Đến Lào Cai Tìm Hiểu Văn Hóa Người Giáy

Người Giáy sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai (đông nhất), Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu và một bộ phận nhỏ sống xa hương, phân đều ở 39 tỉnh thành trên cả nước. Tại Lào Cai, họ thường sống ở các bản làng nơi đia hình khá bằng phẳng, dọc theo các dòng sông con suối để thuận tiện cho việc canh tác lúa nước và vì sống theo quan niệm là “an cư lạc nghiệp”, nên họ thường sinh sống ổn định tại một địa phương trong thời gian dài. Trải qua 200 năm quần cư ở Lào Cai, dân tộc Giáy đã đúc kết, gìn giữ và phát huy nền văn hóa truyền thống dân tộc mình, qua đó hình thành một kho tàng truyện cổ, thơ cả, tục ngữ hay những lễ hội dân gian…góp phần làm phong phú thêm bức tranh toàn cảnh về văn hóa truyền thống các dân tộc Lào Cai

Người Giáy ở Lào Cai hay còn gọi là người Nhắng sinh sống ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Khi đến các địa phương này, du khách có cơ hội tìm hiểu một kho tàng văn hóa truyền thống của người Giáy phong phú, còn lưu giữ và phát huy đến tận ngày nay, được thể hiện qua nhiều mặt đời sống văn hóa, tinh thần và sinh hoạt cộng đồng.

Đến với bản du lịch Tả Van – Sa Pa hay Quang Kim – Bát Xát vào mùa lễ hội, du khách nhất định phải tham dự lễ hội truyền thống nổi bật nhất của người Giáy là lễ hội xuống đồng (lễ hội Roóng Poọc). Đây là lễ hội cầu mùa độc đáo được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng Âm lịch hàng năm, với mong muốn sẽ được rồng phun mưa làm cho ruộng đồng tươi tốt, thu hút sự tham gia của mọi gia đình và nhiều du khách thập phương. Vào ngày diễn ra lễ hội, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng gồm thịt lợn, thịt gà, bánh khảo, hương hoa mang ra đặt ngoài đồng, nơi tổ chức lễ, mọi người cùng cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc. Lễ hội xuống đồng có nhiều nghi thức, hoạt động và trò chơi dân gian, trong đó nghi thức ném còn là quan trọng nhất: Một cây nêu cao được dựng lên ở vị trí trang trọng nhất lễ hội, trên đỉnh cây nêu có treo một vòng tròn rộng chừng 1m, ở giữa có một lỗ rỗng khoảng 20cm, được dán giáy màu 2 mặt. Một mặt màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, mặt còn lại màu xanh hoặc trắng tượng trưng cho mặt trăng. Sau phần cúng lễ là đến nghi thức ném còn, những người tham gia lễ hội sẽ chia làm hai phía, cố gắng ném quả còn đã chuẩn bị sẵn qua lỗ rỗng trên đỉnh cây nêu, đến khi có quả còn xuyên thủng miếng giấy dán mới thôi. Quả còn may mắn xuyển thủng miếng giấy dán sẽ được chủ nhân mang về đặt trong hũ gạo, với mong muốn và niềm tin một năm no ấm sẽ đến với gia đình.

Vào thăm gia đình người Giáy ở thành phố Lào Cai hay Văn Bàn, du khách cũng có cơ hội được tìm hiểu nét riêng trong truyền thống văn hóa hôn nhân gia đình người Giáy. Theo phong tục vị thế cao nhất trong gia đình là người chồng, người cha, con cái lấy theo họ cha. Về cưới xin, gia đình nhà trai chủ động trong việc cưới xin. Trước đây người Giáy cũng có tục kéo vợ, ấy là khi cô gái và gia đình đồng ý, nhưng nhà trai nghèo quá không đủ tiền tổ chức cưới thì chàng trai sẽ phải tổ chức kéo vợ. Phong tục cưới hỏi của người Giáy có nhiều thủ tục như: Lễ xem mặt, xem nhà; thả mối mai, thách cưới, lễ “đoạn lời”, lễ cưới, lễ lại mặt.

Đám cưới người Giáy

Bênh cạnh đó, phong tục của người Giáy cũng có những quy định riêng: Phụ nữ khi mang thai phải kiêng cữ, cầu cúng cho việc sinh nở thuận tiện. Khi đứa trẻ đầy tháng phải làm lễ thông báo với tổ tiện, cầu xin phù hộ. Tên, ngày tháng năm sinh của đứa trẻ được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ, sẽ dùng để so tuổi khi tính chuyện cưới xin, làm nhà hay ma chay.

Lễ đặt tên cho con đầu lòng

Thăm gia đình người Giáy, tìm hiểu lễ hội, phong tục, hôn nhân, gia đình rồi, du khách nhất định phải ở với gia đình người Giáy một đêm – nhất là ở trong các gia đình đã tham gia phát triển loại hình du lịch homestay để tìm hiểu thêm về nhà ở và trang phục truyền thống của người Giáy cũng có những nét riêng khác biệt. Người Giáy ở Lào Cai ở nhà đất. Gian giữa trong nhà là vị trí trang trọng được dùng làm nơi thờ cúng, gia đình ở các gian kế bên, bếp cũng có gian bếp riêng. Trang phục truyền thống của người Giáy có sự khác biệt giữa nam và nữ. Trang phục nam có áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới và một túi bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Quần nam là quần ống đứng, rộng khoảng 30 - 40 cm, cạp to, không dùng dây rút mà chỉ vận vào người. Trang phục nữ phổ biến là loại áo ngắn xẻ nách. Đây là loại áo ngắn trùm kín mông, xẻ nách phải, ống tay rộng. Cổ áo có đường viền xẻ nách từ vai trái sang phải, với đường viền và trang trí khác nhau và thường tương phản với màu nền áo. Ngoài áo dài bên ngoài, phụ nữ Giáy còn có một áo mặc trong. Đó là áo ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Áo xẻ nách, cài cúc vải được tết cẩn thận, mặc ở bên ngoài là ấn tượng nhất của người phụ nữ Giáy với vẻ đẹp bắt mắt. Phụ nữ Giáy cũng thường đội khăn, quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc.

Trang phục truyền thống của người Giáy

Thêm nữa, bạn đừng quên thử một lần ăn bữa cơm theo kiểu gia đình dân tộc Giáy, một bữa ăn đơn giản, không cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn hợp khẩu vị, trong đó món xào và món canh là không thể thiếu được. Các bữa ăn có khách có thêm món luộc, rán. Và đặc biệt không thể thiếu được món khâu nhục nổi tiếng thơm ngon, với nhiều loại gia vị đặc biệt ấn tượng mà những tộc người khác không thể làm giống được. Tuy nhiên, cái hay trong văn hóa ẩm thực của người Giáy là ở chỗ, người Giáy bình đẳng về giới và già trẻ trong bữa ăn.

Văn hóa mỗi vùng miền hay mỗi nhóm dân tộc khác nhau đều có những nét riêng biệt đặc thù khác nhau, người Giáy cũng vậy. Qua những chuyến đi, những kỷ niệm, những cơ hội cùng sống, cùng ăn, cùng ở mà bạn sẽ tìm hiểu được những nét đặc sắc nhất trong văn hóa người Giáy, thôi thúc bạn đến với vùng cao để tiếp tục tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị của 24 nhóm dân tộc thiểu số khác sinh sống trên quê hương Lào Cai.

Thành Tuân

Từ khóa » Dân Tộc Giáy Lào Cai