Đền Thờ Bà Nguyễn Thị Bích Châu - Cổng Thông Tin Du Lịch Hà Tĩnh

Theo lộ trình từ Bắc vào Nam, Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tọa lạc tại thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, cách quốc lộ 1A 8km về phía Đông. Trải qua sự biến thiên của thời gian và lịch sử, “Đền thiêng nơi cửa biển” vẫn giữ được vẻ cổ kính, linh thiêng và trở thành địa chỉ du lịch tâm linh của du khách thập phương.

Bà Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, con gái của một vị quan đại thần họ Nguyễn nổi tiếng thanh liêm. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373), bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm Tả cung Quý phi, lấy hiệu là Phù Dung. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu thảo bản “Kê minh thập sách” dâng lên nhà vua, được vua khen là thông tuệ.

Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu
Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu

“Kê minh thập sách” của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối Chính trị, Văn hóa, Quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. “Kê minh thập sách” không chỉ phù hợp với thời đại của nhà Trần lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau này.

Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, khuyên ngăn vua không được, bà bèn xin đi theo để hộ giá. Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới dâng lên để lập mưu trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Trong trận giao chiến này, Nguyễn Thị Bích Châu đã bị trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 02 năm 1377. Ba ngày sau, Vua Trần Duệ Tông vì thua trận, một phần cũng vì thương nhớ Quý phi Bích Châu nên đã lâm bệnh và băng hà. Lúc bấy giờ, vua Trần Phế Đế lên ngôi và lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về triều để mai táng. Tuy nhiên, lúc đến cửa biển Kỳ Hoa gặp phải mưa to gió lớn không thể đi tiếp được, vua Trần Phế Đế liền xuống chiếu cho an táng thi hài Bà tại đây và lập miếu để nhân dân thờ phụng, hương khói.

Hơn 90 năm sau niên hiệu Hồng Đức thứ nhất 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa phát hiện ngôi miếu, vua liền dò hỏi dân chúng địa phương, vào dâng hương và viết bốn chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” dán lên bài vị và nói: “Tiền triều người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kì khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi bản sứ về triều trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng”. Ngay đêm đó được mộng lành, vua Lê Thánh Tông liền cho xuất quân lên đường dẹp giặc, khi thắng trận trở về vua đã cho quân cùng dân chúng địa phương xây dựng lại lăng mộ với ba tòa điện lớn và quy mô hơn như bây giờ gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện để ghi nhớ công ơn của liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu và đã ban chiếu sắc phong cho đền là Chế thắng Phu nhân. Có một thuyết khác kể rằng, nàng Bích Châu đã tự nguyện hy sinh thân mình làm vật tế thần biển để cứu vua và đoàn quân.

Đền Nguyễn Thị Bích Châu được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng với diện tích là 26.370m2. Ngay từ cổng chính, du khách sẽ nhìn thấy 2 câu đối bằng chữ Hán:

               Kê Minh Thập Sách thánh trí truyền lưu phù Việt Quốc

                   Chế thắng Phu nhân Mẫu ân vĩnh bảo hộ Nam dân

                          (Kê Minh Thập Sách trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt

                            Chế thắng Phu nhân ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp dân Nam)

Qua cổng chính sẽ đến miếu Ông quan Tả, là nơi du khách thắp hương trước lúc vào làm lễ. Nhà quan Tả có tượng ông quan Tả với tư thế đứng oai vệ, tay phải cầm giáo, tay trái cầm gươm oai phong lẫm liệt để trấn giữ đền thiêng; tượng cao 3m, rộng 0,8m. Qua nhà quan Tả là đến cổng Tam quan, với đường vào được cấu trúc hình cầu có bậc cấp lên xuống; cổng có 2 cột nanh cách nhau 3,3m hình vuông, trên đỉnh cột được chạm trổ tượng hai con nghê chầu. Trước cổng Tam quan được xây dựng hai nhà để chuông và khánh.

Vượt qua cổng Tam quan du khách sẽ đến ngay khu vực điện thờ chính của Quý phi Bích Châu, bao gồm ba tòa đó là Hạ điện, Trung điện và Thượng điện, ba điện nối liền nhau theo kiểu chữ Công.

Cách thềm Hạ điện 5m có đặt một bô hương cao 0,95m, rộng 0,45m, dài 0,65m, hai bên có hai chú voi đứng phủ phục trên bệ. Nhà Hạ điện rất bề thế, được bố trí rộng 3 gian với hệ thống mặt tiền trang trí khá cầu kỳ và công phu. Phía trong nhà Hạ điện, trên hết là hình “lưỡng long chầu nguyệt”, ở gian giữa bên trên treo bức hoành phi được sơn son thiếp vàng đề chữ “Thánh Đức Lưu Phương” để khẳng định và ca ngợi công đức của Chế thắng Phu nhân, phía dưới là bàn thờ các ban vị hội đồng. Hai bên tả hữu có khắc hai câu đối bằng chữ Hán.

Đi tiếp là nhà Trung điện, hai bên tả hữu được đặt tượng phù điêu các quan hầu. Nối liền với Thượng điện là nhà dâng hương hay còn gọi là phủ hầu – nơi thờ các cung tần hầu Thánh mẫu; hai bên bàn thờ nhà dâng hương được treo hai câu đối bằng chữ Hán của Tri huyện Kỳ Anh Lã Xuân Oai niên hiệu Tự Đức 1867 khắc vào ván gỗ sơn son thiếp vàng sặc sỡ.

Qua nhà dâng hương là đến Thượng điện, gồm 3 gian, bàn thờ có mâm bồng, tượng của Chế thắng Phu nhân được dát vàng với thần sắc dung nhan dịu dàng toát lên vẻ thông minh, tinh anh, nhân từ, đôn hậu nhưng quyết đoán.

Gian bên tả Thượng điện có tượng quan Võ hầu cưỡi hổ, tay cầm đại đao, sắc khí bừng bừng uy nghi dũng mãnh. Bên hữu là tượng Khâm sai cưỡi ngựa, tay cầm bút quyển thông thái và kiên nghị. Tại đây, tương truyền phía sau bàn thờ có mộ của Chế thắng Phu nhân được an táng từ thế kỷ XIV.

Phía bên trái nhà Thượng điện là nhà Sắc, gồm 2 tầng với cấu trúc cầu kỳ và cổ kính, tầng trên hình chóp, tầng dưới hình vuông, cửa hình vòm. Trên vòm cửa chính là ô đắp nổi hình rồng phượng ôm cuốn thư khắc 3 chữ “Tư Cảnh Phúc”. Tầng 2 của nhà Sắc là nơi thờ và cất giữ các sắc phong qua các triều đại.

Xung quanh nhà Sắc có hành lang rộng 0,7m có thành chắn bên ngoài, 4 phía có 4 cột trụ, các bề mặt cột trụ được trang trí hình ảnh mang tính đặc thù của dân tộc Việt Nam có tính nghệ thuật cao. Phía bên trái của Nhà sắc còn có một cổng phụ nằm ở phía Tây Nam, ngay bên trái của cổng phụ là nhà Văn bia được xây dựng vào năm 2009, đây là nơi để tấm bia đá khắc “Kê minh thập sách” của bà, với 2 loại chữ Quốc ngữ và chữ Hán nho.

Trải qua các triều đại phong kiến, Nguyễn Thị Bích Châu đã được nhiều sắc phong như Chế thắng Phu nhân, nhân dân tôn bà là Loan Nương Thánh Mẫu hay Mẫu Kỳ Anh. Bà đã được tôn lên hàng Mẫu vào khoảng thời gian khá sớm trong đời sống tâm linh của quần chúng nhân dân Việt Nam.

Gần 700 năm tồn tại, trải qua bao biến cố của lịch sử, chiến tranh và thiên tai, nên kiến trúc của đền phần nào bị phong hóa mai một, không còn nguyên nét đẹp vốn có. Song, đây vẫn là một di tích lịch sử đồ sộ mang nhiều ý nghĩa to lớn. Ngày 03/8/1991, Bộ Văn hóa – Thông tin đã có Quyết định công nhận đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.

Đền chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu được nhân dân cả nước biết đến là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng – nổi tiếng chính bởi sự linh thiêng của ngôi đền. Hàng năm, cứ đến đêm 11 rạng ngày 12/2 âm lịch, nhân dân địa phương và đạo hữu xa gần đều về đây dâng hương tế lễ kỷ niệm ngày mất của bà và cứ mỗi dịp Xuân về cũng là lúc hàng triệu du khách thập phương trong và ngoài tỉnh về đây để chiêm bái, dâng hương cầu tài, cầu lộc, cầu bình an may mắn cho cả một năm mới thuận lợi, bình an.

Chỉ dẫn:

Từ thành phố Hà Tĩnh, theo quốc lộ 1A về phía Nam khoảng 50km đến thị trấn Kỳ Anh, theo hướng Đông 8km là đến đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu.

Liên hệ: 0239 3866 694

Điểm du lịch lân cận: Từ đây có thể đến cảng Vũng Áng (22km) để thưởng thức món mực nháy thơm ngon hay đến Đèo Con (25km) để thoả mình tắm biển và thư giãn. 

Tác giả bài viết: Trần Thị Hải Yến. Ảnh: Tư liệu

Từ khóa » đền Mẫu Kỳ Anh Hà Tĩnh