Đền Thờ Mẫu Âu Cơ | Tạp Chí điện Tử Thế Giới Di Sản

Chuyện kể rằng, vào khoảng năm 2879 TCN, Kinh Dương Vương lên ngôi vua. Đến khoảng năm 2793 TCN, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lâm, xưng là Lạc Long Quân. Sau này, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ, con gái của Đế Lai ở động Long Xương (vùng đất thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ ngày nay).

Ngày Âu Cơ  được sinh ra thấy có mây lành che trở, hương thơm tỏa ngát khắp nơi, báo điềm “Tiên nữ giáng trần”. Nàng Âu Cơ lớn lên là một tuyệt sắc giai nhân “So hoa hoa biết nói. So ngọc ngọc ngát hương”, rất chăm học, giỏi đàn sáo. Đến tuổi kết hôn nàng được kết duyên cùng Lạc Long Quân, con trai của thần Rồng.

Sau khi kết hôn, Lạc Long Quân đưa Âu Cơ từ động Long Xương về núi Nghĩa Lĩnh. Họ sinh được một bọc có 100 trứng và nở ra 100 người con. Khi các con khôn lớn, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi để mở mang cơ nghiệp lâu dài.

Trong 50 người con theo mẹ, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy tên là Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (vùng đất thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay). 18 đời Vua Hùng thay nhau trị vì đất nước trong 2621 năm, từ năm Nhâm Tuất 2879 đến năm 258 TCN.

Mẹ Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng dạy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Những câu chuyện kể về các vua Hùng dạy dân cấy lúa nước và trực tiếp cùng dân cày cấy vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Một ngày nọ, đến vùng đất, nay thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, Âu Cơ cùng các con dừng lại để xây quê hương mới. Khi giang sơn được mở rộng, họ lại trở về Hiền Lương. Người dân trong vùng này vẫn truyền lại câu chuyện rằng, vào ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, Âu Cơ đã cùng bầy Tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc cây đa một dải yếm lụa. Để bày tỏ tấm lòng tôn kính, biết ơn đối với nàng Tiên nữ, người dân trong vùng này đã dựng nên một miếu thờ để đời đời hương khói. Miếu được dựng ngay bên gốc cây đa mà ngày nay chúng ta vẫn thấy xanh tốt.

Sau này, vào thời Hậu Lê thế kỷ XV, Vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng đền Âu Cơ ngay trên mảnh đất của miếu thờ. Đền thờ là một công trình nghệ thuật - kiến trúc với các kết cấu đền chùa cổ. Đền có các pho tượng quý như tượng Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông, các bức chạm quý và nhiều cổ vật vô giá. Khu vực đền hiện nay có chiều dài gần 200 mét, chiều rộng 150 mét với tường cao bao quanh.

Theo tục truyền, lễ hội chính đền thờ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Đây cũng là lễ hội đầu tiên trong năm, mở đầu cho các lễ hội ở Đất Tổ Vua Hùng. Ngoài lễ hội chính, tại đền Mẫu Âu Cơ còn có các ngày lễ khác vào các ngày 10 và 11 tháng Hai, ngày 12 tháng Ba, ngày 13 tháng Tám và lễ hội ngày 25 tháng Chạp là ngày “Tiên Thăng” (ngày Âu Cơ cùng bầy Tiên nữ bay về trời). Năm nay, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ vừa được tổ chức trong hai ngày 6 và 7 tháng Giêng.

Lễ hội chính đền thờ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. (Ảnh: TL)

Phần lễ ở đền thờ Mẫu Âu Cơ được diễn ra váo sáng sớm ngày mồng 7 Tết với lễ tế Thành hoàng ở đình. Đội tế là những người con trai rước kiệu từ đình Đức Ông vào đến sân Đền trong khung giờ Thìn (từ 7 đến 9 giờ). Phần bát âm chỉ dùng đàn, sáo, nhị, trống, phách. Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn, trang phục áo dài đội những mâm cỗ chay, ngũ quả, tiền giấy ngũ sắc, trong đó có thứ bánh truyền thống của người dân Hiền Lương, được làm từ gạo nếp ngon và mật ong. Bột gạo nếp và mật ong được nhào thành hình trụ tròn rồi cắt thành 100 cầu bánh, hấp chín, tượng trưng cho 100 người con kính dâng lên Mẫu. Phần rước kiệu và tế nữ quan này nhằm tôn vinh giá trị văn hóa của địa phương, cũng là lòng tôn kính của nhân dân cả nước hướng về tổ tiên.

Phần hội ở đền Mẫu thường tổ chức các trò chơi dân gian, Hát Xoan, thi đấu thể thao; kết hợp với liên hoan văn nghệ quần chúng ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đất nước, truyền thống lao động của nhân dân địa phương.

Đền thờ Mẫu Âu Cơ ở Hạ Hòa từ lâu được sự thành tâm công đức của nhiều tổ chức, cá nhân. Đền được tôn tạo, tu bổ xứng đáng với công ơn và tấm lòng nhân hậu, bao dung của Mẫu. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc tổ chức lễ hội ở đền Mẫu ngày càng đáp ứng được tấm lòng và niềm tin của đồng bào cả nước. Ngày 3-8-1991, đền thờ Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin cấp bằng Di tích Lịch sử- Văn hóa quốc gia.

Chúng ta cũng biết Mẫu Âu Cơ được thờ ở nhiều nơi khác như: Đền thờ Mẫu Âu Cơ ở tỉnh Hòa Bình; Đền thờ Mẫu Âu Cơ ở tỉnh Yên Bái; Đền thờ Mẫu Âu Cơ ở tỉnh Hải Dương…

(Ảnh: TL)

Năm 2001 đền Tổ Mẫu Âu Cơ cũng đã được khởi công xây dựng ở núi ốc Sơn (núi Vặn), cách không xa khu vực Đền Hùng. Đền nằm trên độ cao 553 bập đá Hải Lưu, kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành phi bằng gỗ lim. Diện tích đền chính rộng 137m2. Ở đây, ngoài tượng thờ Mẫu Âu Cơ còn thờ hai vị Lạc Hầu, Lạc Tướng.

Hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra 100 trứng đã trở thành bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí các thế hệ người Việt Nam. Mùa trảy hội chúng ta có thể đến nhiều nơi để tỏ lòng thành kính đối với Mẫu Âu Cơ. Có thể về Đền Hùng, nơi thờ các Vua Hùng, trong đó có người con cả của Mẫu Âu Cơ đã có công dựng nước Văn Lang, tìm hiểu thêm về 18 đời của Vua Hùng và các công chúa Tiên Dung, Mị Nương, Hoàng tử Linh Lang với sự tích bánh chưng. Trong hành trình về nguồn đó, đừng quên về thăm ngôi đền thờ linh thiêng và vẻ đẹp của mảnh đất nơi Mẹ Âu Cơ đã chọn làm một trong những nơi mở mang cơ nghiệp và cũng là nơi Mẹ đã theo đám mây ngũ sắc bay về trời ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Việt Hải

Từ khóa » Hoa Lúa âu Cơ