quần thể di tích rộng đẹp, khuôn viên di tích cổ kính bởi các cây cổ thụ si, đa, xanh tỏa bóng mát.

Vốn là ngôi đền cổ, nhưng di tích đã bị hư hỏng theo thời gian và nay đã được bà con nhân dân tu sửa lại thêm khang trang tố hảo. Dấu tích của ngôi đền cổ thể hiện ở các tài liệu, hiện vật trong đền, như Thần tích về người được thờ, hệ thống tượng thờ, các đồ thờ tự bằng gỗ như: quán tảy, kiệu song hành, hương án, khay thờ, đài thờ, bành kiệu…và dấu tích nền móng, các mẩu gạch, ngói cổ trong di tích…

Đền Đà Hy. Ảnh: Ngọc Dưỡng

Hiện nay ngôi đền có quy mô vừa phải với bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm toà tiền tế năm gian, hai chái nối toà hậu cung ba gian. Kiến trúc gỗ mới, các vì mái liên kết theo kiểu chồng rường giá chiêng chạm khắc đơn giản. Tuy nhiên, giá trị nổi bật nhất của ngôi đền tập trung vào giá trị lịch sử văn hóa.

Đền Đà Hy vốn là nơi tôn thờ những nhân vật lịch sử thời Trần có nhiều công lao với dân tộc. Theo thời gian, các tầng lớp văn hoá dân gian được bao trùm lên theo lịch sử của dân tộc, và cũng không biết từ bao giờ ngôi đền đã là nơi tôn thờ Mẫu (tâm điểm ở đây là Mẫu Thoải Phủ) gắn với sông nước (Sông Thương). Trên chính điện có đặt bài vị chữ Hán ghi rõ: “Chính cung Hoàng hậu Mẫu Đệ Tam quốc Vương Động Đình, Thuỷ Phủ, Bát Hải, Long Vương, điện phủ đền Đà Hy”.

Trong đền bài trí tượng thờ theo tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở chính điện toà hậu cung bài trí tượng Quan Âm Nam Hải, ba pho tượng nữ, tượng Mẫu đều giống nhau ở gương mặt, tư thế ngồi và chỉ khác ở trang phục, ở bên phải là Mẫu Thượng ngàn, ở giữa là Mẫu Liễu, còn bên trái là Mẫu Thoải.

Khác với các ngôi đền thờ Mẫu khác, đền Đà Hy có đến hai Mẫu bản đền (Mẫu Thoải) mà theo các nhà nghiên cứu đó là sự phân thân của Quỳnh Nương (vợ Trần Tuấn Sơn) và con gái là Hoàng Cô công chúa. Theo truyền thuyết, Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề, là Hoàng hậu ở dưới Thủy cung được Ngọc Hoàng thượng đế ban cho sức mạnh tài năng giỏi việc sông nước, trông coi việc sông nước.

Cũng không biết từ bao giờ nhân dân đã tìm thấy ở Mẫu hình ảnh của các bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng cho con cho cháu.

Ở điện thờ Mẫu, trường hợp đặt ba pho tượng nữ, đều giống nhau ở gương mặt, tư thế ngồi, và chỉ khác ở trang phục, thì ở bên phải là Mẫu Thượng ngàn, ở giữa là Mẫu Liễu, còn bên trái là Mẫu Thoải.

Sau đây là truyền thuyết về Mẫu Thoải: Mẫu Thoải là Mẫu ở miền sông biển. Thoải tức là Thủy, do đọc trệch. Mẫu thường mang trang phục màu trắng. Có thuyết nói Mẫu là vị thần lưỡng tính. Lưỡng tính với cái nghĩa: Mẫu là phụ nữ, nhưng được Ngọc Hoàng Thượng đế ban tặng cho sức mạnh và tài năng, nhất là tài sông nước, như ở nam giới.

Mẫu là vợ của vua Thủy Tề, là Hoàng hậu ở dưới Thủy cung. Vua Thủy Tề trông coi các việc ở biển, còn Mẫu trông coi các việc ở sông, ở suối. Sông, suối có ở các nơi nên mẫu cũng có mặt ở các nơi, tại các bến sông lớn ... Ở làng Viêm Xá (xã Hoà Long, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã thờ Mẫu là thần Thành Hoàng, vì làng này xưa kia chuyên nghề sông nước, nổi tiếng khắp vùng.

Sắc thượng phong của Mẫu có đề "Nhữ Nương nam nữ Nam Hải Đại Vương", chính là vì lẽ đó. Cũng có thuyết nói Mẫu, không phải một, mà là ba. Ba mẫu này là con gái của Lạc Long Quân và Âu Cơ, hai vị thủy tổ khai sáng của nước Văn Lang.

Vua Hùng thứ nhất, là con trai trưởng của Lạc Long Quân, Âu Cơ, bắt đầu lên ngôi trị vì thiên hạ. Còn trước đó Lạc Long Quân, Âu Cơ đã chia hai ngả, "50 người con theo cha lên núi, 50 người con theo mẹ xuống biển", như sử sách ghi chép.

Và Hùng Vương thứ nhất là một trong số những người con theo cha lên làm vua, ở miền rừng núi và trung du. Ba người con gái, trong số "50 người con theo Âu Cơ xuống biển" ấy, được chọn để cai quản công việc về sông nước: chế tạo thuyền bè, đan các thứ lưới bắt cá, trông coi các luồng lạch và chế ngự các vị Thần mưa, Thần gió mỗi khi các vị này lạm công, xâm hại đến hạ giới. Đó là công việc hàng ngày của ba Mẫu Thoải này.

Ba Mẫu còn có phép thần thông biến hóa, xua đuổi và tiễu trừ yêu ma, thủy quái mỗi khi chúng đến sách nhiễu hoặc tàn sát ngư dân. Ba Mẫu đặt đại bản doanh ở sông Nguyệt Đức, chia nhau mỗi người một phần công việc.

Dưới quyền các Mẫu còn có các thủy thần và các tướng lĩnh, quân sĩ, sẵn sàng chờ lệnh. Mẫu thứ nhất có tên hiệu là "Thủy Tinh Đông Đình Ngọc Nữ Công Chúa". Mẫu thứ hai có tên hiệu là "Hoàng Ba Đoan khiết Phu nhân". Còn Mẫu thứ ba có tên hiệu là "Tam Giang Công chúa".

Trong sử sách của các thời trước, chỉ ghi chép kỹ các sự kiện chống giặc và chính yếu là tuyên dương công trạng của các vị vua chúa, tướng sĩ. Cả các việc trong cung vua phủ chúa cũng được ghi chép kỹ càng, vì quan niệm đấy là Ngọc phả.

Còn về chuyện làm ăn sinh sống của dân chúng, thường chỉ được ghi rất sơ sài. Cả những sự khốn khó, những nỗi tai ương mà dân chúng phải gánh chịu, cũng chỉ ghi rất qua loa, đại khái.

Tuy vậy, những sự khốn khó, những nỗi tai ương như những trận bão lụt khủng khiếp thì chẳng những dân chúng mà cả vua chúa cũng phải hứng chịu, cho nên sử sách cũng đã ghi chép về các sự kiện loại này. Chính vì thế, đến ngày nay chúng ta còn được biết những sự kiện có liên quan đến mẫu Thoải khi trước.

Lịch sử còn ghi chép lại công việc trị thuỷ của các triều đại phong kiến và có liên quan đến Mẫu Thoải. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì miền đồng bằng Bắc bộ thường xuyên có nạn lũ lụt.

Vị vua khai sáng của nhà Lý đã bắt tay ngay vào công việc trị thủy. Công việc tiến hành phải đến đời vua sau, đời Lý Thái Tông, mới căn bản xong: Các khúc đê được nối vào nhau và có quy mô gần như ngày nay. Trong những năm tháng đang tiến hành công việc đắp đê, nạn lụt vẫn thường xảy ra.

Chính vì vậy, Mẫu Thoải đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng xã để âm phù, giúp dân đắp đê chống lụt. Đến thời Lê, nhà vua phải thân hành làm lễ Nam giao (Lễ tế cáo trời đất), và các Mẫu Thoải cũng lập tức ứng hiện.

Các mẫu đã âm phù giúp dân chống lụt và xua đuổi bè lũ thủy quái. Đời Lê Thánh Tông, nhà vua thống xuất quân sĩ đi đánh Chiêm thành, khi thuyền đi qua vùng Phú Xuyên, Kim Bảng thì một trận cuồng phong hung dữ nổi lên.

Vua lập tức sai dọn đàn tràng để cầu xin các vị Thần Thánh. Mẫu Thoải hay tin, phái Nguyệt Nga công chúa đến giúp, thế là bão tan. Khi thắng trận trở về, nhà vua nhớ công ơn, sai đại thần đến tế lễ và mang sắc phong của nhà vua đến phong tặng Nguyệt Nga công chúa.

Đấy là một vài sự kiện sử sách còn ghi lại và nhân dân ở một vài địa phương đã thờ Mẫu Thoải làm thần Thành Hoàng, như trên đã nói. Còn ở các nơi khác, thì thờ Mẫu ở các điện vì Mẫu đã có mặt để âm phù ở khắp mọi nơi.

Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người mỗi khi đi qua các vùng sông nước. Do vậy, mỗi khi bước xuống đò, qua một khúc sông rộng, mọi người thường lẩm nhẩm cầu khấn, xin Mẫu phù hộ độ trì.

Mỗi khi có hạn, Mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn khi bão lụt, Mẫu lại hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu canh chừng, nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái. Nhân dân đã tìm thấy ở Mẫu hình ảnh của các bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng cho con cho cháu.

Đền Đà Hy được xây dựng ngay bên dòng sông Thương, nơi mà xưa kia từng tấp nập thuyền bè xuôi ngược và công việc đắp đê trị thuỷ của nhân dân Đà Hy trên bến sông Thương được truyền lại qua các thế hệ không bao giờ phai nhạt.

Việc xuất hiện ngôi đền thờ Mẫu Thoải ngay bên dòng sông Thương cũng là điều dễ hiểu. Theo thông lệ hàng năm cứ vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch ngày tiệc Mẫu, nhân dân khắp nơi lại về lễ Mẫu dự hội và tham gia các trò chơi dân gian theo phong tục sự lệ truyền thống.

Nguồn: Cổng TTĐT văn hóa, thể thao, du lịch Bắc Giang

Từ khóa » đền Thờ Ba Cây Mơ Táo - Mẫu Thoải