Dẹp Thói Khệnh Khạng - Báo Người Lao động

Sau đó, khi phóng viên hỏi tiếp, vị này nói mấy câu rồi lại quay mặt, bước đi. Hình ảnh này khiến nhiều khán giả tỏ ra bất bình, khó có thể tin đây là cách ứng xử của một cán bộ có trách nhiệm. Ông ta có thể không trả lời nếu câu hỏi đó quá khó hoặc ngoài thẩm quyền. Song, ông ta phải cho công luận biết là “tôi từ chối trả lời câu hỏi này” chứ không phải là vẻ mặt khinh khỉnh, quay mặt đi khi nhà báo đang hỏi mình một cách điềm đạm, đúng tác phong báo chí. Khán giả tự hỏi rằng với nhà báo của đài truyền hình quốc gia, ông ấy còn có thái độ như thế, với dân thì ứng xử ra sao?

Nhiều người nhớ lại vào năm trước, báo chí cũng phản ánh việc cán bộ văn phòng một đơn vị chức năng của một bộ có hành vi, thái độ ứng xử bất lịch sự, coi thường khi phóng viên đến làm việc tại cơ quan này. Theo nhà báo H.Q,H, khi vào, cán bộ văn phòng ngồi gác chân lên bàn, hất hàm hỏi: “Đến có việc gì?”. Sau khi phóng viên trình bày lý do, xuất trình giấy giới thiệu thì cán bộ này lạnh lùng: “Gặp văn thư ghi lại nội dung làm việc, nộp lại giấy tờ để chờ bố trí làm việc sau”. Phóng viên ghi nội dung cần làm việc, gửi lại giấy giới thiệu nhưng hơn một tuần sau mới có người gọi lại thông báo: “Vấn đề phóng viên đề cập, đơn vị không nắm được gì, không cần phải làm việc”.

Chưa biết đúng sai đến đâu, có thể nhà báo có hành vi gì đó làm mất lòng các vị cán bộ nhưng chắc chắn cách hành xử như trên đều không đẹp, không đáng mặt chức sắc. Còn khá nhiều sự việc liên quan đến hành vi, ứng xử của cán bộ, công chức một số địa phương, như thanh tra giao thông Hà Nội hành hung nhân viên sân bay; cán bộ kiểm lâm huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đánh nhân viên trạm thu phí trên Quốc lộ 6 hay mới đây là cán bộ một trung tâm của Sở Ngoại vụ Hà Nội đánh một người già 76 tuổi trên phố… Những việc này khiến dư luận xã hội bất bình, cơ quan quản lý cán bộ, công chức phải xử lý bằng các hình thức kỷ luật tương xứng song cũng có những vụ xử lý nương tay hoặc để “chìm xuồng”…

Trong đời sống thường ngày, mỗi người có một tính cách song ứng xử xã hội đòi hỏi có những quy tắc, chuẩn mực văn hóa. Nhất là với cán bộ, công chức thì không thể chấp nhận những hành vi giao tiếp lệch chuẩn, làm xấu đi hình ảnh trong mắt dân, trong khi họ là đối tượng phải gương mẫu trong ứng xử văn minh, là nòng cốt để lan tỏa những giá trị tốt trong cộng đồng. Hơn ai hết, cán bộ, công chức phải nắm rõ về đạo đức công vụ, hiểu biết luật pháp. Những câu chuyện, hình ảnh nêu trên cho thấy có điều không ổn, làm người đọc, người xem có cảm giác buồn lòng, vơi bớt niềm tin nếu thông tin liên quan phản ánh hiện tượng tiêu cực trong xã hội hay chất lượng sống, môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng…

Đất nước sẽ phát triển nhanh hơn khi có bộ máy cán bộ, công chức vừa hồng vừa chuyên, giỏi nghiệp vụ, đầy tâm huyết, luôn tôn trọng dân và hết lòng phục vụ dân. Muốn điều đó thành hiện thực, trong bộ máy này phải không có chỗ cho những kẻ quen thói khệnh khạng, coi thường người dân.

Từ khóa » Khệnh Khạng