Đền Xích Đằng – Đền Quan Lớn Đệ Tam - Du Lịch

Nằm ven đê sông Hồng quanh năm sóng vỗ, ẩn khuất trong những tán cây sum xuê thuộc thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, đền Quan Lớn hay còn gọi là đền Xích Đằng từ lâu đã là điểm đến tâm linh của du khách bốn phương.

Đền Xích Đằng thờ Quan Lớn Đệ Tam, một danh tướng thời vua Hùng Duệ Vương. Theo thần tích “Hùng triều nhất vị thuỷ thần xuất thế sự tích” (sự tích ra đời một vị thuỷ thần triều vua Hùng) chép lại thì Quan Lớn Đệ Tam chính là con của vua cha Bát Hải Long Vương với nàng Quý ( nàng Quý là con nuôi của ông Phạm Túc và bà Trần Thị Ngoạn ở trang An Cố, huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, trấn Sơn Nam xưa).

Thần tích kể rằng: Sau ba năm để tang cha, một hôm nàng Quý ra bờ sông tắm gội, ngâm mình dưới nước, bỗng mặt nước nổi sóng, từ phía xa một con thuồng luồng khổng lồ bơi tới quấn lấy nàng, khiến nàng kinh hoàng ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình nằm bên bờ sông và thuồng luồng đã bỏ đi. Từ hôm đó nàng thấy trong lòng chuyển động và mang thai.

Không chịu được những lời gièm pha khinh thị, nàng đành phải trốn khỏi làng đến xin ngụ cư ở trang Hoa Giám (nay thuộc thôn Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam). Sau một thời gian, nàng sinh ra một bọc là ba con rắn trườn xuống sông.

Vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:

Sinh là tướng, hóa là thần Tiếng thơm còn ở trong dân muôi đời Khi nào giặc dã khắp nơi Bọn ta mới trở thành người thế gian

Vị thần đó chính là Phạm Vĩnh, thần tướng có công giúp vua Hùng đánh giặc, được vua phong là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần”. Theo thần tích thì sau khi thắng trận, ông tự hóa về trời và được vua phong “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần”, đồng thời đặt lệ quốc lễ.

Theo truyền thuyết người dân kể lại thì trong một trận đánh, ông đã bị chết trận, xác ông bị chém làm đôi rồi ném trôi sông, phần đầu trôi dạt vào bãi sông thuộc làng Xích Đằng ( phường Lam Sơn, Thành phố Hưng Yên), dân làng đã lập đền thờ tưởng nhớ ông. Còn phần thân dạt vào ven sông thuộc thôn Yên Lạc ( xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), cũng được dân làng chôn cất và lập đền thờ tưởng nhớ, đó là đền Lảnh Giang. Nhưng đền Quan Lớn vẫn là đền chính thu hút rất đông du khách trong nước cũng như khách quốc tế.

Toàn bộ ngôi đền được xây dựng trên một nền đất rộng, kiến trúc nếp nhà cao, thoáng tăng thêm vẻ hoành tráng cho ngôi đền.

Qua Tam quan được xây dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái là một khoảng sân hẹp có đặt đôi rùa đá và đôi nghê đá ngày đêm canh gác cho sự uy linh của ngôi đền.

Cung thứ nhất là ban công đồng các quan, tiếp đến là cung Tam tòa Thánh mẫu, cung thứ ba thờ Quan Lớn Đệ Tam, cuối cùng là cung cấm đặt tượng của Ngài được đúc bằng đồng. Ngoài các ban thờ chính còn có các ban thờ khác: Ban chúa Sơn Trang, ban Vương ông nhà Trần, ban thờ ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy…

Trong đền có rất nhiều hiện vật giá trị: Hai quả chuông đồng, hệ thống các bức đại tự, câu đối được sơn son thiếp vàng ca ngợi công đức của Ngài với dân với nước. Trong khuôn viên ngôi đền còn có cây cổ thụ là sự hợp thân, quấn quýt lấy nhau của năm loại cây: Đa, Sung, Khế, Cọ, cây lá nón bao trùm lên mái ngôi đền, tỏa bóng râm mát.

Gần như các ngày trong năm ngôi đền đều đón rất đông các du khách và chư vị thập phương về tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi đền cũng như cầu mong tất cả mọi điều tốt đẹp cho gia đình.

Vào dịp đầu năm hay tháng lễ hội ( tháng 6 Âm lịch), nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc đều về làm lễ, công đức rất đông, từ các vị nguyên thủ quốc gia, các vị quan chức cấp cao của nhà nước, các Việt kiều từ Úc, Canada…cũng đến với ngôi đền bới nơi đây từ lâu đã là chốn tâm linh của người Việt. Ngày 24 tháng 6 Âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ tới công lao giết giặc của Ngài.

Nguồn: Đền thờ Quan lớn Đệ Tam

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » đền đệ Tam