Đẹn Trăng - Tuổi Trẻ Online

(Lê Trung Hiếu)

- Trả lời của phòng mạch online:

Nói đẹn trăng tức là cứ ngày 30 và rằm (tính theo âm lịch) ở miệng sẽ nổi lên những mụn nước. Sau vài giờ mụn vỡ để lại vết loét, có viền màu đỏ. Bạn ăn thứ gì vào, đặc biệt các món mặn sẽ thấy xót. Mỗi đợt có thể xuất hiện từ 1-3 vết loét, nhưng cũng có thể nhiều hơn, vị trí vết loét thường ở niêm mạc má, miệng, bờ và mặt dưới lưỡi, lợi, sàn miệng, vòm khẩu cái, trụ amidal.

Trường hợp bệnh vừa xuất hiện ở miệng vừa xuất hiện ở cơ quan sinh dục gọi là Aphtes lưỡng cực.

Nhiều tác giả cho rằng đây là viêm miệng do virus có tên gọi là Aphter. Đây là bệnh khá phổ biến, thường nữ giới và tuổi học đường hay bị. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao, chiếm xấp xỉ 20% dân số.

Các nhà miễn dịch học cho rằng những người viêm miệng Aphter thường liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở vùng niêm mạc miệng và lưỡi. Bệnh không thể chữa khỏi hẳn, virus cứ tồn tại ở đó, chờ cơ thể suy yếu thì gây bệnh, bệnh tái phát khi cơ thể suy yếu như bị cảm sốt, tiêu chảy...

Bệnh thường kéo dài 5-7 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn trong trường hợp mãn tính, thể trạng suy kiệt. Tại sao bệnh “ưu tiên” cho phái nữ? Bởi có tác giả cho rằng khi hành kinh, khi rối loạn nội tiết buồng trứng thì virus hoành hành. Bệnh cũng liên quan đến những căng thẳng tâm lý, những người bị stress triền miên rất dễ bị viêm miệng Aphter.

Thuốc uống có thể dùng là vitamin PP, vitamin C, kháng sinh phổ rộng nếu có bội nhiễm, thuốc kháng viêm giảm đau không có corticoit. Trong trường hợp bệnh nặng, lở loét, chảy nước miếng nhiều, không ăn uống được, có thể dùng thuốc có corticoit. Tuy nhiên, cần cẩn thận vì thuốc có nhiều tác dụng phụ.

Trong ngày có thể ngậm mật ong nguyên chất giúp mau lành vết loét. Đông y cho rằng viêm miệng Aphter là trạng thái “nhiệt” nên khuyên dùng thực phẩm mát như bột sắn, rau má, trà xanh uống cũng thấy bệnh giảm nhanh.

Bệnh không liên quan đến thức ăn nên không cần kiêng cữ. Tuy nhiên, cần ăn thức ăn nguội, ít gia vị (tiêu, ớt...) để tránh làm thương tổn trong miệng, gây đau thêm. Nếu đau quá thì trước khi ăn có thể dùng Xylocain 5%, có thể dùng Nitrate bạc cũng làm vết loét mau lành hơn.

Trường hợp của mẹ bạn 3-4 ngày đã xuất hiện vết loét thì nên đến bệnh viện kiểm tra. Đẹn trăng thường chỉ xuất hiện theo chu kỳ mặt trăng. Còn trên cơ thể suy nhược, sức đề kháng kém thì các vết loét mới xuất hiện thường xuyên. Hoặc giả mẹ bạn có bệnh mãn tính gì gây suy giảm miễn dịch nên mới như vậy. Còn ung thư lưỡi thì không thể mọc rồi lặn, nó sẽ to ra dần dần. Bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện vì có thể bà bị nấm candida albicans trên cơ thể suy yếu cũng gây những vết loét. Còn điều gì chưa rõ xin bạn gửi thư tiếp tôi sẽ trả lời.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

Từ khóa » đẹn Trăng ở Lưỡi