Đền Sòng Sơn Thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Thanh Hóa - - Văn Hóa Tâm Linh

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đền Sòng Sơn được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) là nơi thờ Nữ Thần Vân Hương – Bà Chúa Liễu Hạnh hay Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Vị trí đền Mẫu Sòng Sơn

Đền Sòng Sơn xưa thuộc trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống, Thanh Hoá, nay thuộc Phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Khách du lịch theo đường Quốc lộ từ Hà Nội vào Thanh Hoá qua Dốc Xây hết địa phận Ninh Bình đi tiếp 3 ki lô mét là đến Đền Sòng Sơn – một ngôi đền nổi tiếng “thiêng nhất Xứ Thanh” gắn liền với văn hoá tâm linh Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Sòng Sơn ở Thanh Hóa

Cửa vào đền Sòng Sơn

Đền Mẫu Sòng Sơn ở ngay phụ cận đường quốc lộ, thuận tiện cho khách thập phương vãn cảnh và dâng hương.

Tổng quan về Đền Mẫu Sòng Sơn

Đền Sòng Sơn mặt hướng về phía Tây Bắc, trước đền có một hồ nước tự nhiên hình bán nguyệt quanh năm xanh trong đó là Hồ cá Thần, tương truyền rằng hàng năm cứ đến cự Tháng giêng, Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, nhưng khi hết Lễ hội Đền Sòng (từ ngày 1 đến ngày 26 tháng 2 Âm Lịch) thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng nói rằng đó là các Nàng tiên trên thượng giới hoá phép về hầu Tiên chúa Thánh Mẫu Liễu Hạnh…

Từ hồ cá Thần có hai con suối nhỏ chảy lượn quanh khiến cho ngôi đền như ngự trên một hòn đảo nhỏ bồng bềnh giữa mây trời non nước.

Phía trước đền có chiếc cầu bằng đá do Bà Hoàng Thái hậu nhà Lê phát tâm công quả xây dựng từ năm thứ 33 triều Cảnh Hưng (năm 1772). Cầu được bắc qua con suối trong veo chảy quanh đền làm tăng thêm vẻ ngoạn mục của ngôi đền.

Hai suối nước lượn quanh co uốn khúc về phía Đông hợp lưu cùng chín dòng nước phun lên từ lòng đất tạo thành chín giếng nước tự nhiên không bao giờ vơi cạn. Nhân dân dựng nên ngôi đền cạnh chín cái giếng tự nhiên đó và quen gọi là đền Chín Giếng để thờ Cô Chín – cũng là một tiên nữ được vua cha Ngọc Hoàng cho theo hầu Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền cô Chín là một công trình nằm trong quần thể của di tích Đền Sòng Sơn; cách đền Sòng 1 ki lô mét về phía Đông du khách sau khi vãn cảnh dâng hương Đền Sòng bao giờ cũng cũng đến dâng hương vãn cảnh Đền cô Chín.

Bước qua cổng Tam Quan, sau khi thắp hương trước tượng Phật bà Quan âm Bồ tát; du khách vào dâng hương cung Đệ Tam, là cung thờ Hội đồng Thánh Quan, trong đó thờ các ông Hoàng và các Cô đệ tử, nổi bật là ông Hoàng Bơ (Ba), Ông Hoàng Bảy. Tại cung này phối thờ cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo Vương.

Qua cung đệ tam du khách vào dâng hương cung Đệ Nhị; Nơi đây thờ Ngọc Hoàng (Vua Cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) và các Quan.

Qua cung Đệ Nhị là cung Đệ Nhất, đây là cung thâm nghiêm, ít khi được mở cửa trừ những ngày lễ rước Thánh Mẫu hàng năm vào tháng Hai âm lịch. Gian chính có tượng thờ Thánh Mẫu, trong trang phục màu đỏ lộng lẫy, dáng ngồi uy nghi mà khoan dung độ lượng. Hai bên là hai đệ tử thân tín: Quế Nương, Nhị Nương, vốn là hai tiên nữ được Ngọc Hoàng Vua cha cho theo hầu tiên chúa Liễu Hạnh giáng trần lần thứ 3; Quế Nương trong trang phục màu hồng, Nhị Nương trong trang phục màu xan; Hai gian bên có tượng thờ Mẫu Thoải (Thần nước) và Mẫu Thượng Ngàn (Thần Núi rừng).

Trên các cột và xà ngang trong Đền được trang trí 26 cuốn thư, hoành phi, câu đối suy tôn, ca ngợi công đức và sự linh thiêng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Sòng Sơn có lịch sử gần 300 năm, qua nắng gió, thời gian, bom đạn chiến tranh tàn phá và sự huỷ hoại vô thức của con người. Đến năm 1998 đền được trùng tu tôn tạo gần như nguyên vẹn dáng uy nghi và linh thiêng thủa xưa.

Từ khóa » đền Mẫu Liễu Hạnh Thanh Hóa